Tóm tắt: Trong tổ chức sự kiện, công tác thiết kế không gian hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình dàn dựng. Điều này đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải có chuyên môn nghiệp vụ về nghệ thuật tạo hình, am hiểu sâu rộng về công nghệ, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của công chúng/ khán giả. Mỹ thuật sân khấu không chỉ góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp và cảm xúc đến khán giả. Trong những năm gần đây, công tác tổ chức sự kiện ngày càng chú trọng đến vai trò của họa sĩ thiết kế, hình thức trang trí cũng như đổi mới trong cách thể hiện, nhờ sự bùng nổ của công nghệ và sự phát triển của văn hóa giải trí. Tuy vậy, việc dàn dựng sân khấu và trang hoàng không gian vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Do vậy, quá trình định hướng tính chuyên nghiệp cần nhấn mạnh đến việc ứng dụng các nguyên lý tạo hình của sân khấu nhà hát, nhằm mở rộng ảnh hưởng của mỹ thuật sân khấu đến mọi khía cạnh của việc thiết kế không gian sự kiện một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Từ khóa: mỹ thuật sân khấu, dàn dựng, dàn dựng sự kiện, thiết kế, nguyên lý tạo hình.
Abstract: Visual space design is crucial and pervasive throughout the event organization and staging process. This demands that the implementation team possesses professional expertise in visual arts and a deep understanding of technology. Crucially, they must also grasp the needs and preferences of the public/audience. Beyond its aesthetic contributions, stage art plays a significant role in conveying messages and emotions to the audience. In recent years, event organization has increasingly emphasized the role of design artists, decorative forms, and innovation in expression. This growing focus is largely due to the explosion of technology and the development of entertainment culture. Although events have a long history, stage staging and space decoration have historically not received due attention. Therefore, to professionalize the field, it’s necessary to emphasize the application of theater stage design principles. This aims to effectively expand the influence of stage art to all aspects of event space design.
Keywords: stage art, staging, event staging, design, principles of shaping.
1. Các yếu tố cơ bản về mỹ thuật sân khấu trong dàn dựng sự kiện
Thiết kế và dàn dựng sân khấu sự kiện là một nghệ thuật phối hợp tinh tế giữa mỹ thuật, công nghệ hiện đại và thông điệp cốt lõi. Quá trình này được triển khai bài bản, phân chia thành nhiều hạng mục công việc chuyên biệt, từ hệ thống âm thanh sống động, ánh sáng lung linh đến bố trí diễn xuất ấn tượng. Hồ sơ thiết kế chi tiết sẽ thể hiện toàn diện không gian sân khấu, đặc biệt chú trọng đến các góc nhìn từ khán giả - từ hàng ghế đầu đến hai bên cánh gà. Mục tiêu là kiến tạo một không gian trình diễn mãn nhãn, nơi mọi ánh nhìn đều hướng trọn vào nghệ sĩ và bối cảnh. “Phần cứng” sân khấu, bao gồm bục bệ và không gian biểu diễn, sẽ được thiết kế tỉ mỉ, tạo nền tảng vững chắc cho mọi hoạt động nghệ thuật, từ những bản hòa nhạc thăng hoa, vở kịch đầy cảm xúc đến những màn vũ đạo điêu luyện. Mỹ thuật sân khấu liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa trong quá trình dàn dựng sự kiện như: chủ đề và cách thức phác thảo không gian, việc lựa chọn địa điểm, khán giả và khách mời, ánh sáng âm thanh, hệ thống nghe nhìn cùng các hiệu ứng đặc biệt, sự