Tìm hiểu kiến trúc ngôi Chính điện chùa Khmer ở Nam Bộ

Tóm tắt: Bất kỳ một ngôi chùa nào cũng phải đáp ứng ba yêu cầu của Phật giáo: thờ Phật, thuyết pháp, tọa thiền. Về mặt kiến trúc phải có Phật điện, tiền đường, Tăng phòng. Đó là quy định, là nguyên tắc của một ngôi chùa cần phải thực hiện. Trong đó Chính điện (điện thờ Phật) hay còn gọi là Chánh điện - công trình quan trọng bậc nhất, vì đây là nơi trang trọng thờ phụng đức Phật, nơi dành cho các nhà sư hành lễ, thực hiện mọi nghi thức phật sự. Tùy khả năng tài chính, môi trường, truyền thống văn hóa... mỗi dân tộc đi theo đạo Phật, mỗi hệ phái Phật giáo có thể sẽ xây dựng ngôi Chính điện cho chùa của mình. Đối với chính điện của chùa Khmer ở Nam Bộ cũng vậy, luôn được chú tâm đầu tư nhiều nhất, từ lúc thiết kế, khởi công xây dựng, đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng, nó luôn được thực hiện một cách quy mô, hoành tráng. Do đó, công trình này luôn nổi bật trong tổng thể kiến trúc chùa Khmer.

Từ khóa: chùa Khmer, Chính điện, điện thờ Phật, kiến trúc.

Abstract: Every pagoda must fulfill three requirements of Buddhism: worshiping the Buddha, preaching the Dharma, and practicing meditation. Architecturally, it must have a Buddha Hall, an antechamber, and monks’ quarters. These are the regulations and principles that a pagoda must adhere to. Among these, the Main Hall (Buddha worship hall) is the most important structure, as it is the solemn place for worshiping the Buddha and where monks perform ceremonies and carry out all Buddhist rituals. Depending on financial capacity, environment, cultural traditions, etc., each Buddhist nation and each Buddhist sect may construct the main hall of their pagoda differently. Similarly, the main hall of Khmer pagodas in the Southern region of Vietnam always receives the most attention and investment, from the design and construction phases to completion and use. It is always carried out on a grand scale. Therefore, this structure always stands out in the overall architecture of Khmer pagodas.

Keywords: Khmer pagoda, Main Hall, Buddha worship hall, architecture.

Bên trong nội thất Chính điện chùa Som-rong-ek Trà Vinh - Ảnh: tác giả cung cấp

Chính điện là tòa nhà quan trọng, dùng làm nơi thờ phụng đức Phật, nơi dành cho các nhà sư hành lễ, do đó nó thường được bố trí ngay trung tâm khuôn viên chùa (pha-chách = rốn) và thường trên cấp nền cao ráo, nhằm làm nổi bật vẻ đẹp lộng lẫy. Nơi đây được các nghệ nhân tập trung đầu tư nhiều nhất so với các công trình kiến trúc khác trong chùa.

Qua khảo sát các ngôi chùa Khmer chúng tôi thấy, hầu hết các tòa Chính điện được dựng trên ba cấp nền cao ráo, theo trục Đông - Tây. Mỗi cấp nền có chiều cao ít nhất 1m và chiếm một diện tích khá lớn theo dạng hình chữ nhật. Xung quanh ngôi Chính điện đa số có xây thêm hàng rào. Để đi lên Chính điện người ta phải xây các bậc tam cấp rộng ở bốn hướng tương ứng với bốn mặt của Chính điện. Về “nguyên tắc”, chiều dài của ngôi Chính điện bao giờ cũng gấp đôi chiều ngang và mặt chính luôn quay về hướng Đông. Như chúng ta biết, người Kinh coi hướng Tây là hướng hợp với quy luật âm dương đối đãi. Song, ở người Khmer thường nghĩ đó là nơi đất Phật, vì thế mà đức Phật thường ngồi để nhìn về hướng Đông, tức hướng Phật nhìn tới chúng sinh ở phương Đông để giáo hóa và ban ân huệ. Trong quan niệm của người Khmer cũng như nhiều cư dân phương Đông khác cho rằng, hướng Đông là hướng của Thánh Thần, mang sinh khí và sự thiêng liêng. Vì thế trong kiến trúc của người Kinh ở phía Bắc thường xây theo lối ngang, mở cửa trước, nên nếu quay hướng Đông, ánh sáng sẽ rọi vào bàn thờ làm “hồn” thần bị tán. Còn ngôi chùa người Khmer lại xây theo lối dọc, tuy nhìn về hướng Đông nhưng không có cửa ở giữa, mà mở lệch về hai bên, nên ánh sáng ban mai không thể chiếu thẳng bàn thờ, vì thế vẫn thu được sinh khí của thần thánh.

