Tóm tắt: Làng Nguyệt Viên, phường Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa, trước đây thuộc huyện Hoằng Hóa - một huyện có truyền thống hiếu học, văn hiến. Cả huyện có nhiều người văn nho đỗ đạt, trong đó Nguyệt Viên nằm trong danh sách dẫn đầu và nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh. Trải qua các triều đại Lê, Mạc, Nguyễn đến tận khoa thi cuối cùng năm 1919, mạch nối khoa bảng ở Nguyệt Viên không bị đứt đoạn, đây là điều khác biệt so với các làng khác. Những người đỗ đạt này đều ghi dấu tên tuổi của mình trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trở thành những công thần tích cực phò vua, giúp nước. Bài viết phân tích những giá trị truyền thống của làng khoa bảng Nguyệt Viên cần được phát huy trong cuộc sống hiện nay.
Từ khóa: khoa bảng, Nguyệt Viên.
Abstract: Nguyet Vien village, Hoang Quang ward, Thanh Hoa city, was formerly part of Hoang Hoa district, a region with a long-standing tradition of scholarship and cultural heritage. The district boasted numerous Confucian scholars who had passed imperial examinations, with Nguyet Vien prominent among them as one of Thanh Hoa’s most renowned locales. Throughout the Le, Mac, and Nguyen dynasties, until the final imperial examination in 1919, Nguyet Vien’s tradition of academic excellence remained unbroken, distinguishing it from other villages. They contributed to establishing the government and served as upright officials respected by the people. The article examines the enduring traditional values of Nguyet Vien Scholarly Village, which continue to be relevant and practiced in contemporary life.
Keywords: examination board, the Nguyet Vien.
Nhà thờ Phó bảng Lê Viết Tạo - Ảnh: tác giả cung cấp
1. Làng Nguyệt Viên và những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu
Nguyệt Viên nằm ở phía Đông Nam huyện Hoằng Hóa (nay là phường Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa, là một làng cổ nằm ven bờ sông Mã. Hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường sông và đường bộ. Làng nổi tiếng xứ Thanh bởi truyền thống hiếu học và khoa bảng, suốt chiều dài lịch sử thời phong kiến từ triều Lê, Mạc, Nguyễn và đến ngày nay vẫn giữ được mạch nối.
Sông Mã là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, trao đổi chuyển hàng hóa từ các nơi trong tỉnh, vùng và cả nước về như: miền núi về, miền biển thủy hải sản mang lên, nên hình thành nhiều bến neo đậu ở làng. Mặt khác chính làng nằm sát bên dòng sông Mã nên rất lợi cho nguồn nước phục vụ sinh hoạt, canh tác nông nghiệp, cũng là nguồn lợi thủy sản cho làng Nguyệt Viên. Nơi đây buôn bán sầm uất: “Nguyệt Viên trên chợ dưới sông/ Thuyền bè tấp nập vui không muốn về”.
Cư dân làng Nguyệt Viên trước đây tụ cư ở vùng bãi sát bên dòng sông Mã, còn gọi là bãi Chùa. Hiện nay, tại bãi Chùa còn phế tích của chùa Phúc Sơn, khu vực xung quanh chùa Phúc Sơn là vùng đất cao, còn dấu tích của cư dân đã từng sinh sống, định cư trước đây khi chưa chuyển vào trong đồng (đê). Theo gia phả họ Nguyễn ở Nguyệt Viên, cụ khởi tổ người làng Nhân Lý, tỉnh Hải Dương đưa con cháu vào đây lập nghiệp. Mới đầu khi vào chỉ có mình họ Nguyễn, khi đó là gò đất ở dọc bờ sông (cuối làng Nguyệt Viên ngày nay), sau có thêm họ Ngô, họ Lê đến khai hoang.
Dân cư đông đúc dần lên và hình thành nên nhiều làng nghề, trong đó nghề dệt, thêu đã đi vào ca dao: “Gái thời giữ việc trong nhà/ Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa”. Ngoài ra còn có nghề rèn phục vụ cho nông nghiệp và các dụng cụ sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở khu vực chợ Hôm cùng với nghề mộc và thợ hỏa. Trong thành ngữ Việt Nam cũng từng ca ngợi người thợ tài hoa ở đây: “Lúa Mỹ Đà, nhà Nguyệt Viên”.
