Thủ pháp nghệ thuật trong trang trí pháp lam Huế thế kỷ XIX

Các tác phẩm trang trí bằng pháp lam thời Nguyễn ở Huế TK XIX cho chúng ta thấy những sự va đập về chất, về tính biểu hiện song không làm mất đi biểu cảm nghệ thuật của tác phẩm mà ngược lại, chúng tôn vinh lẫn nhau, đối lập trong một khả năng biểu hiện cái đẹp chung của nghệ thuật. Điều đó đã tạo nên một vẻ đẹp, một thủ pháp nghệ thuật độc đáo, nâng tầm giá trị về mặt thẩm mỹ cho các tác phẩm pháp lam, góp phần tích cực cho sức sáng tạo và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đầu TK XIX, triều Nguyễn định đô ở Huế và khởi công xây dựng kinh thành. Theo thời gian, cùng tham gia vào công cuộc xây dựng kinh đô Huế, ngoài các vật liệu truyền thống, như: gỗ lim, gỗ kiền, ngói liệt, gạch Bát Tràng, được huy động từ nhiều miền đất nước, các vật liệu xây dựng, trang trí mới, trong đó có pháp lam, bắt đầu xuất hiện. Buổi đầu, việc sử dụng các sản phẩm pháp lam ở Huế còn rất hạn chế, bởi nó được xem như quà tặng trong lễ bang giao, hoặc quà dâng của các đoàn sứ giả. Về sau, nhận thấy ưu thế đẹp, bền của loại sản phẩm này, vua quan nhà Nguyễn bắt đầu lưu ý và ưa chuộng. Pháp lam Huế, được làm ra từ những vật liệu quý hiếm với quy trình chế tác cầu kỳ, phức tạp, đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề sắc sảo, không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn là loại cổ vật có ý nghĩa về mặt lịch sử.

Đặc trưng của pháp lam Huế

Về đường nét và bố cục

Điểm dễ nhận thấy của đường nét trong pháp lam Huế, dù được thể hiện bằng nhiều thủ pháp, phong cách lẫn kỹ thuật, chất liệu, song vẫn giữ được tính truyền thống của tranh (dân gian) và gốm Việt Nam. Những nét vẽ khỏe, thanh thoát, kết hợp hoa văn và họa tiết xen kẽ nhau, cùng màu sắc, tạo thành một thể bố cục cân xứng, hài hòa. Đường nét trang trí linh hoạt, khúc chiết nhờ hai dạng bút pháp là công bút hoặc y bút một cách tài tình của người thợ pháp lam. Bên cạnh đó, nhiều kiểu dáng độc đáo với những khối hình đẹp, cân đối, nhịp điệu đường lượn của khối có tính toán và cân nhắc đầy sáng tạo.

Trong một tác phẩm, những nét hình tròn, cong hoặc uốn lượn chiếm ưu thế. Đường nét khỏe khoắn và phóng khoáng tạo hình dáng những con rồng ở bức lưỡng long tranh châu, rồng trên bờ mái diềm... được các nghệ nhân chọn lọc một cách tinh vi. Sự mềm mại, uyển chuyển cho từng mảng tổ hợp trang trí không bị chi phối bởi yếu tố không gian; bố cục đường nét diễn tả kết hợp với màu sắc rất tài tình. Những hình tượng bát bửu như quả bầu, cái sanh tiền, đàn tỳ bà, cây khánh ngọc, ống tiêu, cuốn thư, giỏ tên, bình rượu, cây như ý, những dải nơ uyển chuyển, mềm mại, thướt tha, đôi khi kết hợp đường cong với đường kỷ hà gãy góc hoặc chữ nho… tạo nhịp điệu của bố cục, xuất phát từ điểm chính và dần lan tỏa ra, tiếp cận với các đường biên của ô hộc trang trí. Những họa tiết được cách điệu cao trong những chiếc hồ lô, bình rượu, hoa lá viền có đường nét xoắn ốc sắc sảo hay những búp sen được tạo khối bằng những nét cong, dù ở hình thức nào, tính chất cách điệu về các đề tài cũng mang phẩm chất trí tuệ, một nhận thức sâu sắc về chính nội dung của chủ đề, sự hiểu biết thấu đáo về ý nghĩa, cách thức của hình tượng, từ đó mới thể hiện được những bản chất các sự vật, đặc trưng nhất về loại hình pháp lam Huế.

