• Văn hóa > Di sản

Phát triển nghề rối Đào Thục trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế

Tóm tắt: Trong dòng chảy không ngừng của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nghệ thuật rối nước Đào Thục, một di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, đang đứng trước nhiều thách thức. Một mặt, sự phát triển của du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế mở ra cơ hội vàng để quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này ra thế giới, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, những thách thức không nhỏ đang đặt ra, từ sự thay đổi trong thị hiếu khán giả, áp lực thương mại hóa, đến nguy cơ mai một đội ngũ nghệ nhân kế cận. Nếu không có những chiến lược bảo tồn và phát triển phù hợp, nghệ thuật rối nước Đào Thục có nguy cơ bị lãng quên trong đời sống văn hóa hiện đại. Bài viết đi sâu phân tích những cơ hội và thách thức mà nghề rối Đào Thục đang đối mặt, từ đó đề xuất những giải pháp khả thi dưới góc độ quản lý văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gắn kết với du lịch và kinh tế sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật truyền thống trong thời đại hội nhập.

Chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) trong không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử

Tóm tắt: Không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử được định vị ở vùng Bắc Giang và một phần ở Hải Dương, thuộc khu vực phía Tây của dãy Yên Tử. Cùng với quần thể danh thắng Yên Tử, không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử đã tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ thuở ban đầu cho tới quá trình học đạo, hoằng pháp. Chùa Thanh Mai - một di tích gắn với vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm - Pháp Loa, là một ngôi chùa không lớn, nhưng những dấu tích vật chất còn lại đã đưa ra những minh chứng quan trọng về sự hình thành, phát triển của Thiền phái Trúc Lâm trong không gian văn hóa Tây Yên Tử. Bài viết làm rõ thêm về không gian Phật giáo phía Tây dãy Yên Tử và con đường hành Thiền phía Tây Yên Tử của các Thiền sư khi xưa cũng như của Phật tử đương thời.

Lễ hội Đền Hùng xưa và nay

Tóm tắt: Thời đại các Vua Hùng không chỉ tỏa rạng về truyền thống dựng nước và giữ nước mà còn là sự hội tụ của nền văn minh sông Hồng - văn hóa Đông Sơn, nền tảng tinh thần - bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Việt Nam, trong đó lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng là một trong những hạt nhân cốt lõi quy tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng không chỉ trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc mà còn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài viết đề cập đến ý nghĩa và giá trị của lễ hội Đền Hùng xưa và nay.

Đình Tựu Liệt - Di tích thờ thần Bảo Ninh Vương

Tóm tắt: Tương truyền, Bảo Ninh Vương là thủy thần, học trò của danh nho Chu Văn An, do có công cứu dân quanh khu vực Linh Đàm khỏi nạn hạn hán nên Thần đã được dân quanh khu vực này thờ để tưởng nhớ công ơn. Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ thần Bảo Ninh Vương được duy trì từ đó đến nay và trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân ở khu vực này. Những sinh hoạt tín ngưỡng gắn liền với việc thờ Thần hiện nay vẫn còn diễn ra một cách sống động gắn liền với nhiều địa danh, di tích thờ cúng như: đầm Lân Đàm, đầm Mực, mộ, Trường học Cung Hoàng, đặc biệt là miếu và đình. Trong số này, phải kể đến đình Tựu Liệt. Bài viết giới thiệu truyền thuyết thần Bảo Ninh Vương ở làng Tựu Liệt, giới thiệu về đình Tựu Liệt và việc thờ cúng Thần tại đây. Nội dung bài viết sẽ góp phần làm rõ một lát cắt của tín ngưỡng thờ thần Bảo Ninh Vương trong đời sống văn hóa của người dân Hà Nội hiện nay.

Bảo vệ và phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ theo công ước UNESCO

Tóm tắt: Đông Hồ được biết đến là một trung tâm sản xuất tranh dân gian, tranh nghệ thuật từ lâu đời thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng với loại hình nghệ thuật tranh khắc gỗ và in ván nét, ván màu, xuất hiện cách ngày nay khoảng hơn năm thế kỷ. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nghề làm tranh ở Đông Hồ đang có nhiều nguy cơ mai một và thất truyền, cần được bảo vệ khẩn cấp. Thông qua Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, các quốc gia thành viên, tùy thuộc vào bối cảnh từng nước để thực hiện các chương trình bảo vệ được đề cập trong Công ước, trong đó nhấn mạnh sự tham gia của “cộng đồng” để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Bài viết tiếp cận và diễn giải về các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản nghề làm tranh dân gian Đông Hồ theo công ước UNESCO.

