Tranh hoành tráng trong sự phát triển môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh

Tranh gốm hoành tráng tại đền Bến Dược - Củ Chi (trích đoạn) - Nguồn ảnh chụp lại: tác giả

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với bề dày lịch sử hơn 300 năm đang từng ngày đổi mới và phát triển mạnh. Một trong những đô thị lớn của cả nước, đi đầu trong nhiều lĩnh vực và có tốc độ phát triển rất nhanh, đáp ứng nhu cầu cả về vật chất lẫn tinh thần, không chỉ người dân trong nước, du khách quốc tế, mà đặc biệt, cho những người dân thành phố nơi này. Con người là mục tiêu chính và là động lực lớn nhất thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật… để thành phố phát triển. Yếu tố trình độ học vấn con người là hạt nhân của sự sáng tạo; trong đó, tri thức cảm thụ thẩm mỹ, cách ứng xử với môi trường xung quanh cần được chú trọng, nhằm góp phần cải tạo và thúc đẩy toàn xã hội phát triển. Bài viết đi sâu nghiên cứu đánh giá môi trường giáo dục nhận thức và thẩm mỹ thông qua tính hoành tráng của các bức tranh đang hiện diện trong môi trường đô thị TP.HCM.

Nếu xã hội chỉ phát triển về mặt vật chất mà không chú trọng đến đời sống tinh thần của nhân dân, thì sẽ đi ngược với xu thế thời đại và sẽ không thể “phát triển bền vững” một đất nước vốn đã có truyền thống văn hóa bản địa từ lâu. Do đó, vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức của người dân nói chung và người dân TP.HCM nói riêng luôn được đặt lên hàng đầu. Từ trước đến nay, có nhiều cách thức, nhiều phương tiện để truyền đạt giáo dục nhận thức của con người. Tuy nhiên, giáo dục bằng nghệ thuật, mà cụ thể là qua những bức tranh hoành tráng trong đô thị được coi là một trong những hình thức, phương tiện quan trọng và hiệu quả nhất, phù hợp nhất với môi trường đô thị. TP.HCM là nơi có nhiều không gian công cộng dành cho mọi đối tượng cũng như những không gian văn hóa, nghệ thuật có nhiều chức năng đặc thù riêng dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Mặt khác, tranh hoành tráng trong môi trường đô thị TP.HCM hiện nay và tương lai sẽ có gì khác biệt về mặt hình thức và nội dung so với những giai đoạn đã qua, để phù hợp thích ứng với thời đại công nghệ phát triển vượt bật trong xu hướng hội nhập quốc tế của thế hệ trẻ thành phố. Điều này có tính khả thi hay không, dưới góc nhìn của những nhà quản lý thành phố, cũng như những người làm nghệ thuật tạo hình nói chung, nhà điêu khắc và họa sĩ nói riêng phải suy nghĩ gì?

1. Khái niệm về tranh hoành tráng

Tượng đài và tranh hoành tráng được nêu tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật như sau: “Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng” (1). Trong Từ điển Thuật ngữ mĩ thuật phổ thông có định nghĩa về tranh hoành tráng như sau: “Tính chất to về kích thước độc đáo về phong cách, sâu sắc về nội dung, thường gắn với các công trình kiến trúc lớn. Nhờ các đặc điểm ấy, sự hoành tráng nói chung diễn tả được vẻ uy nghi, hùng vĩ với tầm vóc to lớn bằng những đường nét rộng rãi, khỏe khoắn, gây được ấn tượng bền vững tồn tại lâu dài với thời gian” (2).

Ngoài ra, trên thế giới, tranh hoành tráng còn có tên gọi khác là tranh bích họa hay tranh tường (Wall painting). Trong Từ điển Thuật ngữ mĩ thuật phổ thông có khái niệm về tranh bích họa và tranh tường như sau: “Tất cả các hình vẽ lớn được vạch khắc trên hang đá, những tranh vẽ lên tường hay vẽ lên vữa ướt (tranh nề) hoặc tranh ghép mảnh gắn lên tường (mosaique) đều được gọi là bích họa. Bích họa cũng được gọi là tranh tường” (3). Nghĩa là, các tranh vẽ lên trần nhà, vẽ lên mặt trước ngôi nhà cũng thuộc thể loại này và nó xuất hiện từ rất sớm: trong hang Lascaux ở Pháp có tranh được khắc lên vách đá với niên đại 15.000 năm trước CN. Ở di chỉ khảo cổ Knossos, Hy Lạp người ta cũng tìm thấy những tranh tường có niên đại 2000-1600 năm trước CN.

