Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử hạ lưu sông Mã qua nghệ thuật điêu khắc, hội họa

Tóm tắt: Giá trị văn hóa là tất cả những giá trị vật thể, phi vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Quá trình phát triển của con người cư dân lúa nước luôn gắn với những dòng sông, qua đó đã đọng lại những giá trị văn hóa. Sông Mã là hợp lưu của nhiều con sông, trên dòng chảy con sông này đã chuyên chở phù sa để bồi đắp cho miền đồng bằng, làm nên những cánh đồng lúa và hoa màu tốt tươi, bên cạnh đó sông Mã đã tích tụ giá trị văn hóa, để rồi lan tỏa đi muôn phương. Sông Mã chảy qua địa phận Thanh Hóa đã làm nên một nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, sức mạnh lan tỏa của nó được chảy suốt theo dòng thời gian và không gian, giá trị văn hóa này làm cho xứ Thanh ít nhiều mang dấu ấn riêng trong văn hóa chung của người Việt, cần phát huy qua nghệ thuật điêu khắc, hội họa.

Từ khóa: văn hóa, hạ lưu sông Mã, điêu khắc, hội họa.

Abstract: Cultural values are the tangible and intangible expressions of a society, often shaped by its environment. The development of rice-growing communities has historically been closely tied to rivers, which have played a crucial role in shaping their cultural values. The Ma River, formed by the confluence of numerous tributaries, has enriched the surrounding plains with alluvial deposits, fostering fertile rice fields and gardens. This fertile environment has, in turn, fostered the development and spread of distinct cultural values. The Ma River’s flow through Thanh Hoa was instrumental in the development of the influential Đông Sơn culture, whose impact resonates across time and region. The Đông Sơn culture has left an indelible mark on Thanh Hoa’s identity within the broader Vietnamese cultural landscape. Reconnecting with this rich heritage through contemporary artistic expressions, such as sculpture and painting, can offer valuable insights and inspiration.

Keywords: culture, Ma river’s lower banks, sculpture, painting.

Tượng phụ nữ trên chuôi kiếm ngắn Đông Sơn (hình trái); tượng hai người đàn ông cõng nhau - Ảnh: Trịnh Sinh chụp trong bảo tàng

1. Đặt vấn đề

Sông Mã bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, chảy qua tỉnh Điện Biên, là hợp lưu của nhiều con sông khi vào Việt Nam. Hạ lưu sông Mã là vùng đất Hàm Rồng, gắn với làng cổ Đông Sơn còn lưu giữ nhiều hiện vật, chứng minh người Việt cổ đã sinh sống ở đây. Qua các di sản văn hóa để lại chúng ta có thể nghĩ không gian văn hóa Hàm Rồng là một điểm sáng điển hình của văn hóa xứ Thanh. Bởi, chúng ta thấy Hàm Rồng nằm bên bờ sông Mã là một điểm hội tụ của văn hóa như nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh nói sông Mã không chỉ là huyết mạch về kinh tế, mà còn là con “sông văn hóa”, tạo nên hai bên bờ tả hữu những hiện tượng văn hóa vật chất và tinh thần phong phú và đa dạng, là con đường giao lưu văn hóa giữa các vùng, tộc người, từ các dòng chảy này đã bồi tụ các giá trị văn hóa.

2. Giá trị văn hóa của sông Mã theo dòng lịch sử

Nếu dọc theo con sông Mã từ miền thượng Lào xuống hạ lưu, đến cửa biển thì sẽ có rất nhiều giá trị văn hóa được tích tụ, bởi ở mỗi địa phương, dòng sông đi qua là những tộc người và đời sống văn hóa ở nơi đó khác nhau như: nếp sống, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, tín ngưỡng, câu hò, điệu hát, diễn xướng dân gian với hàng trăm di tích, danh thắng từ dòng sông bồi thành.

