• Nghệ thuật > Mỹ thuật, kiến trúc

MỘT TRẢI NGHIỆM CÙNG NGHỆ THUẬT VÀ NHÂN TÍNH

Sunshower (Vừa mưa, vừa nắng), Yokohama Triennale (Liên hoan nghệ thuật đương đại quốc tế Yokohama), Asia Corridor (Hành lang châu Á) là ba sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra ở các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật uy tín hàng đầu Nhật Bản (1). Cùng thời điểm cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, ở một số thành phố lớn ở Nhật Bản như Tokyo, Yokohama, cố đô Kyoto, còn diễn ra những sự kiện nghệ thuật có tính chất nội địa nhưng vẫn thu hút đông đảo công chúng địa phương đến tham quan. “Trăm nghe không bằng một thấy”, có cơ hội trải nghiệm các sự kiện nghệ thuật lớn nhỏ trong chuyến du ngoạn ngắn ngày ở đất nước này, người viết thực sự cảm nhận được mối liên hệ chặt chẽ giữa hành vi coi trọng văn hóa nghệ thuật với sự tiến hóa và hoàn thiện nhân tính của người Nhật Bản.

HÌNH KHỐI, MÀU SẮC TRONG ĐIÊU KHẮC TRANG TRÍ KIẾN TRÚC HOÀNG THÀNH HUẾ

Khi nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn, đặc biệt là nghệ thuật trang trí trong Hoàng thành Huế, phải đặt chúng trong một tổng thể, tương quan giữa các công trình kiến trúc với cảnh quan, môi trường thiên nhiên, không thể bỏ qua điều kiện địa lý, khí hậu của Huế. Hơn nữa, bản chất của nghệ thuật luôn là sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tự làm mới mình trong các hình thức biểu đạt. Tuy nhiên, hình thức biểu hiện mới chưa hẳn đã được công chúng chào đón ngay khi mới xuất hiện, chính thời gian là người thẩm định nghiêm khắc nhất cho mọi trải nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật. Ngoài ra, kỹ thuật chất liệu tạo hình luôn song hành cùng những tư duy, ý tưởng sáng tạo. Lịch sử mỹ thuật của nhân loại đã ghi nhận rất nhiều đột phá trong ngôn ngữ tạo hình nhờ sự xuất hiện của những kỹ thuật, chất liệu mới. Mỹ thuật thời Nguyễn cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

MỘT CÁCH TIẾP CẬN NỘI DUNG BỨC TRANH ĐÁNH GHEN

Tranh dân gian Đông Hồ được biết đến với tư cách là một trong số ít những dòng tranh dân gian đặc sắc nhất Việt Nam. Dòng tranh này ra đời vào khoảng TK XV - XVI tại làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ chất liệu giấy in đến màu sắc của tranh đều khai thác từ tự nhiên. Tranh dân gian Đông Hồ gần gũi, gắn bó với cuộc sống lao động, tập quán, sinh hoạt của người nông dân bình dị, chất phác trong xã hội nông nghiệp cổ truyền. Sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ phong phú đa dạng với nhiều bức tranh nổi tiếng thuộc các chủ đề khác nhau. Trong đó, bức tranh Đánh ghen là một trong số khá nhiều bức phản ánh sinh hoạt xã hội, gây được ấn tượng đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.

TƯỢNG CHÂN DUNG TRONG QUẦN THỂ LĂNG MỘ THỜI LÊ - TRỊNH Ở BẮC BỘ

Thể loại tượng chân dung rất hiếm gặp trong không gian quần thể lăng mộ thời Lê - Trịnh ở Bắc Bộ. Thông thường, trong khu thờ của lăng mộ, chỉ có các bài vị, ngai, lư hương và một số đồ thờ khác mang tính tượng trưng, ít thấy có sự xuất hiện của thể loại tượng chân dung. Tuy nhiên, thể loại tượng này lại giải mã nhiều vấn đề thú vị về văn hóa, xã hội hàm chứa trong đó cũng như phong cách tạo hình của điêu khắc chân dung TK XVII, XVIII.