phục vụ, các nhóm chuyên môn, diễn viên, dịch vụ khách hàng, kế hoạch sản xuất chương trình sự kiện. Trên thực tế, việc bày trí không gian sân khấu nơi diễn ra sự kiện thường rất đơn giản và cơ động (đó có thể là khoảng sau của một chiếc xe tải chuyên dụng, tới một boong thuyền lớn bên cảng…). Xét ở khía cạnh chuyên nghiệp thì vấn đề của sân khấu sự kiện đều hình thành từ gốc rễ của sân khấu nhà hát, nó phải rõ ràng về mục đích cũng như ý tưởng sự kiện được cảm thụ, giải mã và thực hành nghệ thuật. Việc phân tích kịch bản, quy hoạch không gian mặt bằng bối cảnh sân khấu cũng luôn đảm bảo những điều kiện cần và đủ, bao gồm: xây dựng ý tưởng, thiết kế maket và các phương án thực hiện. Trên thực tế, phần nhiều việc bày trí sân khấu sự kiện liên quan đến các công cụ chung như: kế hoạch biểu diễn, danh sách các mối quan hệ cùng vai trò của họ cũng như kế hoạch sản xuất. Sân khấu nhà hát được thiết lập bởi không gian trình diễn trực tiếp mang tính kịch, một hình thức kết hợp của biểu diễn trực tiếp, ở đó diễn viên thể hiện trải nghiệm của một kịch bản có thật hay tưởng tượng trước công chúng/ khán giả tại một nơi cụ thể, thường là không gian trong nhà hát. Hình ảnh, khung cảnh trang trí trên sân khấu sử dụng các yếu tố tạo hình, làm nên giá trị biểu tượng. Hình ảnh cũng như sự hiện diện và tính tức thời của những trải nghiệm tạo nên sự ảo tưởng trong khán giả. Việc thiết kế không gian như sắp xếp các yếu tố trên sân khấu, bục biểu diễn, màn hình và đạo cụ theo một bố cục hài hòa, đảm bảo tính thẩm mỹ và tối ưu hóa trải nghiệm người xem. Ánh sáng được kết hợp sử dụng để tạo hiệu ứng, nhấn mạnh các điểm quan trọng và tạo không khí cho sự kiện (ánh sáng mềm có thể tạo sự ấm cúng, trong khi ánh sáng động có thể thêm phần kịch tính…). Chọn lựa và phối màu sắc sao cho phù hợp với chủ đề sự kiện, đồng thời tạo sự hài hòa và thu hút mắt nhìn. Phông nền và đạo cụ sẽ tùy thuộc vào nội dung sự kiện, cảnh nền có thể là phông vẽ hay thiết kế trên màn hình điện tử cùng các vật liệu trang trí khác. Đạo cụ có thể là đồ nội thất, hoặc các vật thể tượng trưng. Một phần quan trọng hỗ trợ cùng mỹ thuật sân khấu đó là hiệu ứng âm thanh, nó cộng hưởng giúp tăng cường trải nghiệm cảm xúc cho khán giả.
Cũng như vở diễn thì các chương trình sinh hoạt văn hóa vào dịp lễ tết ngày kỷ niệm, sân khấu sự kiện sẽ kết nối nhiều mảng nghiệp vụ liên quan đến nghệ thuật sân khấu. Với một sự kiện ngoài trời, việc thiết kế dàn dựng hợp bởi nhiều yếu tố (như kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng…) cũng như chịu tác động bởi sự phát triển của công nghệ cũng như thị hiếu công chúng/ khán giả. Việc thiết kế quy hoạch không gian sân khấu sự kiện thường phức tạp, ý tưởng trong thiết kế được coi như bước đi tiên quyết, nhằm cung cấp nguyên liệu để sự kiện đó có thể diễn ra thuận lợi, các hình thức thể hiện mỹ thuật, sân khấu mục đích làm nổi bật tinh thần và giá trị cốt lõi của sự kiện. Quá trình phân cảnh giúp “người đạo diễn còn phải nghĩ ra các cách bố cục, trang trí sân khấu, phục trang, ánh sáng, đạo cụ để gợi ý, yêu cầu họa sĩ thiết kế, ánh sáng sáng tạo thực hiện theo ý đồ của mình để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của toàn bộ chương trình nghệ thuật. Thậm chí người đạo diễn còn phải phác thảo ý đồ nghệ thuật của mình càng chi tiết càng tốt, “mỗi chương trình đều có các cấp độ, quy mô khác nhau, phù hợp với đề án đạo diễn phân cảnh, thiết kế sân khấu, trang