• Nghệ thuật > Mỹ thuật, kiến trúc

Ảnh hưởng kiến trúc Pháp với nghệ thuật trang trí trên các công trình kiến trúc phong cách Đông Dương tại Hà Nội

Việt Nam và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của nền văn hóa Pháp. Gần một thế kỷ, sự hiện diện của người Pháp ở Việt Nam (1858-1954) đã mang lại ảnh hưởng lớn tới kiến trúc Việt Nam. Quá trình đó thể hiện phần nào sự giao thoa của 2 nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Sự ảnh hưởng của kiến trúc Pháp vào Việt Nam đã làm xuất hiện các phong cách kiến trúc khác nhau với nhiều đặc điểm nổi bật, trong đó có phong cách kiến trúc Đông Dương. Trong quá trình hình thành và phát triển, phong cách kiến trúc tại Hà Nội mang dấu ấn rõ nét kiểu kiến trúc Pháp với nhiều yếu tố như: tổ chức không gian, kỹ thuật, vật liệu xây dựng và hình thái biểu hiện... Bài viết chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất của kiến trúc cổ điển Pháp tại Hà Nội để thấy được sự xuất hiện của phong cách kiến trúc Đông Dương là sản phẩm đặc sắc bởi sự kết hợp tài tình giữa kiến trúc phương Tây và văn hóa bản địa.

Đặc điểm tạo hình mỹ thuật trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn

Nghệ thuật tạo hình trang phục truyền thống của mỗi tộc người Việt Nam đều mang những điểm nổi bật riêng, để phân biệt trang phục với các dân tộc khác, dựa trên cách biểu hiện ở các yếu tố tạo hình như: bố cục, hình mảng, đường nét, màu sắc, hoa văn trang trí… Bài viết dựa trên nguyên lý tạo hình để xác định những đặc điểm mỹ thuật không thể lẫn ở trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn, một kiểu trang phục được các nhà nghiên cứu đánh giá có giá trị thẩm mỹ cao trong lối tạo hình không giống với các tộc người khác. Từ đó, lý giải phần nào những giá trị nghệ thuật tạo hình trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn để nhận diện, bảo tồn và phát huy đúng giá trị trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay.

Nhân tố cơ bản hình thành yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1975-2015

Yếu tố trang trí hiện diện ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó, nghệ thuật hội họa có mối quan hệ gắn bó mật thiết và quan trọng. Với tranh lụa Việt Nam hiện đại, yếu tố trang trí là một thủ pháp nghệ thuật được thể hiện trong nhiều tác phẩm nối dài qua nhiều giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn 1975-2015.

Hình tượng phụ nữ trong tranh họa sĩ Tô Ngọc Vân

Hình tượng người phụ nữ luôn là tâm điểm của giới họa sĩ khi nghiên cứu về cái đẹp. Họ là phái đẹp ẩn chứa cả bên trong và bên ngoài về hình thể cũng như tâm hồn. Có nhiều họa sĩ Việt Nam đã vẽ về hình tượng người phụ nữ như: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân… mỗi họa sĩ khai thác vẻ đẹp người phụ nữ với các góc độ khác nhau, điều này đã tạo nên sự đa dạng trong tác phẩm hội họa. Để khai thác hết vẻ đẹp hình tượng của người phụ nữ trong tranh, có lẽ phải kể đến họa sĩ Tô Ngọc Vân. Bằng tài năng và kỹ thuật làm chủ chất liệu sơn dầu, ông đã để lại nhiều tác phẩm đẹp về hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua những giai đoạn khác nhau.

Hình tượng chim phượng hoàng trên áo bào của Triều Nguyễn đầu thế kỷ XX

Hình tượng chim phượng hoàng trong bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam được đại diện cho sự vương quyền, đặc biệt, trên phục lễ của hoàng thái hậu, hoàng hậu dưới triều Nguyễn (1802-1945). Ngoài ra, hình tượng chim thấy xuất hiện trên trang trí các di vật cổ, vật dụng, trang trí nội thất ở một số công trình kiến trúc và lưu truyền đến tận ngày nay. Bài viết tập trung nghiên cứu hình tượng chim phượng trên áo phượng bào của các hoàng thái hậu, hoàng hậu triều Nguyễn dưới góc độ mỹ thuật và văn hóa trên nền tảng những tác phẩm có giá trị lịch sử ở một giai đoạn văn hóa truyền thống, thể hiện tính biểu tượng quyền lực điển hình nhất của một thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Hình thức thể hiện của yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016

Nghệ thuật trang trí bao gồm phạm vi rộng trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nội/ ngoại thất, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng… Nghệ thuật vẽ tranh lụa kết hợp sử dụng yếu tố trang trí hiện rất đắc dụng. Hệ thống tư liệu và thực tiễn cho thấy, biểu hiện của yếu tố trang trí trong tranh lụa Việt Nam giai đoạn 1986-2016 khá rõ nét, có thể nhận diện ở hình thức tác phẩm thông qua các yếu tố tạo hình. Sự xuất hiện các yếu tố trang trí trên bề mặt tranh lụa Việt Nam giai đoạn này góp phần khẳng định đặc điểm, giá trị nghệ thuật riêng biệt cho tranh lụa. Bài viết nghiên cứu và phân tích rõ vấn đề thông qua một số tác phẩm tranh lụa tiêu biểu để từ đó làm rõ yếu tố trang trí là vấn đề làm nổi trội hình thức và đem lại hiệu quả giá trị biểu đạt thẩm mỹ cho các tác phẩm lụa trong giai đoạn này

