Ý nghĩa của một số hình tượng nghệ thuật tạo hình thời Lý - Trần và ứng dụng trong thiết kế sản phẩm quà tặng hiện nay

Với lịch sử hơn 400 năm, nhà Lý - Trần đã để lại kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với nhiều lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, hội họa, âm nhạc, văn học, ngôn ngữ, trang phục, tư tưởng... cho thế hệ sau, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình. Trong đó, di sản văn hóa nghệ thuật ở thời kỳ này có giá trị lớn và là niềm tự hào của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Để có thể bảo tồn phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nghệ thuật tạo hình thời Lý - Trần cần thiết được ngành Thiết kế mỹ thuật ứng dụng Việt Nam hiện nay chú trọng.

Tuy nhiên, việc ứng dụng nghệ thuật tạo hình truyền thống trong thiết kế nói chung và thiết kế sản phẩm quà tặng nói riêng đã gặp nhiều khó khăn và thách thức do sự xuất hiện của các phương pháp thiết kế hiện đại và sự thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Bài viết đề cập khái quát ý nghĩa của một số hình tượng nghệ thuật tiêu biểu của thời Lý - Trần, đồng thời đưa ra một số ý kiến về ứng dụng nghệ thuật tạo hình truyền thống trong việc thiết kế sản phẩm quà tặng hiện nay.

1. Đặt vấn đề

Yếu tố văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung, trong đó nghệ thuật thời kỳ Lý - Trần đã trở thành một trong những động lực để xây dựng và phát triển Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trước sự phát triển của toàn cầu và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều biến động chính trị và chiến tranh diễn ra trên thế giới, những giá trị văn hóa truyền thống là liên kết tinh thần, giúp người Việt gắn kết với nguồn gốc và phát triển dân tộc, đồng thời tiếp nhận, phát triển những điều tốt đẹp từ thế giới.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghệ thuật tạo hình truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Các công nghệ mới và các sản phẩm công nghiệp đã thay thế cho những sản phẩm thủ công truyền thống, khiến cho nghệ thuật tạo hình truyền thống dần dần bị lãng quên và không còn được đánh giá cao như trước. Ngoài ra, sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật hiện đại cũng khiến cho nghệ thuật tạo hình truyền thống trở nên ít được chú ý và đánh giá.

Ngoài thách thức từ sự thay đổi của xã hội hiện đại, nghệ thuật tạo hình truyền thống còn đang đối mặt với nguy cơ bị mai một. Với sự phát triển của công nghệ và các sản phẩm công nghiệp, nhiều người đã không còn quan tâm đến việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống nữa. Điều này khiến cho nghệ nhân và những người làm nghề liên quan đến nghệ thuật tạo hình truyền thống gặp khó khăn trong việc duy trì nghề nghiệp và truyền thụ kỹ năng cho thế hệ sau. Như vậy, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật tạo hình truyền thống là cần thiết trong việc duy trì và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

2. Khái quát nghệ thuật tạo hình thời Lý - Trần

Nghệ thuật tạo hình thời Lý

Thời nhà Lý của nước Đại Việt bao gồm các loại hình nghệ thuật được thể hiện chủ yếu trên ba lĩnh vực điêu khắc, kiến trúc và âm nhạc. Trong đó, điêu khắc và kiến trúc thời Lý là hai lĩnh vực để lại nhiều thành tựu nổi bật, có giá trị trong kho tàng nghệ thuật tạo hình truyền thống của Việt Nam. Nghệ thuật thời Lý mang trong mình nét đặc trưng nổi bật là phát triển đa dạng loại hình độc đáo về hình thức linh hoạt trong chủ đề, phản ánh chân thực đời sống vật chất, đời sống tinh thần phong phú của người dân, mang trong mình nét riêng của dân tộc Việt.

