Tư tưởng khai phóng trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam - Dấu ấn 100 năm sáng tạo và đổi mới

Tóm tắt: Tư duy giáo dục mở và tiếp cận liên ngành đã góp phần hình thành phong cách sáng tạo độc lập, thúc đẩy sự giao thoa giữa mỹ thuật truyền thống và hiện đại qua các giai đoạn lịch sử: thuộc địa, chiến tranh và hội nhập. Tư tưởng khai phóng không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc mà còn mở rộng khả năng tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới. Đồng thời, khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật, giáo dục và các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo, từ đó, đề xuất định hướng phát triển bền vững cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Bài viết phân tích vai trò của tư tưởng khai phóng trong quá trình phát triển nghệ thuật tạo hình Việt Nam từ năm 1925, khởi đầu từ sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Từ khóa: đổi mới, sáng tạo, nghệ thuật tạo hình Việt Nam, tư tưởng khai phóng, Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Abstract: Open educational thinking and interdisciplinary approach have contributed to the formation of an independent creative style, promoting the exchange between traditional and modern fine arts through historical periods: colonial, war and integration. Liberal ideology not only affirms national cultural identity but also expands the ability to absorb the quintessence of world art. At the same time, it affirms the relationship between art, education and cultural and creative industries, thereby proposing sustainable development orientations for Vietnamese visual arts in the integration period. The article analyzes the role of liberal ideology in the development of Vietnamese visual arts since 1925, starting with the establishment of the Indochina College of Fine Arts.

Keywords: innovation, creativity, Vietnamese Visual Arts, liberal thought, Indochina College of Fine Arts.

Tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng (1963) - Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Trong suốt một thế kỷ, nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã phản ánh sinh động dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc. Từ thời kỳ thuộc địa, qua hai cuộc kháng chiến đến thời kỳ hội nhập quốc tế, nghệ thuật Việt Nam liên tục đổi mới nhưng vẫn kế thừa bản sắc truyền thống. Trong hành trình đó, tư tưởng khai phóng âm thầm định hướng, hình thành phong cách và tư duy sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ. Đây là tư tưởng cho phép họ vượt qua giới hạn truyền thống, tiếp thu những ảnh hưởng mới và tạo nên một bản sắc nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.

Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1924, thuộc Đại học Đông Dương (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay). Năm 1925, Trường chính thức đi vào hoạt động, đã mở đầu một thời kỳ mới, đặt nền mống cho giáo dục hiện đại. Nơi “được xem là cái nôi đào tạo các họa sĩ, nhà điêu khắc và giảng viên mỹ thuật cho cả nước” (1), với triết lý giáo dục khai phóng và tiếp cận liên ngành. Tại đây, sinh viên được truyền cảm hứng để sáng tạo và biểu đạt bản sắc văn hóa dân tộc trong từng tác phẩm. Tư tưởng khai phóng tiếp tục là nền tảng cho sự phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp văn hóa - sáng tạo và toàn cầu hóa hiện nay.

Ngày nay, trong bối cảnh công nghiệp văn hóa - sáng tạo, tư tưởng khai phóng vẫn tiếp tục là nền tảng cho sự phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, định hướng cho các nghệ sĩ phát huy bản sắc dân tộc, hòa nhập sâu hơn vào dòng chảy nghệ thuật toàn cầu.

1. Tư tưởng khai phóng trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam qua các thời kỳ

Thời kỳ thuộc địa và sự hình thành nền tảng khai phóng

Cuối TK XIX, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, sự hiện diện của thực dân Pháp đã mang đến những biến đổi sâu sắc trong đời sống văn hóa, giáo dục và nghệ thuật của người Việt. Đối với nghệ thuật, giai đoạn thuộc địa đã tạo ra một cuộc giao thoa quan trọng giữa truyền thống nghệ thuật bản địa và ảnh hưởng từ phương Tây. Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de L’Indochine), đóng vai trò là cầu nối giữa hai thế giới nghệ thuật này và được xem là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Với mục tiêu “khai hóa” và truyền bá các kiến thức nghệ thuật châu Âu, nhằm mang lại kỹ thuật và phương pháp nghệ thuật mới đồng thời khơi dậy tư duy sáng tạo tự do và khai phóng cho các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam.

Sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương: Mục tiêu và sứ mệnh

Trường Mỹ thuật Đông Dương được sáng lập bởi họa sĩ và nhà giáo dục người Pháp Victor Tardieu cùng sự hợp tác của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - một trong những nghệ sĩ tiên phong của Việt Nam trong thời kỳ này. Được xây dựng theo mô hình của Học viện Mỹ thuật Pháp, “năm 1925, ông đưa vào chương trình giảng dạy những khái luận cơ bản về thư viện, bảo tàng cũng như cơ sở vật chất để khởi động ngôi trường” (2). Đây là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam giảng dạy các kỹ năng hội họa, điêu khắc phương Tây và truyền bá tư tưởng nghệ thuật khai phóng.

Triết lý giáo dục của Tardieu nhấn mạnh sự kết hợp giữa tinh hoa phương Tây và truyền thống Á Đông, định hướng nghệ sĩ Việt vừa kế thừa bản sắc dân tộc, vừa tiếp nhận kỹ thuật hiện đại. Toàn quyền Đông Dương M. Merlin khi phê chuẩn thành lập trường đã khẳng định: “Để có được sự hài hòa giữa nhu cầu hiện đại với sở thích và chuẩn mực, người ta phải luôn gắn chặt với truyền thống. Điều đó cho phép giữ gìn nét đặc trưng độc đáo của đất nước” (3).

Đây là bước ngoặt mang tính cách mạng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, khi các nghệ sĩ trước đó chủ yếu chịu ảnh hưởng của nghệ thuật dân gian và các giá trị Nho giáo vốn rất bảo thủ. Chính tại đây, tư tưởng tự do sáng tạo và biểu đạt cá nhân lần đầu tiên được giới thiệu một cách hệ thống, tạo tiền đề cho sự hình thành nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Ảnh hưởng của nghệ thuật Pháp và châu Âu đối với nghệ thuật Việt Nam

Tại ngôi trường này, các nghệ sĩ Việt Nam lần đầu tiếp cận với các phong cách và trường phái hội họa tiên tiến của châu Âu như Ấn tượng, Hậu ấn tượng, Dã thúSiêu thực. Việc tiếp thu các kỹ thuật mới như sử dụng màu sắc tự do, ánh sáng, bóng đổ đến cấu trúc không gian ba chiều… đã mở rộng khả năng biểu đạt nghệ thuật, vượt khỏi giới hạn của mỹ thuật truyền thống vốn thiên về tính phẳng và đối xứng.

Bên cạnh đào tạo kỹ thuật, nhà trường còn chú trọng giảng dạy các nguyên lý mỹ học phương Tây như thị giác, tỷ lệ, bố cục, phối màu... Từ sự kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại và đề tài bản địa, một dòng nghệ thuật mới hình thành với các đại diện tiêu biểu như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí - những người đã định hình tranh sơn mài, tranh lụa hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc.     

Tư tưởng khai phóng tại đây đã thay đổi căn bản quan niệm về vai trò người nghệ sĩ, từ người thợ phục vụ nghi lễ, tôn giáo sang vai trò chủ thể sáng tạo độc lập. Như khẳng định: “Nghệ thuật Việt Nam muốn phát triển và có thể ngang tầm với thế giới hay không phải dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống” (4), từ đó góp phần hình thành bản sắc độc đáo cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Tư tưởng khai phóng thay đổi cách nhìn của các nghệ sĩ về nghệ thuật, chính tinh thần tự do sáng tạo đó đã lan tỏa, đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại, đồng thời nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ dám vượt qua ranh giới văn hóa, tiếp tục truyền bá tư tưởng khai phóng trong các giai đoạn sau đó, đặc biệt là trong các thời kỳ chiến tranh và hội nhập quốc tế.