Tuy nhiên, Phu-sô-chia cho rằng, trong lần thiền định đi tới giác ngộ, ban đầu Đức Phật ngồi quay mặt sang hướng Tây, nhưng thấy tâm không tịnh; sau đó ngài quay mặt sang các hướng Nam, Bắc cũng thấy không có thành tựu gì. Chỉ khi ngài ngồi quay mặt sang hướng Đông, lúc đó tâm mới tịnh và ổn định để sau cùng được giác ngộ thành Phật (1). Ở điểm này ngôi Chính điện của chùa Khmer cũng rất khác các Vihea của chùa Lào và Thái Lan. Các Vihea chùa Lào và Thái Lan thường mở cửa ngay chính giữa và chỉ một cửa duy nhất.

Trong đa số các ngôi Chính điện chúng tôi khảo sát cho thấy, từ nền móng lên đến đỉnh chóp, từ ngoài vào trong của từng bộ phận cột, vì kèo, bộ mái… của ngôi Chính điện và kể cả các loại hoa văn trang trí đều được làm từ chất liệu gạch, xi măng, cốt thép một cách kiên cố. Có rất ít những ngôi Chính điện còn giữ được kiểu kiến trúc gỗ xưa. Kết cấu của các ngôi Chính điện chùa Khmer trông chắc chắn, vững trải, bởi với sự xuất hiện dày đặc của hàng cột to cao trên dưới 10m bao quanh, cũng như hàng cột bên trong Chính điện cũng đủ cho ta thấy về sự bề thế của công trình. Và lẽ tất yếu người ta phải xây cột dày như thế, mới chống đỡ được bộ mái nhiều tầng nặng nề và đồ sộ. Mỗi ngôi Chính điện đều có hành lang bao quanh rộng khoảng trên 1m.

Theo lối kết cấu truyền thống, thì ngôi Chính điện thường có 4 cửa chính, 2 cửa ở mặt trước (hướng Đông) và 2 cửa mặt sau (hướng Tây). Hai vách bên có ít nhất 5 cửa sổ mỗi bên. Mặc dù các cửa sổ này đều khá rộng, nhưng nhìn tổng thể so với chiều cao của Chính điện, chúng ta thấy nó không thật sự tương xứng. Vì thế, để tạo dáng hài hòa, các nghệ nhân thường phải đắp thêm hoa văn trang trí trên mi cửa sổ và các cửa chính mà người Khmer gọi là “Sum-bong-uôch” cao khoảng trên dưới 1m, rồi kẻ chỉ (đường diềm bao quanh). Phần hoa văn trang trí trên Sum-bong-uôch này thường theo mô típ của hình tam giác cân (tính từ mi cửa trở lên). Đặc điểm này đã tạo cảm giác làm cho các cửa sổ và cửa chính của ngôi Chính điện lớn hẳn ra. Hình ảnh được trang trí trong phần tam giác này phần lớn là hình ảnh nữ thần Tê-vô-đa bán thân, chắp tay trước ngực, ngự trên đài sen, còn gọi là Tếp-pro-nom. Tuy nhiên, cũng có những chùa, các nghệ nhân sử dụng hình tượng Rea-hu cách điệu thay cho Tế-pro-nom hoặc hình ảnh của 3 quyển sách Tam tạng kinh đặt trên chiếc khay. Bao quanh nó là các dạng hoa văn Phnhi-vo hoặc hoa văn Angko.

