Đổi mới sáng tạo trong các hoạt động tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thành lập năm 1966, nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia tại Việt Nam, và đã trải qua hơn nửa thế kỷ phát triển song hành với những đổi thay của xã hội, lịch sử. Trước xu thế hội nhập toàn cầu cũng như sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới, chuyển mình, thể hiện rõ nét qua việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyên môn.

Trước hết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng những sản phẩm công nghệ góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách tham quan.

Hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện giới thiệu gần 2.000 tác phẩm mỹ thuật thuộc nhiều thể loại và chất liệu, với niên đại trải dài từ thời tiền sơ sử cho đến ngày nay. Trong không gian trưng bày hạn chế, trước đây, thông tin từng hiện vật vốn chỉ hết sức cơ bản gồm tên tác phẩm, năm sáng tác, tên tác giả, chất liệu. Công chúng vì thế gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và cảm nhận tác phẩm. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA ra đời năm 2021 đã khắc phục hạn chế đó. Đây là kết quả của dự án xã hội hóa, trong đó Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phụ trách xây dựng nội dung còn phía đối tác chịu trách nhiệm về toàn bộ công nghệ. Dự án này cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Với 8 ngôn ngữ phổ biến, iMuseum VFA cung cấp những bài thuyết minh cô đọng về 165 hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng, giúp công chúng cả trong nước lẫn quốc tế có thể tiếp cận thông tin. Đặc biệt, ứng dụng hỗ trợ trên cả hai hệ điều hành Android và iOS, do đó gần như tất cả mọi người ở bất kỳ đâu cũng đều dễ dàng sử dụng. Bên cạnh đó, công nghệ định vị iBeacon của iMuseum cũng giúp du khách khi tham quan trực tiếp tại Bảo tàng có thể biết được những khu vực trưng bày đã, đang và chưa đi qua, cũng như tìm kiếm vị trí của những hiện vật mình muốn xem trên tổng thể sơ đồ tham quan tại đây. Có thể nói, so với phần đa ứng dụng thuyết minh tự động tại các đơn vị khác, iMuseum VFA thực sự sở hữu những tính năng vượt trội, đáp ứng những nhu cầu thực tế của khách tham quan. Chính vì vậy, lượng bán vé của iMuseum VFA vẫn đều đặn duy trì tỷ lệ tương ứng 10% trên tổng số vé tham quan, đồng thời, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng vinh dự được trao giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc của Bộ Thông tin, Truyền thông năm 2021.

Một sản phẩm công nghệ nổi bật khác của Bảo tàng được nghiên cứu và ra mắt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát là triển lãm trực tuyến. Số liệu báo cáo của UNESCO cho thấy, trên thế giới, không gian triển lãm số là phương thức quảng bá phổ biến nhất của các bảo tàng (khoảng 70%) trong giai đoạn dịch bệnh. Hiểu rõ điều này, ngay từ giai đoạn đầu giãn cách, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chủ động, tích cực bắt tay xây dựng triển lãm số, với hai hình thức là không gian triển lãm 3D của hệ thống trưng bày thường xuyên, và triển lãm ảo về Tranh Sơn mài Việt Nam do Bảo tàng phối hợp với Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao). Đó là sáng kiến và nỗ lực của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh người dân, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới, không thể ra đường và bị hạn chế mọi hoạt động xã hội. Lúc này, việc cung cấp một phương thức trải nghiệm, tham quan mới có thể thực hiện ngay tại nhà không chỉ tạo thêm hoạt động giải trí, học tập mới cho mọi người, mà còn giúp duy trì liên tục sự gắn kết giữa Bảo tàng với công chúng, cũng như lan tỏa hình ảnh của Bảo tàng tới rộng khắp công chúng trong nước cũng như quốc tế. Không chỉ phát huy giá trị trong giai đoạn giãn cách, những nền tảng triển lãm số này còn là kho lưu trữ cũng như nguồn tư liệu mỹ thuật quý báu, phục vụ cho công tác nghiên cứu trong tương lai. Chính vì thế, lượng truy cập các triển lãm trực tuyến trên vẫn duy trì đều đặn từ khi ra mắt đến nay. Như triển lãm ảo Tranh Sơn mài Việt Nam hiện đã đạt hơn 45.000 lượt truy cập và vẫn còn tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng mạnh dạn đổi mới cách thức truyền thông quảng bá thông qua việc tích cực tận dụng các nền tảng mạng xã hội.

