Hình tượng người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ

Phụ nữ là đề tài muôn thuở trong sáng tác nghệ thuật, từ âm nhạc, văn học, thơ ca, đến hội họa. Đề tài về người phụ nữ ở mỗi giai đoạn lịch sử được sáng tác, thể hiện khác nhau từ vẻ đẹp hình thể đến vẻ đẹp tâm hồn. Mỗi họa sĩ đã tạo nên những phong cách mới lạ khác nhau khi thể hiện chủ đề này. Bài viết đề cập tới vẻ đẹp của người phụ nữ gắn liền với tình cảm quê hương trong tranh họa sĩ Mai Trung Thứ. Bằng tài năng và kỹ thuật làm chủ với mọi chất liệu, ông đã để lại nhiều tác phẩm đẹp về người phụ nữ Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử mỹ thuật.

Tranh sơn dầu Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ - Nguồn: Hội Mỹ thuật Việt Nam

1. Mai Trung Thứ - họa sĩ tiêu biểu trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Trong lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam, Mai Trung Thứ đã ghi dấu như một trong những người đưa mỹ thuật trong nước ra thế giới. Sinh ra trong gia đình quan lại, ông được học tập bài bản và thoải mái bộc lộ đam mê từ bé. Năm 19 tuổi, ông cùng Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh... trở thành những sinh viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trong những năm học tại trường, Mai Trung Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu và đi sâu vào vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó. Năm 1930, Mai Trung Thứ tốt nghiệp khóa đầu tiên của ngôi trường này. 25 tuổi, tranh của ông được trưng bày tại nhiều triển lãm trên thế giới như Paris, Roma, Bỉ... Vào những năm đầu TK XX của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Mai Trung Thứ là một trong những họa sĩ nổi tiếng. Sau đó, ông nhận công tác tại Trường Quốc học Huế và tại đây, ông tiếp tục phát triển tài năng với chất liệu lụa - chất liệu tranh lụa đã tạo nên tên tuổi ông sau này. Tranh lụa của Mai Trung Thứ mang tới cho người đối diện cảm giác bình yên, thư thái… Những năm sau đó của thập niên 30 của TK trước, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Ý, Bỉ, Hoa Kỳ, Pháp. Giữa trời Tây, ông đã tiếp tục cho ra mắt nhiều tác phẩm tranh lụa về đề tài thiếu nữ, trẻ em, làng quê Việt Nam với những mái lá, đền đài...

Vào năm 1937, bước ngoặt mới đến với Mai Trung Thứ khi ông được cử sang Pháp dự Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật trang trí. Sau đó, ông quyết định ở lại sống và làm việc. Từ đó, ông vẽ nên trang sử cuộc đời của một trong “tứ kiệt trời Âu” trong nền hội họa Việt Nam: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Vũ Cao Đàm - Lê Thị Lựu). Tuy phần lớn cuộc đời của ông sống và hoạt động nghệ thuật ở nước Pháp, nhưng tên tuổi ông trong nền hội họa lại gắn liền với những tác phẩm về đề tài phụ nữ, trẻ em và cuộc sống ngày thường dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông. Mai Trung Thứ thường được gọi là họa sĩ của mộng mơ. Ông đã dành trọn cuộc đời mình cho những khoảng khắc bình yên trong cuộc sống, để rồi thỏa sức sáng tạo nên những nét vẽ thiếu nữ như trong tiềm thức. Mai Trung Thứ đã tìm về phương Đông, về tinh thần dân tộc Việt Nam mạnh mẽ trong những tác phẩm hội họa của mình, mặc dù nó được thể hiện bởi những kỹ thuật và chất liệu tạo hình châu Âu. Ông đã làm sống lại ký ức về một tuổi thơ, về hình ảnh người mẹ ôm con trìu mến, về những đêm hè tĩnh mịch, về những cô gái Hà Thành của những năm 1930… Đó là những dấu ấn khó phai nhòa, vô cùng gần gũi với tâm hồn Việt.

2. Hình tượng người phụ nữ trong tranh sơn dầu

Với danh tiếng nổi bật của nền mỹ thuật Việt Nam, những năm đầu của sự nghiệp cầm cọ vẽ, họa sĩ Mai Trung Thứ đã theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu và đi sâu vào vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó. Phụ nữ tuy không phải là đề tài nổi bật của ông ở chất liệu sơn dầu, nhưng hai kiệt tác Chân dung cô Phương và Phụ nữ đội nón lá bên sông đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem trong nước và bạn bè quốc tế. Nhân vật trong hai bức tranh mang nhiều điểm chung: mặc áo dài, gương mặt trái xoan thanh thoát, toát lên vẻ đẹp nền nã, dịu dàng. Bức Phụ nữ đội nón lá bên sông mang nét thơ mộng, trẻ trung, khác với bức Chân dung cô Phương thể hiện sự sang trọng, bí ẩn, đầy quý phái của tiểu thư nhà giàu.

