Nhận diện hội họa sơn mài Thành phố Hồ Chí Minh từ 1986 đến nay

Hội họa sơn mài tại TP.HCM trong giai đoạn từ 1986 đến nay cần xác định nội dung, hình thức tạo hình nghệ thuật, chất liệu và hình thức thể hiện để nhận diện đặc điểm và nét độc đáo trong sáng tác của các họa sĩ qua những chặng đường phát triển của Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM ngày nay. Thông qua những thời điểm lịch sử và công cuộc đổi mới của đất nước, họa sĩ có điều kiện tiếp xúc với nhiều hình thức sáng tác nghệ thuật trong nước và trên thế giới để từ đó định hình được phong cách sáng tác, tạo nên bức tranh toàn cảnh đầy màu sắc cho nền hội họa sơn mài TP.HCM.

Tác phẩm Tiếng vọng sơn mài (100x120 cm, 1996) của họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Nguồn: Huỳnh Hữu Ủy

Thời kỳ đổi mới về kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước cũng như TP.HCM qua từng thời điểm, giai đoạn lịch sử đã có những biến đổi về văn hóa, xã hội, bao gồm cả văn học, nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng trong đó có sơn mài. Cũng cần ghi nhận ở mỗi thời kỳ giai đoạn lịch sử đó, các hoạt động sáng tác mỹ thuật, hội họa sơn mài TP.HCM đã có những đặc điểm mang đặc thù riêng biệt.

Hội họa sơn mài tại TP.HCM đã có những bước tiến khá nhanh từ hình thức tạo hình nghệ thuật hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sơn mài đã phát triển rất nhanh và mạnh mẽ với nhiều hình thức tạo hình khác nhau, như trừu tượng, biểu hiện, lập thể, siêu thực, gợi thực... Bên cạnh đó, những thay đổi mạnh mẽ về nội dung, chất liệu kỹ thuật và hình thức nghệ thuật, cách thể hiện nghệ thuật đã góp phần tạo nên sự phong phú cho ngôn ngữ bề mặt và cách biểu hiện chất liệu trong sáng tác hội họa sơn mài. Như vậy nhiều câu hỏi được đặt ra như bối cảnh xã hội và các yếu tố nào đã dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ trong sáng tác hội họa sơn mài tại TP.HCM giai đoạn này?

Đặc điểm tranh sơn mài TP.HCM

Sự hình thành và phát triển sơn mài miền Nam “Sau khi hai miền Nam, Bắc chia cắt năm 1954, sơn mài ở từng miền đã có hướng đi khác nhau” (1). Ở miền Nam do hoàn cảnh lịch sử nên mỹ thuật “Nam Bộ thời kỳ này có hai lực lượng họa sĩ, lực lượng họa sĩ kháng chiến và lực lượng họa sĩ vùng tạm chiếm. Đây cũng là đặc điểm riêng của khu vực phía Nam” (2). Nếu mỹ thuật cách mạng thời kỳ này chủ yếu theo hình thức tạo hình hiện thực, thì một số họa sĩ tại vùng tạm chiếm ở Sài Gòn lại tiếp cận và thử nghiệm một số hình thức tạo hình nghệ thuật phương Tây.

