Sự giao thoa và ảnh hưởng của hội họa hiện đại giai đoạn cuối TK XIX đầu TK XX trong thiết kế đồ họa

Mối quan hệ giữa hội họa và thiết kế đồ họa luôn là một chủ đề thu hút sự quan tâm từ nhiều chuyên gia và nghệ sĩ ở cả hai lĩnh vực. Có quan điểm cho rằng, nghệ thuật và thiết kế là hai khía cạnh khác nhau của cùng một quá trình sáng tạo, có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nghệ thuật và thiết kế là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt về các tiêu chuẩn, phương pháp và có giá trị riêng. Tuy nhiên, dù có những khác biệt, hội họa hiện đại và thiết kế đồ họa đều có những khả năng siêu việt. Thiết kế đồ họa có thể lấy cảm hứng từ các tác phẩm hội họa để tạo ra các sản phẩm độc đáo và sáng tạo. Hội họa có thể sử dụng các kỹ thuật và công cụ của nhà thiết kế để tạo ra các tác phẩm hiện đại và đa dạng. Bài viết nhằm tìm kiếm cách hiểu rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa hội họa hiện đại và thiết kế đồ họa, sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau của hai lĩnh vực trên.

Nghệ thuật (Art) và thiết kế (Design) đã đồng hành trong quá trình phát triển trải dài từ thời Cổ đại đến Hiện đại, đi qua nhiều giai đoạn và phong trào khác nhau trong lịch sử nghệ thuật. Từ sự xuất hiện của các phong trào như Baroque và Rococo đến các phong trào như Arts and Crafts, đã đặt nền tảng cho việc tìm kiếm sự đơn giản và chức năng trong thiết kế, mang đến đổi mới trong việc sử dụng hình ảnh và yếu tố tự nhiên. Tiếp đến thời kỳ Hiện đại là sự tối giản với các dạng hình học của chủ nghĩa hiện đại, các nhà thiết kế đồ họa đã tìm thấy nguồn cảm hứng mới từ các kỹ thuật và ý niệm về cái đẹp xuất phát từ các phong trào hội họa hiện đại giai đoạn từ cuối TK XIX đầu TK XX. Trong giai đoạn này, ở một số khía cạnh, hai lĩnh vực này đã mang những đặc điểm của nhau. Thiết kế đồ họa ngày càng mang tính thử nghiệm và cá nhân hóa hơn, khả năng truyền đạt thông điệp trong sản phẩm thiết kế đồ họa ngày càng trở nên mạnh mẽ, đa dạng, thúc đẩy sự gắn kết của lĩnh vực này với xã hội. Có thể nói rằng, triết lý và thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện đại đã có tác động lớn đối với thiết kế đồ họa hiện đại, thông qua sự hòa nhập của nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật đã dần rời xa chức năng mô phỏng và trở thành nét đặc trưng cho các thể nghiệm hiện đại. Khái niệm thiết kế đồ họa cũng có nhiều thay đổi, song hành với những biến chuyển trong phương thức sản xuất, cách tiêu dùng hay sự tưởng tượng đến tương lai của con người.

1. Khái quát về chủ nghĩa hiện đại - hậu hiện đại

Các biến động trong xã hội châu Âu trong giai đoạn cuối TK XIX đầu TK XX, không chỉ đánh dấu sự thay đổi về kinh tế và chính trị, mà còn tạo ra cơ hội và thách thức mới trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế. Điều này đã thúc đẩy sự giao thoa giữa hội họa hiện đại và thiết kế đồ họa, mở ra một thời kỳ đầy hứng khởi và đổi mới trong cả hai lĩnh vực. Cuộc cách mạng công nghiệp đã thay đổi về cách thức sản xuất và cuộc sống xã hội; Sự xuất hiện của máy móc và công nghiệp hóa, tiến bộ trong in ấn; Hình ảnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ và nhà thiết kế đồ họa thể hiện tài năng của họ; Thiết kế đồ họa trở thành một phương tiện quan trọng trong việc truyền đạt thông điệp… Tất cả những yếu tố này đã cùng nhau tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật và thiết kế đồ họa ở châu Âu.

