Tóm tắt: Chùa Bà Thiên Hậu - ngôi chùa cổ có niên đại lâu đời tại TP.HCM, được xây dựng từ TK XVIII. Ngôi chùa là đại diện tiêu biểu của kiến trúc chùa Hoa tại Nam Bộ, nổi bật với nghệ thuật trang trí giàu bản sắc. Hệ thống họa tiết và nghệ thuật bố cục truyền thống ở chùa thể hiện rõ quan niệm tín ngưỡng và mong ước của cộng đồng người Hoa về phúc lộc, thịnh vượng. Đồng thời, sự xuất hiện của các họa tiết cây trái, thiên nhiên vùng Nam Bộ cho thấy yếu tố giao thoa văn hóa đã góp phần khẳng định giá trị của ngôi chùa trong di sản nghệ thuật Việt Nam. Bài viết khẳng định một phong cách nghệ thuật trang trí chùa Bà Thiên Hậu rất riêng, ở đó không chỉ thể hiện những tác phẩm điêu khắc, hội họa đơn thuần mà là một quần thể nghệ thuật sống động, thể hiện sự giao thoa văn hóa, sự tỉ mỉ trong từng chi tiết có ý nghĩa sâu sắc trong tín ngưỡng văn hóa bản địa góp phần khẳng định giá trị bền vững của ngôi chùa trong lòng TP.HCM.
Từ khóa: mỹ thuật cổ, nghệ thuật trang trí chùa, chùa cổ TP.HCM, giao lưu tiếp biến văn hóa.
Abstract: Ba Thien Hau Pagoda - a long-standing ancient pagoda in Ho Chi Minh City, built in the 18th century. The pagoda is a typical representative of Hoa Pagoda architecture in the South, outstanding with its rich decorative art. The traditional system of motifs and layout art at the pagoda clearly demonstrates the Chinese community’s beliefs and wishes for happiness and prosperity. At the same time, the appearance of fruit and natural motifs from the Southern region shows that cultural interference factors have contributed to affirming the value of the pagoda in Vietnam’s artistic heritage. The research article confirms a very unique decorative art style of Ba Thien Hau Pagoda, which not only shows simple sculptures and paintings but is a lively art complex, demonstrating cultural interference, meticulousness in every detail with profound meaning in indigenous cultural beliefs, contributing to affirming the sustainable value of the pagoda in the heart of Ho Chi Minh City.
Keywords: ancient fine arts, pagoda decoration art, ancient pagodas in Ho Chi Minh City.
Trích đoạn chạm khắc gỗ họa tiết quả đào, trang trí nội thất chùa Bà Thiên Hậu - TK XVIII - Nguồn: Tác giả chụp lại
1. Khái quát về chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là Hội Quán Tuệ Thành (chữ Hán: 穗城會館) - xây dựng năm 1760, tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi, phường Chợ Lớn, TP.HCM là ngôi chùa cổ của người Hoa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 7-1-1993 (1).
Sự ra đời của ngôi chùa gắn với sự tích Bà Thiên Hậu. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì Thiên Hậu Thánh Mẫu có tên là Lâm Mặc Nương, người đảo Mi Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến). Bà sinh ngày 23-3 (Âm lịch) năm Giáp Thân (1044), đời Vua Tống Nhân Tông. Theo nhà nghiên cứu Phan An “Những người Trung Hoa từ miền Duyên Hải phía Nam Trung Hoa di cư đến miền Nam Việt Nam vào khoảng đầu TK XVII và kéo dài nhiều thế kỷ sau” (2). Trên bia trùng tu tại chùa Bà Thiên Hậu còn ghi lại: “Kiều dân ta cứ một chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng xuống miền Nam kiếm sống, nhưng sóng gió ở biển Nam Hải rất nguy hiểm, thuyền buôn khổ sở. Mỗi lần dong buồm đi về đều khẩn cầu Thiên Hậu phù hộ là được gió lặng sóng yên, biển không nổi sóng, hóa hiểm thành yên, lên bờ trọn vẹn. Mấy trăm năm nay, kiều dân ta cảm đức lớn Thiên Hậu nên lập miếu thờ cúng” (3). Vì vậy, “Năm Canh Dần (1110) niên hiệu Đại Quang, nhà Tống sắc phong Bà: Thiên Hậu Thánh Mẫu” (4). Chùa Bà Thiên Hậu đến nay đã được trùng tu qua nhiều lần. “Năm 1800 là năm tiến hành trùng tu lớn lần thứ nhất, các lần trùng tu sau vào các năm 1842, 1880, 1916” (5).
