Đặc điểm tạo hình vật dụng nội thất cung đình triều Nguyễn

Tóm tắt: Vật dụng nội thất cung đình triều Nguyễn có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, thể hiện đời sống vật chất, giá trị tinh thần của người xưa, mang những dấu ấn văn hóa và đặc điểm thẩm mỹ quan trọng ở hoàng cung. Dưới bàn tay chế tác khéo léo của các nghệ nhân xưa, những yếu tố thuộc văn hóa, mỹ thuật ấy đã hiển lộ trên bề mặt chất liệu của vật dụng một cách rõ nét và thể hiện sự biểu đạt về mặt mỹ thuật đến độ tỉ mỉ, tinh tế. Nhóm vật dụng này đã góp phần tích cực trong việc định hình và nhận diện rõ nét hơn về diện mạo mỹ thuật thời Nguyễn. Nghiên cứu về vật dụng nội thất cung đình giúp cho sự hình dung về văn hóa và mỹ thuật cung đình cụ thể hơn. Với những biểu hiện đặc thù trong tạo hình của nhóm vật dụng nội thất cung đình góp phần quan trọng cho nhận định về mỹ thuật dân tộc - một mảnh ghép độc đáo không thể thiếu về triều đại phong kiến cuối cùng của dân tộc - triều Nguyễn.

Từ khóa: vật dụng nội thất, cung đình, mỹ thuật dân tộc, di sản, biểu tượng.

Abstract: The wooden furniture and interior items of the Nguyen dynasty royal court play a significant role in the daily life of that era, reflecting both the material and spiritual aspects. These items bear cultural imprints and aesthetic features significant to the royal palace. The skilled craftsmanship of ancient artisans vividly manifested cultural and artistic elements on the surfaces of these objects, showcasing meticulous and refined artistic expression. These items significantly contributed to shaping and clarifying the artistic aesthetic of the Nguyen period. Research on royal court interior furnishings enhances our understanding of the culture and art of the imperial court. The specific design expressions of these objects significantly contribute to the appreciation of national art - an indispensable and unique artifact of the Nguyen dynasty, the last feudal dynasty of Vietnam

Keywords: interior items, royal court, national art, heritage, symbols.

Một góc ở cung An Định với sự kết hợp vật dụng họa tiết truyền thống với họa tiết trang trí Tây phương - Nguồn ảnh: tác giả cung cấp

Triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa mà còn nổi bật với nghệ thuật tạo hình tinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nội thất cung đình. Các vật dụng nội thất của triều Nguyễn không chỉ phản ánh sự xa hoa, quyền uy của hoàng gia, mà còn hàm chứa tinh thần thẩm mỹ và triết lý nhân sinh sâu sắc của thời đại.

Những sản phẩm nội thất như ngai vàng, bàn ghế, bình phong hay tủ trưng bày không chỉ là những vật dụng sử dụng hằng ngày mà còn được xem như tác phẩm nghệ thuật, hội tụ tay nghề đỉnh cao của các nghệ nhân. Từng chi tiết hoa văn chạm khắc, từng đường nét uốn lượn đều ẩn chứa những biểu tượng văn hóa, tôn giáo và triết học, tạo nên một phong cách riêng biệt mang đậm bản sắc dân tộc.

1. Bối cảnh lịch sử và văn hóa

Triều Nguyễn (1802-1945) để lại dấu ấn sâu sắc về chính trị, văn hóa và nghệ thuật. Đây là giai đoạn mà đất nước trải qua nhiều biến đổi lớn, từ sự ổn định ban đầu dưới triều Gia Long đến những thách thức của thực dân Pháp ở cuối TK XIX. Trong bối cảnh đó, triều Nguyễn không chỉ tập trung vào việc củng cố quyền lực mà còn chú trọng vào việc xây dựng một nền văn hóa cung đình độc đáo, thể hiện qua kiến trúc, mỹ thuật và các vật dụng nội thất.

