Yếu tố ẩn - hiện trong tranh sơn mài Việt Nam

Bài viết phân tích sự hấp dẫn đặc biệt của các yếu tố ẩn - hiện trong quá trình sáng tạo tranh sơn mài của nghệ sĩ, nhằm có thêm một góc nhìn bổ sung vào sự sinh động, đa dạng của nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.

Tranh Ý chí vươn lên, kích thước: 100cmx200cm, chất liệu sơn mài của Nguyễn Thái Bình

1. Khái quát chung về đặc trưng tranh sơn mài

Tranh sơn mài là một thể loại tạo hình của hội họa, những giá trị của tranh sơn mài được thể hiện thông qua chất liệu sơn và kỹ thuật mài mang nét riêng biệt. Chất liệu sơn mài được sử dụng trong hội họa là một bước đột phá của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Bước chuyển này đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc dùng một chất liệu vốn chỉ gắn với những sản phẩm thủ công truyền thống… được họa sĩ đưa vào sử dụng trong sáng tác hội họa hiện đại. Với các loại chất liệu tự nhiên như sơn ta, các loại sơn và các loại màu sắc đa dạng được vẽ trên nền vóc (gỗ ép). Thay vì sử dụng giấy hay vải như các loại tranh truyền thống, hội họa sơn mài sử dụng bề mặt vóc phủ sơn làm bề mặt để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Điều này chính là sự khác biệt, độc đáo và đầy thú vị trong việc sáng tạo và thể hiện ý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ vẽ sơn mài.

Tranh sơn mài Việt Nam là kết quả của một bước tiến mới được gọi bằng thuật ngữ: “hội họa sơn mài”. Việc sử dụng một số kỹ thuật vẽ, pha màu, gắn trứng… theo phương pháp truyền thống vào sáng tác tranh sơn mài hiện đại cũng góp phần tạo nên những hiệu quả hấp dẫn, cuốn hút, độ sâu thẳm tứ bề của từng bức tranh ở chất liệu này. Thêm đó, dưới tác động của ánh sáng, các cặp màu sắc, các lớp màu… và ngôn ngữ tạo hình trên mặt tranh cũng góp phần tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ở đó thể hiện sự đan xen của những giá trị kỹ thuật, tạo hình truyền thống với hiện đại - giữa mộc mạc và sang trọng, giữa cụ thể và vô tận.

Những thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại có sự góp phần không nhỏ của nhiều tác phẩm tranh sơn mài đạt chất lượng nghệ thuật cao không chỉ vì tính lịch sử thời đại, mà còn là sự đặc sắc của ngôn ngữ biểu cảm từ chất liệu kết hợp với sự tinh tế, sâu sắc trong ngôn ngữ tạo hình, yếu tố ẩn - hiện qua hiệu quả của bề mặt tranh sơn mài. Điều này có thể thấy ở những tác phẩm sơn mài tiêu biểu: Vườn xuân Trung Nam Bắc, Thiếu nữ trong vườn, Dọc mùng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí; Điệu múa cổ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng; Đánh cá đêm trăng (1943) của họa sĩ Nguyễn Khang; Phong cảnh Chùa Thầy (1944), Tổ đội công cấy lúa (1958), Gánh lúa (1961) của họa sĩ Hoàng Tích Chù; Qua bản cũ (1958), Giữ lấy hòa bình (1960) của họa sĩ Lê Quốc Lộc - hai tác phẩm này hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Hành quân đêm (1974); Tre (1957) của họa sĩ Trần Đình Thọ; Bình minh trên nông trang (1958) của họa sĩ Nguyễn Đức Nùng... đã để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam những giá trị tinh hoa đáng trân trọng.

Đến nay, rất nhiều thế hệ họa sĩ/ nghệ sĩ tạo hình mới vẫn luôn giữ cho mình những phẩm chất trong cách tạo hình đặc biệt của chất liệu sơn mài với những giá trị truyền thống - các tác phẩm đã được triển lãm trong và ngoài nước như: Tố Nữ Dân Ca (2015), Chuyện sơn mài Việt Nam (2016) của họa sĩ Lý Trực Sơn; Xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn (2023) của Triệu Khắc Tiến; Tâm an lạc (2023) của họa sĩ Vũ Văn Tịch; Hoa sen (2004) của họa sĩ Nguyễn Thị Quế...

