Triển lãm Mỹ thuật khu vực II các tỉnh đồng bằng sông Hồng - một chặng đường nhìn lại

Cuối tháng 8-2023, Triển lãm Mỹ thuật khu vực II - các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Triển lãm) được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, đánh dấu lần thứ 28 tại Bảo tàng Hưng Yên. Triển lãm đã giới thiệu hàng ngàn tác phẩm đến công chúng yêu nghệ thuật cả nước. Qua Triển lãm, một số tác giả đã khẳng định được vị thế cũng như phong cách sáng tác và con đường nghệ thuật của riêng mình. Những họa sĩ trẻ có cơ hội được công bố những sáng tác mới nhất, đẹp nhất và giao lưu, kết nối học hỏi kinh nghiệm sáng tác giữa các họa sĩ và các nhà điêu khắc. Gần 30 năm một chặng đường không quá ngắn, cũng không quá dài, nhưng cũng đủ để khẳng định con đường của Triển lãm đang đi, một con đường sáng cho các nghệ sĩ cùng bước tiếp, nhìn lại quá trình Triển lãm đã diễn ra và hướng đến những kỳ triển lãm tới.

Tác phẩm: Xuống chợ, chất liệu: than đá của Nguyễn Viết Quang (Quảng Ninh), Giải A Triển lãm Khu vực II, 2015 - Nguồn: tác giả cung cấp

1. Khái quát chung về Triển lãm

Đây là triển lãm thường niên, được tổ chức vào tháng 8 đến tháng 10 hằng năm bao gồm 10 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Tây. Triển lãm khai mạc lần đầu năm 1996 tại thành phố Hải Phòng. Năm 2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội và là năm cuối cùng triển lãm do tỉnh Hà Tây tổ chức tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam (MTVN). Sau năm 2008, Triển lãm chỉ còn 9 tỉnh tham gia.

Ngay từ khi mới thành lập, với tôn vinh nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và vinh danh các họa sĩ và nhà điêu khắc chuyên nghiệp là hội viên Hội MTVN đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phố, Triển lãm mở rộng tới các nghệ sĩ chưa là hội viên Hội MTVN, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các tỉnh, thành phố và cả những tác giả chưa là hội viên Hội VHNT cấp tỉnh. Theo quy định của Ban Tổ chức, khi chấm các bộ giải từ Nhất, Nhì, Ba, khuyến khích, các tác giả phải là hội viên Hội MTVN; những hội viên địa phương không được tham gia xét giải, những tác phẩm xuất sắc trong Triển lãm sẽ được hội đồng nghệ thuật lựa chọn, giới thiệu tham gia dự giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Triển lãm được tổ chức luân phiên giữa các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, có tỉnh, thành phố trong vòng 10 năm nhận đăng cai tổ chức ba lần, như thành phố Hải Phòng các năm 2011, 2016, 2018 có tỉnh trên 10 năm chưa đăng cai tổ chức lại. Các Hội VHNT địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố về tổ chức, các phương án, địa điểm trưng bày và khai mạc Triển lãm. Thông thường, Triển lãm sẽ được trưng bày ở những nhà triển lãm lớn như Nhà triển lãm Mỹ thuật của thành phố Hải Phòng, hay bảo tàng của các tỉnh, hoặc một không gian văn hóa với số lượng du khách rất đông như Triển lãm năm 2022 được tổ chức tại khu du lịch chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

2. Những ưu điểm và hạn chế của Triển lãm

Đối với họa sĩ, nhà điêu khắc hiện đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phố, Triển lãm được khai mạc hằng năm là sân chơi lớn đối với cá nhân mỗi tác giả, là động lực để cho nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, tìm tòi tự lên ý tưởng, phác thảo và thể hiện tác phẩm. Trước mỗi kỳ triển lãm, thông thường các Hội VHNT địa phương sẽ phát động tới hội viên các phong trào về sáng tác, từ chủ đề cho tới chất liệu, hội viên sẽ được lựa chọn tham gia các trại sáng tác, được hỗ trợ kinh phí đi thực tế lấy tài liệu và họa phẩm, với các nguồn kinh phí từ Hội MTVN cho tới kinh phí từ các Hội VHNT địa phương. Điển hình, năm 2020 Triển lãm được tổ chức tại Quảng Ninh, Hội VNHT tỉnh Quảng Ninh đã lấy chủ đề công tác năm là Năm Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Hội đã phối hợp với Hội MTVN đứng ra tổ chức các trại sáng tác với chủ đề vùng đất và con người Quảng Ninh, mời các họa sĩ từ các tỉnh, thành phố về dự như Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội… đi thực tế tại các thành phố, huyện đảo, cho tới các khu khai thác than tại Hạ Long, Cẩm Phả... Thông qua đợt đi thực tế, nhiều tác giả đã có những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật và được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao như tác phẩm: Người vùng mỏ của Kù Kao Khải (Ninh Bình), Trưa ở mỏ Đèo Nai của Đặng Tiến (Hải Phòng), Góc nhỏ của ông của Lê Minh Đức (Quảng Ninh)... Ngoài kinh phí nhận giải từ Triển lãm, các tác giả có tác phẩm tốt đã làm đơn hỗ trợ nghiệm thu tài trợ sáng tác từ nguồn kinh phí Trung ương Hội. Đây là nguồn động viên lớn để mỗi tác giả đầu tư nhiều hơn, chất lượng tốt hơn với mỗi đứa con tinh thần của mình. Sau mỗi kỳ Triển lãm, tùy theo tình hình thực tế của tỉnh, các tác phẩm đạt giải được xét hỗ trợ công bố tác phẩm từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương vào dịp cuối năm, điển hình như tỉnh Quảng Ninh.