Các giá trị văn vật thể: đình Cả, đình Á, đình Phúc Sơn, chùa Phúc Sơn, chùa Vĩnh Hưng Phúc, văn chỉ, võ chỉ, nhà thờ các dòng họ, gò - đống - bến sông.
Các giá trị văn hóa phi vật thể bao gồm: các tín ngưỡng và lễ hội trong năm: lễ mở ngõ, lễ kéo hẹ, lễ vào đám, lễ tảo lăng xuân tế, lễ cầu yên, lễ Tết, lễ cơm mới, lễ tế chạp.
Các phong tục tập quán: tục thách cưới, tục trọng khoa hơn trọng tước, trọng lão hơn trọng tước, tục ra câu đối kén chồng và những câu thơ ca, hò vè được lưu truyền đến ngày nay.
Những điều kiện trên tạo cho làng quê Nguyệt Viên có ưu thế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hơn so với các làng quê khác, từ đó là cơ sở quan trọng cho sự phát triển văn hóa giáo dục, nhất là hình thành truyền thống giáo dục, khoa cử.
2. Truyền thống khoa bảng của làng Nguyệt Viên
Làng Nguyệt Viên được biết đến như một địa danh có truyền thống hiếu học khoa bảng bậc nhất xứ Thanh, nhất là những người đỗ đạt cao, đại khoa trong thời phong kiến, sự đỗ đạt đó đã đi vào câu ca dao nổi tiếng khắp vùng: “Nguyệt Viên mười tám ông nghè/ Ông cưỡi ngựa tía, ông che tán vàng”.
Những người đỗ đại khoa
Theo điều tra, khảo sát nghiên cứu tài liệu làng Nguyệt Viên có 11 người đỗ đại khoa, gồm: Nguyễn Trật (1581-1661), Lê Bình Trung (1594 - ?), Nguyễn Vị (1608 - ?), Nguyễn Nhân Trứ (1612 - ?), Nguyễn Kính (1629 - ?), Nguyễn Tông (1643 - ?), Nguyễn Hữu Độ (1813 - ?), Nguyễn Xuân Đàm (Nguyễn Xuân Dục (1878 - ?), Nguyễn Phong Di (1889 - ?), Lê Viết Tạo (1876-1925) và Lê Khắc Khuyến (1879 - ?).
Nhà thờ Phó bảng Nguyễn Hữu Độ - Ảnh: tác giả cung cấp
Xét về tuổi đỗ, độ tuổi có nhiều người đỗ nhất từ 31-40 tuổi (5 người, chiếm 45,4%), đây là độ tuổi chững chạc, bước đầu tích lũy được các kinh nghiệm sống, tạo ra các bước đột phá trong con đường công danh sự nghiệp, tiếp đó từ 23-30 tuổi (3 người chiếm 27,2%), đây là độ tuổi còn trẻ, có sức khỏe, tiếp thu nhanh, trí nhớ tốt có sức bật và tạo đà cho trưởng thành và độ tuổi từ 41-51 (3 người, chiếm 27,2%) đây là độ tuổi không còn trẻ, nhưng có nhiều kinh nghiệm sống, trưởng thành.
Xét về thời gian đỗ, trong các triều Lê, Mạc làng Nguyệt Viên có 6 người đỗ gồm (Nguyễn Trật, Lê Bình Trung, Nguyễn Vị, Nguyễn Nhân Trứ, Nguyễn Kính và Nguyễn Tông), triều Nguyễn có 5 người đỗ (Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Xuân Đàm, Lê Khắc Khuyến, Lê Viết Tạo, Nguyễn Phong Di), từ khoa Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623), đời Lê Thần Tông đến khoa thi nho học cuối cùng năm 1919, mạch nối khoa bảng ở Nguyệt Viên không bị đứt đoạn, có tính nối tiếp, không như nhiều làng khoa bảng khác chỉ đỗ đạt phát triển trong một triều đại như triều Lê, cụ thể như triều Lê Thánh Tông.