2. Quan niệm ẩn - hiện trong nghệ thuật tạo hình

Trong nghệ thuật tạo hình, ẩn - hiện là một khái niệm khá trừu tượng và thú vị. Nó chính là hai thành tố cơ bản cấu thành nên tác phẩm nghệ thuật. Danh họa người Nga - Kazinski trong cuốn Về cái tinh thần nghệ thuật, ông viết: “...cách nói hình thức không có ý nghĩa, không truyền đạt ý nghĩa là rất sai lầm. Mỗi một hình thức trên thế giới này đều biểu đạt một ý nghĩa nào đó” (1). Như vậy, có thể coi “ẩn” là tất cả những gì mà tác giả muốn gửi gắm vào bên trong tác phẩm của mình. Nó là nội dung, chủ đề, tư tưởng và đồng thời là toàn bộ những gì biểu hiện nhân sinh quan, thế giới quan của nghệ sĩ sáng tạo. Không những thế, cái “ẩn” sâu bên trong tác phẩm còn là cái ghi nhận tinh tế từ chính con người tác giả, phản ánh sâu sắc sự chuyển biến thế giới nội tâm mà có khi chính tác giả cũng không hay biết rõ hết trong suốt quá trình xây dựng tác phẩm.

Còn “hiện” chính là toàn bộ phần biểu hiện của ngôn ngữ tạo hình: đường nét, bố cục, màu sắc, đậm nhạt, hình mảng, khối, diện... trên bề mặt tác phẩm. Tất cả những yếu tố trên đều được thị giác nhận biết rõ nét trong sự đối sánh, liên tưởng từ những tiếp xúc thực tế của người nghệ sĩ với thế giới khách quan được biểu hiện cụ thể thông qua sự sắp xếp các hình tượng, hình khối, mảng màu… trên bề mặt tác phẩm. Dù sự hiển thị của những yếu tố trên ở mức toàn phần, hay một phần thì đó vẫn là những gì hiện hữu để thị giác nhận biết. Tuy nhiên, để thấy được yếu tố “ẩn” trên tác phẩm, đồng thời phải dựa vào những yếu tố “hiện hữu” cũng trên bề mặt tác phẩm ấy. Do vậy, ẩn - hiện trong nghệ thuật nói chung, nghệ thuật tạo hình nói riêng có khi là một và cũng có thể là hai - chúng đồng thời cùng xuất hiện trên mỗi bề mặt tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Điểm khác chỉ là: một yếu tố có thể thấy bằng thị giác qua ngôn ngữ hình thức và yếu tố kia chỉ thấy được bằng cảm nhận thông qua một khoảng trống, sự rỗng không, sự thiếu hụt, đứt đoạn của cái hiện hữu… trên bề mặt tác phẩm.

Trong nghệ thuật phương Đông, đặc biệt là nghệ thuật Trung Hoa, mối quan hệ giữa ẩnhiện có thể coi như quan hệ giữa “hình” và “ý” trong tác phẩm nghệ thuật. Cũng có thể coi thư pháp là một môn nghệ thuật tạo hình, mục đích của nó là sáng tạo kết cấu hình thức; tuy nhiên, kết cấu này không phải tập hợp những nét chấm, vạch vô nghĩa, mà chính là chủ đích của người tạo hình chữ viết. Chính vì vậy, thư pháp đã vượt ra khỏi phạm vi chữ viết thông thường để trở thành một nghệ thuật là vì “hình” và “tượng” cùng với những khoảng trống không gian của nó đã phản ánh được nhiều ẩn dụ sâu sắc thuộc nội hàm của chữ và hình tượng nó muốn nói.

3. Yếu tố ẩn - hiện trong tranh sơn mài

Để xem xét, đánh giá một tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt ở tác phẩm tranh sơn mài không phải việc đơn giản chỉ là chủ đề, ngôn ngữ, phong cách tạo hình hay những hiển thị trên bề mặt tác phẩm, mà còn là dấu ấn của kinh nghiệm tạo hình, cảm thụ thông qua quá trình thực hiện từng loại chất liệu để tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm. Bên cạnh những tiêu chí tạo hình cơ bản, mỗi loại chất liệu đều có những bí quyết riêng mà chỉ người thực hiện nó đều đặn, thường xuyên hằng ngày mới hy vọng chạm đến những bí quyết trong việc sử dụng thuần thục chất liệu để tạo nên những hiệu quả nghệ thuật chứa đựng những giá trị thẩm mỹ.