Hạ lưu sông Mã là vùng đất Hàm Rồng, gắn với làng cổ Đông Sơn, là một điểm sáng văn hóa chung của dân tộc. Chính vì thế, suốt chiều dài của sông Mã trên đất Thanh Hóa, di chỉ cồn Chân Tiên, tiêu biểu cho giai đoạn sớm nhất của thời đại đồng thau ở ven đôi bờ sông Mã, làng cổ Đông Sơn... Điều kiện lịch sử xã hội đã xây dựng nền kinh tế biển, đồng bằng, miền núi đan xen mà trục trung tâm giao lưu, hội nhập đó là dòng sông Mã và Hàm Rồng. Đây là điểm sáng khởi đầu, từ đó tỏa ra, hội nhập, có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc góp phần làm sáng tỏ nhiều quan điểm lịch sử mới, chứng minh có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển, một tổ chức nhà nước sơ khai thời các Vua Hùng. Ở con sông Mã, ta có thể kể đến hai dòng chảy văn hóa chính:

Dòng thứ nhất đi theo hướng từ núi ra biển: dòng sông bắt đầu từ Điện Biên đến Sơn La vòng qua Sầm Nưa (Lào) và quay trở lại chảy vào huyện Mường Lát, Thanh Hóa xuôi dòng hợp với sông Chu chảy ra biển. Đây là một dòng sông có độ dốc cao, chảy siết, hay đổi dòng, có nhiều thác ghềnh (tính từ Phong Ý- Cẩm Thủy ngược lên có 54 thác lớn nhỏ) (1), ngoài thác còn có vực là những xoáy nước lớn rất nguy hiểm có thể nhấn chìm cả những chiếc thuyền hay tấm mảng lớn. Con sông chở nặng phù sa và khó cho việc giao thông nhưng tổ tiên đã vượt thác ghềnh, để lại nhiều di sản cho chúng ta mà trên dòng sông khác không có, ví như chỉ có dòng sông Mã trước đây mới có hò đò dọc. Đò dọc là đò di chuyển xuôi, ngược dòng sông, trong các chuyến đò xuôi ngược này, những người lái đò cần sự đồng tâm hợp lực để quên đi mệt nhọc trên dòng sông và điệu Hò rời bến, Hò đò ngược như hiệu lệnh cho những người chèo đò đưa con thuyền đi nhanh hơn, đến khi gặp thác ghềnh câu hò lại trở nên khỏe khoắn và quyết tâm hơn Hò mắc cạn, khi con đò lướt qua những thác ghềnh để trở về với dòng sông êm dịu, điệu hò lại trở nên nhẹ nhàng êm dịu Hò suôi dòng, Hò làn ai­­­­­­­­­... Tất cả diễn trình trên dòng sông đã được sáng tạo thành những làn điệu hò (đò ngang không có hò), ở mỗi không gian khác nhau làm nên sự sáng tạo hò khác nhau.

Những dấu tích qua điệu hò ấy mới thấy sức lan rộng của người xưa đối với sông Mã, bởi ngay từ thời nguyên thủy, người đương thời đã sử dụng con sông để vận chuyển hàng hóa, buôn bán, lưu thông. Con sông sớm được mang tính giao thương bởi theo dòng sông Mã, có thể những con thuyền của cư dân ven biển đã đến tận Sơn La thuộc Tây Bắc, nơi gần với những mỏ đồng Tụ Long nổi tiếng, nơi cung cấp nguyên liệu cơ bản để từ đó thúc đẩy cho văn hóa đồ đồng, cho thấy một nền văn minh được hiện hữu trên nhiều hiện vật Đông Sơn.

 Dòng thứ hai là dòng đi từ biển vào: từ cửa sông Mã (cửa Hới) có di tích đền thờ Độc Cước (làng Núi, Sầm Sơn), một ngôi đền nằm trên mõm núi Trường Lệ, ở nước ta không nơi nào thần Độc Cước lại được thờ phụng nhiều như ở Thanh Hóa. Sầm Sơn là nơi hình thành huyền thoại vị thần này (còn gọi là thánh Độc, Độc Cước), thần Độc Cước được đưa vào thần điện Phật giáo với tư cách như là đệ tử của Quan Thế Âm Bồ Tát. Đồng thời thần điện Đạo giáo Việt Nam còn coi Độc Cước như là một vị thần của mình. Do vậy có thể coi đây như là một hình thức tôn giáo tín ngưỡng, pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo và Đạo giáo.