Những hình dạng đơn giản và màu sắc cơ bản của “phong cách Bauhaus” (áp phích Herbert Bayer) - Nguồn: MOMA.com

Chủ nghĩa hiện đại hay hậu hiện đại trong nghệ thuật và thiết kế là sự kết hợp của các hệ tư tưởng và phong cách, bắt nguồn từ các khoa học khác: văn học, ký hiệu học, ngôn ngữ học, triết học. Các trường phái hội họa hiện đại ra đời cho thấy sự khao khát của các họa sĩ đương thời, muốn thoát khỏi sự lệ thuộc theo những luật lệ cũ, những nghiêm luật mà họ phải dựa vào đó để diễn đạt ý tưởng thẩm mỹ của mình. Hội họa hiện đại không chỉ là nguồn cảm hứng về mặt hình thức mà còn về nội dung. Các nghệ sĩ hiện đại thường khám phá những chủ đề đa dạng, từ xã hội đến tâm lý, từ tự nhiên đến trừu tượng. Sự đa dạng của nguồn cảm hứng từ hội họa hiện đại đối với thiết kế đồ họa đã mở ra không gian đổi mới và sáng tạo cho các nhà thiết kế. Nó không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là cơ hội cho những ý tưởng thiết kế độc đáo và sáng tạo, đồng thời, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của nghệ thuật thiết kế hiện đại.

2. Sự giao thoa giữa hội họa hiện đại và thiết kế đồ họa

Dù ở thời kỳ phát triển nào của hội họa và thiết kế, ta cũng tìm thấy những nét tương đồng của hai lĩnh vực. Trong thế giới đa dạng, đa chiều, hội họa và thiết kế đồ họa đóng vai trò như một phương tiện giao tiếp hữu hiệu, kết nối các nền văn hóa với nhau bằng cách kết hợp các ngôn ngữ biểu hiện như đường nét, màu sắc, hình dạng và các yếu tố mỹ thuật khác, tạo ra các biểu tượng của một nền văn hóa cụ thể hoặc thể hiện sự đa dạng của nhiều nền văn hóa. Bên cạnh đó, hội họa và thiết kế có thể trực tiếp liên kết với văn hóa địa phương bằng cách sử dụng các yếu tố và biểu tượng cụ thể của khu vực đó. Một áp phích hay một biểu tượng cũng có khả năng lôi cuốn và ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội bởi nội dung và hình thức cô đọng, tính thẩm mỹ cao tạo cho người xem thấy được cái cảm giác, dấu ấn của tác phẩm trước khi nhận ra thông tin hình ảnh của đối tượng. Đó chính là sự tương đồng giữa các tác phẩm hội họa và thiết kế đồ họa.

Áp phích của báo Paris L’Intransigeant (Pháp), thiết kế bởi Cassandre, 1925 - Nguồn: MOMA.com

Ở chiều ngược lại, những thành tựu thiết kế đồ họa cũng đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho hội họa hiện đại, giúp mở rộng phạm vi sáng tạo. Việc sử dụng công nghệ và phần mềm đồ họa đã giúp hội họa hiện đại mở rộng phạm vi kỹ thuật và mở ra chân trời sáng tạo mới, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ, cải tiến và đổi mới các phương tiện, kỹ thuật và phong cách sáng tác nghệ thuật. Các nghệ sĩ sử dụng những phương tiện mới như nhiếp ảnh, điện ảnh, video, máy tính, internet… để thể hiện ý tưởng và tâm trạng của họ. Các phương tiện này giúp cho các nghệ sĩ khám phá những khả năng biểu đạt mới, vượt qua những giới hạn của tranh vẽ truyền thống. Với sự ra đời của Macintosh vào năm 1984 bởi Apple - máy tính đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho cả hai lĩnh vực. Cả nhà thiết kế và nghệ sĩ đã chấp nhận công nghệ máy tính như một phương tiện để sản xuất công việc của họ. Bên cạnh máy tính, các phương tiện khác như máy in, máy quay video, tivi, máy photocopy… tất cả đều trở thành công cụ cho các nhà thiết kế và nghệ sĩ.