2. Quan niệm về tranh hoành tráng ở các trường mỹ thuật trong và ngoài nước hiện nay

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tại Hà Nội

Ngành Hội họa hoành tráng được thành lập khi có giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp. Trong thời gian chiến tranh khốc liệt, nghệ thuật hội họa hoành tráng chưa có điều kiện hoạt động để ứng dụng nhiều vào các công trình cụ thể. Nhưng, ngay từ nơi sơ tán, sinh viên đã vẽ và thể hiện bài trên các vách tường của lớp học và thể hiện các bức tranh tường cho một số địa phương, trong những dịp thực tập. Tuy chưa phải là tác phẩm nghệ thuật, chỉ là tranh cổ động để kịp thời cổ vũ phong trào thi đua, hưởng ứng các chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngày nay, hội họa hoành tráng đã có nhiều không gian để thể hiện, nhiều công trình đã và đang được trang trí trên bề mặt công trình, trên đường phố và các nơi không gian công cộng với những tác phẩm đồ sộ, làm cho những công trình đó thêm ý nghĩa và sống động hơn lên. Trường khẳng định, ngày nay và sau này, thể loại tranh này sẽ là nhu cầu lớn của xã hội, của nghệ thuật ứng dụng đối với nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Nghệ thuật hoành tráng sẽ có vai trò, vị trí tác động rất mạnh, gây ấn tượng tới thị giác và không chỉ làm đẹp, mà cần có ý nghĩa giáo dục nhiều mặt trong môi trường cuộc sống xã hội. Tương lai của ngành tranh hoành tráng đầy hứa hẹn, có nhiều triển vọng trong xu thế văn hóa xã hội phát triển, công nghiệp văn hóa càng phát triển hơn và kích cầu kinh tế lớn mạnh. Thành phố càng phát triển về quy mô, thì yêu cầu về xây dựng các không gian văn hóa, mỹ thuật ngày càng lớn, trong đó, những tác phẩm hoành tráng sẽ góp phần làm đẹp cho thành phố. Tranh hoành tráng phát triển trong thời kỳ hiện đại là điều tất yếu; tuy nhiên, yếu tố giáo dục trong tranh vẫn luôn được chú trọng và càng khẳng định vai trò quan trọng của tranh hoành tráng.

Hội họa hoành tráng gắn với kiến trúc, với không gian kiến trúc trong môi trường đô thị được thể hiện bằng nhiều yếu tố khác nhau, như bằng chất liệu: xi măng, thạch cao, gỗ, đá, khắc, ghép mảnh gốm, sứ, thủy tinh, uốn kim loại hoặc kết hợp hỗn hợp. Tác phẩm hoành tráng rất phong phú, đa dạng, gây được nhiều ấn tượng mạnh mẽ trong không gian rộng lớn. Qua nhận định trên, cho thấy, các tác phẩm mỹ thuật hoành tráng sẽ có xu hướng phát triển mới, kết hợp, tổng hợp các ngành nghệ thuật đương đại sẽ tạo nên một diện mạo mới mang nhiều phong cách hiện đại trong tương lai gần.

Học viện Nghệ thuật quốc gia Lviv (Ukraine)

Có năm ngành sau đại học thuộc Khoa Mỹ thuật và Bảo tồn (Fine Arts and Restoration) hiện đang đào tạo các ngành học như: Hội họa hoành tráng (Monumental painting); Điêu khắc trang trí và hoành tráng (Monumental and decorative sculpture); Nghệ thuật Thánh (Sacral art); Phục chế tác phẩm nghệ thuật (Artworks restoration); Thực hành nghệ thuật đương đại (Contemporary art practices).

Khoa Mỹ thuật và Bảo tồn (Fine Arts and Restoration Faculty) về tranh hoành tráng cũng đã khẳng định những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển tác phẩm tranh hoành tráng. “Một trong những lĩnh vực hoạt động chuyên biệt quan trọng nhất là sự xâm nhập hữu cơ của hội họa vào môi trường kiến ​​trúc, đô thị, kiến ​​trúc và cảnh quan, phát triển các yêu cầu đặc biệt và giá trị phong cách trong chương trình của chủ nghĩa hoành tráng hiện đại” (4). Theo học viện, định hướng nghiên cứu mới nhất chủ yếu liên quan đến việc nắm vững các lĩnh vực mới như phối cảnh, cửa sổ kính màu hoành tráng, sắp đặt và các thực hành nghệ thuật đương đại khác.