Từ 1954-1975 “số họa sĩ theo đuổi nghệ thuật sơn mài không nhiều, nổi tiếng nhất vẫn là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, tiếp đó là các họa sĩ Ủ Văn An, Nguyễn Văn Rô, Lê Thy, Trương Văn Thanh, Nguyễn Thành Lễ, Trần Hà, Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Văn Trung, Hồ Hữu Thủ” (3). Trên thị trường lúc đó chủ yếu là “sơn mài mỹ nghệ ở những lò nổi tiếng như Trung tâm mỹ nghệ Mê Linh của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, Hãng sơn mài Thành Lễ hay Trần Hà” (4). Một số sáng tác tiêu biểu ở thời gian này như: Trần Hà với tác phẩm Làng ở Thủ Dầu Một (1950); Nguyễn Gia Trí với các tác phẩm Trừu tượng sáng tác vào các năm (1960), (1967), (1968); Nguyễn Hữu Lộc Bến thuyền (1963); Nguyễn Văn Hưng Mùa xuân (1963)… Trong bối cảnh đó, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa đã có những bước chuyển biến lớn trong hoạt động sáng tác hội họa sơn mài nơi đây “Sài Gòn được coi là trung tâm mỹ thuật của khu vực Đông Nam Á” (5), nhiều phòng triển lãm được mở cửa, như Phòng triển lãm mùa xuân Kỷ Hợi (1959) đã đánh dấu một bước tiến mới và mở đầu cho các cuộc triển lãm thường niên về sau. Tiếp đó, Triển lãm hội họa mùa xuân Canh Tý (1960) (6). Nhưng đặc biệt cuộc triển lãm năm 1962, là một triển lãm quốc tế được tổ chức tại Công viên Tao Đàn, Sài Gòn mang tên Đệ nhất triển lãm quốc tế mỹ thuật với sự tham gia của các họa sĩ đến từ các nước Pháp, Đức, Hà Lan, Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ma Rốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Triển lãm “đã gây tiếng vang lớn thể hiện quyết tâm và tham vọng xây dựng Sài Gòn thành một trung tâm Mỹ thuật của khu vực và thế giới” (7), các họa sĩ đã có điều kiện giao lưu văn hóa với các nước. Triển lãm diễn ra là dịp giới thiệu cho công chúng mỹ thuật những hình thức tạo hình nghệ thuật mới với những tìm tòi, thoải mái tự do trong cách biểu đạt nghệ thuật hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn này, có những “nhận thức mới được hình thành, bồi đắp cho những giai đoạn về sau” (8) như sự ra đời của nhóm Sáng tạo với nhiều đóng góp, thu hút mạnh mẽ học sinh, sinh viên, vì những biểu hiện phóng khoáng, mới mẻ trong mỹ thuật cũng như trong hội họa sơn mài; đề cao tự do, trong sáng tác… sự ảnh hưởng này còn tác động mạnh đến giới sáng tác và cả công chúng yêu nghệ thuật. “Nền nghệ thuật tạo hình ở Sài Gòn từ sau 1954 đã phát triển trong hoàn cảnh đó, tiếp cận được với nhiều cái mới, sử dụng được ngôn ngữ tạo hình phổ biến của loài người, phát biểu được rất chững chạc ngôn ngữ riêng của mình” (9).

Với nhịp sống năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ở TP.HCM đã làm thay đổi nếp sống và tâm lý sáng tạo của giới họa sĩ, mà nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân đã nói: “Sự mở rộng cái nhìn, dang rộng cánh tay đến tận nền nghệ thuật khác lạ, để nắm bắt lấy nhau là cần thiết…” (10). Như vậy, những cuộc triển lãm nói trên cũng như sự tiếp biến văn hóa đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng văn nghệ sĩ, đã tạo điều kiện cho họ tiếp cận và thử nghiệm tìm tòi những nội dung, hình thức nghệ thuật mới của nghệ thuật hiện đại phương Tây và vận dụng vào sáng tạo hội họa sơn mài ở Sài Gòn.

Nội dung nghệ thuật hội họa sơn mài TP.HCM

Từ năm 1954-1975 với sự ra đời của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, nhiều lớp họa sĩ Nam Bộ đã trưởng thành góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác. Triển lãm hội họa sơn mài trong giai đoạn này đa dạng và phong phú về nội dung, chủ đề, đề tài, hình thức nghệ thuật đã hình thành; nhiều tác phẩm thành công phản ánh về chủ đề kháng chiến chống Mỹ như: Vót chông, Thư đồng đội của Đỗ Xuân Doãn; Tự vệ Hà Nội, Nữ pháo binh Ngư Thủy của Hoàng Trầm; Giờ giải lao, Trái tim và nòng súng của Huỳnh Văn Gấm; Đất mẹ, Giải phóng quân, Từ lòng đất Củ Chi của Quách Phong; Đá mòn dạ chẳng mòn của Lê Thanh Trừ; Đường Trường Sơn của Quốc Sử; Hành quân đêm của Nguyễn Hiêm; Trên dòng nước của Nguyễn Văn Kính... Tất cả đều phản ánh hiện thực cuộc sống bảo vệ và xây dựng đất nước.