Triều Nguyễn không chỉ ghi dấu ấn bởi sự phát triển mạnh mẽ trong tổ chức nhà nước, mà còn bởi tầm nhìn trong việc lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc. Các vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Khải Định, đều chú trọng xây dựng một hệ thống kiến trúc cung đình đồ sộ như kinh thành Huế, lăng tẩm và các công trình nghi lễ. Những công trình này không chỉ là biểu tượng quyền lực mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, phản ánh tư duy nghệ thuật tinh tế và sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bản địa và nước ngoài.

Kiến trúc cung đình triều Nguyễn, với kinh đô Huế là trung tâm, đạt đến đỉnh cao về quy mô và sự tinh tế. Các cung điện, lăng, phủ, đình đều được thiết kế với bố cục chặt chẽ, mang tính biểu tượng cao, nhấn mạnh tính trang nghiêm và uy quyền của hoàng gia. Trong không gian đó, các vật dụng nội thất đóng vai trò thiết yếu, vừa đáp ứng công năng sử dụng vừa tô điểm cho không gian kiến trúc.

Ví dụ, ngai vàng trong các cung điện như Điện Thái Hòa không chỉ là nơi hoàng đế ngự triều mà còn là biểu tượng của quyền lực tối cao. Ngai vàng thường được chế tác từ gỗ quý, chạm khắc tinh xảo hình rồng - biểu tượng cao nhất về quyền lực, sự cao quý và thiêng liêng trong văn hóa Việt. Ngoài ra, các loại bàn, ghế, tủ, kệ trưng bày trong cung đình đều được thiết kế để hài hòa với kiến trúc, sử dụng chất liệu như gỗ gụ, gỗ lim, được sơn son thếp vàng, khảm trai hoặc khảm xà cừ, tạo nên sự lộng lẫy và sang trọng cho không gian.

Nội thất cung đình triều Nguyễn là minh chứng rõ nét cho sự giao thoa giữa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, Trung Hoa và phương Tây, tạo thành một phong cách độc đáo riêng biệt, thể hiện bản sắc và sự đặc trưng duy nhất về nghệ thuật của triều đại này. Những vật dụng nội thất trong cung đình không chỉ đơn thuần là công cụ sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa, tín ngưỡng và thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam, đồng thời phản ánh sự tiếp nhận và kết hợp với các yếu tố văn hóa bên ngoài.

Về mặt văn hóa truyền thống, nội thất cung đình triều Nguyễn thường được trang trí bằng các họa tiết dân gian mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam, như hoa sen, sóng nước, chim phượng, hay hình ảnh rồng lượn trong không gian, rồng ẩn trong mây. Các họa tiết này không chỉ thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật trang trí mà còn chứa đựng những giá trị tín ngưỡng sâu sắc của người Việt. Ví dụ, hoa sen, là biểu tượng của sự thanh cao, thuần khiết, gắn liền với đạo Phật và thường xuất hiện trong các vật dụng như bát đĩa, gối, vải màn hay đồ thờ cúng. Hình ảnh sóng nước, chim phượng cũng tượng trưng cho sự sang quý, phát triển thịnh vượng và thái bình. Chính vì vậy, mỗi chi tiết trang trí trong cung đình không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà còn là một phần không thể thiếu trong việc duy trì các giá trị văn hóa tinh thần, đặc biệt là niềm tin vào sự bảo vệ và phù hộ của các thế lực siêu nhiên, thần thánh đối với hoàng gia.

Sự ảnh hưởng của Trung Hoa trong thiết kế nội thất cung đình triều Nguyễn không thể không nhắc đến, bởi mối quan hệ lịch sử và văn hóa lâu dài giữa hai quốc gia. Triều Nguyễn, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống, nhưng cũng tiếp thu và phát triển những yếu tố văn hóa từ Trung Hoa, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật và trang trí nội thất. Những họa tiết như rồng mây, hoa văn hình chữ Hán, họa tiết mang ý nghĩa chúc tụng, hay các kỹ thuật chạm khắc tinh xảo đều mang đậm dấu ấn của nghệ thuật Trung Hoa.