Nghệ thuật điêu khắc thời Lý, được coi là một trong số loại hình nghệ thuật đặc trưng nhất của thời kỳ này. Điêu khắc thời Lý chịu ảnh hưởng của một số nước trong khu vực, nhưng mang trong mình một số đặc điểm với cách bố cục cân đối, tinh vi, độc đáo và được thể hiện trên chất liệu chủ yếu là gốm và đá. Nghệ thuật điêu khắc thời Lý đa phần thể hiện về chủ đề Phật giáo, thiên nhiên với hình tượng các vị Đức Phật, hình tượng mây, nước, hoa sen, hoa cúc… trong đó đặc biệt là hình tượng con rồng. Hình tượng con rồng thời Lý được tạo hình có nhiều nếp cong uốn khúc rất mềm mại, tượng trưng cho yếu tố nguồn nước và mơ ước mùa màng bội thu cho cư dân trồng lúa. Nét đặc trưng ở nghệ thuật điêu khắc thời Lý là sử dụng nhiều đường cong uyển chuyển, các chi tiết trang trí tinh tế, tỉ mỉ thể hiện dấu ấn cung đình.

Nghệ thuật kiến trúc thời Lý mang đặc điểm phong phú về loại hình công trình kiến trúc được quy hoạch thống nhất, bố cục cân xứng, cách trang trí tinh xảo. Các yếu tố kiến trúc được bố trí hài hòa với các chất liệu như gỗ, đá, gạch và đất nung. Ngoài nét đặc trưng cơ bản đó, kiến trúc thời Lý còn mang trong mình nét chủ đạo là thể hiện tinh thần dân tộc, lòng tự tôn của dân tộc với tâm nguyện và mong muốn được sánh ngang với các triều đại của đất nước Trung Hoa. Tư tưởng chủ đạo đó được thể hiện ở công trình Hoàng thành Thăng Long độc đáo. Mặt khác, thời Lý xây dựng nhiều quần thể chùa - tháp với quy mô lớn, chẳng hạn như chùa Phật Tích, chùa Dạm ở Bắc Ninh, chùa Một Cột, chùa Báo Thiên ở Hà Nội…

Một số hình tượng nghệ thuật tiêu biểu thời Lý như hoa văn hoa sen, hình tượng rồng, mô típ mây trong điêu khắc và kiến trúc thời Lý… Hoa sen trong kho tàng nghệ thuật cổ của dân tộc là hình tượng phổ biến, được sử dụng ở các thời kỳ và xuất hiện trong nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Ở thời Lý, hình tượng hoa sen này, được thể hiện thành công với tính triết lý, tính tư duy và tính thẩm mỹ dân tộc. Đặc biệt, đạo Phật phát triển nên hình tượng hoa sen cũng được sử dụng nhiều và thể hiện nhiều trên hệ thống kiến trúc. Nghệ thuật tạo hình trang trí Phật giáo thời Lý đạt đến đỉnh cao, trong đó, hình tượng rồng là tâm điểm trong sự chú ý và được mô tả chau chuốt về đường nét và bố cục với tư thế rồng được chuyển động bay lượn trong bố cục hình sin sống động. Sự sống động của hình tượng rồng và mây đã trở thành mô típ quan trọng góp phần cho nghệ thuật tạo hình của thời Lý được nổi bật và phát triển. Những hình ảnh đó được các nghệ nhân thể hiện không chỉ ở tính trang trí trên các công trình kiến trúc mà còn góp phần gia tăng tính thẩm mỹ, gia tăng cảm xúc trong các tác phẩm của chính những hình tượng đó. Thời Lý, mô típ vân mây ngoài ra còn thấy xuất hiện song song với các hình tượng khác, như hoa cúc, hoa mai, sóng nước, hoặc xuất hiện bên cạnh các hình ảnh tiên nữ, nhạc công… để tạo nên nhiều ý nghĩa trong tính triết lý Phật giáo; đồng thời, các hình tượng đó được tổ hợp tạo nên sự phong phú, đa dạng về bố cục trên hệ thống trang trí kiến trúc và làm giảm đi sự thô cứng của các hệ thống cột kèo trở nên nhẹ nhàng, uyển chuyển và tinh tế hơn.

Có thể nói, nghệ thuật thời Lý không chỉ đơn thuần là sự kết hợp giữa tôn giáo và triết lý mà còn là sự kết hợp giữa yếu tố tôn giáo và dân tộc; đồng thời, nghệ thuật thời Lý đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam và có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật hiện đại. Sự phong phú của hình tượng nghệ thuật thời Lý cũng cho thấy tín ngưỡng và tâm linh trong đời sống xã hội đương đại là một phần không thể thiếu để tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của nước Việt. Đặc biệt, các triết lý tôn giáo và tính dân tộc đó luôn được khai thác, tái hiện trong các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và tạo nên một sự kết hợp đầy sáng tạo độc đáo.