Tiếp giáp giữa các đầu cột với mái, đặc biệt ở 4 cây cột góc, người ta thường gắn hình tượng Krud, trong tư thế đứng dang đôi tay đỡ lấy mái nhà. Các cây cột còn lại được gắn hình tượng chim thần Ken-no (mặt người, mình chim). Nhiều nghệ nhân Khmer giải thích rằng, trong kiến trúc Chính điện, thì sức nặng của tổng thể công trình thường đổ dồn về bốn góc. Và để chịu lực tốt, thì ngoài việc làm móng chắc chắn, người ta còn phải gắn tượng Krud ở bốn góc này, bởi Krud là vật thiêng, có sức mạnh phi thường, hơn tất cả các loài khác, nên chỉ có Krud mới có khả năng làm cho công trình được vững vàng trước mọi tác động của bên ngoài. Đối với hàng cột bên trong ngôi Chính điện cũng to bằng các cột bên ngoài, nhưng không được gắn bất kỳ hình tượng nào ở đầu cột tiếp giáp với trần nhà.

Còn bộ mái của Chính điện, đa số có kết cấu giống nhau, nhưng trông phức tạp, đồ sộ, nặng nề và rất độc đáo. Thường có 3 cấp, mỗi cấp mái lại chia thành 3 nếp. Hai mái trên cùng hợp lại thành một góc 600. Các mái vừa so le, vừa có độ dốc không đồng đều nhau, nhưng vẫn cho ta cảm giác cân đối, hài hòa. Trong khi đó so với bộ mái của Chính điện các ngôi chùa Lào, Thái Lan thì bộ mái cũng chia thành 3 cấp tương tự nhưng độ dốc rất lớn, gần như thẳng đứng, nên trông công trình có vẻ cao hơn hẳn. Ở các Chính điện chùa Khmer Nam Bộ hiện nay đa số các bộ mái này đều đổ bê tông, sau đó dán thêm ngói vảy rồng, hoặc gạch men hoặc ốp các loại gạch hoa các loại. Đặc biệt có ngôi chùa, như chùa Sro-loong thuộc huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng được dán bằng những mảnh vỡ chén và một số đồ gốm trông rất lạ mắt.

Để tạo thêm sự duyên dáng cho bộ mái, các nghệ nhân đắp thêm tượng đầu Neak (Rồng) và gắn ở vị trí góc đao trong tư thế ngóc lên và đó là loài rắn vĩnh cửu mà người Khmer gọi chung là Neak-ka-reach, tức rắn thần Naga. Thông thường mỗi ngôi Chính điện có khoảng 36 đầu tất cả. Còn phần thân của chính của nó nằm thoai thoải như đang trườn từ trên nóc xuống hiên, với những vây lưng rõ từng cái, uốn cong lên giống như ngọn lửa đang cuồn cuộn cháy. Người Khmer gọi những chiếc vây lưng Neak này là T’rô-nung-neak. Và đó cũng là một loại hoa văn, một thứ mô típ trang trí không thể thiếu trong bất kỳ công trình kiến trúc chùa Khmer nào.

Riêng tại các đầu kìm, các góc bờ nóc thì được các nghệ nhân gắn thêm những chiếc đuôi Neak trơn, gọi là Chi-via, cao và thon dần uốn lượn ngược lên trên. Nhiều nghệ nhân Khmer cho rằng, Chi-via không phải là đuôi của Neak, mà là một loài chim của cõi trời. Tuy nhiên trong một câu truyện dân gian thì đó chính là đuôi rắn. Truyện kể rằng, ngày xưa có một vị vua, sau một lần đi săn, bắt gặp một đôi rắn (đực và cái) đang quấn quýt bên nhau, sau đó hai chiếc đuôi của nó uốn ngược lên trời. Thấy hình ảnh lạ này, sau khi về hoàng cung, nhà vua hạ lệnh cho xây một số đền tháp và không quên gắn những chiếc đuôi rắn uốn cong lên trên nóc mái công trình. Từ đó về sau này, người Khmer luôn giữ gìn phong cách trang trí đó (2).

Có thể nói nhìn vào bộ mái của ngôi Chính điện chùa Khmer chúng ta thấy rất rõ về sự kết hợp chặt chẽ giữa đầu, thân và đuôi Neak. Nó như một sự tượng trưng cho những chiếc thuyền đang đua bơi. Trong tích Phật thường được người Khmer hay nhắc đến, thì Neak là một con vật thiêng. Trong một lần Đức Phật đi thuyết pháp gần giếng Mach-cha-linh, thì bỗng nhiên có cơn bão lớn nổi lên và mưa to ập đến, rồi nước dâng cao. Ngay lúc đó Neak xuất hiện, tự thân nó cuộn mình lại làm thành chiếc ngai để Phật ngồi và ngóc đầu làm thành chiếc lọng che cho đức Phật khỏi bị ướt. Sau khi tạnh mưa, nó liền biến thành chiếc thuyền đưa Đức Phật vượt bể đi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Dựa trên tích này mà các nghệ nhân đã tạo nên hình tượng Đức Phật tọa thiền dưới Neak nhiều đầu.