phục, ánh sáng đạo cụ, thực hiện bởi các chương trình nghệ thuật tổng hợp ca, múa, nhạc, kịch” (1). Vở diễn vốn hình ảnh gắn liền với nghệ thuật sân khấu, thể hiện những chuẩn bị rất cầu kỳ và hoành tráng, còn đối với sự kiện ngoài trời thì kế hoạch dàn dựng sân khấu cũng sẽ xem xét hướng đến sự tóm tắt và đơn giản do đòi hỏi tính cơ động. Do đều là liên quan đến khán giả/ người xem nên việc trang trí sân khấu cho các vở diễn trong rạp hát hay sân khấu sự kiện tại khu vực không gian ngoài trời với thiết kế cảnh quan luôn tính đến hiệu quả của không gian góc nhìn sân khấu. Hiệu quả sân khấu là làm cách nào để có thể hướng sự tập trung (bằng mắt nhìn) của khán giả vào vùng không gian sân khấu (nơi câu chuyện xảy ra). Đối với sân khấu kịch, việc làm khán giả tập trung là khá thuận lợi do nhờ kiến trúc của rạp hát, đã phân định rõ hai khu vực (sân khấu và khán giả). Nhưng đối với sự kiện, thì không gian tương đối mở, chương trình sự kiện có thể diễn ra trên cả một mặt bằng với khoảng/ vùng không gian rộng lớn, cao thấp khác nhau, theo cụm được hợp bởi rất nhiều sân khấu nhỏ.
Thiết kế và dàn dựng không gian sân khấu luôn song hành chặt chẽ với kịch bản. Tuy nhiên, dưới lăng kính nghệ thuật, “nhiều kịch bản thường không tìm được cho mình một hình thức, một thể loại thích hợp, chính xác, không tìm được ngay cả một sự thể hiện có ý nghĩa trên sân khấu” (2). Chính vì vậy, thiết kế mỹ thuật sân khấu, với vai trò của người họa sĩ trang trí, trở thành một bộ phận hữu cơ, không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu, hòa quyện cùng kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng... “Trong mối quan hệ tổng hợp đó, chức năng của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật và người đạo diễn thật sự gắn bó với nhau một cách mật thiết để làm cho vở diễn đạt yêu cầu cả về nội dung và hình thức, đưa ngôn ngữ trang trí đến với người xem, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ biểu diễn, sáng tạo những vai diễn bất tử của mình” (3).
Hiệu quả thẩm mỹ của nghệ thuật tạo hình có sức mạnh biến hóa sân khấu trở nên lộng lẫy, rực rỡ và đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Do đó, trang phục của người nghệ sĩ biểu diễn cần phải đẹp, cuốn hút, gợi cảm, tôn vinh vẻ đẹp hình thể của họ. Sau khi đã thấu đáo kịch bản và nắm bắt trọn vẹn ý đồ của đạo diễn, người họa sĩ “không phải chỉ dừng lại từng đường nét trên giấy nữa, mà phải hình dung cho được một không gian sân khấu như thực, với ánh sáng, với dàn dựng và cái quan trọng nhất là tạo thuận lợi cho diễn xuất hay không?” (4).
Trong quá trình dàn dựng, thiết kế mỹ thuật sân khấu cảnh quan sự kiện là việc sáng tạo và tổ chức các yếu tố thị giác để biến sân khấu trở thành một không gian truyền cảm hứng và phù hợp với chủ đề của sự kiện. Đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật nhằm tạo những ấn tượng mạnh mẽ và gắn kết khán giả. Như vậy các yếu tố chính trong trang trí sân khấu không gian sự kiện cũng sẽ bao gồm: cảnh quan và bố trí sân khấu - là việc tạo dựng cấu trúc và sắp xếp các khu vực trình diễn; ánh sáng - dùng để tạo ra không gian, cảm xúc, và sự chú ý vào các phần quan trọng; màu sắc và trang trí - quá trình phối màu và thêm phụ kiện để nhấn mạnh chủ đề và phong cách sự kiện; đạo cụ - là các vật thể bổ sung trên sân khấu để hỗ trợ nội dung trình diễn; hiệu ứng đặc biệt - có thể bao gồm khói, tia laser, hoặc màn hình điện tử để tăng tính ấn tượng.