Hầu như mọi hình tượng mỹ thuật với các linh vật, mọi biểu tượng đều được thể hiện thiếu như hình hổ phù, thần Độc Cước, hình người chỉ có một phần trên... là biểu tượng của mặt trăng hoặc ít nhất có liên quan đến mặt trăng. Bởi loài người nhìn thấy mặt trăng khuyết nhiều hơn trăng tròn, vì thế hổ phù lúc ngậm mặt trăng, cũng có lúc tự nó là biểu trượng của mặt trăng (trường hợp đôi rồng chầu hổ phù). Mặt trăng thì liên quan đến thủy triều với luồng sáng và những con thuyền ra khơi. Thờ mặt trăng được nhân cách hóa đó là thần Độc Cước có nghĩa con người muốn đồng nhất với tinh cầu này để hòa vào thiên nhiên vũ trụ, mong được yên ổn khi ra biển và ít nhiều cầu cho thủy triều đỡ hung dữ. Ở lĩnh vực nông nghiệp, người xưa từng coi mặt trăng gắn bó rất nhiều với sự sinh sôi nảy nở, ánh trăng vàng làm cho trai gái thắm thiết yêu nhau, âm dương hòa hợp để muôn loài phát triển. Rõ ràng mặt trăng vừa có tác động đến cư dân nông nghiệp và cư dân biển cả. Và có lẽ thần Độc Cước phân thân là một sáng tạo khá riêng của cư dân xứ Thanh ở vùng cửa sông Mã.

Trong nhiều giá trị văn hóa truyền thống hạ lưu đôi bờ sông Mã, chúng ta có thể nhìn nhận với góc độ tạo hình, là cơ sở để xây dựng ý tưởng làm “sống lại” qua nghệ thuật điêu khắc và hội họa, đó là hình tượng trống đồng Đông Sơn.

Trống đồng Đông Sơn: trên mặt trống ta thấy hình ảnh những người hóa trang lông chim, quần áo được tả trên trống có các loại như: áo hai vạt ngắn, áo hai vạt dài, váy, khố... họ đội nhiều loại mũ, tết các kiểu tóc khác nhau thể hiện vật tổ của cư dân bấy giờ là loài chim. Từ những cảnh sinh hoạt trên trống đồng, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng đó là “lễ khánh thành trống đồng”, “lễ chiêu hồn”, “đám tang” hoặc “lễ cầu mùa”... Những hình khắc trên trống đồng cho thấy có hai loại hình kiến trúc là nhà sàn mái cong và nhà sàn mái tròn. Nhà có hai cột chống ở phía đầu nhà, hai đầu và ở giữa có kê thang để lên sàn. Nhà mái tròn thường có một người (hoặc không có người) đứng giữa cửa, hai bên cửa có chắn phên. Nhà mái tròn có thể liên quan đến tín ngưỡng và tạm gọi là “nhà thờ”. Nghệ thuật trống đồng khá độc đáo, đặc trưng bởi kỹ thuật khắc chạm trên khuôn tạo ra những hình ảnh khắc chìm chủ yếu trên mặt trống, còn trên thân trống thì là hình khắc hơi nổi. Nghệ nhân đã xây dựng hình ảnh trong những bố cục tròn trên mặt trống và ô chữ nhật trên thân trống, bên trong loại bố cục này thì hình ảnh được sắp xếp rất cân đối. Hình ảnh con người luôn được diễn tả theo tư thế động: múa, giã gạo, đánh trống, bơi chải... Về mặt bố cục, tất cả người, động vật đều diễu hành quanh ngôi sao giữa mặt trống. Tuy nhiên, do đặc tính gắn với cuộc sống sinh hoạt tinh thần của người dân lúc bây giờ, nên trống đồng còn được sử dụng trong tế lễ, cầu mùa và cả trong chiến tranh, bởi người xưa quan niệm trống đồng là biểu trưng cho quyền lực, là vật thiêng của đất trời thần linh ứng nghiệm, khi ra trận trống đồng sẽ tạo nên âm thanh vang vọng làm quân thù khiếp sợ.

Ngoài các hình tượng được khắc trên mặt trống đồng Đông Sơn thì còn nhiều hiện vật văn hóa Đông Sơn như trang phục, đồ trang sức, mũi kiếm ngắn núi Nưa, tượng đồng người cầm đĩa đèn... Trong số đó, hình người cõng nhau thổi khèn bằng đồng, có lẽ là một bức tượng đẹp nhất trong các khối tượng biết đến nay thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Vì nó được miêu tả tỉ mỉ hơn do cách làm khuôn uyển chuyển, mềm mại hơn là đẽo đá, lại có được sắc óng vàng của chất liệu đồng thau đem lại. Tượng có chiều cao 8,5cm, rộng ngang 9,5cm. Đây là tuyệt tác về nghệ thuật có kích thước nhỏ, chuyên chở được cái “thần thái” của nghệ thuật tạo tượng Đông Sơn.