Những người đỗ trung khoa
Làng Nguyệt Viên còn có một số lượng lớn các Hương cống (Cử nhân từ 1828) và các học vị tương đương, theo các nguồn tư liệu, qua thống kê chưa đầy đủ làng có trên 45 người đỗ trung khoa, trong các gia phả, dòng họ ở Nguyệt Viên hiện còn lưu giữ chỉ ghi chép những người đỗ đạt, tính từ triều Lê trở về sau, nhưng chắc hẳn việc giáo dục, học hành ở Nguyệt Viên phải có từ trước đó, song có thể vì khoa cử chưa có ai đỗ đạt cao hoặc do nguồn tư liệu bị thất lạc, đến nay không biết rõ. Làng Nguyệt Viên qua nguồn tư liệu chúng tôi nhận thấy rằng, từ thời Lê đến thời Nguyễn thời kỳ nào cũng có số lượng các Hương cống, Cử nhân, nó có tính liên tục, tiếp nối. Từ khoa thi Nhâm Ngọ, niên hiệu Chính Hòa 23 (1702) đến khoa Quý Mão, niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783), tất cả có 27 khoa thi, trong đó có 20 khoa có người Nguyệt Viên đề danh chiếm bảng Hương cống, trong đó có khoa Tân Mão, niên hiệu Vĩnh Thịnh 7 (1711) lấy đỗ 12 người, Nguyệt Viên có 5 người đỗ, (chiếm 41,6% số người đỗ). Gần như một quy luật, các dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa cũng là những dòng họ có nhiều đỗ trung khoa. Nhiều trường hợp là bố con, anh em, ông cháu kế tiếp nhau đỗ đạt như: Lê Chí Thái đỗ Hương cống khoa Tân Mão, niên hiệu Vĩnh Thịnh 7 (1711), con là Lê Chí Hiểu đỗ Hương cống khoa Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng 23 (1762); Lê Huy Áp, đỗ Hương cống (năm 1751), con là Lê Nguyên Hanh đậu Hương cống năm 1777; Hương cống Nguyễn Xuân có con là Hương cống Nguyễn Hoành, Hương cống Nguyễn Tiêm có con là Hương cống Nguyễn Tình.
Những người đỗ tiểu khoa và các bậc thấp hơn
Theo các nguồn tư liệu và gia phả các dòng họ, tuy chưa đầy đủ nhưng có đến 60 vị, nhiều khoa thi đều có người Nguyệt Viên thi đỗ. Hầu như số lượng đỗ tập trung vào một số gia đình dòng họ chiếm một số lượng lớn, trong đó có bậc Sinh đồ, có con, em, cháu là các bậc đại khoa, trung khoa tiêu biểu như: Nguyễn Như Tản đỗ Tam trường là cha của Nho sinh trúng thức Nguyễn Viết Chước, Nho sinh trúng thức Nguyễn Viết Thạch, Tiến sĩ Nguyễn Tông; hai anh em đều đỗ Tú tài như Nguyễn Duy Hinh và Nguyễn Duy Quang; Tú tài Nguyễn Duy Quang là cha của Cử nhân Nguyễn Duy Thiều và Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm… Phần lớn họ đều góp công cho đất nước, là các công thần đắc lực hay thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa trong phong trào yêu nước.
Các dòng họ có truyền thống hiếu học
Từ gia đình hiếu học, mở rộng ra dòng họ hiếu học, là sự tiếp nối của những người cùng chung dòng máu những người thành đạt luôn chú ý dẫn dắt, bảo ban dạy dỗ con cháu về tri thức, đạo làm người tạo nên nhiều dòng họ hiếu học khoa bảng nổi tiếng ở Nguyệt Viên như:
Dòng họ Lê là một trong những dòng họ có mặt sớm nhất ở làng. Gia phả dòng họ Lê làng Nguyệt Viên là tài liệu quan trọng để tra cứu truyền thống học hành đỗ đạt, tạm tính qua mười đời hầu như đời nào cũng có người học hành đỗ đạt từ cấp thấp, đến đại khoa, truyền thống dòng họ được nảy sinh trong các gia đình, cha dạy con, ông dạy cháu, anh dạy em rất phổ biến, trong gia đình, dòng họ Lê, sẵn có một kho tàng kiến thức kinh nghiệm để học hỏi và thi thố lẫn nhau, nên họ Lê có số lượng người và truyền thống học hành thi cử đỗ đạt cao so với các dòng họ khác trong làng.