2. Phát triển công cụ trong thiết kế mỹ thuật sân khấu/ không gian tổ chức sự kiện
Qua từng thời kỳ, thiết kế mỹ thuật sân khấu sự kiện phản ánh sự phát triển của nghệ thuật và công nghệ. Thời kỳ cổ đại, sự kiện trên sân khấu được bắt đầu từ các nghi lễ tôn giáo và lễ hội cộng đồng. Các sân khấu thường được thiết kế đơn giản, sử dụng các yếu tố tự nhiên như đá, gỗ và ánh sáng ngoài trời. Thời kỳ trung cổ, sân khấu phát triển mạnh mẽ trong các nhà thờ và quảng trường, với các thiết kế mang tính biểu tượng và tôn giáo. Các yếu tố mỹ thuật như tranh vẽ và tượng điêu khắc được sử dụng để minh họa cho những câu chuyện. Đến thời kỳ Phục Hưng, là giai đoạn bùng nổ sáng tạo, khi trang trí sân khấu bắt đầu sử dụng vẽ phối cảnh và diễn tả ánh sáng để tạo chiều sâu của không gian. Các nghiên cứu trong tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci đã đóng góp lớn vào sự phát triển này. Ngày nay, với sự ra đời của công nghệ, sân khấu sự kiện sử dụng màn hình điện tử, ánh sáng lập trình thông minh và âm thanh hiện đại để tạo tương tác cùng những trải nghiệm sống động. Sân khấu kịch nhà hát thường cầu kỳ hoành tráng với phông cảnh dàn dựng kinh điển, không gian được tạo bởi chiều sâu của các lớp trang trí, gam màu, ánh sáng, khuôn viên kiến trúc nguy nga cùng cảnh vòm cửa và thính phòng lộng lẫy. Địa điểm nơi diễn ra sự kiện lại thường không cố định, có thể là không gian trong nhà (hội trường, phòng cộng đồng), hoặc ngoài trời (sân vận động, khu phố, quảng trường, nhà ga, bến cảng…), việc đo đạc xem xét công năng từng vị trí sẽ giúp bối cảnh sân khấu phù hợp với không gian của toàn bộ sự kiện. Từ thời cổ đại, cảnh những bữa tiệc hoàng gia Ai Cập đã đánh dấu bước đầu tiên của các sự kiện lung linh hoành tráng. Thời Trung cổ, giải đấu cũng gắn liền với không gian của sự kiện tiệc tùng, khiêu vũ và hội chợ. Đến thời Phục Hưng, chứng kiến phát triển của sự kiện qua các sân khấu dạ hội hóa trang lộng lẫy. Triển lãm lớn năm 1851 tại London, được coi là hội chợ thế giới đầu tiên, thu hút đến nhiều triệu lượt khách, cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết không gian cho các sự kiện công cộng với quy mô lớn. Như thời điểm năm 1900 ở New York, nhân vật Flora Whitney Miller được biết đến là người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp đầu tiên mở ra ngành tổ chức sự kiện xã hội với các hoạt động dàn dựng mang tính chuyên nghiệp. Ngay thời kỳ đại dịch COVID-19 với sự gia tăng của các sự kiện trực tuyến đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho ngành tổ chức sự kiện, ở đó tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các không gian hình ảnh trải nghiệm sống động cho người tham gia.