Về kết cấu kiến trúc, chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc tứ hợp viện. Bên trong, ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung (gian thờ chính) và có chỗ thoát khói hương.
Về nghệ thuật trang trí, chùa có các bao lam chạm trổ tinh xảo, thể hiện sự giao thoa tín ngưỡng và nghệ thuật của một cộng đồng di dân đã gắn bó với mảnh đất Sài Gòn suốt hơn 300 năm qua.
Về điêu khắc, chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa, nhiều hiện vật với những nét chạm trổ điêu khắc tinh tế, tỉ mỉ có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao. Theo thống kê, chùa còn khoảng 400 hiện vật cổ. Trong đó có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 4 lư hương đồng, 1 lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 phù điêu chạm khắc nổi... (6).
Nghiên cứu lựa chọn phân tích một số phù điêu, họa tiết tiêu biểu trang trí trên bao lam, cột, bàn thờ dưới góc nhìn mỹ thuật để làm rõ quan điểm: nghệ thuật điêu khắc, trang trí tại chùa Bà Thiên Hậu vừa thể hiện tinh thần văn hóa nguyên khởi của người Hoa, vừa là sự dung hợp một cách linh hoạt với điều kiện văn hóa, xã hội của địa phương trong sự chọn lọc và sáng tạo. Ngoài ra, có một số hình tượng cây trái Nam Bộ đã được thêm vào hệ thống trang trí. Theo nhà nghiên cứu Trần Hồng Liên “Hơn 300 năm định cư ở Việt Nam, chùa miếu của người Hoa đã thể hiện sự kế thừa truyền thống kiến trúc đã có từ quê hương gốc, đồng thời cũng nhuốm màu sắc của vùng đất Nam Bộ Việt Nam. Sự phong phú trong giao lưu văn hóa về mặt kiến trúc, cũng như nét riêng biệt trong từng cộng đồng ngôn ngữ khác nhau” (7).
2. Nghệ thuật trang trí
Trong nghệ thuật trang trí chùa Bà Thiên Hậu, các nghệ nhân sử dụng phổ biến những đề tài truyền thống mang tính biểu tượng cao như tứ linh hay tứ quý. Bên cạnh đó, còn có các đề tài động vật và thực vật được chọn lọc từ đời sống tự nhiên và văn hóa bản địa như chim, dơi, mãng cầu, đào, lựu, quả giác… phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên Nam Bộ, Việt Nam. Ngoài ra, còn có các đề tài động vật và thực vật hàm chứa những quan niệm mỹ học và tín ngưỡng đặc trưng bản địa tại TP.HCM. Những hình tượng này không chỉ đơn thuần mang chức năng trang trí mà còn chứa đựng những thông điệp sâu sắc về mặt triết lý nhân sinh, tôn giáo, đạo đức và những mong cầu trong cuộc sống.
Các yếu tố nêu trên đã góp phần tạo nên bản sắc riêng của nghệ thuật trang trí tại chùa Bà Thiên Hậu, cho thấy nghệ thuật trang trí chùa Hoa không chỉ đơn thuần là làm đẹp mà là hình thức thể hiện ý thức xã hội. Đồng thời, thông qua các họa tiết, biểu tượng, nghệ thuật trang trí phản ánh niềm tin, tư tưởng và khát vọng của người Hoa trong quá trình định cư tại Nam Bộ. Nếu nói “Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội, bày tỏ thái độ của con người trước đời sống hiện thực” (8) thì nghệ thuật trang trí tại chùa Bà Thiên Hậu đã phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống Trung Hoa và tính bản địa Việt Nam, bày tỏ nhân sinh quan của người Hoa trên đất Việt bởi các đề tài truyền thống, như tứ linh, tứ quý, rồng…
3. Về đặc điểm tạo hình các hình tượng trang trí trên kiến trúc
Hình tượng rồng
Thân hình rồng uốn lượn, gần về đuôi thì cuộn tròn lại, biểu thị sự linh hoạt, mạnh mẽ. Đầu rồng nhìn có vẻ dữ tợn, mắt lồi ra, râu dài, sừng nhọn, miệng há to như đang gầm rú, thể hiện sức mạnh. Hình tượng rồng tại chùa Bà Thiên Hậu được vận dụng theo khuôn mẫu, quy ước, là yếu tố trang trí phụ trợ, tăng thêm vẻ trang nghiêm cho tượng thờ chính là Bà Thiên Hậu. Các họa tiết rồng thường gắn chặt vào hệ kết cấu trang trí mái, cột, bao lam và được sử dụng theo thể thức họa tiết lặp lại, nhấn vào sự cân xứng và ổn định. Điều này khác với rồng trang trí trên bao lam Cửu Long tại chính điện chùa Giác Lâm, rồng xuất hiện với tư cách chủ thể trang trí, là nhân vật chính trong bao lam và có nhiều tư thế động tác khác nhau.