 Kênh truyền thông đầu tiên của Bảo tàng trong những ngày đầu thành lập đội truyền thông là trang web tại địa chỉ vnfam.vn. Đây cũng là kênh truyền thông chủ đạo của Bảo tàng suốt thời gian dài kể từ năm 2012, cho đến khi trang fanpage của Bảo tàng được lập ra 4 năm sau đó. Tuy vậy, điểm chung của hai kênh này lúc bấy giờ là sử dụng ngôn ngữ khá khuôn mẫu, yếu tố kích thích thị giác còn rất hạn chế. Truyền thông nói chung và truyền thông số nói riêng trong lĩnh vực bảo tàng giai đoạn này vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò của mình. Trong khi đó, nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình mỗi người sử dụng Internet khoảng 7 tiếng/ ngày. Con số này ở một số khu vực còn có thể lên đến hơn 10 tiếng (như ở Nam Phi, Philippines hay Brazil). Có thể thấy, công chúng dành rất nhiều thời gian sử dụng Internet và mạng xã hội, nơi mọi khoảng cách về địa lý và thời gian gần như đã bị loại bỏ. Chính vì vậy, đây chính là cầu nối hữu hiệu để gần hơn và nhanh hơn tới công chúng ở khắp mọi nơi.

Năm 2021, Phòng Truyền thông, Đối ngoại chính thức được thành lập với những cán bộ chuyên trách về truyền thông và hình ảnh, cùng những thay đổi đáng kể trong cách thức truyền thông của Bảo tàng. Cụ thể, ngôn ngữ các bài đăng và cách thức giao tiếp công chúng trở nên trẻ trung, nhẹ nhàng hơn, phần hình ảnh video cũng được chú trọng, trau chuốt bắt mắt, hấp dẫn. Hình ảnh Bảo tàng trong mắt công chúng giờ không còn là “ngôi đền thiêng” xa lạ lưu giữ những di sản nghệ thuật của đất nước, ngược lại, là địa điểm quen thuộc, gần gũi, với đa dạng các hoạt động nghệ thuật thu hút, sống động. Kết quả là, các chỉ số tiếp cận và tương tác nhờ đó đã cải thiện mạnh mẽ. Với hơn 25.000 lượt theo dõi trang, trung bình mỗi bài đăng trên fanpage Bảo tàng duy trì trên dưới 100 lượt tương tác và bình luận. Giai đoạn 2021-2023 cũng chứng kiến sự thay đổi cơ cấu rõ rệt khách tham quan bảo tàng, khi lượng người trẻ đến Bảo tàng ngày càng đông, trung bình chiếm đến 40% tổng lượng khách tham quan.

Những nỗ lực trên không chỉ đem lại hiệu quả tích cực mà còn cả những kinh nghiệm thực tiễn giá trị đối với công tác vận hành hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bảo tàng xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

Trước hết, bài toán đổi mới trong bối cảnh công nghệ hiện nay không thể giải quyết một cách đơn độc bởi các đơn vị văn hóa nhà nước, mà đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Đó là những chính sách ban hành cập nhật kịp thời với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu hợp tác, là sự hỗ trợ về mặt công nghệ, nhân lực kỹ thuật cũng như tài chính từ các đối tác công nghệ, song song với đó là tính tích cực và chủ động của các đơn vị bảo tàng trong nỗ lực chuyển đổi số để chuyển mình. Trong đó, cơ chế phối hợp các bên cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, hài hòa cả về mặt lợi ích lẫn trách nhiệm. Trong giai đoạn đầu đặt nền móng cho ứng dụng iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc lựa chọn đối tác phù hợp, gắn bó lâu dài, cũng như xác định cơ chế hợp tác, bởi vẫn thời điểm đó chưa có quy định cụ thể về hợp tác công - tư, cũng như cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa. Mô hình hợp tác “win - win” giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Công ty cổ phần phần mềm ứng dụng di động Việt Nam VINMAS là chưa từng có tiền lệ, được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở bình đẳng đôi bên cùng có lợi. Trong đó, Bảo tàng và đối tác cùng đồng hành thực hiện dự án từ những bước đi đầu tiên: từ xây dựng đề án, phê duyệt đến triển khai thực hiện. Với nguồn kinh phí đầu tư của đối tác, Bảo tàng xây dựng nội dung, đối tác xây dựng nền tảng công nghệ; Bảo tàng cung cấp địa điểm, đối tác lo nhân sự thực hiện dịch vụ; Bảo tàng và đối tác cùng truyền thông, quảng bá cho sản phẩm, v.v…, và điều quan trọng là đôi bên cùng chia sẻ lợi ích thu được từ sản phẩm công nghệ.