Thời kỳ chiến tranh và sự phát triển của nghệ thuật cách tân

Giai đoạn 1945-1975 đánh dấu một trong những thời kỳ biến động nhất trong lịch sử Việt Nam, với các cuộc chiến tranh khốc liệt nhằm giành độc lập và thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, nghệ thuật tạo hình Việt Nam không chỉ là phương tiện biểu đạt cái đẹp mà còn trở thành một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ, thể hiện tinh thần kháng chiến và ý chí độc lập của dân tộc. Các nghệ sĩ, nhiều người trong số họ là cựu sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã tận dụng các kỹ thuật và tư tưởng khai phóng được học để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang tính đột phá, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, với nội dung phản ánh các giá trị dân tộc, lòng yêu nước, chống chiến tranh, ngợi ca những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc.

Chủ nghĩa hiện thực và sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Trong giai đoạn chiến tranh, chủ nghĩa hiện thực - vốn xuất hiện từ thời thuộc địa - tiếp tục được vận dụng mạnh mẽ như một công cụ tuyên truyền nghệ thuật, thể hiện lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa từ Liên Xô, nghệ thuật phục vụ giai cấp “Công - Nông - Binh” và phản ánh lý tưởng cách mạng. Tuy nhiên, nhờ nền tảng tư tưởng khai phóng, sáng tạo, các nghệ sĩ đã biết cách kết hợp phong cách tuyên truyền này với nét đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam, tạo nên những tác phẩm vừa đáp ứng yêu cầu chính trị, vừa giữ được tính thẩm mỹ và bản sắc riêng biệt.

Các chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa được khai thác mạnh mẽ để thể hiện chủ đề chiến tranh, cuộc sống lao động của nông dân, công nhân, cùng sự anh dũng của các chiến sĩ... Những tác phẩm nổi tiếng của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng và Nguyễn Phan Chánh như các tác phẩm Chơi ô ăn quan, Lên đồng... gây ấn tượng với công chúng quốc tế nhờ vẻ đẹp thẩm mỹ đậm chất Việt. Tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí “vừa mang vẻ đẹp cách tân hiện đại, vừa như bước ra từ nghệ thuật trang trí truyền thống” vì ông là “một trong những người đi đầu ở việc đưa chất liệu sơn ta vốn được sử dụng trong trang trí truyền thống trở thành chất liệu tạo hình” (5). Những tác phẩm đó không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà còn mang đậm dấu ấn của tư tưởng khai phóng, giúp nghệ thuật tạo hình Việt Nam thời kỳ này đạt được sự cân bằng giữa tính dân tộc và tính hiện đại. Chính tư tưởng khai phóng giúp họ vượt qua khuôn mẫu cứng nhắc của nghệ thuật hiện thực.

Tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng là một tác phẩm biểu tượng, thể hiện hình ảnh 8 nhân vật trong chiến hào. Trung tâm của bức tranh là một chiến sĩ - quần chúng ưu tú, với dáng đứng nghiêm, mắt hướng về lá cờ Đảng khi được kết nạp vào hàng ngũ. Bên cạnh là hai đồng đội giới thiệu người vào Đảng, cùng với đồng chí bí thư chi bộ và người cảnh giới. Nguyễn Sáng đã giản lược và chắt lọc hình tượng, tạo ra phong cách biểu đạt dân gian nhưng vẫn mang sắc thái hiện đại, thổi vào đó tinh thần và khí phách của thời kỳ chiến tranh. Tác phẩm này, được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013 và hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tương tự, tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (Bảo vật quốc gia năm 2017) của danh họa Dương Bích Liên (1980) là một ví dụ tiêu biểu. Lấy cảm hứng từ những ngày sống gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã khắc họa một không gian núi rừng bao la, hòa quyện giữa trời và nước, với hình ảnh Hồ Chủ tịch cùng con ngựa chuẩn bị vượt dòng suối. Hình ảnh giản dị của Bác trong bộ áo nâu, cùng con ngựa đã đóng yên, nổi bật trên nền thiên nhiên hùng vĩ, tạo nên cảm giác Người như một vị tiên giữa thiên nhiên hoang sơ. Bố cục đổi mới tối giản cùng với chất liệu sơn mài truyền thống đã được kết hợp một cách hiện đại, tạo ra một tác phẩm tinh tế, lãng mạn đậm chất Á Đông.