Nghệ thuật tạo hình thời Trần

Nghệ thuật Đại Việt thời Trần phản ánh các loại hình nghệ thuật chủ yếu trên lĩnh vực điêu khắc và âm nhạc. Sự phát triển của nghệ thuật phong phú, đa dạng thời Trần tạo nên bộ phận quan trọng trong nền văn minh Đại Việt đương thời (1). Hình tượng nghệ thuật thời Trần có ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ đặc biệt, trong đó, những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn của một thời kỳ văn hóa và lịch sử Việt Nam, đồng thời phản ánh được những giá trị tinh thần và triết lý của người dân trong cuộc sống. Tiếp nối nhà Lý, ở thời kỳ nhà Trần (1225-1400) cũng được coi là thời kỳ vàng son của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Thời Trần chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của kiến trúc đền đài, chùa chiền và cung điện, thể hiện qua các công trình được xây dựng với những đường nét tinh tế và uyển chuyển. Trong thời kỳ này, bên cạnh việc kế thừa kho tàng nghệ thuật từ trước, nghệ thuật tạo hình còn có những hình ảnh của các vị thần, vua chúa và quan lại thường được khắc hoặc vẽ trên các bức tường và cửa chính. Những hình tượng này không chỉ tạo nên sự thanh cao và uy nghiêm cho các công trình mà còn mang lại một giá trị thẩm mỹ đặc biệt cho chúng. Điêu khắc thời Trần đã có sự chuyển biến và mang trong mình cách tạo hình với lối thể hiện hiện thực khoáng đạt, khỏe khoắn hơn. Nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Trần là sự biểu hiện giao lưu tiếp biến văn hóa một cách rộng rãi, là tinh thần thượng võ được phát huy mạnh mẽ qua các cuộc chiến. Điêu khắc thời Trần thường gắn liền với các công trình kiến trúc của thời kỳ này.

3. Ảnh hưởng nghệ thuật tạo hình thời Lý - Trần đến văn hóa hiện nay

Sự phát triển và thành tựu của nghệ thuật thời Lý - Trần như kiến trúc, điêu khắc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Từ những thành tựu của nghệ thuật thời Lý - Trần, việc giữ gìn và phát huy giá trị của những tác phẩm là rất quan trọng để duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm nghệ thuật thời Lý - Trần như các công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc đặc sắc đã góp phần tạo nên một bức tranh về văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú, tạo nên một diện mạo văn hóa đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, những thành tựu nghệ thuật thời Lý - Trần còn là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ hiện đại trong việc tạo ra những tác phẩm mang tính đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Ngày nay, nhờ vào sự phát triển của các phương tiện truyền thông và du lịch, các hình tượng nghệ thuật thời Lý, Trần đã được lan tỏa và phổ biến rộng rãi, điều này giúp cho những người không có cơ hội đến thăm các công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc thời Lý, Trần vẫn có thể hiểu và yêu thích nghệ thuật này. Ngoài ra, sự phổ biến của hình tượng nghệ thuật thời Lý, Trần đã giúp cho văn hóa Việt Nam được biết đến nhiều hơn, được đánh giá cao hơn trong cộng đồng quốc tế.

Xét về ý nghĩa, nghệ thuật tạo hình thời Lý, Trần không chỉ đơn thuần là một hình thức trang trí mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tôn giáo, lịch sử và văn hóa của dân tộc, biểu hiện chân thực đời sống xã hội. Các tác phẩm điêu khắc trang trí tại các đền chùa thường thể hiện những câu chuyện về các vị thần, vua chúa và những sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước. Những bức tranh trên tường nhà dân thường mang ý nghĩa phong thủy, cầu mong sự may mắn và bình an cho gia đình.