Hình tượng kỳ lân
Kỳ lân trong chùa Bà Thiên Hậu xuất hiện nhiều dưới dạng tượng đá, phù điêu gốm sứ. Đặc biệt, cặp lân lớn trước cổng chùa có thân hình thon dài, mang vẻ thanh thoát, khác với dáng vẻ uy mãnh thường thấy, nhằm tạo sự hài hòa với không gian thờ Bà, vị nữ thần bảo hộ trên biển. Dù mang phong cách mềm mại, lân vẫn giữ nét uy nghi qua đầu sư tử trừng mắt và các họa tiết chạm khắc tinh xảo phủ khắp thân, thể hiện sự kết hợp giữa sức mạnh và vẻ trang nhã trong nghệ thuật tạo hình. Trong đó, cặp kỳ lân tại chùa Bà Thiên Hậu không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ và cát tường mà còn phân biệt rõ giới tính: kỳ (đực) đặt chân lên cầu tượng trưng quyền lực, lân (cái) ôm lân con biểu trưng cho sinh sôi. Khác với chùa Việt, nơi cặp lân hiếm khi phân biệt giới tính mà chủ yếu nhấn mạnh vai trò linh vật canh cửa, hộ pháp hoặc thú cưỡi của La Hán.
Hình tượng chim phượng
Tín ngưỡng của người Hoa cho rằng, chim phượng sau khi chết lại tái sinh từ tro tàn, thể hiện sự luân hồi, bất diệt. Tại chùa Bà Thiên Hậu, họa tiết chim phượng xuất hiện phổ biến ở dạng phù điêu chạm lộng, trong hầu hết các khám thờ các vị thần linh trên mái chùa (dạng gốm sứ), hoành phi tên chùa, một số đồ thờ cúng... Họa tiết phượng thường kết hợp với rồng tạo thành cặp họa tiết trang trí rồng phượng. Hình tượng chim phượng hoàng trong chùa Hoa có dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển với bộ lông đuôi dài với tỷ lệ gấp năm lần độ dài thân chim, mỏ chim nhỏ, nhọn, hơi cong xuống, cánh chim có hai kiểu, khi xếp lại, khi xòe ra với nhiều lớp lông vũ mềm mại, phần mào trên đầu thường cong. Tạo hình cặp chim phượng gần như giống nhau, nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy con bên trái có thân mình hơi ngắn hơn một tí, lông vùng cổ hơi to hơn so với con bên bên phải. Sự khác biệt này nhiều khả năng là để phân biệt phượng là con đực, hoàng là con cái.
Hình tượng hoa mai
Hoa mai là một trong tứ quý thường thấy trong nghệ thuật trang trí chùa. Quan niệm về tứ quý trong văn hóa phương Đông có sự khác biệt giữa các quốc gia. Tại Việt Nam, tứ quý gồm Mai - Trúc - Cúc - Tùng, mỗi loại tượng trưng cho một mùa theo thứ tự Xuân, Hạ, Thu, Đông và mang ý nghĩa nhân sinh. Ở Trung Quốc, quan niệm về Tứ quý có đôi chút khác biệt: Lan, Sen, Cúc, Mai - một loại hoa mai trắng, kiên cường nở trong giá rét, thể hiện tinh thần bền bỉ. Trong nghệ thuật trang trí chùa Bà Thiên Hậu, họa tiết hoa mai thường được dùng trang trí trên bàn thờ, họa tiết hoa mai không đứng riêng lẻ, thường phối hợp với họa tiết khác như mai - mẫu đơn, mai - họa tiết đồng xu, mai - phượng, cùng mang ý nghĩa cát tường.