YÊU CẦU TRONG THIẾT KẾ TRANG PHỤC CÔNG SỞ

Thời trang công sở là trang phục được mặc khi đi làm, nơi văn phòng hay trong một môi trường làm việc nhất định nào đó, phù hợp với ngành nghề và đặc thù của từng công việc. Trang phục công sở ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống, xã hội hiện nay. Trong đời sống xã hội hiện đại, rất cần nhấn mạnh vấn đề này để chúng ta hiểu rõ được tầm quan trọng và giá trị thực chất của trang phục mặc nơi công sở. Trang phục công sở được sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho công việc, thể hiện tính lịch sự, tôn trọng người đối diện như trong phòng họp, khi tiếp khách hàng, gặp đối tác...; thể hiện gu thẩm mỹ nhất định, biểu tả được vẻ đẹp, phong cách của người mặc.

NGHỆ THUẬT PHÁP LAM HUẾ THẾ KỶ XIX

Pháp lam Huế xuất hiện vào TK XIX phục vụ trang trí diện mạo cho các công trình kiến trúc. Pháp lam được chế tác bằng các kỹ thuật cực kỳ tinh xảo. Đề tài trang trí bằng nhiều hệ thống - kiểu thức đa dạng, làm tôn vẻ trang trọng uy nghi vốn có của chốn Hoàng cung và làm cho các cung điện, lăng tẩm, đền đài thêm vẻ tôn nghiêm sùng kính.

VIÊN NGỌC CỦA NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC LĨNH NAM

Từ đường Trần gia (1) nằm tại số 7, đường Trung Sơn, Quảng Châu (Trung Quốc) là một quần thể kiến trúc cổ được bảo tồn tốt nhất của vùng Quảng Đông. Từ đường được xây dựng năm 1888, niên hiệu Quang Tự 14, hoàn thành năm 1894, thuộc vào cuối triều đại nhà Thanh. Đây là nhà thờ tộc, do dòng họ Trần ở 72 huyện của tỉnh Quảng Đông đóng góp xây dựng. Với kỹ thuật trang trí tinh xảo, ngôi từ đường được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc Lĩnh Nam, một trong mười điểm du lịch hàng đầu tại Quảng Châu và là điểm tham quan nghệ thuật đặc biệt nhất của khu vực Lĩnh Nam.

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ VÀ KIẾN TRÚC TẠI QUẦN THỂ DI TÍCH THỜ MẪU Ở PHỦ DÀY

Những giá trị nghệ thuật của tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong bản sắc văn hóa nước ta về nhiều mặt: văn học, âm nhạc, kiến trúc, hội họa. “Vì vậy, mỹ thuật tôn giáo chính là sự thống nhất hữu cơ giữa các yếu tố tạo hình nhằm truyền đạt được ý đồ tư tưởng, đức tin trong tâm linh của các tín đồ, làm sống dậy các hình tượng thần thánh trong các thế giới tưởng tượng, phục vụ hiệu quả cho các chức năng và mục đích của tôn giáo” (1). Quần thể di tích Phủ Dày là một trong số các di sản vật thể được Bộ VHTT xếp hạng sớm nhất từ năm 1975 thuộc địa bàn xã Kim Thái, chủ yếu là hai thôn Vân Cát và Tiên Hương, với 19 di tích bao gồm đền, chùa, phủ, lăng. Trong đó ba di tích lớn của quần thể này là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Thánh Mẫu. Đây là 3 công trình tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí và kiến trúc cuối TK XIX, đầu TK XX của không gian tín ngưỡng thờ Mẫu tại đồng bằng Bắc Bộ.