Triển lãm là cơ hội giao lưu, kết nối, học hỏi kinh nghiệm từ những họa sĩ và nhà điêu khắc trong khu vực. Năm 2017, Triển lãm mở rộng tới các tỉnh khu vực Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất Triển lãm mở rộng tới các tỉnh, các họa sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác và hỗ trợ nhau trong công việc. Đặc biệt, khi tỉnh đứng ra đăng cai tổ chức, các họa sĩ chưa là hội viên Hội MTVN và thậm chí những tác giả chưa là hội viên Hội VHNT địa phương cũng được quyền lợi gửi tác phẩm tham gia Triển lãm (không xét giải). Sau lễ khai mạc, Hội MTVN đã đứng ra tổ chức buổi tọa đàm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sáng tác, như từ ý tưởng đến tác phẩm, phương thức xây dựng tác phẩm… đã được các thành viên trong Hội đồng nghệ thuật và các họa sĩ, đồng nghiệp có kinh nghiệm chuyên môn chia sẻ… Thông qua buổi tọa đàm, các họa sĩ, nhà điêu khắc sẽ có thêm kinh nghiệm trong phương thức tìm tài liệu, cách thức thể hiện tác phẩm, hình thức xử lý bề mặt, kết cấu chất liệu, thậm chí chia sẻ cách thức lựa chọn họa phẩm và bảo quản tác phẩm trong, sau khi hoàn thiện.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, vẫn còn một số hạn chế tồn tại sau:

Thứ nhất, về công tác truyền thông, ngoài tỉnh đăng cai tổ chức, gần như công chúng, những người yêu thích nghệ thuật các tỉnh chưa biết tới Triển lãm như những chương trình nghệ thuật khác. Có thể thấy, những cuộc triển lãm này chỉ thực sự được biết đến với một lượng công chúng rất nhỏ thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo của cá nhân tác giả, hoặc được đồng nghiệp và bạn bè biết đến, tại địa phương đăng cai chỉ nhộn nhịp ngày khai trương, sau đó lượng người đến tham quan Triển lãm ít dần, thưa thớt, thậm chí không có lượng khán giả là học sinh, sinh viên đến nghiên cứu, học tập không nhiều… Triển lãm chưa thật sự là ngày hội văn hóa, ngày hội của giới yêu mỹ thuật và những người làm nghề.

Thứ hai, về không gian triển lãm. Trong 9 tỉnh, thành phố, duy nhất chỉ có thành phố Hải Phòng có Nhà triển lãm Mỹ thuật, còn các tỉnh khác, khi có triển lãm thì huy động trưng bày tại các bảo tàng, trung tâm văn hóa, khu du lịch... Do không đủ không gian trưng bày tác phẩm, đơn vị đăng cai phải cơi nới, dựng không gian, nhà bạt... để tổ chức. Năm 2022, tỉnh Hà Nam tổ chức tại khu du lịch chùa Tam Chúc, không gian triển lãm là tầng hầm của điện Tam thế, với cửa vào là hai cánh cửa nhỏ hai bên hông của điện, một không gian rất đẹp, nhưng không gian và ánh sáng chưa phù hợp cho triển lãm mỹ thuật. Dưới ánh đèn vàng, tất cả các bức tranh đều bị ám màu, ngả vàng không thể hiện đúng gam màu của tác giả. Khán giả và nhân dân yêu nghệ thuật sau ngày khai mạc, muốn đến thưởng ngoạn Triển lãm phải mua vé qua cổng khu du lịch.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng sáng tác và công bố tác phẩm tại Triển lãm