3. Hiện trạng tranh hoành tráng trong môi trường đô thị TP.HCM

Những người làm nghệ thuật nói chung, những họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư… đã quan tâm đến sự phát triển của đô thị TP.HCM thì không thể không quan tâm đến nghệ thuật công cộng, tranh hoành tráng của thành phố. Tranh hoành tráng trong môi trường đô thị thành phố đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra mỹ quan đô thị, mà còn thể hiện trình độ văn hóa của cộng đồng dân cư, tái hiện lại truyền thống hào hùng của lịch sử nước nhà. Ngoài ra, tranh hoành tráng còn có chức năng giáo dục, nhận thức thẩm mỹ, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Chúng tác động đến cuộc sống xung quanh đang phát triển, mà chủ thể là cư dân đô thị. Những bức tranh hoành tráng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong thành phố như: tại đền Bến Dược, Củ Chi, có hai bức tranh gốm và tranh kính (mosaic) ở nhà thờ Ba Chuông; trước cổng Công viên Lê Văn Tám cũng có một bức tranh gốm và tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh có bức tranh hoành tráng, kích thước khá to; xung quanh 4 diện mặt của chợ Bến Thành chúng ta cũng nhìn thấy các mảng bố cục phù điêu thể loại trang trí. Điều đó cho thấy, trong các không gian môi trường đô thị ở TP.HCM đã rất chú tâm đến vai trò của văn hóa nghệ thuật đối sự phát triển chung của thành phố.

Trong các bức tranh hoành tráng tại TP.HCM, có thể thấy, bức tranh bằng gốm tại Đền tưởng niệm Bến Dược ở Địa đạo Củ Chi là một bức tranh có kích thước rất lớn. Năm1995, đền được xây dựng để tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tọa lạc tại huyện Củ Chi, TP.HCM, tác phẩm tạo tác vào năm 2001, có kích thước 20cm2×10cm2 và được ghép bởi các viên gạch gốm màu rất đẹp, đó là sự đóng góp tài trí của 11 giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và họa sĩ đã phải làm việc liên tục trong 4 năm. Bức tranh được gắn trên mặt ngoài tường của đền Bến Dược. Nội dung bức tranh tường hoành tráng ca ngợi lịch sử khai phá, xây dựng và bảo vệ vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ xưa đến ngày đại thắng mùa xuân 1975.

Đây là công trình nghệ thuật đồ sộ cả về nội dung và hình thức. Tính chất hoành tráng biểu lộ rõ trong nội dung thông qua sự tỉ mỉ trong từng chi tiết, đường nét khắc phác họa. Người xem khi đứng trước tác phẩm cảm thấy mình dường như nhỏ bé bởi nội dung tư tưởng phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc và những hình tượng oai hùng của các bậc tiền nhân. Khi đón nhận những cảm xúc tốt đẹp đó, mỗi người dân Việt Nam chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc. Thế hệ trẻ thành phố có thêm những bài học sâu sắc về lòng yêu nước và những hành động cao cả vì tổ quốc vì nhân dân của các anh hùng liệt sĩ, thông qua nghệ thuật tranh hoành tráng.

Về chất liệu tranh hoành tráng hiện có trong môi trường đô thị TP.HCM chủ yếu được làm bằng gốm, một loại chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, có các chất liệu như kính đa màu, sơn, bột màu được sử dụng cho tranh trong các nhà thờ và một số tranh ở những công trình khu vực khác trong thành phố.

4. Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Tranh bích họa hay tranh tường nói chung là được vẽ trên những nơi có một bề mặt rộng, gắn liền với các công trình xây dựng với quy mô lớn như cung văn hóa, trường đại học, nhà thờ, trụ sở các cơ quan nhà nước. Chúng thường mang những nội dung xã hội, lịch sử phong phú, do đó gọi là tranh hoành tráng. Tranh hoành tráng không chỉ là tranh có kích thước lớn mà còn hoành tráng về nội dung. Một số danh họa vẽ tranh hoành tráng hay còn gọi là tranh tường nổi tiếng thế giới như Giotto, MichelAnge, Raphael, Leonard-de-Vinci, Siqueiros. Họ là những người làm nghệ thuật ở các thời đại sau Trung cổ và bắt đầu cho một nền nghệ thuật Phục hưng ở phương Tây. Họ rất có điều kiện để học tập nghiên cứu nắm bắt được từ phong cách tạo hình đến kỹ thuật sử dụng chất liệu, vật liệu, màu sắc để có thể tạo ra một tác phẩm tranh hoành tráng đặc biệt có sự thể hiện mạnh mẽ và tinh tế nhất của thời kỳ này. Với nội dung hoành tráng, kích thước to lớn, tranh hoành tráng của các danh họa nổi tiếng trên thế giới đã tạo một động lực và sự kiên nhẫn cho người làm nghệ thuật sau này. Để thực hiện được tranh hoành tráng có giá trị đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự kiên nhẫn và lòng đam mê vì tranh thể loại này thường tốn rất nhiều thời gian và công sức.