4. Việc ứng dụng nghệ thuật tạo hình truyền thống trong thiết kế sản phẩm quà tặng hiện nay

Đất nước Việt Nam với dòng chảy lịch sử lâu đời, có nền văn hóa truyền thống phong phú. Nghiên cứu hiểu rõ về văn hóa truyền thống, chắt lọc được các yếu tố thẩm mỹ đặc trưng của văn hóa truyền thống, đồng thời, kết hợp với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại ngày nay và áp dụng phương pháp thiết kế sáng tạo phù hợp với kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu của sản phẩm là một vấn đề quan trọng của các nhà thiết kế hiện đại. Sự kết hợp hài hòa không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ, khả năng tiêu thụ của sản phẩm mà còn làm tăng sự tự tin về văn hóa và sử dụng quyền lực mềm của văn hóa trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, thương mại quốc tế (2). Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, việc sử dụng nghệ thuật tạo hình truyền thống trong thiết kế sản phẩm quà tặng đang dần bị lãng quên và thay thế bởi các phương pháp thiết kế hiện đại. Tuy nhiên, nghệ thuật tạo hình truyền thống vẫn mang lại những giá trị văn hóa và tinh thần đặc biệt cho sản phẩm, tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ; đồng thời, còn là một phần không thể thiếu trong việc phổ biến, bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, các phương pháp thiết kế hiện đại như máy tính, phần mềm đồ họa đã trở thành công cụ không thể thiếu trong việc thiết kế sản phẩm quà tặng. Các công nghệ này giúp cho việc thiết kế trở nên nhanh chóng, tiện lợi và linh hoạt hơn. Đồng thời, các kỹ thuật in ấn và sản xuất cũng được cải tiến và phát triển, giúp cho việc sản xuất các sản phẩm quà tặng trở nên đa dạng và đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các phương pháp thiết kế hiện đại cũng đồng nghĩa với việc nghệ thuật tạo hình truyền thống bị lãng quên và ít được sử dụng trong thiết kế sản phẩm quà tặng. Việc sử dụng các công nghệ và kỹ thuật mới nhiều khi đã làm cho các sản phẩm quà tặng trở nên đơn điệu, thiếu đi sự độc đáo và tinh tế của nghệ thuật tạo hình truyền thống.

Thiết kế hiện đại thể hiện sự tiến bộ của khoa học hiện đại, công nghệ và biểu hiện quan niệm nghệ thuật là dựa trên nền tảng vật liệu hiện hữu, kết hợp với văn hóa truyền thống và các khái niệm thiết kế hiện đại. Thiết kế hợp lý có thể làm cho các yếu tố công năng, kinh tế và giá trị văn hóa trở nên độc đáo, không chỉ nhấn mạnh chức năng của các đối tượng, mà còn đáp ứng mối quan hệ giữa đồ vật và con người. Hoạt động thẩm mỹ bắt nguồn từ thực tiễn xã hội và liên tục thay đổi với sự phát triển của lịch sử. Văn hóa truyền thống có tính liên tục, ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm thẩm mỹ của mỗi người và cung cấp cách tư duy mới cho nhà thiết kế. Các nhà thiết kế nên tiến hành từ thực tế, chắt lọc và tích hợp những tinh hoa trong thiết kế, kết hợp với các đặc điểm văn hóa Việt Nam để tăng giá trị sản phẩm (3).

