• Nghệ thuật > Âm nhạc và múa

Kỹ thuật biểu diễn ca khúc nhạc nhẹ

Ca khúc nhạc nhẹ từ khi ra đời đến nay đã trở nên quen thuộc trong đời sống âm nhạc thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt hấp dẫn với lớp trẻ. Để thể hiện tốt một ca khúc nhạc nhẹ với lối trình diễn chuyên nghiệp, yêu cầu người hát phải hiểu và nắm rõ kỹ thuật biểu diễn. Với sự sáng tạo trong biểu diễn của người hát, bài hát trở nên sinh động hơn. Việc luyện tập các điệu nhảy, xử lý kỹ thuật thể hiện trên sân khấu của ca sĩ biểu diễn ca khúc nhạc nhẹ cần được nghiên cứu và thực hiện một cách nghiêm túc.

Âm nhạc truyền thống trong xã hội đương đại: Nghiên cứu trường hợp Cò ke ôống kháo của người Mường ở Hòa Bình

Trong bối cảnh giao lưu quốc tế, hội nhập và toàn cầu hóa văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, âm nhạc đại chúng đã và đang phủ quét khắp toàn cầu tạo nên nguy cơ đồng hóa thẩm mỹ về âm nhạc giữa các nền văn hóa. Điều đó khiến cho đa số các di sản âm nhạc truyền thống rơi vào tình trạng yếu thế, có nguy cơ bị lãng quên ngay tại các nền văn hóa mà chúng thuộc về. Nhưng, có một di sản âm nhạc của người Mường ở Hòa Bình đã vượt qua mọi trở ngại của bối cảnh xã hội để tồn tại một cách sinh động, phổ biến trong cộng đồng hiện nay, đó là cò ke ôống kháo. Bài viết tìm hiểu về các động lực đã giúp cò ke ôống kháo có thể tồn tại trong bối cảnh có nhiều biến động của xã hội đương đại, nhằm cung cấp cơ sở lý luận và những bài học thực tiễn cho việc bảo tồn, phát huy các di sản âm nhạc truyền thống khác.

Khuynh hướng sử dụng hình thức hỗn hợp trong một số tác phẩm khí nhạc Việt Nam

Sự hình thành của nền âm nhạc thính phòng giao hưởng Việt Nam được khẳng định vào những năm 60 TK XX dần phát triển và có những thành tựu đáng kể. Trải dài qua các thời kỳ, đến những năm 20 TK XXI, sự phong phú về ứng dụng hình thức, kết hợp giữa hình thức và thể loại âm nhạc đã khiến cho các tác phẩm khí nhạc Việt Nam trở nên đa dạng. Khuynh hướng sử dụng hình thức hỗn hợp - là sự kết hợp giữa các hình thức âm nhạc khác nhau trong cùng một tác phẩm, đã được các nhạc sĩ Việt Nam khai thác và ứng dụng trong các chương nhạc của tác phẩm lớn, cũng như trong các tác phẩm độc lập. Khuynh hướng này được vận dụng theo nhiều cách thức.

Đặc điểm của ca chương trong tế đàn Xã Tắc

Ca chương đã có từ các triều đại trước nhà Nguyễn, nhưng thời kỳ phát triển và định hình thành hệ thống bài bản là vào giai đoạn đầu triều Nguyễn từ năm 1802-1885, đây là giai đoạn ổn định và hưng thịnh nhất của triều Nguyễn từ (triều Gia Long đến triều Tự Đức). Có thể nói, trong giai đoạn này âm nhạc cung đình đã phát triển chưa từng thấy so với các triều đại trước đó, nhất là nhạc lễ cung đình, trong đó có hệ thống các ca chương, nhạc chương phục vụ trực tiếp cho các cuộc lễ lạt triều nghi của triều đình hàng năm.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đờn ca tài tử ở tỉnh Đồng Tháp

Những năm cuối TK XIX đầu TK XX, nhạc tài tử Nam Bộ phát triển mạnh ở miền Đông và miền Tây, trong đó có địa bàn tỉnh Sa Đéc (nay là Đồng Tháp). Đi đến đâu cũng nghe vang lên giọng hát, tiếng đờn, nơi đâu cũng có những danh cầm, danh ca tài hoa với những ngón đờn điêu luyện và giọng ca mùi mẫn. Đã từ lâu, đờn ca tài tử trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cư dân Nam Bộ nói chung và của người dân Đồng Tháp nói riêng, góp mặt hầu hết trong các lễ hội, đám tiệc, thậm chí ở cả một số đám hiếu... Có thể nói, hiếm có thể loại âm nhạc dân tộc nào ở Nam Bộ có sức hút mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt như nghệ thuật đờn ca tài tử.

Sáng tạo trong dân ca người Việt

Sáng tạo trong và ngoài quá trình thực hành diễn xướng đã tạo nên những yếu tố mới, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng cho bài bản, làn điệu và tạo ra nét đặc trưng cho từng loại hình dân ca. Kho tàng dân ca người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ rất phong phú và đa dạng. Từ những loại hình còn đơn sơ, mộc mạc như hát ví, hát đúm, cò lả, trống quân tới những loại hình đã phát triển cao trên phương diện nghệ thuật âm nhạc như hát xẩm, chầu văn, quan họ... ở những giai đoạn phát triển khác nhau, loại hình nào cũng có những yếu tố sáng tạo riêng, xuất phát từ khả năng, thẩm mỹ nghệ thuật của những chủ thể diễn xướng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của cộng đồng.

Đào tạo đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế - Một số đề xuất nâng cao nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống

Cây đàn tranh được xem là mạch máu kết nối các bộ phận, tạo nên một cơ thể âm nhạc truyền thống hoàn chỉnh, lột tả được tiếng nói, tâm tư tình cảm, tinh thần thẩm mỹ của người Việt thông qua tiếng vuốt nhấn luyến đầy tinh tế. Qua quá trình giảng dạy đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế, chúng tôi nhận thấy, có một số vấn đề liên quan đến nghệ thuật biểu diễn đàn tranh thông qua nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống cần được Nhà nước quan tâm hơn, đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Nhạc sĩ Văn Cao - Trường ca Sông Lô và những giá trị

Nếu ví chùm nhạc sông Lô như một bông hoa đẹp, rực rỡ nhiều màu sắc, ngọt ngào hương vị của hiện thực chiến tranh cách mạng, thì Trường ca Sông Lô của Văn Cao là đài hoa của những cánh hoa, là đường nét quy tụ của những môtíp hoa văn trên một bức thảm len đẹp. Trường ca Sông Lô tựa như bức tranh liên hoàn giàu chất thơ (1).