Bắt đầu từ Lê Hữu Sắc (đời thứ hai) thi đậu Sinh đồ; con trai ông là Lê Hữu Điển (đời thứ ba) thi đậu Hiệu sinh; Lê Hữu Vi (đời thứ tư) thi đậu Hiệu sinh khoa Canh Tý (1720); con trai Lê Hữu Vi là Lê Huy Áp (đời thứ năm) lúc 20 tuổi thi đậu Tam trường, 29 tuổi thi đậu Hương cống; Lê Nguyên Hanh (đời thứ sáu) con trai Hương cống Lê Huy Áp, năm 10 tuổi thi đậu Tam trường, năm 22 tuổi thi đậu Hương cống khoa Đinh Dậu (1777); Tôn Trấn (Lê Tôn Trấn đời thứ sáu) thi đậu Tam trường lúc 16 tuổi; Lê Khắc Thiệu (đời thứ bảy) thi đậu Tú tài lúc 22 tuổi; Lê Hữu Triêm (đời thứ bảy, con trai của Tôn Trấn) thi đậu Tú tài khoa Đinh Dậu (1837); Lê Hữu Khênh (đời thứ tám) thi đậu Tú tài khoa Nhâm Tý (1852); Lê Hữu Huyên, Lê Hữu Riệu hai anh em ruột (đời thứ tám) đều thi đậu Tú tài cùng một khoa Mậu Thân (1848) đời Vua Tự Đức; Lê Hữu Giáo (đời thứ chín) thi đỗ Khóa sinh, là cha của Phó bảng Lê Viết Tạo; Lê Viết Tạo (đời thứ mười) thi đỗ Tú tài khoa Bính Ngọ (1906), thi đậu Giải nguyên khoa Kỷ Dậu (1909), thi đậu Phó bảng khoa Kỷ Mùi (1919).
Dòng họ Nguyễn là dòng họ lớn ở làng Nguyệt Viên, cũng là họ có công xây dựng làng từ những ngày đầu, có truyền thống hiếu học, khoa bảng, luôn lấy sự học làm trọng. Theo gia phả dòng họ có đến 44 vị đỗ đạt các bậc, trong đó có 2 vị đỗ Tiến sĩ, Phó bảng và nhiều học vị khác như Hương cống, Sinh đồ và các bậc thấp hơn. Nhiều gia đình trong dòng họ Nguyễn, liên tiếp có người đỗ đạt từ ông, cha, con, anh em, cháu chắt.
Tiêu biểu như gia đình Nguyễn Như Tản, ông thi đỗ Tam trường, làm đến chức Tri huyện, ông là cha của Nho sinh trúng thức Nguyễn Viết Chước, nho sinh trúng thức Nguyễn Viết Thạch và Tiến sĩ Nguyễn Tông; Tiến sĩ Nguyễn Tông có các con Nguyễn Viết Khảm, Nguyễn Phạm Chiêu thi đỗ Nho sinh; Nguyễn Viết Tá, Nguyễn Viết Xứ, hai anh em thi đậu Hiệu sinh cùng một khoa (là con Nho sinh Nguyễn Viết Khảm), cháu nội của Tiến sĩ Nguyễn Tông; Nguyễn Viết Viện, Nguyễn Viết Hòa đều thi đậu Hiệu sinh, là cháu nội Nho sinh Nguyễn Viết Khảm, chắt nội Tiến sĩ Nguyễn Tông; Nguyễn Duy Tân thi đậu Tú tài, triều Vua Tự Đức 14, có hai con Nguyễn Duy Hinh, Nguyễn Duy Quang đều là Tú tài; Tú tài Nguyễn Duy Quang là cha của Cử nhân Nguyễn Duy Thiều, Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm và Tú tài Nguyễn Xuân Trác; Nguyễn Xuân Giai và Nguyễn Xuân Nhượng đều đậu Tú tài (cháu nội của Tú tài Nguyễn Duy Quang).