Đổi mới sáng tác mỹ thuật Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập

Sáng tác nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng luôn luôn cần đổi mới, đổi mới từ trong tư duy sáng tác đến hình thức thể hiện tác phẩm, sao cho mỗi tác phẩm của mỗi tác giả đều mang một nét riêng biệt và khẳng định được cái tôi trong sáng tác. Mỹ thuật Quảng Ninh trong thời kỳ hội nhập với các nền mỹ thuật lớn từ trong nước đến quốc tế, cùng với kỷ nguyên công nghệ số 4.0, các nghệ sĩ đã được mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận với người yêu thích mỹ thuật trong và ngoài nước. Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập, các tác phẩm mỹ thuật đã đến được với công chúng một cách dễ dàng hơn, nó cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức hơn đối với mỗi nghệ sĩ, đổi mới sao cho vẫn giữ được cái tôi trong sáng tác, cái tôi riêng biệt, cái tôi nhân văn và dân tộc trong tác phẩm của chính mình.

Giải pháp bảo tồn nghệ thuật tượng lăng mộ thế kỷ XVII-XVIII ở Bắc Bộ hiện nay

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật đang là vấn đề cấp bách gắn liền với thực tiễn phát triển ở Việt Nam. Việc tìm kiếm những giải pháp phù hợp hơn trong công tác bảo tồn, phục dựng các loại hình di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật lăng mộ, tượng lăng mộ nói riêng đang đặt ra nhiều thách thức. Một số đề án, công trình khoa học ở các cấp hình thành với mục đích kiếm tìm những ý tưởng mới phù hợp hơn trong công tác đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị trong tình hình hiện nay là điều tất yếu. Đặc biệt, đối với nghệ thuật tượng lăng mộ có niên đại TK XVII-XVIII ở Bắc Bộ đang có nhiều dấu hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khảo cứu, đánh giá đúng thực trạng là giải pháp đầu tiên trước khi có những giải pháp hữu hiệu khác trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của đối tượng đặc thù này.

Hình tượng trẻ em trong hội họa Việt Nam giai đoạn sau đổi mới với những vấn đề phản biện xã hội

Hình tượng trẻ em trong mỹ thuật Việt Nam nói chung và hội họa nói riêng thường thể hiện vẻ hồn nhiên, trong sáng gắn với những chủ đề tuổi thơ, ký ức, gia đình... Qua đó cho thấy, trẻ em luôn được nâng niu, chăm sóc, bao bọc và trở thành nhân tố kết nối mọi thành viên trong gia đình, cộng đồng. Từ sau giai đoạn đổi mới (năm 1986) đến nay, cùng với sự thay đổi, phát triển của xã hội, bên cạnh lối thể hiện quen thuộc, cách nhìn về trẻ em đa chiều hơn, mạnh dạn đi vào những nội dung mang tính phản biện mọi mặt còn hạn chế của đời sống

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tượng lăng mộ ở Lăng Quận Vân (Hà Nội)

Nghệ thuật là một trong những sản phẩm đặc thù điển hình của mỗi nền văn hóa quốc gia, là kết quả của sự sáng tạo từ người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm trong quan niệm ở mỗi thời kỳ lịch sử. Tác phẩm nghệ thuật, có thể là vật chất hoặc phi vật chất và mang những giá trị lớn về tinh thần, tư tưởng, cảm xúc tới người thưởng thức nghệ thuật; từ những giá trị nghệ thuật đó, trên nền tảng lịch sử và văn hóa quốc gia, quần thể nghệ thuật tượng lăng mộ ở lăng Quận Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội như một sự đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật kiến tạo tượng lăng mộ của những năm cuối TK XVII, đầu TK XVIII ở Việt Nam. Bài viết đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật của khu lăng mộ Quận Vân nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa và nghệ thuật tích cực vào thực tiễn

Giá trị nghệ thuật từ các tác phẩm tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tranh lụa hiện đại Việt Nam lần đầu được thế giới biết đến vào đầu những năm 1930, qua các tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Tiếp đó, những năm 1930-1945, có thể coi là thời kỳ hoàng kim của tranh lụa, bởi hầu hết, các họa sĩ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương đều từng thử nghiệm. Ở các giai đoạn lịch sử, cùng với nhiều chất liệu tạo hình khác, tranh lụa là một phần không thể tách rời dòng chảy lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn đồng hành và kịp thời lưu giữ những tác phẩm tranh lụa đặc sắc, tiêu biểu nhất của nhiều thế hệ họa sĩ để có được bộ sưu tập tranh lụa ngày một đầy đặn và chất lượng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi tranh lụa có dấu hiệu hồi sinh tích cực, Bảo tàng đã kịp thời nghiên cứu, chọn lọc sưu tầm nhiều tác phẩm mới với chất lượng cao, phong cách và ngôn ngữ tạo hình phong phú.

Tính trừu tượng trong các tác phẩm Composition của họa sĩ Wassily Kandinsky

Wassily Kandinsky (1866-1944) là một họa sĩ và cũng là nhà lý luận nghệ thuật của Nga. Ông là một trong những họa sĩ tiên phong trên con đường nghiên cứu về khái niệm trừu tượng vào những năm đầu TK XX. Những tác phẩm có sức ảnh hưởng và tham vọng nhất của ông chính là 10 bức tranh có tên Bố cục (Composition) (1). Mỗi bức họa phi thường này, cùng với bản phác thảo của chúng, đều đào sâu vào cách sử dụng màu sắc đầy cuốn hút. Kandinsky đã vẽ hàng trăm bức họa và cả tranh in trong gần 50 năm hội họa của mình, nhưng chỉ có mười tác phẩm là được ông đặt tên là Composition.