Quản lý di tích lịch sử văn hóa Phật giáo trong Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)

Tóm tắt: Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình từ lâu đã nổi tiếng bởi thiên nhiên tươi đẹp và các di tích lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn Phật giáo, thể hiện thời kỳ phát triển Phật giáo mạnh mẽ nhất. Bài viết tập trung tìm hiểu về thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa Phật giáo tại quần thể danh thắng này thông qua sáu khía cạnh chính. Việc tìm hiểu thực trạng đóng góp cơ sở thực tiễn vững chắc, giúp ích cho các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa Phật giáo tại quần thể danh thắng này.

Gắn kết hoạt động giáo dục bảo tàng với nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018

Tóm tắt: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT) đưa nội dung giáo dục địa phương nhằm giúp học sinh hiểu biết sâu sắc về quê hương và ý thức bảo tồn di sản văn hóa, phát triển toàn diện năng lực học tập, kỹ năng sống và khuyến khích hoạt động học tập trải nghiệm. Bài viết làm rõ vai trò của bảo tàng như một “lớp học thực tế”, nơi học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, trò chơi và nghiên cứu gắn với văn hóa địa phương, tạo cơ hội trải nghiệm thực tế giúp học sinh kết nối lý thuyết với thực tiễn. Các hoạt động như tham quan chuyên đề, trình diễn văn hóa phi vật thể, hoặc tích hợp công nghệ số giúp gia tăng tính tương tác và tiếp cận. Đồng thời, bài viết cũng nhấn mạnh việc thiết kế chương trình giáo dục phù hợp, hợp tác giữa bảo tàng, trường học và cộng đồng để đảm bảo hiệu quả bền vững. Việc gắn kết bảo tàng với giáo dục địa phương là một hướng đi cần thiết, không chỉ để đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong xã hội hiện đại.

Khai thác hiệu quả các di sản văn hóa của thành phố Hà Nội theo Luật Thủ đô

Tóm tắt: Là đô thị đặc biệt cấp quốc gia, thành phố Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa (DSVH) vô cùng đa dạng, phong phú và giàu giá trị. Để khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa quan trọng này trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tích cực triển khai các quy định có liên quan của Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28-6-2024). Từ việc làm rõ thực trạng phát huy giá trị các di sản trên địa bàn Hà Nội, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy giá trị các DSVH, hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, văn minh, nghĩa tình, xây dựng Thủ đô thực sự “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Diễn giải di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc: Từ góc độ kinh tế nghi lễ

Tóm tắt: Ngày nay, cách tiếp cận kinh tế nghi lễ để diễn giải di sản chạm khắc đá cổ đã trở nên thịnh hành trong nhân học hiện đại trên khắp thế giới. Người xưa quan niệm mọi nguồn lực vật chất đều do các vị thần cai quản. Con người sử dụng các nguồn lực ấy để tạo ra các giá trị kinh tế bằng cách ứng xử sùng kính theo đúng nghi lễ với thần linh. Ẩn ý đó được thể hiện rất phổ biến trên các di sản chạm khắc đá cổ miền núi phía Bắc Việt Nam. Vì vậy, việc diễn giải các tác phẩm chạm khắc đá dưới lăng kính kinh tế nghi lễ giúp làm sáng tỏ ý nghĩa và góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn của loại. hình di sản vô giá này.

Kiến tạo nhận thức về lịch sử - văn hóa địa phương tại các bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam

Tóm tắt: Tham chiếu theo vấn đề phản ánh, thể hiện cụ thể, lịch sử - văn hóa địa phương là nội dung giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố (BTTTP). Hiện nay, quan điểm kiến tạo được các bảo tàng chú ý hơn trong hoạt động giáo dục, khuyến khích khách tham quan chủ động tham gia, tự nhận thức, nâng cao hiểu biết bằng trải nghiệm cá nhân. Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết, các hình thức chủ yếu, tác dụng của kiến tạo như một phương thức trao truyền hiệu quả kiến thức về địa phương của BTTTP ở Việt Nam.

Đánh thức di sản nghìn năm tuổi bằng công nghệ 3D Mapping

Ứng dụng mỹ thuật đa phương tiện, đặc biệt sử dụng công nghệ 3D Mapping trong thiết kế trưng bày các di sản tại các quốc gia phát triển trên thế giới đang được áp dụng rộng rãi và đa dạng. Bài viết phân tích vai trò quan trọng của công nghệ 3D Mapping trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Việc kết hợp mỹ thuật đa phương tiện và công nghệ số vào quá trình trưng bày di sản sẽ tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.