Việc đưa mỹ thuật sân khấu nhà hát vào thiết kế sân khấu sự kiện nhằm phát huy tính độc đáo, mang lại chiều sâu và sự tinh tế cho không gian sự kiện, đây được coi là cách kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với hiện đại, giúp tạo nên trải nghiệm ấn tượng. Trang trí không gian sân khấu sự kiện với cách thức bao gồm: Các yếu tố trang trí đặc trưng của sân khấu nhà hát với những bức màn khổ lớn, phông nền bằng vải được vẽ thủ công, các cột trụ với phong cách thiết kế cổ điển tạo nên không gian hoành tráng và trang nhã; Sử dụng ánh sáng và màu sắc theo phong cách nhà hát với ánh sáng tập trung, bóng tối được kiểm soát tốt và màu sắc hòa quyện hài hòa sẽ làm nổi bật không gian sân khấu; Khai thác nghệ thuật biểu diễn với việc mời các nghệ sĩ hoặc diễn viên biểu diễn trực tiếp để tạo cảm giác sân khấu sống động hơn, như một vở kịch ngắn hoặc trình diễn múa; Bố trí không gian đa tầng với thiết kế sân khấu có nhiều tầng hoặc các khu vực tương tự như khán đài nhà hát để tăng tính tương tác với khán giả.
Sân khấu là khu vực trung tâm được coi như bộ mặt của một sự kiện, họa sĩ thiết kế triển khai sân khấu sau khi bản kế hoạch chương trình cùng các mốc thời gian công việc (timeline) sự kiện đã được thống nhất. Công tác thiết kế rất cần việc hiểu rõ mục đích, mong muốn cũng như nguyện vọng của chương trình, việc tìm kiếm lựa chọn không gian sân khấu phù hợp, đảm bảo kê đủ trang thiết bị cùng nguyên vật liệu trước khi bắt tay vào việc. Mọi đối tượng trong danh sách (đến và tham gia) được coi là nhân tố tác động đến sự kiện, vậy nên việc xác định ý tưởng cũng như thiết lập nội dung kịch bản hình ảnh ngay từ đầu là rất cần thiết. Khu vực “cánh gà” thường nằm ở hai bên sân khấu, đây là mảng (có thể trang trí) với mục đích che đi các thiết bị của bộ phận hậu cần kỹ thuật, giúp làm nổi bật vùng trung tâm của sự kiện. Công việc sẽ phản ánh tính chuyên nghiệp và đây được coi là mặt hạn chế đối với sân khấu sự kiện. Với sự kiện, vị trí cánh gà thường không cần rộng, đủ để một số nhân sự quan trọng ngồi đó mà điều hướng chương trình và kiểm tra hiệu ứng của sân khấu, thiết kế cần khéo léo hòa đồng âm thanh (tone) với hình ảnh chính (key visual). Không gian, tỷ lệ và bố cục sân khấu sự kiện luôn là thách thức với công tác thiết kế. Đo lường trước những con số cũng như sắp xếp bố cục sân khấu một cách khoa học sẽ giúp cho trang trí và kỹ thuật tại sân khấu diễn ra hiệu quả, giúp cho tầm nhìn của công chúng/ khán giả hướng đến sân khấu với tâm lý thông thoáng, cảm nhận được sự tập trung, tầm nhìn không bị che vướng. Riêng đối với sân khấu, đo đạc sẽ giúp triển khai ý tưởng và trang trí được tốt hơn. Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của thiết kế sân khấu nhà hát sẽ làm cho trang trí sự kiện trở nên chuyên nghiệp, quá trình tuân thủ cũng sẽ hạn chế những rủi ro, vì ngay ở nơi có không gian rộng và quy mô lớn như dễ làm hình ảnh nhóm các nhân vật dễ bị lu mờ. Số ít vị trí cho khách/ khán giả mà quá gần sân khấu dễ gây khó chịu bởi tầm nhìn bị hạn hẹp cũng như sóng âm điện tử quá mạnh trong khu vực này. Chiếu sáng và âm thanh sân khấu giúp toàn bộ không khí hình ảnh chung của sự kiện trở nên hoàn hảo. Các ý tưởng trong thiết kế luôn hướng tới sự ấn tượng và vẻ độc đáo cho sân khấu sự kiện, ý tưởng là không giới hạn, để ý tưởng được thực thi hiệu quả