Bức Chân dung cô Phương được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với kích thước 78cmx135cm. Bức tranh này được trưng bày lần đầu tiên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1930 và được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris (Pháp). Có ý kiến cho rằng: “Đây là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Trung Thứ đối với người mẫu” (1). Ở tác phẩm này, cách vẽ của Mai Trung Thứ mộc mạc, tạo hình mang tính “hàn lâm” hơn so với cách vẽ biến ảo sau này đã tạo nên tên tuổi ông. Bức tranh được Mai Trung Thứ thể hiện hình tượng cô gái trong trang phục áo dài cổ điển, tóc vấn khăn, đi guốc cao, lối vẽ giản dị chân phương.

Khi thưởng tranh, người xem ngỡ như “cô Phương” đang nhìn mình đắm đuối và có nhiều điều muốn tâm tình. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tác phẩm khắc họa rõ nét hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam từ tà áo dài, cách vấn khăn, kiềng đeo cổ cho đến gương mặt và dáng ngồi. Trong tranh vẽ một người con gái ngồi nhẹ lên chiếc ghế gỗ, một tay để hờ lên chân, một tay chống xuống ghế, trọng lực cơ thể người dồn vào tay này. Dáng ngồi của cô gái rất khoan thai, nhẹ nhàng, hợp với hòa sắc chung trong bố cục chặt chẽ của bức tranh. Khuôn mặt trái xoan, dáng ngồi thư thái cùng với bộ quần áo dài trên người kèm khăn vấn truyền thống rất Việt Nam. Tuy nhiên, thoáng đâu đấy, người xem vẫn cảm nhận được sự hiện đại của cô gái thông qua chiếc áo dài cách tân cùng màu xanh ngọc nhạt. Họa sĩ sử dụng gam màu mát dịu, áo dài xanh ngọc lạ kết hợp cùng quần lụa màu trắng ngà trên nền nâu vàng cho ta hòa sắc nhẹ nhàng, mát dịu, êm ái càng tôn lên vẻ đẹp của người con gái Hà Thành xưa. Bố cục hình tam giác cân với đỉnh là đầu cô gái, kéo dài xuống hai đáy là chân và ghế mang đến sự yên bình, tự tại cho khung cảnh và nhân vật. Không gian không rõ ràng mang đến cho bức tranh sự bí ẩn cần thiết để người xem cảm thấy cuốn hút.

Bức Phụ nữ đội nón lá bên sông được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với kích thước 98cmx71cm. Bức tranh được họa sĩ Mai Trung Thứ vẽ năm 1937 trong giai đoạn đầu của sự nghiệp và đây cũng là năm cuối cùng ông ở Việt Nam. Trong tranh, hình tượng người phụ nữ mặc áo dài xanh, có gương mặt trái xoan, đôi mắt to, lọn tóc xoăn rơi vào má; là hình mẫu yêu thích của Mai Trung Thứ trong thời gian ông ở Huế. Qua kỹ năng phối màu, nét vẽ khéo léo, ông khắc họa về cuộc sống hằng ngày ở Huế một thời. Hình ảnh một người phụ nữ đội nón đứng bên bờ sông vào buổi trưa, chiếc áo dài màu xanh lá cây lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời như thể cô là nhân vật được tạc ra từ ngọc bích. Khuôn mặt cô gợi vẻ bí ẩn và được che bóng trong vành nón lá. Sự yên bình của khung cảnh được tạo nên bởi màu sắc hài hòa và biểu cảm ngọt ngào của người phụ nữ. Dưới trời trưa nắng gắt nhưng khuôn mặt cô gái vẫn mang đến cho người xem sự nhẹ nhàng. Một phần vì các nét thanh thoát trên khuôn mặt cô gái, một phần vì sự diễn tả sáng tối rất tốt có sự tương phản giữa phần nắng trên áo, trên bầu trời và phần bóng râm được che bởi nón lá làm cho khuôn mặt cô gái trở nên dễ chịu hơn.

3. Hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa

Trong suốt sự nghiệp, Mai Trung Thứ dành tâm sức cho tranh lụa. Ông được coi là họa sĩ góp phần quan trọng tạo nên sự phong phú về màu sắc của chất liệu lụa Việt Nam đương thời bằng các đề tài yêu thích của ông là phụ nữ, trẻ em và cuộc sống hằng ngày bằng cái nhìn mang đầy màu sắc dân gian và bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Hình ảnh người thiếu nữ đậm hồn Việt trong tranh lụa là dấu ấn làm nên tên tuổi của Mai Trung Thứ. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp và về dạy học tại Trường Quốc học Huế, tài năng của ông nở rộ với loạt tác phẩm tranh lụa vẽ người con gái nơi đây. Cùng đề tài thiếu nữ, có họa sĩ khắc họa lên vẻ đẹp đài các, quý phái như Lê Phổ, có họa sĩ thổi vào tranh sự trong trẻo như Tô Ngọc Vân, còn Mai Trung Thứ chuộng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát. Trong tranh của ông, các cô gái thường có vóc dáng mảnh mai, diện áo dài, tóc búi. Năm 1967, ông tổ chức triển lãm cá nhân với chủ đề phụ nữ, được giới chuyên môn và công chúng đón nhận.

Đề tài phụ nữ với chất liệu lụa không thể không kể đến bộ tác phẩm nổi danh Thưởng trà của họa sĩ Mai Trung Thứ. Bộ tác phẩm miêu tả sinh động khoảnh khắc thưởng trà thư thái, tĩnh tại, phản ánh nét đẹp trong lối sống của người Việt ở TK XX. Đặc biệt, những tác phẩm trong bộ Thưởng trà đã mô tả sinh động khung cảnh thưởng trà tĩnh tại, đầy thư thái và để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng người chiêm ngưỡng.

Nổi danh bậc nhất trong bộ tác phẩm Thưởng trà là bức Lễ trà, sáng tác năm 1971. Bức vẽ có kích thước 60cmx58,5cm, thực hiện trên chất liệu lụa. Bức tranh nổi bật với những gam màu tươi sáng, con người và cảnh vật đều tươi sáng. Những người phụ nữ trong bức tranh này đại diện cho ba thế hệ: trẻ con, trưởng thành và người cao tuổi, mặc áo dài truyền thống gọn gàng với những màu sắc tươi tắn đầy sức sống. Vẫn là những nét vẽ nhẹ nhàng đặc trưng của chất liệu lụa và người phụ nữ, họa sĩ cho chúng ta một cảm giác thư thái trong không gian thưởng trà, có cảm giác sinh động, vui vẻ, tinh nghịch của những đứa trẻ xung quanh trong bố cục tranh. Họa sĩ Mai Trung Thứ sử dụng những mảng màu nguyên sắc như xanh, đỏ, vàng, lục... đậm đà và tươi sáng… nét chắt lọc, qua suy nghiệm để đi đến một sự thanh thoát, vẽ như hư không. Những gam màu lục biếc của ông đầy chất thơ tuyệt diệu (2). Ông khắt khe về bố cục, có sự thống nhất về màu sắc, đường nét và không gian. Tranh có sự cải biên dựa trên kỹ thuật vẽ của hội họa hiện đại phương Tây, tạo ra phong cách riêng biệt.

Bức họa thứ hai trong bộ Thưởng tràGiờ uống trà được Mai Trung Thứ đề năm 1957, với hoạt cảnh ba thiếu nữ thảnh thơi thưởng trà. Tranh được vẽ trên chất liệu lụa với kích thước 46cmx38cm. Tranh vẽ ba thiếu nữ ngồi thưởng trà. Tuy đều là dáng ngồi, nhưng tác giả đã linh hoạt thay đổi dáng chân, thế tay, góc mặt làm cho bức tranh vẫn có sự mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn sống động. Những nét lượn mềm mại của tà áo dài bên cạnh hình ảnh những chiếc mấn đội đầu, kiểu tóc vấn buông lơi nhẹ nhàng của người phụ nữ xưa càng làm cho bức tranh toát lên được vẻ đẹp mỏng manh của chất liệu lụa và sự thanh tao của người phụ nữ Việt xưa.

Tranh thiếu nữ của Mai Trung Thứ gợi nhớ một nét đẹp duyên dáng, thùy mị với hình dáng mảnh mai, thon thả, yêu kiều, đặc biệt là đôi mắt. Ông diễn tả đôi mắt thiếu nữ thật đa sầu, đa cảm. Nhân vật trong tranh của ông đều có đôi mắt buồn vô cớ, tư lự mà những ai đã xem tranh thiếu nữ của ông sẽ mãi nhớ nhung.