Cây đèn đồng hình người được tìm thấy ở Lạch Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa là di vật của văn hóa hậu Đông Sơn. Cây đèn cao 40cm, dài 30cm, rộng 27cm, tạo hình tượng người đàn ông mình trần với khuôn mặt bầu, cởi trần đóng khố trong tư thế quỳ, chân dung được miêu tả kỹ như mắt to, mũi cao, đội mũ, hay tay nâng khay đèn, phía sau ngay kề bên vai là các nhánh hình chữ S, đầu nhánh có gắn đĩa đèn dầu. Cây đèn đồng này đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012.

Dọc theo dòng sông, nhìn sang lĩnh vực khác thuộc di sản và nghệ thuật, bắt đầu từ nghề gốm làng Vồm (Thiệu Khánh, Thiệu Hóa), thời thuộc Hán đến thời tiền Tống TCN, làng Vồm lân cận với thành Tư Phố - trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của khu vực lúc bấy giờ. Gốm làng Vồm nổi tiếng với men ngọc độc đáo không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả thế giới. Trong giai đoạn cồn Chân Tiên, các nhà khảo cổ học đã nhận thấy gốm nơi ấy có sự gần gũi với gốm Phùng Nguyên và gốm đền Đồi ở sông Lam (Nghệ An). Tính đa dạng cũng như sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ vào buổi đầu thời kim khí trên đất Thanh Hóa chứng tỏ có những bộ tộc cùng tồn tại bên nhau.

3. Phát huy giá trị văn hóa lịch sử vùng hạ lưu sông Mã qua nghệ thuật điêu khắc, hội họa

Hội họa, điêu khắc là hai trong những loại hình nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống và làm đẹp cho cuộc sống, con người và xã hội. Chính vì vậy, hai loại hình nghệ thuật này luôn gần gũi với con người bởi đặc tính ngôn ngữ của nó, bên cạnh đó chất liệu tạo hình của hai loại hình nghệ thuật này cũng phong phú, đa dạng tạo ra không gian sống thân thiện.

Như phần trên đã nêu, giá trị văn hóa, lịch sử ở hạ lưu sông Mã khá phong phú như những điệu hò, ca dao, tục ngữ, các công trình di tích đôi bờ sông Mã... đặc biệt qua nghệ thuật điêu khắc Đông Sơn như trống đồng Đông Sơn, tượng người cõng nhau thổi khèn, tượng đồng người cầm đĩa đèn hay hình tượng thần Độc Cước gắn với văn hóa ven biển... những giá trị văn hóa này đã được thế hệ nhân dân, nghệ nhân sáng tạo, đang tồn tại ở các không gian khác nhau. Giá trị nghệ thuật này không “chết” nhưng nó chưa phát huy hết vai trò lịch sử. Hiện nay, các di vật này đang được đặt rải rác ở nhiều nơi như bảo tàng (tượng người cõng nhau thổi khèn, tượng được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2012, đang trưng bày cùng nhiều hiện vật tại khu Di tích văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia); trống đồng Đông Sơn đang để ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa; tượng thần Độc Cước đặt trong khám thờ hậu cung đền Độc Cước, Sầm Sơn. Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận được giá trị của các hiện vật đôi bờ sông Mã, tuy nhiên như hiện nay nhiều hiện vật do kích thước nhỏ, không gian chiêm ngưỡng chật hẹp giúp nhân dân không thể chiêm ngưỡng hết giá trị nghệ thuật của nó.           

Phát huy giá trị văn hóa

Cố GS Trần Quốc Vượng trong Việt Nam - một cái nhìn địa văn hóa cho rằng, với những hiện vật văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại Thanh Hóa, nhất là đồ đồng và nhạc khí, mà tiêu biểu là trống, chuông đồng thì nên có một “bảo tàng trống đồng” riêng của Thanh Hóa tiêu biểu cho Việt Nam. Thanh Hóa hiện nay có Bảo tàng tỉnh chứa nhiều hiện vật văn hóa Đông Sơn, bên cạnh đó có Bảo tàng tư nhân Hoàng Long ở phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cũng rất nhiều hiện vật Đông Sơn. Rõ ràng nếu để các hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử ở trong bảo tàng hoặc trong thời đại số này có thể xem qua hệ thống các phương tiện công nghệ thì cũng khó cho chúng ta cảm nhận hết giá trị của nó.