Tác phẩm Cánh chim thế kỷ của họa sĩ Đào Minh Tri (Sơn mài, 120x240cm, 1993) - Nguồn: tác giả

Giai đoạn 1975-1986, hội tụ các họa sĩ từ khắp mọi miền đất nước về TP.HCM. Đây là giai đoạn tập trung đông đảo đội ngũ họa sĩ qua nhiều thế hệ, được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau về hòa nhập và hoạt động sáng tác hội họa sơn mài ở Sài Gòn; đồng thời, ngay trong đội ngũ này đã xuất hiện tính đa dạng và không thuần nhất của mỹ thuật thành phố nói chung và hội họa sơn mài nói riêng. Sáng tác sơn mài của các họa sĩ càng về sau càng có bước phát triển mới nổi bật hơn với các đề tài, chủ đề ca ngợi truyền thống chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, như: Mùa gặt ở Củ Chi của Quách Phong; Mẹ kháng chiến, Tình quân dân của Hoàng Trầm; Nữ du kích Tây Nguyên của Nguyễn Thế Vinh; Nữ pháo binh của Huỳnh Thị Kim Tiến… những hồi ức, kỷ niệm về chiến trường chống Mỹ… đã phát huy thế mạnh trong tư tưởng sáng tác và động viên, cổ vũ, tuyên truyền trong công cuộc xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới thời hậu chiến của tinh thần giới nghệ sĩ và nhân dân cả nước khi xem các tác phẩm sáng tác này.

Sang giai đoạn 1986 đến nay, sáng tác hội họa sơn mài đã thay đổi trong cách tiếp cận với những chủ đề về đề tài, qua đó họ cảm thấy những khả năng của nghệ thuật trong việc phản ánh những vấn đề của xã hội thông qua nghệ thuật để trình bày những cảm nhận của mình về các hiện tượng đang diễn ra hằng ngày như: hướng tới những đề tài gợi về tâm trạng, các đề tài ô nhiễm môi trường sau chiến tranh… hoặc công nghiệp, bạo lực, giới tính toàn cầu hóa, thời sự, chống rác thải nhựa công nghiệp… Một số tác phẩm tiêu biểu, như Bảo vệ môi trường, Sự sống, Sự sống trong xung đột của Đào Minh Tri; Tiếng gọi vật chất của Hồ Hữu Thủ; Hạt giống nghìn năm của Lương Quốc Thắng; Suy tưởng bên chùa Liên Phái của Nguyễn Xuân Việt; Sự trả thù của thiên nhiên của Dương Sen; Nỗi niềm, Tam hợp của Nguyễn Thanh Mai; Những con đường của Huyền Lam; Nhật thực của Nguyễn Dũng An Hòa; Vòng xoay của Nguyễn Phan Nam An hoặc là đề tài “tưởng tượng, nhiều hư cấu, mang tính chủ quan cá nhân, nội dung đa dạng nhiều lớp ký hiệu, ẩn dụ buộc phải giải mã, liên tưởng thể hiện sự phức tạp của tư duy con người và xã hội cuối thế kỷ” (11) cũng có khi người nghệ sĩ quan tâm đến hình thức của tác phẩm và không quá chú trọng vào đề tài nên tên tác phẩm có thể là: Trừu tượng của Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung; Bố cục của Võ Nam; Giao cảm của Trà Vinh…

Ngày nay, trong cuộc sống đương đại, người nghệ sĩ tập trung khai thác các vấn đề xã hội của TP.HCM như sự thay đổi của diện mạo đô thị, lối sống công nghiệp, di sản văn hóa, trong cuộc sống đương đại ngày càng xuất hiện nhiều hơn các chủ đề, đề tài về những vấn đề xã hội như y tế, dịch bệnh, giao thông, giáo dục, môi trường, tham nhũng, bạo hành, xâm hại trẻ em, bản sắc, mặt trái của sự phát triển đô thị, bình đẳng, cuộc sống công nhân ở những khu công nghiệp, chung cư, những người dân bỏ ruộng đồng lên thành phố lập nghiệp.