Dòng họ Nguyễn Hữu là một trong những dòng họ lớn ở Nguyệt Viên, một dòng họ có truyền thống hiếu học đỗ đạt. Do nguồn tư liệu thất lạc, nên không thể đưa ra con số chính xác, theo như nguồn tư liệu hiện có ở nhà thờ họ và nhà thờ Phó bảng Nguyễn Hữu Độ cho thấy dòng họ nhiều đời có người đỗ đạt, trong gia phả có ghi: Triều Lê có Nguyễn Châu Định là giám sinh trường Quốc tử giám, Nguyễn Từ Tín là Giám sinh trường Quốc tử Giám, Nguyễn Húy Tân (tự Nguyệt Mục Hiên) là Giám sinh Quốc tử giám. Đặc biệt, dòng họ có hai anh em đỗ đạt cao, anh là Phó bảng Nguyễn Hữu Độ, em Cử nhân Nguyễn Quý Công.
Những đóng góp của người đỗ đạt
Xây dựng triều chính: nhiều nho sĩ làng Nguyệt Viên đã sử dụng học vấn của mình để phò vua, trực tiếp ra trận như một bậc công thần: Nguyễn Hữu Liêu (vị tướng giỏi, chỉ huy quân đội suốt 42 năm); Sinh đồ Lê Hữu Sắc được vua ban thưởng khi thấy ông giúp dân có cuộc sống ấm no, an bình. Vua Lê đã đổi tên làng từ Nguyệt Nổ thành Nguyệt Viên; Tri huyện Nguyễn Như Tản xử án cứu dân; Tôn Trấn, Lê Hữu Triêm Quan tri huyện (con thứ ba của Hình bộ Tham tri Tôn Trấn) đều là những vị quan thanh liêm; Phó bảng Nguyễn Hữu Độ giữ vai trò quyết định cho việc Đồng Khánh lên ngôi, nên được phong làm cố mạng lương thần gia hàm Thái sư, cần chánh điện đại học sĩ kiêm Cơ mật đại thần; Tú tài Nguyễn Duy Hinh tổ chức võ nghệ cho đội nghĩa quân; Tiến sĩ Lê Khắc Khuyến hết lòng yêu nước, thương dân; Tiến sĩ Nguyễn Phong Di hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu sang Nhật du học.
Lĩnh vực giáo dục: những người đỗ khoa bảng về giảng dạy, mở lớp học cho các sĩ tử. Có lẽ chính vì thế mà vùng đất này liên tục sản sinh ra những nhân tài cho quê hương, đất nước. Các thày đồ tiêu biểu như: Lê Khắc Huy, Lê Khắc Khuyến, Nguyễn Duy Hinh…
Lĩnh vực văn học, sử học: những nho sĩ Nguyệt Viên sáng tác thơ văn, chép sử, để lại cho đời sau nhiều kiệt tác bất hủ, tiêu biểu như Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp ký (sử); Lê triều lịch khoa tiến sĩ để danh bi ký (sử); Bắc Kỳ tạp biên (ghi chép sự việc và địa điểm ở Bắc Kỳ); Viên Trai thi tập, Viên Trai văn tập, Quốc triều xử trí Vạn Tượng sự nghị lục (sử); Thanh Hóa dư đồ sự tích ký (địa, cổ tích); Ngũ man phong thổ ký (phong tục tập quán của một số dân tộc thiểu số ở biên giới Việt - Lào). Phó bảng Nguyễn Hữu Độ giành nhiều thời gian cùng nhóm các tác giả trong Quốc sử quán, biên soạn bộ Đại Nam thực lục chính biên, Tống Khê tấu thị tập. Tiến sĩ Lê Khắc Khuyến sáng tác tác phẩm Từ Thức tiên hôn truyện.
Xây dựng làng xóm, quê hương: dù bận trăm công nghìn việc nhưng các vị đại quan của làng Nguyệt Viên vẫn hướng về quê hương, xây dựng các công trình văn hóa đình, chùa, nhà thờ, cúng tiến lương thực cứu dân khi xảy ra nạn đói (1824).