Rồng, biểu tượng của quyền lực tối cao, thường xuyên xuất hiện trên ngai vàng, tường, cột, trần, mái… của cung điện, và trên các vật dụng thờ cúng. Đặc biệt, trong các công trình kiến trúc, các hoa văn hình chữ Hán với những ý nghĩa sâu sắc như “phúc”, “lộc”, “thọ” đã được sử dụng phổ biến, thể hiện sự kính trọng đối với truyền thống và văn hóa Trung Hoa, đồng thời phản ánh quan niệm về sự thịnh vượng, trường tồn trong triều đại. Các kỹ thuật chạm khắc gỗ, khảm trai, khảm xà cừ cũng được các nghệ nhân cung đình triều Nguyễn học hỏi từ Trung Hoa và các nước Tây phương thông qua ngoại giao, buôn bán, trao đổi… tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, đầy tính biểu tượng.

Từ thời các vua Nguyễn, đất nước bắt đầu tiếp nhận các yếu tố phương Tây, đặc biệt trong thiết kế nội thất giai đoạn Khải Định, những sự đổi mới này trở nên rõ nét hơn. Ông cũng là người có tầm nhìn cởi mở hơn hẳn trong việc kết hợp các yếu tố phương Đông và phương Tây. Vua Khải Định không chỉ chú trọng vào việc xây dựng các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn truyền thống mà còn thể hiện sự tiếp thu và áp dụng các yếu tố của kiến trúc phương Tây, đặc biệt là trong các họa tiết trang trí nội thất. Trong các cung điện như cung An Định hay lăng Khải Định, sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Baroque, vật dụng phong cách Art Deco, bích họa Art Noveau với các yếu tố truyền thống Việt Nam đã tạo ra một không gian cung đình vừa mang vẻ đẹp cổ điển, vừa hiện đại. Một số quan điểm cũ cho rằng đó là một sự tổng hợp không thống nhất và xung đột về thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi bước hẳn vào không gian này, cảm nhận sự tương hợp giữa cảnh quan sân vườn, không gian kiến trúc tiếp nối với không gian nội thất thông qua hành lang, ban công và sự sắp đặt vật dụng nội thất dưới ánh sáng tự nhiên, ánh sáng từ đèn va đập trên kiến trúc và chi tiết mỹ thuật trên vật dụng… Tất cả hiện lên trước mắt là một không gian cung điện sang trọng với sự phối hợp khéo léo đầy kinh nghiệm và tài tình. Cung An Định - một cung điện nhỏ vừa đủ, cao đẹp, mang không khí ấm cúng, đa sắc rất tinh tế và thanh tao.

Các vật liệu như kính màu, đồ sứ, kim loại quý đã được sử dụng để tạo ra những không gian đầy ấn tượng, hài hòa giữa các yếu tố Đông và Tây. Điều này không chỉ thể hiện sự phát triển về mặt thẩm mỹ mà còn phản ánh sự hội nhập văn hóa, cho thấy tầm nhìn của triều Nguyễn trong việc tìm kiếm sự đổi mới và sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

Sự giao thoa giữa các nền văn hóa truyền thống, Trung Hoa và phương Tây đã tạo ra một nền nghệ thuật cung đình độc đáo, không chỉ về mặt hoàn thiện chức năng nội thất, vật dụng nội thất mà còn về mặt thẩm mỹ, phản ánh sự khéo léo và tinh tế của các nghệ nhân triều Nguyễn. Những yếu tố này không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn giúp tạo nên một không gian thể hiện sự uy nghiêm của hoàng gia, sự thịnh vượng của đất nước. Chính nhờ vào sự tiếp thu và kết hợp tinh tế giữa các yếu tố văn hóa khác nhau, nội thất cung đình triều Nguyễn đã trở thành một di sản văn hóa độc đáo, là nguồn cảm hứng và niềm tự hào của dân tộc.