Hình tượng Đức Phật Thích-ca tọa thiền dưới tán của đầu Neak cũng là một trong nhiều hình tượng Phật mà người Khmer tôn kính. Quan điểm của giáo sư Michel Trane cho rằng, hình tượng Phật theo mô típ này được người Khmer sáng tạo nhằm tưởng nhớ đến quãng thời gian khi ngài nhập thiền ngồi trên tọa cụ bằng rơm. Khi đó rơm rạ bỗng nhiên biến thành loài rắn nhiều đầu, dùng thân mình cuộn lại làm thành chiếc ngai, còn đầu thì bành ra che cho Đức Phật khỏi nắng mưa. Hình tượng này được các nghệ nhân Khmer sáng tạo vào khoảng TK XII, nhằm để tôn thờ như một hiện vật thiêng liêng. Và, hình tượng Đức Phật ngồi trên mình rắn bảy đầu này chính là di sản còn đọng lại cho đến nay từ Phật giáo Đại thừa Khmer xưa (3).

Theo quan điểm của PGS, TS Trần Lâm Biền thì Neak, tức rắn Naga cơ bản có nguồn gốc xuất thân từ một con rắn khởi nguyên, tức con rắn bóng loáng, biểu hiện của sự linh thiêng của vùng Trung Cận Đông. Sau khi đến Ấn Độ nó rất hợp với tín ngưỡng dân dã và đã trở thành rắn vĩnh cửu nhiều đầu, gắn với đạo Bà-la-môn để cho thần Visnu cưỡi. Và, vì thế, Neak thường được biểu hiện về quyền lực vô biên, đôi khi nó lại đồng nhất với Diêm Vương. Tất nhiên quyền lực ấy là ở phía bên dưới, khi nhập vào đạo Bà-la-môn, rồi đạo Phật để nói lên uy lực của các tôn giáo này đã thấm nhuần muôn cõi (cả cõi âm). Như vậy, người Khmer đưa hình tượng Neak lên mái chùa với ý nghĩa muốn Phật dừng lại ở chùa mình để ban phước, đồng thời cũng là một con vật bảo vệ Phật điện tránh được những cơn giông tố, bão táp của thiên nhiên, hay cũng để nói lên uy lực của Phật pháp và sự trường tồn của đạo Phật nói chung.

Còn ở trên đỉnh, giữa nóc mái, người ta thường xây một chiếc tháp năm hoặc bảy tầng có chiều cao gần bằng độ cao của toàn bộ bộ mái. Tháp này xét về độ lớn thì không kém những chiếc tháp đựng hài cốt ở xung quanh Chính điện và có kết cấu gần như tương tự. Tuy nhiên, quan sát các ngôi Chính điện có niên đại xây dựng cách đây khoảng từ 200 trở lên, chúng tôi nhận thấy không có sự xuất hiện của những chiếc tháp kiểu này trên nóc Chính điện. Một số ngôi Chính điện, đặc biệt ở tỉnh Trà Vinh như chùa Som-roong-êk hay ngôi chùa Sóc Soài ở Thị Tứ, Sóc Sơn, Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, ở giữa bờ nóc này chỉ làm một hình tháp nhỏ tượng trưng mà người ta gọi là “Kom-pul T’rey-muth”, được xem như biểu tượng của tia chớp (thiên lôi). Về sau này có lẽ do tiếp thu từ kiến trúc chùa chiền bên Campuchia nên nhiều ngôi Chính điện mới trùng tu hoặc xây mới đều làm chiếc tháp to trên đỉnh mái. Chính điện của chùa Gho-shi-ta-ram ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu mới được trùng tu (đúng hơn xây lại mới) có kiểu dáng giống hệt như hoàng cung của Campuchia. Riêng chùa Đơm-om-pil thuộc phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, thì không chỉ có một ngọn tháp ở giữa nóc mái của Chính điện mà có tới ba ngọn tháp, nhưng hoàn toàn theo phong cách những ngọn tháp của đền Angko nổi tiếng của Campuchia.