Bức Thiếu nữ chơi đàn nguyệt, chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 73cmx61cm là một trong những tác phẩm nổi bật trong gia tài tranh lụa - dấu ấn làm nên tên tuổi của Mai Trung Thứ. Bức tranh không chỉ hòa quyện giữa thị giác và thính giác một cách uyển chuyển, trữ tình, còn mời gọi người xem trải nghiệm khoảnh khắc thân thuộc thoáng qua được ghi lại trong không gian hình ảnh. Ngoài ra, họa sĩ Mai Trung Thứ đã sử dụng kỹ thuật tạo hình phương Tây và cách bố cục đối lập để vẽ tác phẩm với 2 chủ thể chính (chính diện - quay lưng) tạo nên sự cân bằng thị giác nhưng không bị tẻ nhạt. Dù là điểm nhìn đầu tiên của bức tranh, nhưng thiếu nữ chơi đàn lại hướng ánh nhìn ra xa, đôi mắt của cô mơ mộng, xa xăm lẫn chút u sầu, trong khi ánh mắt của nhân vật còn lại lẫn người xem đều hướng về cô. Điều này tạo sự chuyển động linh hoạt trong bố cục, cho phép người xem dõi theo dấu vết thị giác họa sĩ sắp đặt và tự do di chuyển quanh bức tranh. Ánh mắt trầm ngâm của người thiếu nữ đóng vai trò tạo sự hấp dẫn tương tác giữa người xem và tác phẩm nghệ thuật. Các vật dụng như tách trà, quạt xếp gợi nhớ yếu tố văn hóa Việt. Tác phẩm còn thể hiện niềm đam mê âm nhạc của Mai Trung Thứ. Ông biết chơi sáo trúc, đàn bầu. Khi sang Pháp, ông thường xuyên biểu diễn trong các buổi hòa nhạc và thu âm album Musique du Viet-nam cùng Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê. Trong cuộc phỏng vấn năm 1967, họa sĩ nói đặc biệt thích nghe nhạc truyền thống Việt Nam khi vẽ.

Kết luận

Nhà sưu tầm Jean Francois Apesteguy viết: “Nhờ Mai Thứ, tôi biết đến một Việt Nam thanh bình, nên thơ với hình ảnh những thiếu nữ mơ mộng trong tà áo dài, những đứa trẻ đang nô đùa, học tập và cả phong cảnh, các loại nhạc cụ. Tôi yêu cách ông sử dụng màu sắc và bài trí bố cục theo một cách rất riêng. Tranh của ông sẽ còn sống mãi” (3). Hình ảnh người thiếu nữ đậm hồn Việt là dấu ấn làm nên tên tuổi của Mai Trung Thứ. Những tác phẩm mang màu sắc văn hóa Việt hiện lên qua đề tài về phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày; và người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ mang phong cách trữ tình, lãng mạn, đậm đà bản sắc văn hóa Việt - là người phụ nữ vừa duyên dáng, thanh lịch, nhưng có những nét hiện đại. Dưới các góc nhìn khác nhau qua từng giai đoạn, hình tượng người phụ nữ Việt Nam lại hiện lên một cách đa dạng, phong phú. Các tác phẩm về chủ đề phụ nữ của ông mang phong cách riêng tạo nên những giá trị nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ đã được nhiều chuyên gia trong giới chuyên môn đánh giá cao và ghi dấu ấn với những gam màu sắc tươi sáng mang đậm hơi thở của văn hóa, truyền thống Việt Nam. 

____________________

1. Quỳnh Chi, Mai Trung Thứ - Bậc kỳ tài tranh lụa, giaoducthoidai.vn, 3-6-2021.

2, 3. Hiểu Nhân, Danh họa Mai Trung Thứ tạc hồn Việt trên tranh lụa, vnexpress.net, 30-5-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Trương Quốc Bình, Các tác phẩm hội họa Việt Nam lưu giữ và bảo tồn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015.

2. Bộ Văn hóa thông tin và Thể thao, Tuyển tập mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003.

3. Nguyễn Phi Hoanh, Mỹ thuật và nghệ sĩ, Nxb TP. HCM, 1993.

4. Hội Mỹ thuật Việt Nam, Các bậc thầy hội họa Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1994.

5. Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tranh lụa Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1997.

Ths LÊ THỊ THANH XUÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;