Pháp lam Huế có bố cục toàn diện, mang tính hệ thống, gồm các mảng có tác động lẫn nhau, trong đó có điểm trọng tâm. Các nghệ nhân sắp xếp, bố cục một cách thông minh và chuẩn mực trong những khối hình nhất định, thông qua sự phối hợp giữa không gian và họa tiết, đường viền sự vật và đường viền khuôn khổ. Mảng phụ thường đặt xung quanh mảng chính, màu tương phản hoặc tương đồng với nền để làm giá trị biểu cảm cũng như nội dung của mảng chính. Những đặc thù và tính chất độc đáo của trang trí pháp lam Huế làm tăng giá trị thẩm mỹ của một loại hình chất liệu trang trí quý hiếm, trang nhã, trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Phong cách chia ô hộc gần như thuần hóa và đặc trưng, tuy nhiên không phải chiếm lĩnh hết toàn bộ bố cục. Trong các ô hộc trang trí còn có những bức tranh mang tính chất tả thực song rất có hồn, bố cục tự do, khoáng đạt và hình ít cách điệu hơn, như tác phẩm Cặp sanh và hoa - pháp lam trên cổ diềm điện Thái Hòa. Mặt bên của các bờ mái, bờ dải ở điện Thái Hòa được trang trí khá cao để lồng vào những ô hộc hình vuông, chữ nhật đan xen nhau, trong cùng dải trang trí, các ô hộc được sắp đặt đối xứng về cả kích thước, màu sắc lẫn nội dung đề tài, phối hợp, gợi tả, đem lại những cảm xúc lạ. “Điện Thái Hòa… bởi thế bờ nóc chính điện cao hơn nhưng ngắn hơn bờ nóc tiền điện và được chia thành 13 ô trang trí pháp lam, gồm 6 ô chữ và 7 ô tranh. Dải cổ diềm sau cũng được chia thành 25 ô, gồm 23 ô pháp lam và 2 ô đắp ghép nổi bằng vôi vữa và mảnh sứ. Hai dải cổ diềm trước và sau được nối với hai dải đai ở hai đầu hồi, cũng trang trí bằng các ô pháp lam xen kẽ các ô ghép mảnh sành sứ” (1).

Đặc điểm tiêu biểu trong trang trí pháp lam Huế thể hiện ở xu hướng gọn trong khối mảng để dễ lắp ghép, hàn gắn, xinh xắn trong tạo hình thẩm mỹ, không đòi hỏi những kiểu thức cầu kỳ với những chi tiết rườm rà, phức tạp trong những mảng trang trí ở các phương môn hay cổ diềm vốn rất dài và lớn. Bố cục, họa tiết ở những cung điện lớn mang vẻ tôn nghiêm với những đề tài tứ linh, chữ thọ, nhất thi nhất họa, có tính ước lệ và cách điệu cao. Nói về điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cảnh từng mô tả: “Phần cổ diềm… trong các ô dài thể hiện bằng men màu pháp lam các cành hoa nhiều nhành, nhiều màu tươi bao quanh các đồ quý như nậm rượu, khánh thiêng do mây hóa, đồng tiền kép, đỉnh chậu hoa ống bút… và các hình pháp lam có cao, có thấp, lớn, nhỏ, nông, sâu xen nhau, nhất là ở tòa trong… đã góp phần làm cho bộ mái bớt nặng nề, tạo được một nhịp điệu vui, đẹp” (2).

Thực tế cho thấy, toàn bộ các bức trang trí pháp lam là một sự cân đối, hài hòa và hợp lý của bố cục, đường nét, mảng và của tất cả các yếu tố ngôn ngữ tạo hình. Hiển Lâm Các là công trình đẹp và độc đáo của khu vực Hoàng thành. Ba công trình Hiển Lâm Các, Thế Miếu và Cửu Đỉnh có sự liên kết chặt chẽ về mặt kiến trúc cũng như về công dụng, chức năng. Chính sự phối hợp với bố cục xung quanh cùng cảnh quan khiến cho giá trị của Hiển Lâm Các rất quan trọng. Chính giữa bờ nóc Hiển Lâm Các cũng có một hồ lô và cụm mây ngũ sắc giống với Thế Miếu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông diễn giải: “…là một cụm mây ngũ sắc cuồn cuộn đỡ một bầu thái cực, tựa như một trái bầu eo bằng pháp lam như hòa vào nền trời xanh bao la. Có điều gì đó như là mối liên hệ giữa con người với trời đất, như cầu mưa thuận gió hòa ban phước lộc cho cả thế gian” (3).