Hình tượng cây trúc
Trúc là loại cây thuộc họ tre, có thân và lá nhỏ hơn tre, mọc nhiều tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam. Cây trúc là một biểu tượng quan trọng trong nghệ thuật trang trí truyền thống phương Đông. Trong nghệ thuật trang trí chùa Bà Thiên Hậu, hình tượng trúc chứa đựng nhiều ý nghĩa nên được cả hai tộc người sử dụng phổ biến. Họa tiết cây trúc, thuộc nhóm đề tài tứ quý, tượng trưng cho khoảng thời gian mùa hạ. Về tính chất cấu tạo, trúc là loại cây có thân thẳng; rỗng ruột nên dẻo dai, chịu đựng gió bão mà không gãy, dựa trên tính chất vật lý của loại cây này nên dân gian xưa ví von trúc với nhân cách của người quân tử, thanh cao, kiên trung, ngay thẳng. Trúc trong trang trí chùa Bà Thiên Hậu dạng phù điêu gỗ trên bàn thờ, trên các bộ lư, làm nền, phối hợp với các loại hoa lá, động vật khác.
Hình tượng hoa cúc
Trong hệ thống biểu tượng truyền thống của văn hóa Trung Hoa, hoa cúc là một hình tượng mang ý nghĩa phong phú, vừa phản ánh mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, vừa thể hiện các giá trị đạo đức, triết lý sống, cũng như những khát vọng nhân sinh của cộng đồng người Hoa. Với đặc điểm sinh học nở vào giai đoạn cuối thu, khi hầu hết các loài hoa khác đã tàn, vì thế hoa cúc được xem như một biểu tượng đặc trưng của mùa thu, gắn liền với tinh thần kiên cường, thanh cao và phẩm chất bất khuất trước nghịch cảnh. Ngoài ra, hoa cúc còn tượng trưng cho phẩm hạnh thanh cao của người quân tử. Điều này bắt nguồn từ tư tưởng Nho giáo nơi lý tưởng quân tử luôn gắn liền với các hình tượng thiên nhiên mang tính ẩn dụ đạo đức. Hoa cúc, với khả năng sinh trưởng và nở hoa trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt cuối thu, biểu hiện tinh thần ẩn dật, khiêm nhường và kiên định. Trong nghệ thuật trang trí chùa Bà Thiên Hậu, họa tiết hoa cúc được dùng trang trí trên khám thờ, cột.
Hình tượng cây tùng
Cây tùng là một trong những hình tượng phổ biến trong nghệ thuật trang trí truyền thống người Hoa. Theo quan niệm Trung Hoa, tùng là một trong tứ quý, tượng trưng cho mùa đông. Do đặc tính vật lý của cây tùng, thân cây to khỏe, cứng cáp, bền vững, chịu đựng khắc nghiệt, mọc nơi vách núi cheo leo nên cây tùng thường được gắn liền với hình ảnh người quân tử, sự kiên trung, bất khuất. Trong nghệ thuật trang trí chùa Bà Thiên Hậu, họa tiết trúc dùng trang trí trên khám thờ, bao lam.
Hình tượng dơi
Con dơi trong nghệ thuật trang trí chùa Hoa là một trong những biểu tượng quen thuộc, mang ý nghĩa cát tường, phúc lành. Trong văn hóa Trung Hoa, con dơi có mối liên hệ chặt chẽ với khái niệm “phúc”, vì cách phát âm từ “con dơi” trong tiếng Hoa (蝙蝠 /pinyin: biānfú/) gần giống với từ phúc (蝠 /fú/), tạo nên sự kết nối mang tính tượng trưng giữa loài vật này và sự may mắn, thịnh vượng. Hình tượng dơi xuất hiện nhiều trong trang trí tại chùa Bà Thiên Hậu trên phù điêu bao lam, bàn thờ, mái chùa, một số đồ thờ tự… thường đi cùng với hình tượng đồng tiền, chữ phúc, các loài vật linh, các đồ án hoa văn khác liên quan đến trường thọ, chúc phúc, mong ước tài lộc.
Về tạo hình, hình ảnh dơi chùa Hoa trên phù điêu trang trí tại cột trước gian thờ chính chùa Bà Thiên Hậu được thể hiện theo lối trang trí ước lệ, hai cánh xòe rộng trong tư thế đang bay, biểu trưng cho sự lan tỏa của phúc lành. Các nghệ nhân vận dụng kỹ thuật chạm nổi, nhấn mạnh vào phần đầu với hình khối tròn, đôi mắt lồi, mang lại cảm giác vừa uy nghi, vừa mạnh mẽ. Phần cánh dơi được biến tấu thành dạng hình tượng lá, khéo léo hòa nhập vào hệ thống hoa văn xung quanh.