 Ngày nay trong thời đại công nghệ phát triển các thể loại tranh hoành tráng chính là các tác phẩm công trình mỹ thuật đô thị gắn liền với các không gian nội ngoại thất kiến trúc. Tranh hoành tráng đòi hỏi phải có khả năng thích ứng và sáng tạo để vượt qua những trở ngại và tạo ra những giải pháp mới. Trong đó, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc áp dụng sáng tạo công nghệ và tạo ra các giải pháp đột phá với nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, nông nghiệp đến khoa học và công nghệ. Vì đây cũng là những kinh nghiệm quan trọng giúp những người làm nghệ thuật trong nước đạt được những thành công mới trong các dự án tranh hoành tráng. Tuy không nhiều, nhưng hiện nay những bức tranh hoành tráng trong môi trường đô thị TP.HCM đã đạt được những giá trị nhất định về nghệ thuật và sáng tạo công nghệ.

5. Nhận thức về vai trò và xu hướng của tranh hoành tráng trong môi trường đô thị TP.HCM

“Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người” của nhà sử học Ben Wilson chỉ ra rằng, đô thị luôn biến đổi sống động vừa thể hiện lối sống, tư tưởng của cư dân nơi đây, lại vừa có thể thách thức các giá trị và hiểu biết của con người. Đô thị còn là sự tương tác giữa môi trường, kiến trúc với cư dân sinh sống bên trong từng khoảng không gian cảnh quan khác nhau (5). Điều này cho thấy sự phát triển của những môi trường đô thị lớn ảnh hưởng đến yếu tố con người như thế nào.

Môi trường đô thị TP.HCM, với vai trò là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục… hàng đầu của cả nước nên rất cần có những định hướng phát triển đô thị mà trong đó phải lưu ý đến những khoảng không gian cho tranh hoành tráng trang trí ngoài trời. Nơi đây đủ không gian và thuận lợi để phát triển tác phẩm mang xu hướng nghệ thuật đương đại phù hợp với kiến trúc, cảnh quan, môi trường đô thị hiện đại của thành phố. Vậy nên, trong môi trường đô thị của thành phố nói chung trên cả nước và ở TP.HCM, ngoài thể loại tranh hoành tráng, các họa sĩ sáng tạo có thể kết hợp những loại hình nghệ thuật khác bổ sung và cộng hưởng với nhau cùng với tranh hoành tráng, như nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, đồ họa động, chiếu sáng… kết hợp sự tương tác với con người cùng môi trường xung quanh để tạo nên một sự phát triển phong phú, đa dạng và bền vững hơn; bởi, xu hướng của nghệ thuật hiện đại là sự kết hợp. Hơn nữa nghệ thuật tổng hợp luôn tăng cường sự biểu cảm luôn đem lại diện mạo mới, ý tưởng mới.

Sang đầu TK XX, ngôn ngữ hội họa và điêu khắc dường như đã có sự chuyển biến phong phú từ khái niệm “tĩnh” sang “động”; từ khái niệm nghệ thuật không gian với đặc trưng “thời gian đứng im” đã trộn lẫn với “thời gian động”. Tác phẩm càng ngày càng có nhiều sáng tạo gắn liền với môi trường kiến trúc và con người xung quanh. Người dân nói chung, người dân thành phố nói riêng cần được tương tác với tác phẩm. Có thể người trẻ tương tác ở trạng thái “động”, người cao tuổi tương tác với tác phẩm trong trạng thái “tĩnh” hơn hoặc hoàn toàn tĩnh lặng. Điều này càng làm cho tác phẩm gần gũi hơn với công chúng thưởng lãm, người sinh sống trong môi trường có tác phẩm hoành tráng. Từ đó mang lại tính giáo dục cao, nhận thức thẩm mỹ đúng đắn, nâng tầm cảm thụ nghệ thuật của người dân thành phố, giúp họ càng yêu nghệ thuật hơn. Tác phẩm không chỉ làm đẹp cho môi trường đô thị thành phố mà còn làm đẹp tâm hồn mỗi con người nơi đây, cũng như những du khách trong nước và bạn bè quốc tế đến thăm.