Các tác phẩm này không chỉ là những bức tranh lịch sử mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước và sự cống hiến cho Tổ quốc. Chúng không chỉ miêu tả chủ đề chiến tranh một cách sống động mà còn kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, góp phần tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật vô cùng độc đáo. Qua đó, các nghệ sĩ đã khẳng định bản sắc dân tộc đồng thời lan tỏa tinh thần cách tân, khai phóng trong nghệ thuật Việt Nam.

Tác động của nghệ thuật cách tân và tinh thần khai phóng đối với các nghệ sĩ trẻ

Tinh thần khai phóng và xu hướng cách tân từ thời kỳ chiến tranh đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đối với các thế hệ nghệ sĩ sau này. Được truyền cảm hứng từ các tác phẩm đậm bản sắc dân tộc và tinh thần yêu nước, đồng thời tiếp cận tư tưởng nghệ thuật hiện đại phương Tây, các nghệ sĩ trẻ đã chủ động vượt qua khuôn mẫu truyền thống để khai phá các hình thức biểu đạt đương đại.

Những tên tuổi như Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Đặng Xuân Hòa… là minh chứng tiêu biểu cho thế hệ tiếp nối tư tưởng khai phóng từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Họ vừa kế thừa di sản nghệ thuật thời chiến, vừa kiến tạo phong cách cá nhân hiện đại, góp phần làm giàu bản đồ mỹ thuật Việt Nam và thúc đẩy tiến trình hội nhập vào dòng chảy nghệ thuật toàn cầu.

Thời kỳ hội nhập và đổi mới tư duy sáng tạo

Sau Đổi mới (1986), quá trình hội nhập quốc tế mở ra không gian sáng tạo mới cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Các nghệ sĩ tích cực tiếp thu tư tưởng nghệ thuật hiện đại từ phương Tây, đồng thời thử nghiệm đa dạng hình thức và phong cách thể hiện. Tư tưởng khai phóng khởi nguồn từ Trường Mỹ thuật Đông Dương tiếp tục đóng vai trò nền tảng, thúc đẩy nghệ sĩ phát triển ngôn ngữ sáng tạo cá nhân và khẳng định bản sắc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại và sáng tạo cá nhân

Trong thời kỳ hội nhập, nghệ sĩ Việt Nam đã vượt ra khỏi khuôn khổ nghệ thuật truyền thống để thử nghiệm các hình thức mới như sắp đặt, video art, trình diễn và nghệ thuật số. Giao lưu quốc tế và các triển lãm nghệ thuật toàn cầu, tạo điều kiện để nghệ sĩ tiếp cận xu hướng hiện đại, từ đó phát triển phong cách cá nhân đặc sắc.

Các nghệ sĩ như Đặng Xuân Hòa, Vũ Cao Đàm, Trần Lương và Lê Quang Đỉnh… đã từng bước khẳng định dấu ấn nghệ thuật qua những sáng tác mang đậm cá tính, đồng thời phản ánh sâu sắc các vấn đề xã hội và văn hóa đương đại. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tinh thần sáng tạo cá nhân không chỉ thể hiện tư duy nghệ thuật đổi mới mà còn góp phần khẳng định và lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam trên bình diện toàn cầu.

Vai trò của các tổ chức nghệ thuật và triển lãm quốc tế

Trong tiến trình hội nhập, các tổ chức nghệ thuật và triển lãm quốc tế giữ vai trò thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam vươn ra thế giới. Những sự kiện này tạo ra cơ hội trưng bày và giao lưu tác phẩm, giúp nghệ sĩ Việt tiếp cận xu hướng toàn cầu, khẳng định bản sắc văn hóa qua tác phẩm.