Để Triển lãm thật sự là ngày hội văn hóa, ngày hội của mỹ thuật trong khu vực cũng như trong cả nước, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, đối với Hội MTVN về công bố tác phẩm, ngoài in sách Giải thưởng Mỹ thuật hằng năm với các tác phẩm đạt giải tại Triển lãm, trang web hiện tại của Hội cần thêm mục trong Gallery triển lãm, hoặc mục Triển lãm khu vực, là nơi đăng tải các tác phẩm đạt giải, các tác phẩm được giới thiệu tham gia dự giải của Hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam của các tác giả chưa là hội viên Hội MTVN, các tác phẩm đạt từ giải Khuyến khích trở lên đối với các tác phẩm là hội viên Hội MTVN và các tác phẩm của Hội đồng nghệ thuật. Trong quá trình gửi tác phẩm qua ảnh tham dự xét vòng loại, yêu cầu tác giả gửi kèm file ảnh chất lượng cao về ban tổ chức; ngoài in sách khi được giải, cần đưa lên trang web của Hội trong hoặc sau khi diễn ra Triển lãm. Giới trẻ và công chúng yêu nghệ thuật khi chia sẻ qua mạng xã hội chỉ cần gắn đường link tới trang web của Hội là có thể truy cập xem các tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao trong khu vực cũng như trong cả nước. Đây cũng là cách giáo dục thẩm mỹ rất phù hợp với xu hướng hiện nay. Trong thời đại công nghệ 4.0 ngoài những bài giảng trên giảng đường, học sinh, sinh viên có thể tiếp cận và trực tiếp tương tác với tác giả và Hội đồng nghệ thuật về những vấn đề liên quan đến tác phẩm, bản quyền tác giả... và ngay cả với những họa sĩ, nhà điêu khắc sau khai mạc có thể xem lại những tác phẩm đạt giải trong khu vực cũng như toàn quốc. Đây là cách trau dồi kỹ năng nghề nghiệp rất hiệu quả.

Hai là, đối với các Hội VHNT địa phương, hằng năm trước mỗi kỳ Triển lãm phát động tới hội viên dự các trại sáng tác tập trung, hoặc không tập trung mang tính đặc thù, khi tham gia trại là các hội viên chuyên ngành Mỹ thuật có chuyên môn tốt, có thể tổ chức các chuyến đi thực tế, trong hoặc ngoài tỉnh tùy vào ngân sách của từng địa phương và mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc phải xây dựng cho mình một đề cương, phác thảo nhất định. Bởi hiện nay, khi tổ chức các trại sáng tác, các Hội địa phương thường tổ chức các trại tổng hợp, mỗi chuyên ngành có một vài tác giả, như vậy, sẽ khó có cơ hội cho anh em trong chi hội được trau dồi, chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác. Kết thúc trại có thể tổ chức trưng bày triển lãm các tác phẩm trong chuyến dự trại tại Hội VHNT, các họa sĩ có cơ hội được công bố những tác phẩm mới nhất tới công chúng và người yêu nghệ thuật tại địa phương mình sinh sống.

Ba là, đối với đơn vị đăng cai tổ chức, ngoài lựa chọn nơi trưng bày thích hợp, phù hợp với đặc thù chuyên ngành Mỹ thuật, cần không quá xa trung tâm thành phố, có thể trưng dụng không gian bảo tàng của các tỉnh phục vụ cho những ngày diễn ra Triển lãm. Theo chu kỳ 9 năm mới tổ chức triển lãm mỹ thuật một lần, tỉnh đăng cai nên mời các đơn vị truyền thông vào cuộc, quảng bá trên các phương tiện truyền thông và các nền tảng mạng xã hội. Trong những ngày diễn ra Triển lãm, Ban Tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Giáo dục, Sở VHTTDL, Sở Văn hóa Thể thao… vận động những trường học trên địa bàn tổ chức buổi ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tới tham quan học hỏi tại Triển lãm.

Bốn là, hiện nay hệ thống bảo tàng tại các tỉnh, thành phố chủ yếu trưng bày đề tài về chiến tranh, cách mạng, hoặc những cổ vật… mà thiếu đi mảng mỹ thuật, hoặc có thì cũng còn rất ít, và chưa có không gian trưng bày riêng. Ngoài các bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng thì các tỉnh chưa có bảo tàng mỹ thuật, nên chăng, Hội MTVN phối hợp với Hội VHNT địa phương đề xuất tới UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật các tỉnh, thu mua, lưu giữ và trưng bày những tác phẩm có giá trị qua các thời kỳ, chỉ có như vậy thì mỹ thuật địa phương mới thực sự được coi trọng và ngày càng phát triển.

Kết luận

Triển lãm Mỹ thuật II các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng với hành trình gần 30 năm, một hành trình dài đủ để chứng minh hướng phát triển của các phong trào mỹ thuật địa phương và vinh danh nhiều thế hệ họa sĩ, ghi nhận những đóng góp của họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi đã được cả nước biết đến như Đỗ Kích (Hà Nam); Đặng Tiến, Bùi Duy Khánh, Việt Anh (Hải Phòng); Lưu Quang Lâm, Nguyễn Nghĩa Cương (Bắc Ninh); Lý Văn Vinh, Nguyễn Thái Cớ (Hưng Yên); Kù Kao Khải (Ninh Bình); Hoàng Trung Dũng (Thái Bình); Nguyễn Viết Quang, Vũ Quý, Nguyễn Thị Thiền (Quảng Ninh)… Những năm tiếp theo, hy vọng Triển lãm sẽ là một sân chơi lớn đối với những người làm sáng tác và là nơi giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, là nơi thưởng ngoạn cho công chúng yêu nghệ thuật, nơi giao lưu, kết nối giữa họa sĩ, nhà điêu khắc với nhà sưu tập trong và ngoài nước.

LÊ MINH ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;