3. Ảnh hưởng của hội họa hiện đại trong thiết kế đồ họa

Trong giai đoạn TK XIX đầu TK XX, các phong trào hội họa hiện đại như chủ nghĩa Ấn tượng và Hình học trừu tượng nổi lên như một phản ứng chống lại những hạn chế của nghệ thuật truyền thống, đặt ra thách thức đối với những quy tắc về hình thức và màu sắc đang tồn tại. Khi các nhà thiết kế được truyền cảm hứng bởi các phong trào này, họ ngày càng say mê tìm kiếm các yếu tố tác động mạnh mẽ lên thị giác trong hình thức thiết kế. Mối quan tâm về các yếu tố đó rất cần thiết cho phương tiện giao tiếp bằng hình ảnh và trở thành nét đặc trưng cho các thể nghiệm hiện đại. Một tác phẩm hội họa muốn đến được với công chúng, đầu tiên là phải lọt mắt nhìn và tương tự với một sản phẩm thiết kế đồ họa, muốn đi vào tâm trí người tiêu dùng thì ngoài tính khoa học, công năng sử dụng còn có tính thẩm mỹ được đề cao để có thể truyền cảm mạnh mẽ hơn. Chính sự đa dạng của nguồn cảm hứng từ hội họa hiện đại đã cung cấp cho các nhà thiết kế đồ họa một bảng màu phong phú, để tạo ra các sản phẩm thiết kế đầy sáng tạo và độc đáo, chủ nghĩa hiện đại trong hội họa đã mở ra cánh cửa cho sự đa dạng và sáng tạo trong thiết kế đồ họa, khuyến khích sự tự do và cá nhân hóa. Điều này đã làm cho thiết kế đồ họa trở nên phong phú và đa dạng, có khả năng thể hiện sự sáng tạo, sức mạnh trong việc truyền tải thông điệp và tạo ra trải nghiệm thú vị cho người xem.

 Chủ nghĩa tối giản và thiết kế đồ họa

Ảnh hưởng mạnh mẽ từ các trào lưu trừu tượng và các tư tưởng của Bauhas, phong cách tối giản thường gắn với sự đơn giản và tính chất thực tiễn. Nó đã trở thành một phong cách phổ biến trong thiết kế đồ họa và truyền thông hiện đại. Nghệ sĩ và nhà thiết kế thường xem sự đơn giản không chỉ là một phương tiện mà còn là một dạng của nghệ thuật. Việc tạo ra một thiết kế đơn giản nhưng vẫn mang lại sự ấn tượng và sức mạnh là một thách thức nghệ thuật. Với quan điểm đó, sự tối giản của màu sắc và những đường thẳng trong hội họa của chủ nghĩa hiện đại đã tạo nên phong cách thiết kế đồ họa hiện đại. Đáng chú ý nhất là triết lý từ bỏ sự diễn giải để tiến gần đến một sự giao tiếp mang tính biểu tượng và phổ quát hơn, tư tưởng này lan rộng trên khắp sản phẩm thiết kế đồ họa và cho đến nay vẫn là sự chuẩn mực trong thiết kế đồ họa.

E. McKnight Kauffer, là một nhân vật quan trọng trong lịch sử thiết kế đồ họa, đặt nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật quảng cáo và thiết kế đồ họa trong TK XX. Kauffer cũng là một trong những người đầu tiên kết hợp nghệ thuật và công nghiệp một cách hiệu quả trong lĩnh vực quảng cáo. Ông nhìn nhận rằng, nghệ thuật có thể và nên được sử dụng để tạo ra thông điệp và thu hút sự chú ý từ khán giả rộng lớn. Các tác phẩm của ông không chỉ là quảng cáo, mà còn là nghệ thuật đô thị, đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc tích hợp nghệ thuật vào cuộc sống hằng ngày. Kauffer còn được biết đến với sự đa dạng trong phong cách của mình. Từ phong cách Ấn tượng đầu tiên, ông chuyển đến hình học trừu tượng.