Đối với khu đầu hồi thường được xây bịt kín thành hình một tam giác đều, gọi là Hô-cheang. Đây cũng là khu vực được các nghệ nhân chau chuốt trong trang trí. Nhìn chung việc trang trí ở khu vực Hô-cheang này ở mỗi chùa đều có mỗi kiểu khác nhau. Thông thường người ta sử dụng các loại hoa văn Ph’nhi-vo chạy song song hai cạnh bên của tam giác, nhìn trực diện ta thấy nó đối xứng qua trục ở giữa. Một số chùa thì sử dụng hoa văn Angko và xu hướng chung hiện nay các nghệ nhân sử dụng loại hoa văn này nhiều nhất. Ở giữa được bố trí tượng Bồ tát ngồi, tay cầm hoa sen hoặc nhiều khi là tượng thần Pres-anh cưỡi bạch tượng có 3 đầu, hoặc tượng Phật tọa thiền. Hoặc một số chùa như chùa Kom-phi-sa-ko (Bạc Liêu), thì trang trí khu vực này bằng cách đặt một đài sen ở giữa như bệ ngồi của Đức Phật, đỡ lấy 3 quyển sách, tượng trưng cho Tam tạng kinh (kinh, luật, luận). Phía trên quyển sách là vòng Luân xa (Koong-chăk), tượng trưng cho bánh xe pháp.

Bên trong Chính điện là gian phòng rộng rãi dành cho việc hành lễ. Việc bày trí bên trong không phức tạp như các Chính điện chùa Việt. Từ hai cửa ở phía Tây, là một bàn thờ Phật cao ráo. Và thường nó phải được đặt cách khoảng với vách phía Tây từ 2 đến 3m. Toàn bộ bàn thờ này xét tổng thể chia thành 3 tầng. Ở tầng trên cùng được xây một bệ thờ Phật, đúng hơn là một “đài sen khổng lồ” cách điệu, tương tự như chiếc ngai mà người Khmer gọi là P’lăng-pích (ngai kim cương). Phần ngai này, nếu xét về trang trí mới thật sự là tâm điểm của toàn bộ bàn thờ. Theo quy tắc chung nó được kết cấu gồm 3 tầng theo hình bán nguyệt, nhưng nếu chia nhỏ nữa thì kéo dài tới 5 tầng hoặc 7 tầng, với các tên gọi cụ thể của từng tầng từ dưới lên như sau: T’rô-nóp-kh’sách (tạm dịch “lớp đệm cát”); Chơng-kos (tương tự như chân ghế); Om-huốt (lớp đệm tiếp theo); Pích-k’đa (như thân rồng quấn quanh, nhưng ở đây được thay thế bằng những chiếc lá đề nằm ngang xếp chồng lên nhau tạo thành một dải dài, quấn quanh bệ thờ); Om-huốt-tốch (lớp đệm nhỏ); K’đốp (tạm dịch “Búp”); T’bok-chhuôk (tòa sen) (4).

Ở mặt trước của bệ tượng, có một dải khăn được đắp nổi phủ xuống dưới giống như hình mũi tên chỉ xuống, gọi là Xây-ta-na. Trên dải khăn này người ta trang trí thêm các diềm hoa văn dạng lá bồ đề chồng lên nhau dọc theo hai bên mép của dải khăn. Ở giữa thường để trống hoặc ghi tên những thí chủ đã cúng dường xây tượng hoặc ghi năm tháng hoàn thành. Tuy nhiên có một số chùa thì đắp thêm hình tượng nữ thần Neang Heng-pre-thô-r’ni.

Phía trước bàn thờ Phật được bố trí một giá đở để thắp nến. hầu hết tại các chùa, giá đỡ này thường được cách điệu bằng hình tượng Neak có hai đầu dính liền thân. Mỗi đầu choài về một phía và được làm từ chất liệu xi măng hoặc gỗ. Cạnh đó là bệ nhang và hòm công đức. Riêng phần trên của bệ thờ còn có một bức màn gió (bao lam) mà người Khmer gọi là Rô-neng, là một yếu tố đáng chú ý trong Chính điện chùa Khmer, thường được làm bằng chất liệu gỗ. Tại Chính điện chùa Kh’leng, chiếc màn gió này được trang trí khá tỉ mỉ và công phu. Với các đề tài thể hiện cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người nông dân Khmer và các loài động thực vật khác có trong tự nhiên. Tập trung ở đây là cảnh cày cấy, vui chơi của nông dân và những hình tượng trâu, bò, dê, thỏ, sóc, dơi, chim chóc, hoa lá. Nó như một sự phản ánh tinh thần yêu lao động, yêu thiên nhiên, lạc quan yêu đời của người Khmer. Đồng thời có thêm một vài thành tố của văn hóa Hoa như chữ Hán, hình tượng nhân vật nam, nữ có phục trang theo kiểu người Hoa hoặc người Việt…