Thứ hai, bảo tàng không thể tự đổi mới, các hoạt động công nghệ chuyển đổi số không thể tự triển khai bởi những cán bộ còn nặng tư duy cũ, lạc hậu, không chịu làm mới mình. Nói cách khác, công cuộc đổi mới cần bắt đầu từ việc đào tạo, giáo dục nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng nhân sự trẻ - những người có khả năng cập nhật, nắm bắt, tiếp thu nhanh chóng, cũng như năng lực tư duy và sáng tạo mạnh. Quá trình đổi mới chắc chắn không thể diễn ra trong vài ngày mà đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Do đó, chính những cán bộ nguồn này sẽ là những người đồng hành đắc lực cùng Bảo tàng trên hành trình dài hơi đó.

Cuối cùng, mức vé vào cửa của Bảo tàng cần được đổi mới, thay đổi cho phù hợp với tính chất, khả năng và vị thế của các đơn vị bảo tàng, di tích, thay vì áp một khung chung cho toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương. Trên thế giới cũng như trong khu vực, vé vào cửa của các bảo tàng quốc gia không hề thấp, như Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ (The MET) là 30 USD (khoảng 750.000 đồng), Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Nhật Bản tại Tokyo là 1.000 Yên (khoảng 200.000 đồng), Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia là 20 đô Sing (khoảng 350.000 đồng). Trong khi đó ở Việt Nam, các đơn vị bảo tàng di tích nhà nước, vé vào cửa chỉ dao động từ 30.000 đồng - 40.000 đồng. Ngược lại, vé vào các điểm tham quan di tích ngoài công lập lại cao gấp 3-4 lần, như Việt Phủ Thành Chương là 150.000 đồng, Không gian ký ức Lê Bá Đảng ở Huế là 150.000 đồng, hay Bảo tàng gốm Bát Tràng là 100.000 đồng để tham quan toàn bộ các phần trưng bày… Thực tế, giá vé thấp chưa bao giờ là biện pháp kích cầu khách hiệu quả. Nếu không sáng tạo, đổi mới với nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm thú vị, thì dù miễn phí cũng không thể thu hút công chúng. Chưa kể, mức giá vé thấp, chỉ tương đương cốc nước… ngoài quán thậm chí có thể tạo tác dụng ngược, bởi tâm lý chung của nhiều người vẫn cho rằng giá cả tương xứng chất lượng, tiền nào của nấy.

Như đã nói, vấn đề đổi mới không phải chuyện một sớm một chiều, càng không phải là câu chuyện thay cái này, đổi cái kia, mà nó là sự thay đổi một cách toàn diện và khoa học. Nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay, mọi thứ cập nhật liên tục từng phút, từng giây, đổi mới do đó cần được thực hiện liên tục, ở nhiều cấp độ, nhằm duy trì tính cập nhật, đúng đắn và phù hợp. Cùng với đó là sự cấp thiết của việc xây dựng và hoàn thiện chính sách và những quy định pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý giúp các đơn vị dễ dàng triển khai một cách hiệu quả và bền vững. Về phần mình, với những sản phẩm đã xây dựng trong thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng, và nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng cũng như phát huy tối đa giá trị những di sản nghệ thuật mà Bảo tàng đang nắm giữ. Mong rằng những chia sẻ của chúng tôi về một số kinh nghiệm đổi mới, sáng tạo của Bảo tàng có thể phần nào giúp các đơn vị bạn những thông tin hữu ích, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Bảo tàng nước ta.

 

TS. NGUYỄN ANH MINH

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 

-----------------------

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 –Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

 

 

;