Ngôn ngữ tạo hình của tranh sơn mài có những đặc tính riêng khác hẳn với biểu hiện diễn tả cơ bản về hình, khối, ánh sáng như các loại tranh sơn dầu hoặc tranh khác. Do đó, tính khái quát ước lệ trong ngôn ngữ tạo hình sơn mài phải đạt tới mức khái quát, ước lệ cao khi muốn miêu tả cấu trúc tạo hình, khối và ánh sáng của đối tượng, sự vật, hiện tượng... Một tác phẩm sơn mài đạt chất lượng cao cần căn cứ vào nhiều yếu tố trong tạo hình và thao tác kỹ thuật, như việc tính toán để sử dụng được hiệu ứng, hiệu quả của các lớp màu khi bị lấy đi một phần qua các công đoạn mài.

Trong tranh sơn mài, yếu tố ẩn - hiện, được nhận thấy ở nhiều sắc thái ngôn ngữ tạo hình, điều này qua thị giác có thể nhận thấy rõ: đường nét bị che khuất một phần, mảng miếng này che khuất mảng miếng khác, bóng tối lấn vào vùng ánh sáng hoặc mảng miếng che khuất đường nét… sự lấn chồng của màu sắc, mảng miếng, đường nét, bóng tối và ánh sáng có khi hòa trộn vào nhau cũng tạo nên nhiều hiệu ứng ẩn - hiện đầy xúc cảm đặc biệt trên bề mặt những tác phẩm tranh vẽ bằng sơn ta.

4. Kỹ thuật tạo hiệu ứng ẩn - hiện trong tranh sơn mài

Kỹ thuật chồng lớp màu sắc tạo hiệu ứng sáng, tối, trung gian

Trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài, sự tính toán các lớp màu, độ dày, mỏng, nhẵn, nhăn của từng lớp… góp phần tạo nên những hiệu quả vô cùng sinh động. Nhiều khi, việc sử dụng và phát triển từ một hiệu quả này có thể trở thành một dấu ấn cá nhân riêng trong sáng tác tranh sơn mài của nghệ sĩ. Để thực hiện một tác phẩm sơn mài, vật liệu chính là 2 loại sơn: sơn cánh gián, sơn then. Ngoài ra, còn có các loại vật liệu khác như: son trai, son tươi, son nhì, son thắm; các loại bột Nhật, vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ trai, ốc… Tất cả các vật liệu này là nguyên liệu để người họa sĩ sáng tạo và biểu đạt ý tưởng của mình nhằm tạo nên một bức tranh sơn mài hoàn thiện. Tùy vào từng đề tài, ngôn ngữ tạo hình, phong cách sáng tác mà người họa sĩ chủ động trong việc tính toán đè, chồng các lớp màu, các lớp vàng, bạc, sắc độ từng lớp… nhằm đạt tới hiệu quả về chất và kỹ thuật tốt nhất, phù hợp nhất với nội dung và hình thức tác phẩm của mình. Đây là công đoạn đòi hỏi những kinh nghiệm và thủ pháp xử lý chất liệu của chính người sáng tác.

Nhìn chung, kỹ thuật đè chồng các lớp màu sắc trong sơn mài cũng có nhiều điểm tương đồng với các chất liệu khác như sơn dầu, acrylic, lụa… Nhưng sự khác biệt lớn nhất của chất liệu sơn mài so với các chất liệu khác đó là hiệu quả bất ngờ của kỹ thuật, của màu sắc. Hiệu quả này đến từ sự tính toán kỹ lưỡng trong việc đọc được hiệu quả cuối cùng của chất liệu; đồng thời, đọc được hiệu ứng của việc sử dụng các lớp màu khi chúng đặt cạnh nhau hoặc ở dưới một lớp màu khác được hiển thị dần dần trong khi họa sĩ mài mỏng các lớp trên. Việc này nhiều khi tạo nên những hiệu quả thẩm mỹ đặc sắc bất ngờ nhất trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thiện tác phẩm. Yếu tố ẩn - hiện lúc này mới thực sự phát huy hiệu quả thông qua các lớp màu, các lớp vàng, lớp bạc mang lại nhiều cảm xúc cho người họa sĩ, dẫn dắt trí tưởng tượng và cảm xúc của họa sĩ mà không thể đoán định được trước. Chính điều này, các họa sĩ trước đó đã ví sơn mài là sơn mò.