VĂN HÓA TRANG PHỤC QUA TÁC PHẨM MÂN HÀNH THI THOẠI TẬP

Lý Văn Phức (1785 - 1849) có tự là: Lân Chi, hiệu: Khắc Trai và Tô Xuyên, sinh tại phường Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, thành Hà Nội. Trong 12 năm (1830 - 1841), vâng mệnh vua, ông thực hiện 11 chuyến công du đến những miền đất, vùng biển xa xôi, từ đó nhiều tác phẩm văn chương ra đời. Năm Tân Mão 1831, Lý Văn Phức hộ tống người nước Thanh là Giám sinh Trần Khải cùng gia quyến gặp nạn gió bão dạt vào vùng biển Bình Định về nước trên con thuyền Thụy Long. Chuyến đi có đích đến là đất Mân (tỉnh Phúc Kiến), cũng chính là quê cha đất tổ của Lý Văn Phức. Từ chuyến đi này, tác phẩm Mân hành thi thoại tập ra đời với tập hợp 111 đơn vị thơ, văn bao gồm 94 sáng tác của Lý Văn Phức trong chuyến đi Mân thuộc các thể loại thơ, ký, phú, biện luận, thư từ, ghi chép... và 21 sáng tác xướng họa của giới quan chức triều nhà Thanh, các thành viên trong đoàn sứ bộ. Dựa trên cơ sở giải mã, phiên dịch văn bản tác phẩm với khảo sát những mô tả về trang phục của giới quan viên, giới bình dân Trung Hoa lúc bấy giờ, cũng như diện mạo y quan của chính phái đoàn sứ thần Việt Nam, chúng tôi mong muốn góp thêm mảng tư liệu minh chứng cho văn hóa trang phục đầu TK XIX của Việt Nam và Trung Hoa.

HỘI HỌA VÀ TẦNG LỚP TRÍ THỨC MỚI Ở VIỆT NAM

Nền hội họa hiện đại Việt Nam thực chất mới được khai mở từ khi người Pháp mở trường mỹ thuật năm 1925 tại Hà Nội. Trước đó, cũng đã có một số lối vẽ tay và hình thức hoạt động sáng tác tạo hình trong xã hội phong kiến nhưng chỉ lẻ tẻ, chưa phổ biến và chưa hình thành nên bất kỳ một trào lưu, xu hướng sáng tác nào. Do lịch sử hình thành một nền mỹ thuật nói chung còn rất non trẻ, chưa được 100 năm, chúng ta không thể đòi hỏi ở giới họa sĩ những thành quả lớn lao sánh với thế giới. Nhưng giới họa sĩ Việt Nam đã trở thành tầng lớp trí thức mới trong xã hội và có trọng trách của mình. Trong bài viết này, chúng tôi thử đi tìm căn cứ lịch sử mỹ thuật và lịch sử tầng lớp họa sĩ Việt Nam hiện đại với mong muốn có thể đóng góp một cách lý giải những điều cho là còn bất cập của hội họa Việt Nam hiện nay.

HỌA SĨ VÀ TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA DÒNG TRANH SƠN MÀI VIỆT NAM

Lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại đã tiếp thu nhiều tư tưởng nghệ thuật từ phương Tây, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn từ nền nghệ thuật hội họa Pháp. Tuy nhiên ngoài sự tiếp nhận, các họa sĩ Việt Nam còn sáng tạo ra một chất liệu hội họa mới cho nền nghệ thuật hội họa Việt Nam, đó là chất liệu sơn mài. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) một nghề thủ công truyền thống của người Việt, được nghệ sĩ tạo hình kết hợp thành chất liệu để làm ra tranh sơn mài. Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển của dòng tranh sơn mài, mỹ thuật Việt Nam có quyền tự hào về nghệ thuật sơn mài đã được nhiều nơi trên thế giới đón nhận. Một số tác phẩm đã trở thành bảo vật Quốc gia của Việt Nam.

HÌNH TƯỢNG CÁ TRONG TRANG TRÍ KIẾN TRÚC THỜI NGUYỄN

Trong hệ thống hoa văn trang trí của kiến trúc truyền thống Việt Nam, hình tượng con cá, cụ thể là cá chép, rất phổ biến. Cá thường gắn với biểu tượng của nguồn nước, luôn mang sự may mắn và báo hiệu điềm lành, sự trường thọ. Với mỹ thuật Huế nói riêng, hình tượng con cá trở thành đề tài nở rộ, phong phú, được trang trí trên nhiều vị trí kiến trúc cung đình với nhiều chất liệu và hình thức biểu đạt khác nhau. Hình tượng cá đã góp phần tạo hiệu quả thẩm mỹ trong tạo hình, phản ánh được ý nghĩa tâm linh để từ đó thống nhất trong tư tưởng chủ đề.