Các giải thưởng như Phillip Morris hay UOB Painting of the Year đã phát hiện và nuôi dưỡng hàng nghìn tài năng nghệ thuật trong khu vực, đồng thời góp phần giới thiệu nghệ thuật đương đại Việt Nam đến công chúng quốc tế. Qua đó, nghệ thuật tạo hình Việt Nam dần định hình vị thế trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tư tưởng khai phóng tiếp tục là nền tảng định hướng cho nghệ sĩ vượt qua giới hạn truyền thống, kết nối nghệ thuật với đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững của công nghiệp văn hóa - sáng tạo hiện đại.

2. Liên ngành và khai phóng trong giáo dục nghệ thuật hiện đại

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu, giáo dục nghệ thuật hiện đại tại Việt Nam đã trải qua những thay đổi sâu rộng để đáp ứng yêu cầu mới của xã hội và kinh tế. Tư tưởng khai phóng, đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng phương pháp giáo dục nghệ thuật cởi mở, khuyến khích sinh viên phát triển tư duy sáng tạo tự do và linh hoạt. Điều này không chỉ giúp các nghệ sĩ tương lai vượt qua ranh giới truyền thống mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa nghệ thuật và các lĩnh vực khác, tạo nền tảng cho việc giáo dục nghệ thuật liên ngành.

Giáo dục nghệ thuật khai phóng và tính liên ngành

Giáo dục nghệ thuật hiện đại tại Việt Nam không chỉ chú trọng rèn luyện kỹ năng tạo hình mà còn thúc đẩy tư duy phản biện và khả năng tích hợp kiến thức từ các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, xã hội học và văn hóa. Triết lý khai phóng đề cao việc học tập toàn diện, giúp sinh viên hình thành tư duy đa chiều và sáng tạo linh hoạt.

Các trường như Đại học Mỹ thuật Hà Nội, TP.HCM và nhiều cơ sở đào tạo nghệ thuật lớn đã triển khai mô hình giáo dục liên ngành, khuyến khích sinh viên kết hợp nghệ thuật với công nghệ, truyền thông và các lĩnh vực xã hội. Việc này mở rộng khả năng sáng tác và tăng tính ứng dụng trong bối cảnh công nghiệp văn hóa - sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ số - từ video art, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)... đã tạo ra hình thức biểu đạt mới, tương tác hơn. Các nghệ sĩ như Trần Lương, Đào Anh Khánh, Lê Quang Đỉnh… là những người tiên phong, đưa nghệ thuật trở thành phương tiện truyền tải thông điệp xã hội sâu sắc.

Mục tiêu cốt lõi của giáo dục nghệ thuật khai phóng là đào tạo những nghệ sĩ toàn diện, vừa làm chủ kỹ thuật, vừa có năng lực phản biện và có trách nhiệm với xã hội. Việc tích hợp kiến thức liên ngành giúp sinh viên xây dựng tác phẩm giàu chiều sâu và giá trị thực tiễn, góp phần tích cực vào phát triển bền vững.

Phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo và vai trò của giáo dục nghệ thuật liên ngành

Công nghiệp văn hóa - sáng tạo đang trở thành một trụ cột kinh tế quan trọng tại Việt Nam, đóng góp vào GDP và mở rộng cơ hội việc làm. Nghệ thuật hiện nay không chỉ là sản phẩm cá nhân mà đã tích hợp sâu trong các lĩnh vực như điện ảnh, thiết kế, thời trang, quảng cáo và truyền thông.

Trong bối cảnh này, giáo dục nghệ thuật khai phóng và liên ngành đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thích ứng cao, linh hoạt và sáng tạo. Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình nghệ thuật liên ngành không chỉ có khả năng làm việc trong các lĩnh vực nghệ thuật mà còn có thể tham gia vào các dự án công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, mỹ thuật được xác định giữ vai trò quan trọng, đặt yêu cầu phải “Đào tạo đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng có trình độ chuyên môn cao, có tính chuyên nghiệp. Phát triển đội ngũ nghiên cứu phê bình, giám tuyển mỹ thuật có trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới” (6) để từ đó góp phần đưa nghệ thuật Việt Nam hòa nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.