Giá trị văn hóa lịch sử đôi bờ hạ lưu sông Mã không bị “chết” hoặc bị mất đi nhưng ở mỗi loại hình nghệ thuật có môi trường sống của nó. Ví như điệu hò trên dòng sông Mã, nếu chúng ta muốn cảm nhận được hết giá trị thì chỉ có thể trải nghiệm trên chính dòng sông Mã với những người lái đò, chèo đò bằng đôi bàn tay và trong không gian đó.

Tuy nhiên, với đặc trưng của loại hình nghệ thuật điêu khắc và hội họa có thể làm “sống lại” các giá trị nghệ thuật thông qua phương thức như: nhân bản tượng người cõng nhau thổi khèn lên kích thước lớn đặt trong không gian của công viên đê hữu sông Mã. Theo GS Trịnh Sinh: “làng Đông Sơn cần có tượng đài của thanh kiếm ngắn có hình tượng người phụ nữ khá đẹp hoặc tượng hai người đàn ông cõng nhau” (2). Hoặc ngay bến thuyền Hoàng Long hiện nay đang khai thác các tuyến du lịch trên thuyền di dọc sông Mã đến ngã ba Bông, tuy nhiên các điểm du lịch này cũng ít khách.

“Làng Đông Sơn hiện nay cũng là một làng cổ có nhiều nhà cổ, di tích tôn giáo tín ngưỡng cổ, được bình chọn là một trong mười làng cổ đẹp nhất Việt Nam theo tiêu chí của một số cơ quan quản lý du lịch. Chúng tôi không bàn về những vẻ đẹp của làng trong từng di tích chùa chiền, nhà thờ, nhà cổ… Đến hôm nay, chúng ta đến làng Đông Sơn nhưng không thấy một hình bóng của nền văn hóa từng nổi tiếng khắp thế giới ở chính nơi được phát hiện đầu tiên này, ngoài một hố khai quật đào, nhưng khi đến thì người tham quan chắc phải thất vọng vì không thấy gì ngoài một hố nước và những hàng rào chắn cho người xem khỏi ngã” (3). UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản về việc nghiên cứu bảo tồn làng cổ như: Thông báo số: 7910/ UBND-VX ngày 3-10-2013 về xây dựng Dự án bảo tồn, tôn tạo công viên khảo cổ Hàm Rồng thuộc khu di tích lịch sử Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số: 1980/QĐ-UBND 1-6-2020 về việc phê duyệt Đề cương đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Chủ trương của tỉnh đã có về việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn, tuy nhiên nếu ba điểm: công viên đê hữu sông Mã, quảng trường Hàm Rồng, làng cổ Đông Sơn kết hợp để xây dựng dự án du lịch thì các điểm này phải nghiên cứu đặt hiện vật văn hóa Đông Sơn hay các giá trị văn hóa truyền thống được cụ thể hóa qua loại hình nghệ thuật điêu khắc hoặc hội họa.

Ngoài ra, ở thành phố Thanh Hóa còn khá nhiều không gian công cộng còn thiếu vắng tác phẩm hội họa, điêu khắc cần được xem xét nghiên cứu để đưa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với nhân dân, du khách như công viên Hội An. Hiện nay, công viên này cũng chỉ có các công trình mang đặc trưng văn hóa Hội An, mà thiếu vắng công trình mang đặc trưng văn hóa Thanh Hóa. Quảng trường Lam Sơn, là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên ở quảng trường này, ngoài sân khấu được cách điệu hình ngôi sao trên trống đồng Đông Sơn và hình tượng thành nhà Hồ trên sân khấu thì không có tác phẩm hội họa, điêu khắc nào ở đây.