Đặc biệt, thể loại tranh này sẽ phát triển theo xu hướng mới, không những đem lại giá trị thẩm mỹ cho khu vực mà còn giới thiệu được các loại hình nghệ thuật khác bằng sự sáng tạo, kết hợp đến công chúng yêu nghệ thuật. Các tác phẩm hoành tráng còn mang tính hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với xu thế luôn phát triển của bất kỳ đô thị nào nhất là TP.HCM. Để làm được điều đó, không phải một lúc mà có thể thay đổi hết được diện mạo nghệ thuật của thành phố, mà cần phải từng bước xây dựng, phát triển dần đi theo nhịp điệu, đồng điệu với kiến trúc, thiên nhiên, cảnh quan và nhất là con người nơi đây. Như trong Nghị định về hoạt động nghệ thuật của Chính phủ có quy định chung, trong đó có những nội dung mật thiết với vai trò quan trọng của tranh hoành tráng đối với đô thị và thành phố hiện nay để từng bước thay đổi nâng tầm thương hiệu cho TP.HCM, như “Phát triển mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước; Bảo tồn vào phát huy những giá trị của mỹ thuật truyền thống. Đào tạo tài năng mỹ thuật nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ và mỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân” (6).

Đồng thời trước mắt cần sự gợi mở của những nhà quản lý thành phố, những chuyên gia nghệ thuật về xu hướng tác phẩm nghệ thuật tranh hoành tráng; cần được sự cảm thụ nhìn nhận, đánh giá và khẳng định giá trị nghệ thuật cho những tác phẩm theo xu hướng kết hợp nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống của nghệ thuật.

Điều này cũng được thể hiện qua chương trình giảng dạy của ngành Mỹ thuật đô thị, Trường Đại học Kiến trúc TP HCM; Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; Học viện Nghệ thuật Quốc gia Lviv… Hơn nữa, khuynh hướng nghệ thuật Tổng hợp luôn tăng cường sức biểu cảm, luôn đem lại diện mạo mới, ý tưởng mới, vừa làm đẹp cho thành phố, vừa tăng sự hấp dẫn thu hút, lôi cuốn người xem và càng khơi gợi sự sáng tạo cho không chỉ những người làm nghệ thuật mà còn nhằm khơi gợi sự sáng tạo cho thế hệ trẻ của thành phố trong tương lai.

6. Kết luận

Tranh hoành tráng có thể thể hiện được sự hào hùng trong quá trình phát triển của thành phố, giúp cho thành phố tạo được đặc trưng riêng trên cả nước cũng như dấu ấn đối với bạn bè quốc tế, tạo sự thu hút du lịch, phát triển kinh tế khu vực và hợp tác quốc tế. Tuy đã đạt được nhiều mục tiêu to lớn, nhưng đó cũng mới chỉ là những gì mà bề “nổi” của tác phẩm hoành tráng đem lại; ngoài ra những giá trị ở phần “chìm” ở tác phẩm hoành tráng là làm thay đổi từng giờ, từng ngày, từng giai đoạn phát triển về tư tưởng, nhận thức đúng đắn về mọi mặt của người dân nói chung và thế hệ trẻ, thanh niên thành phố nói riêng. Điều này không phải là những mục tiêu ngắn của xã hội mà là trách nhiệm lâu dài của sự phát triển xã hội bền vững, phát triển con người trong thời đại công nghệ vượt bậc, luôn phát minh sáng tạo những điều tuyệt vời, những điều kỳ ảo hiện đại mà vẫn luôn mang đậm tính nhân văn, tính lịch sử của thời đại và hướng tới tương lai hiện đại văn minh nhân loại.

_________________

1. Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Về hoạt động mỹ thuật, Điều 3, Giải thích từ ngữ, vanban.chinhphu.vn, 2013.

2, 3. Đặng Thị Bích Ngân, Từ điển Thuật ngữ Mĩ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục, 2002, tr.87.

4. Uyên Huy (Huỳnh Văn Mười), Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Một thoáng hôm nay một chút xưa…, Nxb Mỹ thuật, 2019, tr.23.

5. Ben Wilson, Hoàng Đức Long dịch, Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người, Nxb Thế giới, 2023, tr.53.

6. Nghị định số 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ Về hoạt động mỹ thuật, Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phát triển mỹ thuật, chinhphu.vn.

Tài liệu tham khảo

1. Cynthia Freeland, Nguyễn Như Huy dịch, Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010.

2. Denis Huisman, Mỹ học, Huyền Giang dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2002.

3. M. Cagan, Phan Ngọc dịch, Hình thái học của nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004.

4. Ocvirk, Stinson, Wingg, Bone, Cayton, Những nền tảng của mỹ thuật, lý thuyết và thực hành, Lê Thành dịch, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.

Ths LÂM LỆ NHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;