Giáo dục nghệ thuật hiện đại khuyến khích học viên vượt qua giới hạn của chuyên ngành thuần túy, tích hợp kiến thức từ công nghệ thông tin, khoa học xã hội, quản lý văn hóa để thích ứng với thay đổi. Các chương trình kết hợp công nghệ số như đồ họa, thiết kế 3D, (VR) và (AR)... giúp sinh viên làm chủ công nghệ, tạo ra tác phẩm tương tác, mang chiều sâu tư duy và giá trị thẩm mỹ cao.

Qua đó, giáo dục nghệ thuật liên ngành trở thành nền tảng đào tạo thế hệ nghệ sĩ mới - linh hoạt, đổi mới và đủ năng lực tham gia tích cực vào nền công nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thời đại số.

Vai trò của giáo dục nghệ thuật trong việc xây dựng bản sắc văn hóa

Giáo dục nghệ thuật với tinh thần khai phóng và liên ngành đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua chương trình giảng dạy tích hợp, sinh viên được khuyến khích khai thác di sản truyền thống, từ đó tạo nên các tác phẩm giàu ý nghĩa, phản ánh bản sắc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục liên ngành tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở vật chất hiện đại, công nghệ hỗ trợ và đội ngũ giảng viên có chuyên môn liên ngành. Đồng thời, bài toán cân bằng giữa đổi mới và bảo tồn truyền thống vẫn là vấn đề đặt ra trong đào tạo nghệ thuật hiện đại.

Để khắc phục, cần tăng cường hợp tác quốc tế, cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến và có chính sách đầu tư từ nhà nước và các tổ chức văn hóa. Như vậy, giáo dục nghệ thuật mới thực sự trở thành lực đẩy cho sáng tạo văn hóa, đồng thời bảo vệ và lan tỏa giá trị bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu.

Kết luận

Tư tưởng khai phóng, khởi nguồn từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã trở thành nền tảng xuyên suốt cho sự hình thành và phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam suốt một thế kỷ qua. Tư duy này đã thúc đẩy sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại đồng thời góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập toàn cầu. Trong bối cảnh đương đại, tư tưởng khai phóng tiếp tục định hướng giáo dục nghệ thuật theo hướng liên ngành, gắn kết với công nghiệp văn hóa - sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật chất lượng cao.

Để phát huy hiệu quả, cần có chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp giữa đầu tư giáo dục, chính sách hỗ trợ văn hóa và bảo tồn bản sắc dân tộc, như một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật Việt Nam trong TK XXI. Tư tưởng khai phóng không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là động lực cho nghệ thuật Việt Nam đổi mới, hội nhập mà không đánh mất cội nguồn văn hóa.

________________________

1, Đặng Thị Phong Lan, Nhìn lại chặng đường hợp tác phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và sáng tác mỹ thuật ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm thành lập từ trường vẽ Gia Định - đến Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Nxb Mỹ thuật, 2023, tr.165.

2. Hoàng Hằng, Trường Mỹ thuật Đông Dương - khởi nguồn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, archives.org.vn, 24-10-2024.

3. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường nghệ thuật - Chương trình đào tạo chung, Nxb Mỹ thuật, 2005, tr.17.

4. Lê Trần Hậu Anh, Thực hành Video Art của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Kết nối nghệ thuật và di sản, Nxb Thế Giới, 2013, tr.87.

5. Lê Văn Sửu, Mỹ thuật Việt Nam trong mối liên hệ với di sản, Kết nối nghệ thuật và di sản, Nxb Thế Giới, 2013, tr.10.

6. Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thuvienphapluat.vn, 2016.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 20-5-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-6-2025; Ngày duyệt bài:2-7-2025.

NGUYỄN HỒNG DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 611, tháng 7-2025

;