Những vấn đề trong xã hội đương đại ở một thành phố phát triển như ở TP.HCM được phản ánh trong sáng tác hội họa sơn mài ngày càng phong phú và đa dạng cả cách đặt vấn đề và khai thác vấn đề, từ đó đã sáng tạo ra những hình thức tạo hình nghệ thuật như: gợi thực, siêu thực, lập thể, trừu tượng…, các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và nội dung sâu sắc được xác định ở việc thể hiện tính nhân văn, sự tiến bộ ở trong cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực.

Hình thức tạo hình nghệ thuật hội họa sơn mài TP.HCM

Hội họa sơn mài phát triển mạnh ở TP.HCM về hình thức biểu hiện, nhưng lại có sự tiếp thu ảnh hưởng của các danh họa đi trước như: “Nguyễn Gia Trí, Ủ Văn An, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… đồng thời có sự ảnh hưởng đa chiều của ngôn ngữ quốc tế” (12), đã làm cho có sự tươi mới các hình thức nghệ thuật tạo hình như có xu hướng lập thể, dã thú, siêu thực, trừu tượng… Tuy nhiên, những ảnh hưởng này luôn có sự tiếp thu chọn lọc thông qua tư tưởng thẩm mỹ có tư duy của các họa sĩ TP.HCM, được thể hiện qua những sáng tác hội họa sơn mài, hình thức tạo hình trừu tượng trong tranh sơn mài được xem là một hướng tiếp cận có tính đột phá mạnh nhất. Hình thức này khác với miền Bắc. “Miền Bắc phổ biến xu hướng trở về với văn hóa truyền thống văn hóa làng, khai thác thẩm mỹ ngây thơ, sơ khai dân gian” (13). Ở miền Nam hình thức tạo hình trừu tượng dễ nhận thấy qua các tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu như Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Nguyễn Tấn Cương, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Hồ Hữu Thủ… “Trừu tượng của Nguyễn Trung về biểu chất, tiết kiệm màu, chắt lọc hình, bố cục, đặc biệt phát huy hiệu quả ánh sáng le lói cài dắt, phát quang. Một thứ hội họa suy ngẫm nhiều hơn biểu lộ” (14), trong đó có Hồ Hữu Thủ: mộc mạc trong những kết hợp nhiều chất liệu và ông thiên về gam màu đỏ nâu ấm áp của sơn mài.

Đào Minh Tri với các mô típ cá trừu tượng pha chút tượng trưng. Cá là biểu tượng cho hạnh phúc, thịnh vượng, mô típ cá được ông kết hợp với nghệ thuật dân gian và cả triết lý càn khôn của Kinh Dịch. Ca Lê Thắng với những đường nét thanh mảnh và hòa sắc êm dịu nhẹ nhàng, trong khi Nguyễn Lâm lại cho người xem một sự cảm nhận vô cùng phong phú, mang nhiều trạng thái rung cảm khác nhau nghệ thuật trừu tượng của ông mạnh mẽ và quyết liệt… Họ là những người theo đuổi trừu tượng với những phong thái khác nhau, tính suy tư, cảm nhận về những điều trừu tượng là luôn hiện hữu, thường trực bên trong tâm trí người thưởng ngoạn khi đối diện với hội họa sơn mài. Có thể nói, những họa sĩ vẽ tranh trừu tượng đã thổi một luồng gió mới vào hội họa sơn mài TP.HCM, từ đó đã khẳng định giá trị của nó trong mỹ thuật Việt Nam. Hình thức tạo hình nghệ thuật hội họa sơn mài trừu tượng từ nghệ thuật ứng xử chất liệu vào tranh, đã gây ra hiện tượng cảm hứng vô hình trong sáng tạo nghệ thuật. Hội họa sơn mài trừu tượng mang trong mình của những ký ức tuổi thơ nó được biểu đạt ra xuất phát từ tâm thức sáng tạo của các họa sĩ.