Lý giải cho việc không đoán định được hiệu quả mà người họa sĩ tính toán, đôi khi cho ra hiệu quả các tương quan sắc độ và kỹ thuật bất ngờ. Theo quan điểm cá nhân của người viết, mấu chốt nằm ở khâu đè chồng các lớp màu, lớp vàng, lớp bạc và quy trình ủ khô cho các lớp đè chồng đó. Vậy “ủ” được hiểu như thế nào đối với việc sử dụng chất liệu sơn ta hay còn gọi là sơn mài truyền thống - với sơn then và sơn cánh gián được chiết suất từ cây sơn tự nhiên. Để ủ khô được tác phẩm sơn màu này sau mỗi lớp vẽ, buộc phải dùng độ ẩm để làm khô từ bên trong ra bề mặt của chất liệu (khô từ trong ra ngoài). Độ ẩm hơi nước phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và hơi nước lưu trữ trong buồng ủ đã được họa sĩ chủ động thiết lập. Nếu độ ẩm hơi nước nhiều bề mặt sơn có thể bị cháy, các lớp sắc màu sẽ thay đổi tùy theo độ ẩm của hơi nước. Cùng một tỷ lệ định lượng bột son giống nhau, nhưng ủ với độ ẩm khác nhau sẽ cho ra hiệu quả sắc độ khác nhau, điều này cũng là một sự thú vị của sơn mài. Bất kể một sự thay đổi đột ngột nào tác động tới độ ẩm làm gián đoạn quá trình ủ có thể sẽ gây hậu quả ngoài ý muốn, từ đây, việc chồng lớp màu, chất liệu kế tiếp có khi phải dừng lại chờ những thao tác xử lý chuyên nghiệp mới có thể tạo nên sự đồng bộ của tổng thể bức tranh.

Kỹ thuật vẽ đè chồng các lớp trong tranh sơn mài, sự ẩn hiện của các lớp màu, lớp vàng, lớp bạc diễn ra linh hoạt và biến hóa. Sự biến hóa này mang lại rất nhiều cảm xúc cho người họa sĩ. Tưởng như kiểm soát được một kỹ thuật này, sắc độ này, nhưng khi mài lại cho ra một hiệu quả khác có thể đẹp hơn với chủ định ban đầu. Đó chính là điều thú vị nhất của nghệ thuật vẽ tranh sơn mài.

Kỹ thuật mài

Nói là kỹ thuật mài, nhưng thực tế nó chính là công đoạn vẽ của người họa sĩ sơn mài. Thao tác mài để lấy bớt đi một phần, hay nhiều phần vật liệu ở lớp trên cũng đồng nghĩa với việc sẽ sử dụng sự ánh lên của các lớp màu phía dưới. Do vậy, quá trình mài mang đến một tiến trình khám phá thẩm mỹ, biểu cảm của hiệu quả đè chồng các lớp chất liệu trên bề mặt tác phẩm. Tiếp đó, qua sự tiếp xúc của đôi bàn tay, các ngón tay, lực mài ở mỗi bề mặt, khoảng trống, vị trí trên sẽ quyết định sự hiển thị dần những hiệu quả thẩm mỹ của từng bức tranh sơn mài.

Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm sáng tác, tác giả đã rút ra những kiến thức, bài học với cách tạo hình sơn mài được chia làm 3 bước cơ bản như: mài phá, mài thô và mài tinh, mỗi công đoạn sẽ ứng với những thiết bị và vật liệu phù hợp.

Mài phá: được hiểu là quy trình mài phá bỏ lớp bề mặt trên cùng của lớp sơn phủ, lớp bề mặt này tùy vào phương pháp thể hiện tạo chất, tạo nên kỹ thuật của các họa sĩ, ví dụ như: gắn vỏ trứng, vỏ trai, đổ nhăn… rồi sau đó kẹt màu, phủ bạc, phủ màu dẫn đến sự khác nhau trên các bề mặt. Chính sự khác biệt này người họa sĩ sẽ quyết định mài phá bằng tay hay bằng máy như thế nào cho hiệu quả mà không bị tốn công sức và không gây ảnh hưởng đến các lớp màu phía dưới mà họ đã tính toán từ trước.