Cassandre (Bút danh của Adolphe Jean - Marie Mouron) đã sử dụng dạng hình học mang tính tượng trưng và các mặt phẳng được điều chỉnh về màu sắc, phong cách này bắt nguồn từ chủ nghĩa lập thể. Ông luôn cố gắng tối giản vật thể thành các hình dạng táo bạo và biểu tượng phẳng. Ông nhấn mạnh mặt phẳng hai chiều, kết hợp chữ với hình ảnh thành một tổng thể thống nhất, màu sắc được vờn nhẹ để làm mềm những đường nét cứng nhắc của hình học.

Ngôn ngữ tạo hình được phát triển bởi các phong trào nghệ thuật như DeStijl ở Hà Lan, trường phái Siêu việt (Suprematism) và trường phái Kiến tạo (Constructivism) Nga cũng đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến cách tiếp cận hiện đại trong thiết kế, những phong trào này đã truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế thế hệ trẻ hướng đến một nền thiết kế dựa trên việc kết hợp các kiểu chữ không chân đơn giản với bảng màu tương phản, bố cục không đối xứng, các họa tiết trang trí xưa cũ đã nhường chỗ cho các khoảng trắng, tạo cảm giác không gian gợi mở được sử dụng như yếu tố bố cục cơ bản.

Một ví dụ khác, trong quảng cáo cho nhà máy cáp NKF của Piet Zwart, ông đã sử dụng kiểu chữ đậm được đặt ở một góc và màu sắc tươi sáng để thu hút sự chú ý và truyền tải thông điệp của mình đến khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Chủ nghĩa trừu tượng và thiết kế đồ họa

Giai đoạn đầu TK XX, khi Wassily Kandinsky, Paul Klee, Modrian là những giáo sư giảng dạy về lý thuyết tạo hình, nhấn mạnh vào lý thuyết màu. Thiết kế đồ họa thời kỳ này mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa cấu trúc và hội họa trừu tượng. Khởi hành từ sự tự do sáng tạo của chủ nghĩa hiện đại, những triết lý thẩm mỹ và sáng tạo của hội họa hiện đại trở nên quan trọng đối với các nhà thiết kế đồ họa đã khuyến khích các nhà thiết kế đồ họa sáng tạo hơn, không bị ràng buộc bởi các quy tắc cứng nhắc. Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Trừu tượng vào thiết kế đồ họa không chỉ mở rộng phạm vi sáng tạo mà còn làm giàu thêm nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế. Trên các sản phẩm thiết kế đồ họa hiện đại đã cho thấy những dấu hiệu của sự ứng dụng triệt để các yếu tố cơ bản của trừu tượng trong tạo hình, tạo dáng trên các sản phẩm thiết kế. Cách sử dụng yếu tố tạo hình này khác hẳn với lối thiết kế minh họa quảng cáo những sản phẩm cùng thời thường vẽ những hình trực quan của vật thể.

Mối quan hệ giữa chủ nghĩa trừu tượng và thiết kế đồ họa không chỉ là một quá trình tương tác mà còn là nguồn cảm hứng của sáng tạo. Sự đa dạng, linh hoạt, khả năng tương tác của chủ nghĩa trừu tượng đã trực tiếp làm phong phú thêm bức tranh nghệ thuật và thiết kế đồ họa hiện đại, tạo nên không gian mở rộng cho sự sáng tạo và tương tác tích cực.