Theo nhiều nghệ nhân và sự quan sát của chúng tôi, thì Rô-neng là một yếu tố trang trí, có khả năng mới du nhập vào nghệ thuật tạo hình chùa Khmer ở Nam Bộ trong khoảng trên dưới một thế kỷ trở lại đây. Ở các chùa Khmer cổ dường như không thấy Rô-neng hiện diện trong Chính điện. Trong khi đó, yếu tố cửa võng hay bao lam là một yếu tố trang trí, điêu khắc rất quen thuộc và phổ biến trong các đình, chùa cổ của người Việt. Do đó, sự có mặt của bức màn gió Rô-neng không phải do ngẫu nhiên mà có thể là một trong những kết quả của sự giao lưu tiếp biến văn hóa Việt, Khmer, Hoa trên địa bàn Nam Bộ.

Nhìn chung Chính điện của hầu hết các ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ thường được xây dựng theo lối kiến trúc như vậy. Song, với bốn cửa chính và từ mười đến mười hai cửa sổ ở hai bên vách, kết hợp với hàng cột cao và bộ mái như được miêu tả đã tạo nên bên trong Chính điện rất rộng, sáng sủa, giúp cho việc trao đổi không khí trong Chính điện được thuận lợi, luôn cho ta cảm giác mát mẽ, thoáng đãng..

Mặt khác có một đặc điểm cũng cần quan tâm trong việc trang trí bên trong nội thất Chính điện. Mặc dù đây là nơi phần lớn dành cho chư tăng cử hành các nghi lễ Phật giáo, thế nhưng có những cuộc lễ, nếu không có sự tham dự của Phật tử, cư sĩ, thì cuộc lễ đó vẫn chưa “đạt yêu cầu” theo nguyên tắc tổ chức lễ hội Phật giáo Khmer. Nói cách khác, phật tử được quyền tham gia vào bất kỳ lễ hội nào của Chư Tăng và có quyền ngồi chung trong ngôi Chính điện với các vị sư, tất nhiên ngoại trừ một số nghi thức của lễ Kiết giới Sây-ma. Song, vấn đề khi bước vào ngôi Chính điện, Phật tử phải ngồi vào vị trí nào để thể hiện sự tôn nghiêm, kính trọng pháp và tăng trong mỗi lần hành lễ. Vậy là vị trí để ngồi giữa Phật tử và Chư Tăng phải có sự phân định ranh giới rõ ràng. Với ý nghĩa đó, nên mặt sàn của ngôi Chính điện thường được lót bằng hai màu gạch khác nhau. Phần giữa hai hàng cột là khu vực dành riêng cho các nhà sư được lót bằng một màu gạch, phần còn lại là màu khác. Đây chính là cách phân định ranh giới mang tính trực quan, dễ xác định nhất, gần như trở thành “nguyên tắc” chung từ khá lâu.

Kết luận

Với những đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc như trên, chúng ta thấy rằng, Chính điện chùa Khmer rất khác biệt so với nhiều ngôi chùa của các dân tộc khác. Những sự khác biệt đó không chỉ thể hiện những nét độc đáo trong quan niệm thẩm mỹ và tạo hình của người Khmer mà qua đó giúp chúng ta hiểu thêm quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa sinh động ở vùng đất Nam Bộ.

___________________

1. Phu So-chea, Một số quy tắc trong xây dựng chùa chiền, Nxb Viện Phật học, Phnom Penh, 2001.

2. Phỏng vấn ông Thạch Sên (A-cha) tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, 4-2023.

3. Michel Tranet, Văn hóa văn minh Khmer - Tôn giáo tín ngưỡng của người Khmer thời tiền sử, thuộc bản quyền của Công ty Smart International Consulting and Dr. Michel Tranet, 2004, tr.143.

4. Phỏng vấn cố họa sĩ Thái Sung ở thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, 2005.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 18-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.

Ths HỨA SA NI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;