Họa sĩ Hoàng Trầm là người vẽ theo khuynh hướng gợi thực, ông thành công với những đề tài tình quân dân, kháng chiến chống Mỹ, được thể hiện bằng chất liệu sơn mài. Bức tranh Tự vệ Hà Nội được ông thể hiện nghệ thuật tạo hình thô, khỏe, mộc mạc, nội dung giản dị nhưng gây xúc động, gợi không khí kháng chiến thời trước. Dưới bàn tay tài hoa của ông sơn mài vừa lộng lẫy, vừa chân chất, lại nêu được tình cảm đôn hậu giản dị của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ khác như họa sĩ Võ Văn Nam, họa sĩ Dương Sen… cũng đã có những ảnh hưởng rõ nét trong các tác phẩm của mình như thể hiện bởi sự mạnh mẽ của sắc màu sơn son, sơn trai nóng, sáng… được chồng lên nhau, đan xen giữa chất liệu và kỹ thuật để tạo nên những giá trị nghệ thuật mới mẻ, tiềm ẩn những sắc thái riêng biệt của nghệ thuật sơn mài phương Nam.

Chất liệu và kỹ thuật thể hiện nghệ thuật hội họa sơn mài TP.HCM

Đặc điểm riêng của chất liệu sơn mài miền Nam là các họa sĩ thường sử dụng sơn ta (Phú Thọ) kết hợp với sơn Nam Vang (Campuchia) để sáng tác. Ba phần sơn ta “cánh gián” pha với bảy phần là sơn Nam Vang để vẽ tranh. Ngày nay sơn khan hiếm, chất lượng sơn không ổn định nên dựa vào kinh nghiệm người nghệ nhân pha chế là chính. “So với sơn ta, sơn Nam Vang kém độ kết dính, thời gian khô đều kém hơn” (15). Nhưng khi kết hợp hai loại sơn lại sẽ hỗ trợ nhau tạo nên sự hoàn hảo, hòa quyện tạo độ kết dính, mềm dẻo bền chắc, màu, bạc không bị xỉn. So với sơn ta pha với nhựa thông quá nhiều như hiện nay làm cho mặt sơn giòn, bong tróc, bạc và màu bị oxy hóa làm cho tranh có những vùng bị đen và hư hỏng.

Đặc điểm về kỹ thuật, sơn mài miền Nam thể hiện theo kỹ thuật của các họa sĩ Đông Dương truyền lại, đồng thời ứng dụng và phối hợp với kỹ thuật sơn mài mỹ nghệ miền Nam như kỹ thuật vẽ trên nền bạc rây chuyển độ, mặt khác họa sĩ miền Nam vẽ đâu được đấy, nhìn thấy hết các mảng hình mình vẽ không bị mất hình, vẽ xong các lớp màu mà họa sĩ muốn tả rồi phủ dầy toàn bộ một lớp cánh gián để thật khô sau đó mới mài, khi tấm tranh đã được hoàn tất phủ một lớp cánh gián cuối cùng “gọi là toát”. Họa sĩ miền Nam vẽ đến đâu xong đến đấy cuối cùng phủ kín cánh gián thì đấy được gọi là phủ mài. Ngoài lối vẽ truyền thống, sơn mài miền Nam còn tận dụng triệt để về kỹ thuật sơn mài như một chất liệu tổng hợp để sáng tác. Khác với miền Nam, sơn mài miền Bắc vẽ đến đâu mảng hình bị mất dần đến đó, các lớp sơn được chồng lấp lên nhau và chỉ bao giờ mài nó mới lộ ra, mới thấy hết những sắc màu, mảng hình cần hiện ra. Bên cạnh đó các họa sĩ miền Bắc còn thường thấy lối vẽ dán kín bạc trên mặt vóc và nhuộm một lớp phẩm màu mỏng rồi mới vẽ.

Nhìn chung, nghệ thuật hội họa sơn mài TP.HCM vừa mang tính hiện đại, vừa chứa đựng cả những giá trị của mỹ thuật truyền thống, kết hợp với cấu trúc trừu tượng gợi bề mặt chất liệu, tiêu biểu như họa sĩ Hồ Hữu Thủ, nhận định “mài phẳng để lộ ra những lớp sơn bên dưới, cách thức này đã hạn chế trong biểu đạt nên mạnh dạn cải tiến trên nền chất liệu sơn ta, vóc” (16). Trong quá trình thực hiện tác phẩm người họa sĩ phải dùng những chất liệu như bao bố, mùn cưa, cật tre, gỗ để dán lên mặt tranh… để biểu đạt những ý đồ của hình tượng, bố cục như mong muốn và tạo được hiệu quả tốt nhất trong tranh và những cảm xúc muốn diễn tả, biểu hiện lên đó.