2. Đặc điểm tạo hình vật dụng nội thất cung đình

Nội thất cung đình triều Nguyễn không chỉ là những đồ vật dùng trong sinh hoạt hằng ngày, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật phản ánh sự giàu có, quyền lực và giá trị văn hóa sâu sắc của triều đại. Các đặc điểm tạo hình vật dụng nội thất trong cung đình Nguyễn là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính thẩm mỹ, kỹ thuật chế tác và giá trị biểu tượng. Những đặc điểm này không chỉ thể hiện trình độ tay nghề của các nghệ nhân mà còn gắn liền với tín ngưỡng, triết lý sống và phong tục của dân tộc.

Hình dáng và tỷ lệ

Vật dụng nội thất trong cung đình triều Nguyễn đặc biệt chú trọng đến tỷ lệ hài hòa và cân đối, phản ánh triết lý cân bằng, vững chãi và trang nghiêm của triều đại. Những chiếc ngai vàng, bàn ghế, tràng kỷ, tủ kệ... được thiết kế với các tỷ lệ chính xác theo triết lý ấy, tạo cảm giác uy nghiêm nhưng vẫn không thiếu phần tinh tế, nhẹ nhàng. Một ví dụ tiêu biểu là những chiếc ngai vàng của vua với thiết kế đường nét đơn giản nhưng cân đối, tượng trưng cho quyền lực tối cao của vua. Ngai vàng có hình dáng vuông vắn, chắc chắn, với lưng ngai cao và các chi tiết chạm khắc rồng uốn lượn, thể hiện sự linh thiêng và quyền lực tối cao.

Mỗi ngai vàng có một hình thức thẩm mỹ và cấu trúc khác nhau - Nguồn ảnh: tác giả cung cấp

Những chiếc bàn và ghế, với mặt bàn rộng rãi, vẫn giữ được tỷ lệ hợp lý, tạo cảm giác thoải mái nhưng không làm mất đi vẻ trang trọng. Tràng kỷ, vốn là vật dụng dành cho những buổi giao tiếp trang trọng trong cung, tỉ lệ về đường nét thẳng - cong mềm mại, thanh tao giữ được sự sang trọng, lịch lãm. Các tủ, kệ trong cung đình Nguyễn cũng không kém phần tinh xảo, với các ngăn tủ, ô hộc được chia đều, giúp việc sử dụng trở nên thuận tiện, nhưng đồng thời các chi tiết như chân tủ hay tay cầm lại mang đậm yếu tố thẩm mỹ thông qua kỹ thuật chạm trổ tinh xảo, với những hình thức chạm khắc gỗ điêu luyện và đa diện. Những chi tiết ấy góp phần thể hiện sự giàu có và yêu chuộng cái đẹp mỹ thuật của triều đại.

Chất liệu và kỹ thuật chế tác

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp độc đáo của vật dụng nội thất cung đình triều Nguyễn chính là chất liệu và kỹ thuật chế tác tinh xảo. Các vật dụng được làm từ những loại gỗ quý như gỗ lim, gỗ gụ, gỗ trắc, nổi bật với độ cứng cao, vân gỗ, màu sắc gỗ đẹp và khi chế tạo ra vật dụng sẽ đạt được độ quý giá, độ bền cao và khả năng chống mối mọt tốt. Ví dụ, chiếc án phong bằng gỗ quý ở cung Diên Thọ với các chi tiết chạm khắc tinh tế trên khung kết hợp với các ô kính, được chế tạo từ gỗ quý nên mặc dù phần khung rất mảnh có chỗ chỉ dày khoảng 1cm, đến nay vẫn giữ được độ bền đẹp, bóng bẩy, không bị cong vênh hay mối mọt. Án phong mô phỏng hình tượng cuốn thư được chia ô học thuận theo khối cong mà cuốn thư tạo ra đầy vẻ tinh tế, sang trọng, phù hợp với vai trò mang tính linh hoạt vừa là trang trí, vừa dùng để ngăn không gian mà vẫn thể hiện được tính riêng tư, ý nhị của người trong hoàng gia.