Để có được những vị quan thanh liêm, chính trực, đóng góp được nhiều trí lực cho đất nước chính là từ hệ thức tư tưởng Nho giáo, dạy những bậc Nho sĩ tu dưỡng đạo đức, hiểu cách làm người. Cùng với đó là chế độ khoa cử, tuyển dụng người tài được triều đình khuyến khích. Tại mỗi gia tộc, họ đều có “cuộc đua” học hành, tìm thày đồ tâm huyết, tài giỏi để dạy dỗ con cái nên nơi đây sớm hình thành “đất học”, đứa trẻ sinh ra sớm ý thức học hành, có ý chí vươn lên.
Làng Nguyệt Viên bắt đầu xây dựng những quy định mới trong phong tục làng xã về những người đỗ, chức sắc, làm quan sẽ được ngồi ở chiếu tương ứng.
Đứng ở góc độ tâm lý, tinh thần, ngôi làng trước đây có tên là Nguyệt (trăng) Nỗ (cánh cung), nhưng vị trí làng khi đó thì gần như mặt trăng nằm ở cuối vòng cánh cung cho nên không đủ lực đẩy tên đi xa trúng đích được. Do đó làng đã dời lên đoạn nằm gọn giữa vòng cánh cung của đoạn sông Mã và đổi tên thành Nguyệt Viên (trăng tròn nằm gọn giữa vòng cánh cung tạo nên sức mạnh đẩy tên đi xa và trúng đích), biểu tượng cho khát vọng của người dân hướng tới ấm no, hạnh phúc, trí tuệ trên con đường học vấn.
3. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống khoa bảng của làng Nguyệt Viên trong tình hình hiện nay
Trải dài theo dòng thời gian của lịch sử, Nguyệt Viên có nhiều thay đổi về chế độ khoa cử cũng như vinh danh hiền tài. Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học từ xưa đến nay, làng Nguyệt Viên luôn khuyến học, khuyến tài, gìn giữ văn hóa làng. Trong thời đại ngày nay, làng Nguyệt Viên cần triển khai những công việc sau:
Đảng ủy, UBND phường Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa cần đề xuất, có chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho trường, lớp hiện đại, xứng đáng với truyền thống hiếu học khoa bảng của làng; chính quyền và Hội khuyến học xã tiếp tục có kế hoạch, chương trình, kêu gọi con em trong xã thành đạt mọi miền và trên thế giới ủng hộ phong trào, lập quỹ khuyến học, hoạt động hiệu quả; lên kế hoạch sưu tầm, thống kê những con em đỗ đạt từ cử nhân trở lên, làm cuốn sổ vàng truyền thống làng khoa bảng Nguyệt Viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng cuốn sách về các nhà khoa bảng; xây dựng cổng làng với tên gọi làng khoa bảng Nguyệt Viên. Kêu gọi các nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà giáo dục làm phim về truyền thống hiếu học khoa bảng xưa và nay; có hình thức khen thưởng, đánh giá phong trào xây dựng gia đình, khu dân cư xóm, thôn và dòng họ hiếu học; cần tiến hành khẩn cấp sưu tầm các nguồn tài liệu Hán - Nôm, chữ Quốc ngữ (thần tích, thần sắc, gia phả dòng họ, nhất là Hương ước) để bảo tồn tư liệu và phát huy giá trị.
Bên cạnh đó, làng Nguyệt Viên cần có lộ trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, làm nên một làng khoa bảng đậm đà bản sắc và truyền thống.
Kết luận
Truyền thống hiếu học khoa bảng của làng Nguyệt Viên, được tạo dựng trên nền tảng vững chắc, được cấu thành từ nhiều thành tố khác nhau, đặc biệt là truyền thống văn hóa, trong đó có sự nỗ lực của mỗi thành viên trong họ tộc, của truyền thống gia đình, sự khích lệ của cộng đồng làng xã và khách thể là chính sách đãi ngộ trọng dụng nhân tài của Nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử; ở đâu và môi trường nào cộng đồng cư dân và các vị khoa bảng đều cần thiết lập những giá trị sống và cống hiến những đóng góp nhỏ bé của mình cho nhân dân, đất nước.
______________________
Ngày Tòa soạn nhận bài: 8-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 17-2-2025; Ngày duyệt đăng: 25-2-2025.
Ths LÊ ĐỨC VỊNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025