Pop art và thiết kế đồ họa

Thuật ngữ Pop art do nhà phê bình người Anh Lawrence Alloway đặt ra để chỉ một phong cách nghệ thuật diễn ra từ thập niên 50 đến 70, chủ yếu ở Anh và Mỹ, các nghệ sĩ theo trường phái này thống nhất với quan điểm rằng: nghệ thuật phải hướng tới đại chúng và bình dân, có thể sản xuất hàng loạt. Đặc điểm của nghệ thuật đại chúng (Pop art) cả ở Anh và Mỹ đều bác bỏ sự phân biệt thị hiếu thưởng thức giữa cao và thấp, giữa tốt và xấu. Các nghệ sĩ thường dùng những nguyên liệu có sẵn, quan điểm dùng vật liệu có sẵn do Duchamp đề xướng từ thập niên đầu của TK XX, như: các bức ảnh trong sách báo, vỏ chai rượu bia, vỏ đồ hộp… đề tài chủ yếu của trào lưu này là nhằm phục vụ các khía cạnh của văn hóa đại chúng; chẳng hạn như, quảng cáo, truyện tranh… Nghệ thuật Pop art và tối giản được coi là phong trào nghệ thuật đứng trước nghệ thuật hậu hiện đại, hoặc là một trong số những xu hướng nghệ thuật sớm nhất của nghệ thuật hậu hiện đại. Nổi bật trong các hình ảnh được lựa chọn bởi các nghệ sĩ nhạc pop, như trên nhãn các hộp súp của Campbell, được thiết kế bởi Andy Warhol. Nghệ thuật Pop art hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong quảng cáo, nhãn mác, bao bì và logo.

Thiết kế đồ họa và hội họa là hai lĩnh vực nghệ thuật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong quá trình sáng tạo, làm phong phú thêm diễn đàn nghệ thuật, góp phần quan trọng trong sự tiến triển của thiết kế đồ họa hiện đại, mang lại cho thế hệ các nhà thiết kế trẻ những khả năng mới để phát triển phương pháp tiếp cận mới lạ, độc đáo trong công việc thiết kế của mình nhằm áp dụng tầm nhìn của họ phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của xã hội. Cả hai lĩnh vực đã kết hợp và truyền cảm hứng lẫn nhau và cùng phản ánh, tương tác với thế giới đương đại. Mối quan hệ này không chỉ ở mức độ thẩm mỹ mà còn đậm chất văn hóa và xã hội. Tầm quan trọng của sự giao thoa giữa hội họa hiện đại và thiết kế đồ họa không chỉ là vấn đề của những người làm nghệ thuật, mà còn là một yếu tố quan trọng trong văn hóa và xã hội. Với những lý lẽ và thực tiễn trên, cho thấy sự giao thoa giữa hai lĩnh vực đã tạo ra một sức sống mới về thẩm mỹ cho thế giới sản phẩm thiết kế của đồ họa. Đây cũng chính là nơi gặp gỡ giữa hội họa hiện đại và thiết kế đồ họa, điều mà trên thực tế các họa sĩ thiết kế trên thế giới, cũng như trong nước đã và đang khai thác là xóa nhòa ranh giới giữa hội họa và thiết kế.

Kết luận

Mối quan hệ giữa hội họa hiện đại và thiết kế đồ họa không còn là một vấn đề lịch sử nghệ thuật mà còn là một dạng tương tác sáng tạo, thể hiện sự thay đổi, phát triển và thích ứng của nghệ thuật và thiết kế trong bối cảnh ngày nay, mang lại những tiềm năng to lớn, tạo cơ hội cho sự sáng tạo, đa dạng ở cả hai lĩnh vực. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển, mà còn góp phần vào việc khơi gợi những diện mạo mới đóng góp vào sự phong phú và đa dạng của thiết kế đồ họa đương đại. Hội họa và thiết kế có thể tạo ra cơ hội cho sự hiểu biết và trao đổi văn hóa giữa các nền văn hóa khác nhau bằng cách thể hiện sự đa dạng và phong phú trong tương tác với đại chúng.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Vương Quốc Chính, Ảnh hưởng của nghệ thuật quang học (Op art) đến lĩnh vực thiết kế hiện đại, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở Hà Nội, số 74, 12-2020.

2. Lê Thanh Đức, Nghệ thuật Môđéc và hậu môđéc, Nxb Mỹ thuật, 2003.

3. Uyên Huy, Dòng chảy của nghệ thuật thị giác, 2013, kienviet.net, 17-9-2013.

4. Nguyễn Hồng Hưng, Nguyên lý thị giác, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2015.

5. Uyên Huy, Nghệ thuật thị giác & những vấn đề cơ bản, Nxb Mỹ thuật, 2019.

VƯƠNG QUỐC CHÍNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;