Kết luận

Hội họa sơn mài TP.HCM đã hình thành và phát triển rõ nét qua từng giai đoạn lịch sử (từ năm 1954 đến năm 1986) đã hình thành và tạo một nền móng vững chắc cho giai đoạn từ 1986 đến nay được phát triển mạnh mẽ, có nhiều đổi mới nổi bật với các đề tài, chủ đề ca ngợi truyền thống chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, số họa sĩ ở vùng tạm chiếm, trào lưu sáng tác và tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật hiện đại của phương Tây như: siêu thực, lập thể, trừu tượng… được phát triển.

Đặc biệt, từ 1986 đến nay lực lượng các họa sĩ đã được học tập và đam mê sáng tác đông đảo từ khắp mọi miền đất nước. Đồng thời, ngay trong đội ngũ các họa sĩ này đã xuất hiện tính đa dạng của hội họa sơn mài tại TP.HCM. Các sáng tác sơn mài của nhiều thế hệ họa sĩ trong giai đoạn này đã có bước phát triển mới thường nổi bật với các đề tài, chủ đề, nghệ thuật tạo hình sơn mài giai đoạn này bắt đầu tiếp xúc với hình thức nghệ thuật mới, mang lại đặc điểm riêng biệt, đậm chất văn hóa vùng miền. Những đổi mới nổi bật trong hội họa sơn mài TP.HCM là sự hình thành đội ngũ nghệ sĩ độc lập đã làm xuất hiện thị trường mỹ thuật, hầu như các sáng tác biểu hiện cá tính, đột phá trong phong cách tạo nên nhiều sự mới lạ mang tính thẩm mỹ, có giá trị nghệ thuật cao, điều đó cũng làm tăng thêm giá trị kinh tế trong giao thương thị trường mỹ thuật ở phía Nam của đất nước; đồng thời, nội dung nghệ thuật cũng phong phú về chủ đề, đề tài và đa dạng về phong cách và hình thức trong sáng tác. Bên cạnh những thay đổi về quan niệm thẩm mỹ, chất liệu, kỹ thuật mang đặc điểm riêng mang đậm văn hóa vùng miền, sáng tác mỹ thuật nói chung và hội họa sơn mài nói riêng còn hướng tới giải quyết các vấn đề của xã hội và con người trong thời đại TP.HCM vươn mình phát triển cùng với toàn cầu hóa.

__________________________

1, 3, 4, 7. Phạm Công Luận, Sài Gòn chuyện đời của phố, tập 5, Nxb Văn hóa văn nghệ, TP.HCM, 2017, tr.117, 117, 117, 225.

2, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2010, tr.7.

5, 11, 12, 13, 15. Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2005, tr.146, 336, 336, 336, 157.

6, 9. Huỳnh Hữu Ủy, Mỹ thuật Sài Gòn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975, Địa chí Văn hóa TP.HCM, Nxb TP. HCM, 2000, tr.274, 272.

8. M-B-Khrapchenko, Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học (nhiều người dịch, Trần Đình Sử tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.50.

10. Triệu Thế Việt, Mỹ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014, tr.43.

14. Nguyễn Quân, Mỹ thuật Việt Nam TK XX, Nxb Trí thức, Hà Nội, 2010, tr132.

16. Phạm Công Luận, Sài Gòn chuyện đời của phố III, Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2017, tr.236.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Hải Phong, Tìm hiểu nghề sơn cổ truyền trong tình hình hiện nay, Kỷ yếu hội thảo Sơn ta & nghề sơn truyền thống Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.

2. Hội Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2013.

3. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật Việt Nam, 1998.

4. Nguyễn Phước Sanh, Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh sau 30/4/1975, Địa chí văn hóa TP. HCM, Nxb TP.HCM, 1985.

5. Hoàng Trầm, Hoàng Trầm vựng tập, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2010.

6. Quang Việt, Sơn mài Việt Nam hiện đại, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.

Ths NGÔ VIỆT HÙNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;