Bố cục pháp lam mang tính cổ điển, có hệ thống trên những nguyên tắc tạo sự thăng bằng giữa các mảng khối, hình thể và màu sắc có phân chia chính - phụ, trọng tâm. Việc thể hiện đa dạng, chi tiết từng cụm rồng mây, từng dải ô hộc ở bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm trên các cung điện, nhờ có sự cộng hưởng của nhiều tông màu, lại luôn thay đổi, xen kẽ đề tài nên không gây sự nhàm chán, mà thể hiện sự vui mắt, hài hòa cùng cảnh quan thiên nhiên luôn lung linh dưới ánh nắng mặt trời.

Về màu sắc

Nói đến nghệ thuật pháp lam Huế, chúng ta không thể không nhắc đến màu sắc tươi sáng, rực rỡ của những mảng pháp lam nổi bật trên các phông màu xám cố hữu của các kiến trúc cổ kính, rêu phong.

Màu sắc dùng trong pháp lam rất phong phú và đa dạng, hội đủ tất cả các loại màu từ đơn sắc đến hòa sắc, và có sự phân biệt trong cách sử dụng màu sắc giữa các nhóm pháp lam trong loại hình này. Đối với các món đồ tế tự, các màu đỏ, vàng chanh, trắng, xanh đậm thường được sử dụng. Nhóm đồ gia dụng thường được phủ các màu lam, hồng tía, xanh lục, nâu nhạt... “Pháp lam đời Minh Mạng và Tự Đức thường dùng gam màu chủ đạo là gam màu lạnh như xanh, lục, tím, chàm… đối chọi với các màu dùng thể hiện các hoa văn là gam màu nóng như vàng, đỏ, hồng… làm nổi bật các hoa văn trang trí. Ngược lại, pháp lam đời Thiệu trị thường dùng các gam màu nóng, các chi tiết trang trí thường dùng gam màu lạnh, là những sắc màu tương phản” (4).

Các sản phẩm pháp lam dễ gây ấn tượng thị giác mạnh bởi những mảng màu nền. Màu ngọc bích, vàng cam, vàng chanh, hoặc trắng, xanh tím là những màu chính, thường được đặt ở vị trí trọng tâm, nhằm tạo sự chú ý của thị giác, ví dụ: xanh ngọc bích kết hợp họa tiết vàng, cây như ý vàng trên nền tím, chiếc quạt vàng trên nền xanh ngọc, mảng trắng ngà hình cây đàn trên nền vàng cam. Đỉnh lư có màu tím điểm xanh lục trên nền vàng ở bờ mái điện Thái Hòa. Trên cơi trầu hoa quả, đồ uống trà, chén, đĩa…mảng chính nổi bật trên nền xanh lục điểm cùng mảng phụ là nhành hoa lá. Trên bầu hồ lô, mảng hoa lá nổi bật với màu vàng. Trên các đĩa, mảng lớn màu vàng ở giữa bốn mảng phụ ở quanh bốn bên trên nền xanh. Theo tâm lý học, màu xanh làm ta liên tưởng đến sự yên tĩnh, sự thỏa mãn, thư giãn, nhất là gần gũi với thiên nhiên; màu xanh da trời gợi liên tưởng đến sắc đẹp phái nữ, thể hiện qua các đặc tính đầy diễn cảm của nó.

Sự hài hòa cùng các công trình kiến trúc

Mỗi thời kỳ, pháp lam lại có một dáng vẻ khác nhau. Ngoài trang trí ở nội thất, pháp lam còn xuất hiện ở các công trình ngoại thất. Trong buổi đầu, như ở lăng Minh Mạng, pháp lam đã được đưa lên đỉnh Minh Lâu, và trên cổ diềm nơi điện thờ, phương môn điện Thái Hòa. Các đồ án pháp lam được liên kết với nhau bằng khung sắt hay sợi dây đồng, tạo thành những đồ án trang trí theo chủ đề nhất định. Mỗi hình vẽ luôn phản ánh chân thực về đề tài cũng như cách xử lý màu sắc. Có nhà nghiên cứu cho rằng, “rõ ràng ở buổi đầu đó, những hiện vật này được làm rất kỹ, các màu sắc rất tươi, không nhòe, không phai, ít xâm lấn chỗ của nhau. Người ta không cần cẩn chỉ đồng mà các đường ranh giới của men rất rõ ràng. Hiện vật pháp lam Huế đứng trong nắng mưa mà lúc nào cũng như mới” (5). Điều đó đã khiến các công trình kiến trúc vốn uy nghiêm, trầm mặc thêm phần tươi sáng, lộng lẫy và độc đáo hơn các loại hình chất liệu khác trong cung đình Huế.