rất cần thời gian và nhân sự hỗ trợ. Không gian phông nền điện tử tạo ra nhờ vào phần mềm đồ họa máy tính giúp sân khấu sự kiện trở nên sống động với quy mô hoành tráng, khiến cho bất cứ ai ở mọi nơi đều có thể “đắm chìm” trong không gian ảo và trực tuyến. Ở đó, nhà thiết kế có thể thỏa sức tạo được chiều sâu cho sân khấu cùng mở rộng không gian tương tác hơn cho khán giả/ người xem. Trên không gian sân khấu thực, phát triển công nghệ cùng các thiết bị điện tử cũng kéo theo phông màn sân khấu hiện đại và cơ động (màn hình công nghệ LED). Thông qua máy tính, hình nền ảnh động được kết nối nhanh, ánh sáng phông hình phù hợp với cả các sự kiện ngoài trời, dễ gây được sự chú ý, ấn tượng với công chúng khán giả. Màn hình sắc nét, độ nét cao cơ động cùng sự hỗ trợ của việc chiếu sáng, âm thanh hiện đại, thích hợp sự kiện với quy mô lớn (như âm nhạc và lễ hội). Sân khấu sự kiện có thể sử dụng các yếu tố này để tạo trải nghiệm đáng nhớ và kết nối mạnh mẽ hơn với khán giả, đây cũng là khu vực trung tâm được coi như bộ mặt của một sự kiện. Công tác dàn dựng được triển khai trên sân khấu sau khi lịch trình công việc sự kiện đã được thống nhất. Ý tưởng thiết kế rất cần đến việc hiểu rõ mục đích, mong muốn cũng như nguyện vọng của chương trình, đảm bảo kê đặt đầy đủ trang thiết bị cùng nguyên vật liệu sau khi tìm kiếm lựa chọn không gian sân khấu phù hợp. Đưa các nguyên tắc cơ bản của thiết kế sân khấu nhà hát làm cho trang trí mỹ thuật sự kiện trở nên chuyên nghiệp. Việc tuân thủ cũng sẽ hạn chế những rủi ro, ở nơi có không gian rộng và quy mô lớn với các nhân vật dễ bị lu mờ.
3. Mỹ thuật sân khấu với một số giải pháp trong thiết kế không gian sự kiện
Sân khấu nhà hát và sân khấu sự kiện phục vụ mục đích và đối tượng khác nhau nên khi đề cập đến một số điểm cơ bản như mục đích và nội dung, tính linh hoạt, hiệu ứng và công nghệ, tương tác với khán giả, phong cách và bố cục sẽ hé lộ nhiều điểm khác biệt.
Trong không gian nhà hát, sân khấu là hiện thân của câu chuyện, nơi thiết kế hòa quyện cùng bối cảnh, thời đại và tinh thần của vở diễn. Mỗi đạo cụ, mỗi cảnh trí được kiến tạo tỉ mỉ, độc đáo cho từng tác phẩm, hiếm khi trùng lặp. Hiệu ứng ánh sáng, âm thanh được sử dụng một cách tinh tế, không phô trương, mà lặng lẽ nâng đỡ cảm xúc, tôn vinh diễn xuất của nghệ sĩ. Tất cả cùng dẫn dắt khán giả đắm chìm vào dòng chảy cảm xúc của vở kịch, hoàn toàn tập trung vào màn trình diễn nghệ thuật đầy tính biểu tượng.
Trong không gian sự kiện, sân khấu là tâm điểm của mọi ánh nhìn, được thiết kế để truyền tải thông điệp mạnh mẽ, quảng bá thương hiệu ấn tượng và khơi gợi cảm xúc nơi khán giả. Yếu tố thị giác được ưu tiên hàng đầu với những thiết kế nổi bật, hiệu ứng mãn nhãn và phong cách hiện đại. Tính linh hoạt là chìa khóa, cho phép sân khấu thích ứng với đa dạng hoạt động, từ những màn trình diễn âm nhạc sôi động, các hội nghị chuyên nghiệp đến buổi ra mắt sản phẩm đầy sáng tạo. Công nghệ tiên tiến được ứng dụng triệt để, với màn hình điện tử sắc nét, hệ thống ánh sáng chuyển động linh hoạt và hiệu ứng đặc biệt, tất cả tạo nên một bữa tiệc thị giác cuốn hút. Sân khấu sự kiện không chỉ để quan sát mà còn để khán giả trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia, cùng nhau tạo nên sự phấn khích và gắn kết sâu sắc trong một không gian hiện đại, ấn tượng và đầy biến hóa.