Các kỹ thuật chế tác được sử dụng trong cung đình Nguyễn rất tinh vi, với các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật chạm khắc, khảm trai, thếp vàng, sơn son một cách hoàn hảo. Kỹ thuật chạm khắc gỗ được ứng dụng rộng rãi trong các vật dụng không chỉ trên ngai vàng mà cả trên bàn ghế, với những hình ảnh rồng, phượng, hoa lá được chạm trổ rất tỉ mỉ, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân. Chẳng hạn, những chiếc tràng kỷ có kỹ thuật khảm trai tỉ mỉ với các họa tiết như hoa sen, sóng nước, khảm xà cừ ở các chi tiết quan trọng, thậm chí cả trên thân của vật dụng, tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, cao quý bao trùm lên vật dụng. Sử dụng khảm trai và vàng không chỉ là để trang trí, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự thịnh vượng và quyền lực của triều đại. Một ví dụ khác là những chiếc tủ và kệ trên cột với rất nhiều hình tượng tốt đẹp được chạm khắc và sơn son thếp vàng tạo nên một không gian trang trọng nhưng không thiếu phần mềm mại, trang nhã.

Trang trí mỹ thuật

Trang trí mỹ thuật là yếu tố không thể thiếu trong việc tạo nên sự độc đáo của vật dụng nội thất cung đình triều Nguyễn. Các họa tiết trang trí thường xuyên xuất hiện trên các vật dụng như ngai vàng, bàn ghế, tủ kệ, với các chủ đề chủ yếu là rồng, phượng, hoa văn truyền thống, cùng những biểu tượng văn hóa sâu sắc. Rồng, phượng là hai biểu tượng quyền lực tối cao trong văn hóa Việt Nam và thường xuyên xuất hiện trên ngai vàng, thể hiện vị thế và quyền lực của hoàng đế. Rồng tượng trưng cho thiên đế, sự mạnh mẽ và quyền lực, còn phượng tượng trưng cho hoàng hậu, sự duyên dáng và quyền quý. Những họa tiết này không chỉ mang ý nghĩa về quyền lực, mà còn thể hiện sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa thế giới trần tục và thế giới tâm linh. Các họa tiết hoa văn khác như sóng nước, cây cỏ hay các hình ảnh mang đậm tính tâm linh và triết lý sống cũng thường xuyên được sử dụng, tạo nên một không gian hòa hợp, cân bằng. Chẳng hạn, bàn ghế trong cung đình thường được chạm khắc hình sóng nước, biểu trưng cho sự luân hồi, sinh sôi nảy nở, hay các họa tiết hoa sen, biểu tượng của sự thanh cao và tinh khiết trong văn hóa Việt Nam. Kỹ thuật bố trí họa tiết cũng rất tinh tế và hợp lý, các họa tiết được phân bổ một cách cân đối và hài hòa, tạo sự bắt mắt nhưng không gây cảm giác rối mắt. Chúng thể hiện sự sáng tạo, tỉ mỉ của các nghệ nhân cung đình, đồng thời cũng giữ được sự trang trọng, thanh thoát của không gian hoàng gia.