Trong xu thế phát triển, đô thị hóa tác động đến không gian công cộng, giá trị văn hóa truyền thống của Thanh Hóa, đặc biệt những giá trị vật thể đang nằm rải rác ở các di tích lịch sử, bảo tàng, phòng trưng bày. Hiện rất cần nhân bản các giá trị văn hóa, nghệ thuật đó thông qua nghệ thuật hội họa, điêu khắc, đặt tại các không gian công cộng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Muốn làm được việc này cần phải thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, đánh giá lại toàn bộ các không gian công cộng (đặc biệt không gian công cộng có quy môn lớn, có sự ảnh hưởng đến diện mạo thành phố và nhu cầu nhân dân, hoặc ảnh hưởng đến phát triển du lịch của địa phương như công viên, quảng trường). Trong đó, đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình điêu khắc, kiến trúc cảnh quan tác động đến đời sống xã hội và phát triển thành phố.

Thứ hai, đánh giá các hạng mục công trình điêu khắc hiện có trong không gian công cộng, ở mỗi không gian cần chỉ rõ tác động của công trình điêu khắc đó đối với các đối tượng xã hội tham gia như nhân dân, các hộ dân sinh sống xung quanh công trình đó, khách thập phương qua nhiều hình thức như phỏng vấn, khảo sát qua nhiều kênh. Từ đó phân tích số liệu, đưa ra các thông tin của đối tượng, so sánh làm rõ vấn đề.

Thứ ba, lựa chọn các giá trị văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể phù hợp để phác thảo xây dựng chủ đề cho từng không gian công cộng.

Thứ tư, xây dựng phương án bố trí nghệ thuật điêu khắc trong các không gian công cộng, trong đó đưa ra các tiêu chí lựa chọn vị trí, nội dung chủ đề, đề tài ở mỗi vị trí không gian công cộng, chỉ ra mục đích ý nghĩa về việc bố trí các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đó.

Thứ năm, xây dựng giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật đối với đời sống tinh thần nhân dân; tổ chức trại sáng tác nghệ thuật nhằm thực hiện phác thảo về chủ đề, đề tài, chất liệu cho các không gian công cộng; có cơ chế chính sách đầu tư vào phát triển không gian công cộng; nguồn nhân lực, vật lực thi công công trình nghệ thuật điêu khắc cho các không gian công cộng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã lựa chọn; quản lý, khai thác phát huy giá trị nội dung và nghệ thuật điêu khắc không gian công cộng trên địa bàn; khai thác các công trình nghệ thuật điêu khắc trong không gian công cộng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Kết luận

Những giá trị văn hóa được chuyên chở trên sông Mã lan tỏa, kết tinh làm nên văn hóa Đông Sơn mà trung tâm là Hàm Rồng. Trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa, mọi giá trị lịch sử, văn hóa có nguy cơ bị mai một. Thành phố Thanh Hóa là một trung tâm đô thị của tỉnh Thanh Hóa, có vai trò quan trọng về chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, vùng kinh tế trọng điểm. Không gian công cộng công viên đê hữu sông Mã, quảng trường Hàm Rồng, làng cổ Đông Sơn là cửa ngõ phía Bắc của thành phố, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển kinh tế trong tình hình mới có nhiều phương thức khác nhau, trong đó xây dựng hệ thống tác phẩm nghệ thuật điêu khắc là một phương thức có giá trị bền vững với thời gian, truyền tải thông điệp hiệu quả, tạo nên giá trị kép trong chuỗi phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

____________________

1. Địa chí Thanh Hóa, tập II, Nxb Khoa học xã hội, 2002, tr.154.

2, 3. Trịnh Sinh, Bảo vật quốc gia: Tượng người cõng nhau thổi khèn, baotanglichsu.vn, 7-12-2017, tr.66, 65.

Tài liệu tham khảo:

1. C.robquain, Le Thanh Hoa (Nguyễn Xuân Lênh dịch), Nxb Thanh Hóa, 2005.

2. Hàm Rồng - Địa danh lịch sử văn hóa đặc biệt của Xứ Thanh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb Thanh Hóa, 2014.

3. Nghiên cứu lựa chọn các không gian công cộng để đề xuất bố trí nghệ thuật hội họa, điêu khắc trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, Kỷ yếu hội thảo, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, 2023.

4. Lê Ngọc Tạo, Khảo cổ học Xứ Thanh - Một vài thành tựu, Tạp chí Di sản, số 2 (19), 2007, tr.71.

5. Hoàng Minh Tường, Tục thờ thần Độc Cước ở làng Núi, Sầm Sơn, Thanh Hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, 2005.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 5-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 18-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.

TS TRẦN VIỆT ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;