Thiết kế mỹ thuật sân khấu sự kiện đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự sáng tạo hình ảnh song hành cùng khả năng phối hợp nhịp nhàng với các bộ phận kỹ thuật để đảm bảo sự kiện diễn ra suôn sẻ. Quy trình thiết kế cần cân nhắc mục đích, nội dung, tính linh hoạt, hiệu ứng công nghệ, tương tác khán giả, phong cách và bố cục. Bài toán khó nằm ở việc tạo ra một sân khấu vừa thẩm mỹ, vừa phù hợp với chủ đề sự kiện, đòi hỏi sự cân bằng giữa yếu tố thị giác và công năng sử dụng. Ngày nay, sự kết hợp đồng bộ giữa công nghệ màn hình, ánh sáng thông minh và âm thanh hiện đại mang đến giải pháp cho hiệu ứng sân khấu hoàn hảo. Tuy nhiên, bộ phận thiết kế thường xuyên đối diện với ngân sách hạn chế, buộc phải tối ưu chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, những giới hạn về không gian địa điểm tổ chức cũng ảnh hưởng đến việc bố trí sân khấu và thiết bị hỗ trợ. Để tạo trải nghiệm tốt nhất, thiết kế maket sân khấu cần phù hợp với đối tượng và tâm lý khán giả. Xuyên suốt quá trình dàn dựng, vai trò của thiết kế mỹ thuật là không thể phủ nhận trong việc sắp đặt bối cảnh, đạo cụ, định hình không gian sân khấu và toàn bộ chương trình sự kiện. Do sự đa dạng về kích thước và địa điểm, tiêu chuẩn thiết kế sân khấu phụ thuộc chủ yếu vào cảm nhận thị giác của khán giả về khuôn hình sân khấu, như một bức tranh được viền khung. Đồng thời, cần chú trọng đến chiều sâu không gian và sự thay đổi linh hoạt của các cảnh, tương tự như sân khấu nhà hát, việc bố trí cánh gà và bục bệ hợp lý sẽ tăng hiệu quả trình diễn, khoanh vùng nhìn trung tâm và tạo ảo giác chiều sâu. Với các sự kiện quy mô lớn, công tác thiết kế cần bao quát đồng bộ nhiều không gian bối cảnh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào áp dụng những nguyên tắc mỹ thuật sân khấu nhà hát vào việc xử lý sân khấu và không gian sự kiện?
4. Kết luận
Thiết kế không gian sân khấu sự kiện sẽ có nhiều thay đổi và đột phá trước sự phát triển của công nghệ cùng nhu cầu giải trí. Ngày nay, có rất nhiều những thay đổi trong thiết kế cũng như kỹ thuật thể hiện không gian sân khấu cho sự kiện với những phông màn điện tử cùng các thiết bị chiếu sáng hiện đại đã trở nên phổ biến. Các hình thức nghệ thuật có cơ hội phát triển, kéo theo hoạt động sân khấu luôn có những đổi mới sáng tạo. Trang trí sự kiện văn hóa nghệ thuật đòi hỏi việc nắm vững ngôn ngữ, chất liệu, hình thức thể hiện giúp người làm nghề cảm nhận sản phẩm của mình đến cội nguồn của mỹ thuật sân khấu. Sự kế thừa và không ngừng bồi đắp những giá trị cốt lõi, trải qua quá trình hoàn thiện theo dòng chảy thời gian, đã kiến tạo nên một sân khấu sự kiện với tiếng nói nghệ thuật độc đáo và ngày càng khẳng định vị thế riêng.
________________________
1, 2. Sân khấu hôm nay, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 1983, tr.48, 55.
3, 4. Lê Huy Quang, Sân khấu nghệ sĩ và một góc nhìn cuộc sống, Nxb Sân khấu, 2020, tr.128, 138.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 30-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-4-2025; Ngày duyệt đăng: 25-4-2025.
Ths NGUYỄN VĂN TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025