Màu sắc và thẩm mỹ

Màu sắc trong nội thất cung đình triều Nguyễn không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Những gam màu chủ đạo như vàng, đỏ, nâu và xanh lục tạo nên một không gian uy nghi, sang trọng và đầy quyền lực. Màu vàng là màu của hoàng đế, tượng trưng cho quyền lực tối cao và sự thịnh vượng, thường xuyên được sử dụng trong các chi tiết khảm vàng, thếp vàng hay các họa tiết trang trí. Ví dụ, ngai vàng của vua không chỉ có các chi tiết chạm khắc tinh xảo mà còn được thếp vàng, khảm vàng, bạc hoặc ngà, trai ở những phần quan trọng, thể hiện sự xa hoa và quyền lực. Màu đỏ là màu tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng, rất được ưa chuộng trong các vật dụng nội thất cung đình, đặc biệt là trong các không gian lễ hội hay yến tiệc. Màu nâu và đen, với tính trầm tĩnh và vững chãi, tạo nên sự ổn định, vững vàng cho không gian hoàng gia, trong khi màu xanh lục lại tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và hòa bình, mang lại cảm giác thư thái và bình yên. Sự phối hợp giữa các màu sắc này tạo nên một không gian thẩm mỹ hài hòa, đồng thời thể hiện được uy nghiêm, quyền lực nhưng cũng không kém phần thanh thoát và trang trọng.

Sự kết hợp giữa các yếu tố này không chỉ giúp tạo ra những món đồ nội thất sang trọng cho hoàng cung, mà còn thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân và tinh thần thịnh vượng, quyền lực của triều Nguyễn. Nội thất cung đình triều Nguyễn mà cụ thể là vật dụng nội thất đồ gỗ cung đình là sự giao thoa giữa truyền thống và sáng tạo, giữa thẩm mỹ và chức năng, tạo nên một không gian hoàn thiện mà độc đáo, xứng tầm với uy quyền và địa vị của hoàng gia.

3. Vai trò và ý nghĩa của vật dụng nội thất cung đình

Nội thất cung đình triều Nguyễn không chỉ là những đồ vật phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và lễ nghi mà còn mang trong mình những giá trị biểu tượng sâu sắc, phản ánh quyền lực, địa vị, cũng như đời sống của triều đình. Mỗi vật dụng, dù là ngai vàng, bàn ghế hay hương án, đều có vai trò quan trọng trong việc thể hiện quyền uy của hoàng gia, đồng thời góp phần duy trì truyền thống, trật tự xã hội và các giá trị văn hóa dân tộc.

Biểu tượng quyền lực và địa vị

Một trong những chức năng quan trọng nhất của vật dụng nội thất cung đình là biểu trưng cho quyền lực và địa vị của các tầng lớp cao nhất trong xã hội, đặc biệt là của hoàng đế. Ngai vàng là biểu tượng quyền lực tối cao, là vật dụng không thể thiếu trong các buổi lễ trọng thể, các nghi lễ hoàng gia. Chiếc ngai vàng của các vị vua Nguyễn được chế tác với các chi tiết chạm khắc rồng, phượng, những biểu tượng linh thiêng thể hiện sức mạnh của thiên tử và quyền lực tuyệt đối của hoàng đế. Bửu tán, hay còn gọi là đài rồng, cũng là một trong những vật dụng quan trọng, thường được dùng trong các lễ nghi long trọng, như đăng quang hay các buổi đại tiệc, với hình dáng uy nghi, thể hiện sự trang trọng và tôn nghiêm. Bên cạnh ngai vàng và bửu tán, bình phong cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện quyền lực và sự tôn nghiêm. Bình phong thường được đặt ở các vị trí quan trọng, như trước ngai vàng hay nơi hoàng đế ngồi, với các họa tiết chạm khắc rồng, phượng, hoặc các biểu tượng khác, để bảo vệ sự riêng tư và thể hiện địa vị thiên tử, không cho phép bất kỳ ai xâm phạm vào không gian của hoàng đế. Tất cả những vật dụng này không chỉ phục vụ chức năng vật lý mà còn mang những giá trị biểu tượng sâu sắc, thể hiện vị trí và quyền lực tối thượng của vua triều Nguyễn.