Hình tượng bướm
Hình tượng này được sử dụng phổ biến, xuất hiện với tần suất nhiều trên các vị trí như cột, bao lam, bàn thờ. Hình tượng bướm trong chùa Hoa thường được thể hiện với kích thước lớn. Phong cách thể hiện mang tính cách điệu cao, được chạm khắc nổi khối mạnh mẽ, tạo độ dày và chiều sâu. Các họa tiết trang trí trên cánh bướm thường được kết hợp với các họa tiết như vân mây, lửa, đồng xu. Sự phối hợp này không đơn thuần mang tính mỹ thuật trang trí, mà còn thể hiện quan niệm mỹ học, phong thủy và tín ngưỡng của người Hoa. Ngoài ra, họa tiết bướm trang trí trên cột, chùa Bà Thiên Hậu được chạm nổi trong tư thế đang bay, đầu hướng xuống dưới, cánh xòe rộng hai bên. Tư thế này không chỉ tạo sự chuyển động linh hoạt cho hình tượng, mà còn dẫn mắt người xem từ trên xuống nhóm hình tượng bên dưới.
Hình tượng quả giác
Quả giác là một loại quả dại, phổ biến ở Nam Bộ, thường mọc hoang ở ven rừng, bờ sông, dạng dây leo bám trên các thân cây đại thụ. Quả giác có dạng hình tròn nhỏ, kết với nhau thành từng chùm. Quả khi chín có màu tím hoặc đen thẫm tựa như trái nho nên dân gian thường gọi quả giác là trái nho rừng.
Trong nghệ thuật trang trí tại chùa Bà Thiên Hậu, hình ảnh quả giác được sử dụng khá phổ biến trên các bao lam, khám thờ. Sự xuất hiện của loại quả dân dã là minh chứng về việc vận dụng linh hoạt những cây trái thiên nhiên bản địa phương Nam vào nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Hoa di dân. Việc đưa quả giác vào trang trí trong không gian chùa Hoa thể hiện tinh thần tiếp biến, dung hợp và bản địa hóa sâu sắc, phản ánh sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa trong đời sống tín ngưỡng và thẩm mỹ. Đây cũng chính là yếu tố góp phần tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho nghệ thuật trang trí chùa Hoa tại TP.HCM.
Hình tượng dây bầu
Trong chùa Hoa, hình tượng dây bầu thường xuất hiện dưới dạng quả bầu hồ lô; bên cạnh vai trò họa tiết trang trí, bầu hồ lô còn là một biểu tượng trong tín ngưỡng và mỹ thuật truyền thống. Hồ lô thuộc họ nhà bầu, có tạo hình tròn trịa, với hai phần trên dưới phình ra, ở giữa thắt lại. Vỏ ngoài của hồ lô có màu xanh lục, khi già hóa gỗ, trở nên cứng và chuyển màu vàng nâu, thường được sử dụng làm bình đựng nước, rượu, linh dược. Theo tín ngưỡng Đạo giáo của Trung Hoa, hồ lô được xem như bảo bối chứa tiên đan, là pháp bảo thường mang theo bên mình của các đạo sĩ, tiên nhân nổi tiếng trong tín ngưỡng Đạo giáo Trung Hoa như Chung Quỳ, Lữ Đồng Tân… Họa tiết hồ lô được các nghệ nhân sử dụng trang trí trên bao lam, bàn thờ tại chùa Bà Thiên Hậu.
Hình tượng quả lựu
Người Hoa luôn coi trọng gia tộc, con cháu, truyền thống thờ cúng tổ tiên. Quả lựu có nhiều hạt tượng trưng cho đa tử đa phúc, hàm ý nhiều con thì nhiều phúc. Hình tượng quả lựu được chạm khắc trên hương án, bàn thờ mang ý nghĩa lời chúc phúc cho dòng tộc phát triển và hưng thịnh. Tại chùa Bà Thiên Hậu, họa tiết lựu thường kết hợp với các hình tượng hoa lá tạo thành thể thức trang trí đường diềm khung cho các phù điêu trang trí khác.
Về tạo hình, hình tượng quả lựu hiện diện trên phù điêu trang trí khám thờ tại chùa Bà Thiên Hậu có dạng khối tròn, hơi bè, tạo cảm giác quả lựu chín mọng, trĩu nặng trên cành. Lá lựu được chạm nổi từng nhóm, đan xen, che phủ một phần thân quả, góp phần tạo nên bố cục tự nhiên và sống động. Quả lựu nằm riêng ở phù điêu bên dưới được các nghệ nhân chạm khắc thêm các hạt lựu lộ ra ngoài, biểu tượng cho sự đông con, nhiều cháu trong quan niệm văn hóa Á Đông. Phần nền của phù điêu được trang trí bằng hình tượng đồng xu tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc.