Việc ứng dụng nghệ thuật tạo hình truyền thống trong thiết kế sản phẩm quà tặng không chỉ giúp các nhà thiết kế, các nghệ nhân thể hiện những sáng tạo của mình, mà còn giúp cho các sản phẩm quà tặng trở nên độc đáo và mang đậm chất nghệ thuật. Trong các dự án thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, việc sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống, việc tập trung khai thác một số họa tiết truyền thống tiêu biểu là một phương pháp nghiên cứu phổ biến. Đối với nghệ thuật thời Lý, Trần mà chủ yếu là các loại hình nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, hệ thống hoa văn chạm khắc rất đa dạng về chất liệu, loại hình và đề tài trang trí như: đề tài thiên nhiên với hoa văn mây, nước, hoa sen, hoa cúc; đề tài động vật với hình tượng rồng, chim phượng và đề tài hình tượng con người với tạo hình nhạc công, vũ nữ… được thể hiện sinh động, tinh tế, tỉ mỉ, mang nét chuẩn mực của nghệ thuật cổ điển và đó là những gợi ý, tư liệu quý giá cho mục đích nâng cao giá trị kinh tế, tính thẩm mỹ của các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng Việt Nam, trong đó, có các sản phẩm quà tặng. Thiết kế các sản phẩm quà tặng với sự vận dụng tối ưu nhất từ các hình thức họa tiết trang trí của nghệ thuật tạo hình truyền thống trong đó có hoa văn chạm khắc thời Lý, Trần cùng sự hỗ trợ của các phần mềm thiết kế hiện đại, làm cho các hoa văn được thiết kế, sử dụng rộng rãi hơn, phù hợp hơn với đời sống đương đại, làm phong phú cho các sản phẩm quà tặng. Qua đó, góp phần lưu giữ, quảng bá, làm giàu hơn cho kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam là hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Thời kỳ Lý, Trần là giai đoạn đánh dấu sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật và văn hóa tại Việt Nam và là thời kỳ hoàng kim của những thành tựu mỹ thuật. Nói đến nghệ thuật thời Lý, Trần là nói đến những công trình, những thành tựu mỹ thuật được coi là mẫu mực của mỹ thuật phong kiến Việt Nam. Lấy cảm hứng từ Phật giáo, mỹ thuật thời Lý, Trần mang đậm tinh thần tôn giáo, đó là những công trình kiến trúc, điêu khắc với những đường nét chạm trổ tinh vi, điêu luyện, tinh xảo được thể hiện thông qua các tác phẩm chạm khắc, chạm trổ. Trong xã hội đương đại, vai trò của thiết kế sản phẩm là rất quan trọng. Thiết kế bao gồm các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ và những giá trị kinh tế là những yếu tố được kết hợp hài hòa và rất cần thiết để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu thiếu đi giá trị thẩm mỹ và văn hóa dân tộc, các thiết kế khẳng định được bản sắc riêng hoặc cũng sẽ rất khó đạt được thành công và hiệu quả. Vì vậy, việc tôn vinh và sử dụng các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam trong thiết kế ứng dụng rất quan trọng để sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Và trong thời gian gần đây, xu hướng ứng dụng nghệ thuật tạo hình truyền thống trong thiết kế sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nói chung, sản phẩm quà tặng nói riêng đã dần trở nên phổ biến. Xu hướng đó cho thấy sự trân trọng những giá trị truyền thống và sự đa dạng trong việc áp dụng nghệ thuật vào cuộc sống hiện đại là điều thiết thực và thu hút mang tầm chiến lược.

Kết luận

Phát triển nghệ thuật trang trí họa tiết cổ của dân tộc ở thời Lý - Trần không chỉ là vấn đề của sự bảo tồn, mà còn lưu giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Việc nghiên cứu và ứng dụng trang trí họa tiết hình tượng nghệ thuật thời Lý, Trần hiệu quả, có chất lượng là một vấn đề cần thiết và quan trọng, là hướng đi đúng đắn. Việc đưa hình tượng nghệ thuật thời Lý, Trần vào thiết kế, trang trí sản phẩm quà tặng cần có những phương pháp và quy trình khác nhau, nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm quà tặng đẹp trên những giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông ta để lại. Qua đó, giúp cho thế hệ trẻ ngày nay hiểu được cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật trang trí và chủ động hơn trong việc tìm đến với cội nguồn dân tộc (4).

____________________

1. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.156.

2, 3. Lê Thanh Hương, Ứng dụng văn hóa truyền thống trong thiết kế Việt Nam đương đại, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 515, 11-2022, tr.79-81.

4. Nghiên cứu được từ tài trợ bởi đề tài khoa học và công nghệ cấp trường, mã số MHN2023-02.11.

Tài liệu tham khảo

1. Chu Thị Hương Thu, Vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa sen trong trang trí Mỹ thuật Lý - Trần, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 17, 2017.

2. Trần Anh, Rồng trong nghệ thuật tạo hình thời Lý, Trần, Hồ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, vannghequandoi.com.vn, 4-2019.

3. Trần Thị Biển, Mây - biểu tượng tạo hình của mỹ thuật thời Lý - Trần, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 356, 2-2014.

4. Trần Thị Tiềm, Ý nghĩa văn hóa và giá trị thẩm mỹ nghệ thuật tạo hình của biểu tượng hoa sen trong chùa Huế, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 41, 2022.

TS LÊ TRỌNG NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;