Phản ánh đời sống cung đình

Bên cạnh việc tượng trưng cho quyền lực, vật dụng nội thất trong cung đình triều Nguyễn còn phản ánh đời sống sinh hoạt và lễ nghi của hoàng gia. Các vật dụng thiết yếu như giường, bàn, tủ, đều được chế tác không chỉ để phục vụ nhu cầu tiện nghi sinh hoạt, mà còn phải phù hợp với quy định nghiêm ngặt của lễ tiết cung đình. Những chiếc giường trong cung đình được làm từ gỗ quý như gỗ gụ, gỗ trắc, với các họa tiết chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự sang trọng và tiện nghi, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm yếu tố phong thủy, như các chiếc giường của vua và hoàng hậu, được bố trí phải hài hòa với không gian, vị thế tương hỗ với núi non, sông nước, phải phù hợp với tuổi tác, vị trí của vị ấy. Bàn ghế trong cung đình được thiết kế với tỷ lệ chính xác, tạo sự thoải mái nhưng không làm mất đi tính trang trọng, tôn nghiêm. Chúng thường được làm từ những loại gỗ quý, được chạm khắc hoa văn tinh tế, vừa đẹp mắt, vừa mang lại sự tiện lợi trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, các tủ kệ dùng để chứa đồ, trang sức hay đồ vật quý giá cũng được thiết kế tỉ mỉ, không chỉ để lưu trữ mà còn để thể hiện sự sang trọng của cung đình. Các vật dụng này không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân mà còn phản ánh những thói quen, phong tục và các nghi lễ trong đời sống cung đình, như các buổi yến tiệc, lễ hội hay các nghi lễ thờ cúng.

Không gian nghi lễ trong cung đình cũng rất đặc biệt và được trang trí với những vật dụng đặc biệt tương ứng như hương án, đồ thờ cúng, vật dụng sắc phong, các vật dụng quý như gậy như ý, tráp, hộp sắc phong... Hương án là một vật dụng quan trọng trong các nghi lễ tế tự, thể hiện sự tôn kính đối với trời đất, tổ tiên và các vị thần linh. Các hương án được chế tác đẹp mắt, uy nghiêm, với chất liệu gỗ quý, chạm khắc tinh xảo, và thường được đặt ở các vị trí trang trọng nhất trong không gian. Đồ thờ cúng, như tượng Phật, các bức tranh thờ, cũng là những vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ quan trọng của cung đình, vừa phản ánh tín ngưỡng của triều Nguyễn, vừa thể hiện sự tôn kính đối với các giá trị tâm linh của dân tộc.

Giao thoa văn hóa

Vật dụng nội thất cung đình triều Nguyễn còn là minh chứng rõ nét cho sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam, Trung Hoa và phương Tây. Triều Nguyễn, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, đã tiếp nhận và kết hợp các yếu tố văn hóa nước ngoài vào trong vật dụng nội thất và trang trí nội thất cung đình, tạo ra một sự pha trộn độc đáo giữa các nền văn hóa. Ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa đặc biệt rõ ràng trong các chi tiết trang trí, như hình ảnh rồng, phượng, họa tiết hoa văn tinh xảo mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Quốc. Những chi tiết này không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn mang các tầng ý nghĩa sâu sắc về quyền lực và sự linh thiêng.

Từ thời Vua Gia Long đến Khải Định, ảnh hưởng phương Tây bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là trong việc sử dụng các chất liệu mới như kính màu, sứ, và kỹ thuật trang trí như thếp vàng, sơn son, tạo ra sự kết hợp hoàn hảo giữa Đông và Tây. Trong các công trình như cung An Định và lăng Khải Định, các chi tiết trang trí có ảnh hưởng từ phong cách BaroqueArt Deco, Art Noveau của phương Tây được hòa quyện với những họa tiết truyền thống Việt Nam, tạo ra một không gian nội thất vừa sang trọng vừa hiện đại. Đồng thời, tinh thần bản địa hóa trong thiết kế và trang trí cũng rất rõ rệt. Các nghệ nhân cung đình Nguyễn không chỉ tiếp nhận các yếu tố ngoại lai mà còn khéo léo kết hợp chúng với các yếu tố truyền thống Việt Nam, tạo nên một phong cách nội thất độc đáo, vừa hiện đại vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc.