Mài thô: sau khi quy trình mài phá kết thúc bức tranh hiện lên một bề mặt tổng thể về sắc, độ, mặt phẳng, lồi lõm từ đó người họa sĩ bắt đầu quan sát tổng thể và có giải pháp cho quá trình mài thô tiếp theo. Chúng ta hiểu quy trình mài thô này là để lấy bề mặt (mặt phẳng tổng thể) cho bức tranh và tìm kiếm hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả của các tương quan đậm nhạt, tương quan sắc độ… Quy trình này sẽ quyết định hình thành mối tương quan tổng thể của bức tranh như thế nào mà người họa sĩ mong muốn định hình từ trước, từ đây sẽ đưa ra quyết định cho quá trình mài tinh sau này.

Mài tinh: đây là quy trình mài hoàn thiện nó tương tự như quy trình đẩy sâu hoàn thiện của chất liệu sơn dầu, acrylic hay màu nước… thì người họa sĩ sẽ căn cứ vào tương quan sắc độ của các lớp màu, lớp vàng, bạc cho ra hiệu quả các kỹ thuật khác nhau… Từ đó sẽ đưa ra giải pháp mài moi hay mài phẳng, đây là quá trình quan trọng và có tính quyết định đến hiệu quả cuối cùng của một tác phẩm sơn mài, nếu không cẩn trọng, thao tác mài sẽ khiến người họa sĩ phải làm lại quy trình vẽ các lớp từ đầu, khi làm lại thì các tương quan khó mà hòa nhuyễn được với nhau. Vì vậy, công đoạn này đòi hỏi người mài phải có kinh nghiệm và sự cẩn trọng của người họa sĩ để có được những tác phẩm đạt hiệu quả trong vắt của chất sơn ta và độ ẩn hiện hình tượng nghệ thuật thông qua các đường, nét, màu sắc xuất thần hiện ra từ kỹ thuật chồng lớp sơn đến mài cho mỗi tác phẩm của mình.

Qua đó cho thấy, “mài” sơn trên bề mặt tranh trong nghệ thuật tranh sơn mài là rất đặc biệt, mài không chỉ là mài bỏ đi mà mài còn là một nghệ thuật vẽ, một quá trình người họa sĩ phải đối thoại với bề mặt của tác phẩm, phải cân đong đo đếm và cảm nhận được hiệu quả của các tương quan sắc độ, lớp màu, kỹ thuật… trên bề mặt tác phẩm để tạo nên những ý tứ, hình tượng ẩn, hiện trong không gian tranh.

Kết luận

Sự hấp dẫn của tranh sơn mài không chỉ nằm ở nét đẹp hình thức mà còn ở những yếu tố ẩn - hiện đầy chất cảm tâm linh và triết lý được gắn liền với từng bức tranh do người họa sĩ sáng tạo nên. Ở đó, quan điểm, cách nhìn, cách nghĩ của người nghệ sĩ về thế giới khách quan hoặc thế giới chủ quan được thể hiện ở tính tổng thể toàn vẹn của tác phẩm. Theo đó, yếu tố ẩn - hiện trong tranh sơn mài là một cặp phạm trù không thể tách rời nhau, đồng thời nó cũng là yếu tố góp phần tạo nên những giá trị thẩm mỹ đặc sắc của nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.

__________________

1. Wassily Kandinsky (Ngụy Hữu Tâm, Trần Vinh - dịch), Về cái tinh thần nghệ thuật, Nxb Đà Nẵng, 2019, tr.118.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Năng An (biên dịch), Những trào lưu lớn của nghệ thuật tạo hình hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.

2. M.Chagan (Phan Ngọc dịch), Hình thái học của nghệ thuật, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2004.

3. Nguyễn Quân, Con mắt nhìn cái đẹp, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2004.

4. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Nxb Bản đồ, Hà Nội, 1998.

5. Quang Việt, Hội họa sơn mài Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2014.

6. Bùi Văn Nam Sơn (biên dịch và chú giải), Dẫn luận về cái đẹp, Nxb Hồng Đức, 2016.

Ths NGUYỄN THÁI BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;