Hình tượng quả mãng cầu
Mãng cầu là loại quả đặc trưng Nam Bộ, thường xuất hiện trong mâm ngũ quả ngày Tết với mong ước “cầu vừa đủ xài sung”. Tại chùa Bà Thiên Hậu, họa tiết mãng cầu được chạm nổi trên bao lam, bàn thờ, chân cột, mang ý nghĩa vừa thẩm mỹ vừa biểu tượng. Hình dáng quả được thể hiện theo hai kiểu: tròn đều và bầu dục (mãng cầu xiêm), với bề mặt vảy tròn hoặc chấm gai, phối hợp hài hòa cùng lá, hoa, chim muông trong bố cục trang trí.
Đặc biệt, mãng cầu được khắc nổi trên nền đồng xu, biểu tượng tài lộc và kết hợp với các hình tượng như đào (trường thọ), mai (phúc lành), sơn ca (vui tươi)... tạo nên các đồ án trang trí mang thông điệp an khang, sung túc. Họa tiết mãng cầu còn được kết hợp với hoa mẫu đơn, bướm, trang trí trên chân cột tại chùa Bà Thiên Hậu. Việc bố trí các họa tiết cát tường tại chân cột, phần gốc rễ của kiến trúc, cho thấy tư duy biểu tượng sâu sắc trong văn hóa người Hoa: hạnh phúc và thịnh vượng bắt nguồn từ nền tảng vững chắc, cả trong kiến trúc lẫn đời sống tinh thần. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật trang trí chùa Hoa. Chi tiết này tạo nên sự khác biệt so với chùa Việt, nơi phần chân cột thường được để trơn, không sử dụng họa tiết trang trí.
Hình tượng quả đào
Quả đào là họa tiết quen thuộc trong trang trí người Việt, người Hoa, biểu trưng cho trường thọ, phúc, lộc. Theo truyền thuyết Trung Hoa, đào tiên ở vườn Bàn Đào của Tây Vương Mẫu giúp con người bất tử. Trong chùa Hoa, quả đào được kết hợp với hình tượng các vị tiên, hoa, quả, chim muông… tạo nên biểu tượng phúc, lộc, thọ.
Trích đoạn quả đào trên phù điêu chùa Bà Thiên Hậu được tạo hình tròn đầy phía trên, thu nhỏ và nhọn dần phía dưới. Rãnh khắc trên thân tuy nhỏ nhưng rõ nét, giúp nhận diện dễ dàng. Họa tiết không cầu kỳ, tập trung vào khối hình lớn, bố cục uốn lượn theo đường diềm, xen kẽ hoa, lá, quả, gợi vòng đời sinh trưởng. Kỹ thuật chạm nổi nhẹ làm nổi bật quả đào trong tổng thể hài hòa, thể hiện sự tinh tế trong tạo hình và xử lý chất liệu.
Qua việc phân tích một số yếu tố trang trí tiêu biểu, bài viết làm rõ giá trị nổi bật của nghệ thuật trang trí chùa Bà Thiên Hậu là phản ánh quan niệm tín ngưỡng, mong ước của cộng đồng người Hoa về sự thịnh vượng, may mắn, phát tài, đông con nhiều cháu. Đồng thời, sự kết hợp các yếu tố thiên nhiên, cây trái Nam Bộ còn cho thấy sự giao thoa văn hóa góp phần khẳng định giá trị nghệ thuật và vị thế của chùa trong di sản văn hóa Việt Nam.
_________________
1, 2, 5. Phan An, Người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM, 2005, tr.7, 8, 8.
3, 6. Li Tana, Nguyễn Cẩm Thúy, Bia chữ Hán trong Hội quán người Hoa tại TP.HCM, Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM, 1999, tr.301.
4. Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb Tổng Hợp, TP.HCM, 1991, tr.186.
7. Trần Hồng Liên, Văn hóa người Hoa ở Nam bộ, Tín ngưỡng - Tôn giáo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu dân tộc học và tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM, 2015, tr.43.
8. Nguyễn Văn Minh, Giáo trình Phương pháp luận sáng tác nghệ thuật, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.32.
Ngày Tòa soạn nhận bài:25-5 -2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa:15-6 -2025; Ngày duyệt bài:2-7-2025.
HOÀNG THỊ DIỆU LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 611, tháng 7-2025