Ở Ngọ Môn, chính giữa bờ nóc tòa lầu giữa là bình hồ lô bằng pháp lam có sắc vàng rực rỡ; dải bờ nóc ngay bên dưới được trang trí các ô thơ và các vật quý trong bát bửu, hoặc hoa lá biểu trưng tứ quý, tứ thời, theo kiểu nhất thi nhất họa. Các ô hộc khác thuộc bờ nóc, bờ quyết và các đầu hồi của mái lầu còn được trang trí nhiều hình ảnh rồng, giao, dơi ngậm kim tiền, hoa lá, càng làm cho phần mái công trình có vẻ nhẹ nhàng và duyên dáng. “…Giữa bờ nóc và trên cổng nghi môn ở các đầu cầu còn có mặt trời hoặc bình thắt cổ bồng và những đám mây bằng pháp lam rực rỡ nhiều màu… tạo nên sự phong phú về màu sắc” (6).

Trải qua hàng trăm năm, những sản phẩm pháp lam vẫn giữ được nguyên sắc trong trẻo, bóng bẩy, đặc biệt khi ánh mặt trời chiếu sáng. Thời gian không thể làm hủy hoại cường độ màu sắc của chất liệu quý hiếm này. Một trong số những công trình còn nguyên vẹn không những về kiến trúc mà còn giữ được một số sản phẩm pháp lam là điện Thái Hòa. Điện Thái Hòa uy nghi, tráng lệ, chuyên chở trọn vẹn chủ đề tư tưởng của kiến trúc kinh đô Huế và chế độ quân chủ nhà Nguyễn. Phía trên bờ nóc của điện Thái Hòa gồm có 108 ô hộc pháp lam ngũ sắc đề thơ chữ Hán xen kẽ các trang trí chim muông, hoa lá, bát bửu. Trên cổ diềm mái điện, trong các ô dài, có những cành hoa nhiều nhành, nhiều màu tươi bao quanh các đồ quý như nậm rượu, khánh thiêng do mây hóa, đồng tiền kép, chậu hoa ống bút… Tất cả đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc, nổi bật giữa khoảng không gian bao la rộng lớn.

Trong nghệ thuật trang trí pháp lam Huế cũng như những loại hình chất liệu trang trí khác, các nghệ nhân thường sử dụng mô hình kiểu thức sẵn có. Họ thường vẽ theo lối ước lệ, tượng trưng, chú trọng gợi hơn là tả, hướng tới nội dung tư tưởng hơn là hình thức giống hay không giống với đời thực. Nội dung được nhấn mạnh thông qua thủ pháp mô hình hóa những kiểu thức họa tiết chứa đựng triết lý mang tính siêu nhiên, giản lược về hình thức, chú trọng làm sao nổi bật trọng tâm đề tài với sự trọn vẹn của nó, bất chấp tính hợp lý trong hiện thực. Việc vận dụng đường nét cong vào bố cục đã đem lại cho các tác phẩm phần nào sự thanh thoát và mềm mại, gần giống với thực hơn. Các họa tiết được cách điệu đến trình độ cao, đường nét chau chuốt. Sự hợp lý và chính xác của mảng hình tạo cho bức trang trí pháp lam toát lên một vẻ đẹp thanh thoát, dịu dàng, đầy xúc cảm. Về mặt tư tưởng, các trang trí pháp lam vẫn là tượng trưng cho mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên.

Pháp lam Huế đã khẳng định dấu ấn sáng tạo của người Việt, của văn hóa truyền thống Việt Nam, minh chứng cho nền kinh tế chính trị những năm độc lập, tự chủ thời Nguyễn. Tất cả những hình ảnh trong trang trí pháp lam Huế đều chứa đựng tiềm ẩn những ước mơ khát vọng của con người hướng tới vũ trụ, thiên nhiên và xã hội. Chung quy lại, tất cả đều có ý nghĩa cầu mong, chúc tụng một cuộc sống thanh bình, thịnh trị, ấm no, hạnh phúc.

_______________

1. Hoàng Thị Hương, Pháp lam trang trí ở Đại Nội Huế, Chuyên đề Pháp lam, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, tập IV, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, 2005.

2. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, 1992.

3. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế - nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.

4. Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nxb Đà Nẵng, 1984.

5. Nguyễn Tiến Cảnh, Vấn đề nghiên cứu mỹ thuật Huế, Tạp chí Mỹ thuật, số 2, 1988, tr.8-11.

6. Chu Quang Trứ, Di tích cung đình Huế, Huế ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, 1990.

 

Tác giả: Hồ Hải Thanh - Hồ Thị Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018

 

;