Với những vật dụng như ngai vàng, bàn ghế, hương án và đồ thờ cúng, vật dụng nội thất cung đình triều Nguyễn đã thực sự trở thành một biểu tượng văn hóa, nơi thể hiện sự giao thoa giữa quyền lực, đời sống cung đình và những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Sự kết hợp này không chỉ giúp tạo ra một không gian thẩm mỹ đẹp mắt và đầy đặn mà còn phản ánh những giá trị sâu sắc của một triều đại đầy thăng trầm trong lịch sử Việt Nam.

Kết luận

Nội thất cung đình triều Nguyễn là minh chứng cho sự tinh xảo trong chế tác nghệ thuật và giá trị văn hóa sâu sắc của một triều đại trong lịch sử Việt Nam. Các vật dụng trong cung đình không chỉ thể hiện sự cao quý và quyền lực mà còn phản ánh thẩm mỹ, tư tưởng và tín ngưỡng của thời kỳ này. Từ ngai vàng, bửu tán đến bàn ghế, giường tủ, mỗi vật dụng đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật, kết hợp giữa các yếu tố văn hóa truyền thống, ảnh hưởng từ Trung Hoa và phương Tây. Các chi tiết như rồng, phượng, hoa sen và sóng nước không chỉ làm đẹp không gian cung đình mà còn phản ánh triết lý sống, tôn vinh quyền lực và tín ngưỡng.

Các vật dụng nội thất này có đặc điểm nổi bật là tính nghệ thuật cao, sự tinh xảo trong chế tác và chất liệu quý giá như gỗ lim, gỗ gụ, gỗ trắc, khảm trai, vàng bạc. Các nghệ nhân triều Nguyễn đã sử dụng những kỹ thuật chế tác tinh tế như chạm khắc, khảm, sơn son thếp vàng để tạo ra những tác phẩm không chỉ đẹp mà còn chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Mỗi họa tiết, hình ảnh được lựa chọn kỹ càng để truyền tải các thông điệp về quyền lực, tôn vinh và ghi nhớ tổ tiên, cùng những quan niệm triết học về vũ trụ và con người.

Việc bảo tồn di sản vật dụng nội thất cung đình triều Nguyễn là vô cùng quan trọng, không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất mà còn phục vụ cho nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật. Di sản này là tài liệu quý giá giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống cung đình, các nghi lễ hoàng gia và sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong quá trình phát triển của triều Nguyễn. Để bảo tồn và phát huy giá trị này, cần kết hợp giữa phương pháp bảo tồn truyền thống và hiện đại, đồng thời tăng cường nghiên cứu, trưng bày để công chúng hiểu rõ hơn về di sản này.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Khải Định, Nxb Thế giới, 2022.

2. Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc, Kho báu của Triều Nguyễn ở Việt Nam, Nxb Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Hàn Quốc, 2010.

3. Phan Thanh Hải, Kinh đô Bắc kinh - Cố đô Huế tương đồng và dị biệt, Sông Hương dòng chảy văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003.

4. Léopold Michel, Cadière - Edmond, Gras (Lê Đức Quang dịch và chú giải), Nghệ thuật và Nghệ nhân vùng kinh thành Huế, Nxb Hà Nội, 2019.

5. Nguyễn Thị Bích Liễu, Đôi nét vềđồ nội thất ngự dụng hoàng cung triều Nguyễn ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia Công nghệ, Bản sắc, Tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, thực hành, giảng dạy Mỹ thuật và Thiết kế, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 2024, tr.246-257.

6. Trần Đức Anh Sơn, Huế -Triều Nguyễn một cái nhìn, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2023.

7. Ưng Tiếu, Hoa văn cung đình Huế, Nxb Tổng hợp, TP. HCM. 2011.

8. Hồ Vĩnh, Dấu ấn Văn hóa thời Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998.

9. Trần Quốc Vượng, Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế, Tạp chí Sông Hương, 1994.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 8-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 18-2- 2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.

TÔ THỊ HẢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;