Bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian thông qua tác phẩm hội họa

Tác phẩm "La Joueuse de luth" (Người chơi đàn), chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 37x57 cm, họa sĩ Trương Văn Ý, đã đấu giá tại sàn Lynda Trove - Ảnh: arttimes.vn

Trong xu thế hội nhập hiện nay, khi mà cả thế giới đang hướng đến gần nhau, việc toàn cầu hóa văn hóa một mặt tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội giao lưu học hỏi, tăng cường sự hiểu biết và tiếp thu tinh hoa của nhân loại, mặt khác cũng là nguy cơ làm mai một bản sắc văn hóa của dân tộc nếu như không biết chọn lọc trong tiếp biến văn hóa và phát huy những thế mạnh văn hóa của dân tộc mình. Do vậy, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đối với bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian Việt Nam. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ và phát triển di sản văn hóa của dân tộc.

Mặc dù văn hóa dân gian Việt Nam vẫn tồn tại và được duy trì trong một số cộng đồng, nhưng nó đang đối mặt với nguy cơ mất dần do tác động của sự thay đổi xã hội, công nghệ và sự tiến bộ kinh tế. Sự mất mát tri thức, sự lãng quên và ít quan tâm từ thế hệ trẻ là những thách thức đối với bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian.

Các thành tố trong văn hóa dân gian

Văn hóa dân gian bao gồm những đối tượng có thể tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau, do đó chúng ta có thể phân loại các thành tố văn hóa dân gian như sau:

Văn hóa tinh thần (văn hóa phi vật thể): những di sản văn hóa đem lại nguồn cảm hứng thẩm mỹ cho con người bằng những hoạt động của các loại hình nghệ thuật như thơ ca, múa, nhạc và lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, luật tục, tri thức dân gian, nghề truyền thống, võ thuật dân tộc… Chúng được lưu truyền từ đời này sang đời kia bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề…

 Văn hóa vật chất (văn hóa vật thể): là những di sản có thể nhìn thấy hoặc cầm nắm cụ thể, chúng thường có giá trị về thẩm mỹ và mang tính lịch sử. Ví dụ: những ngôi đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, vật dụng phục vụ đời sống gia đình và cộng đồng, y phục, công cụ lao động sản xuất…

Sự phân chia trên mang tính tương đối, bởi trong thực tế các dạng đối tượng ấy có thể vừa là văn hóa tinh thần, vừa là văn hóa vật chất. Khi có yếu tố thẩm mỹ, có yếu tố văn hóa, chúng sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu của văn hóa dân gian, là các thành tố văn hóa dân gian cụ thể.

Theo PGS, TS Lê Ngọc Canh, thành tố văn hóa dân gian bao gồm: âm nhạc (âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu); múa (động tác, hình dáng, đội hình); nhạc (âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu, lời ca); sân khấu (chèo, tuồng, rối); diễn xướng (ca, múa, nhạc, kịch); trò chơi (chơi đẹp, trí tuệ); ngữ văn (nghệ thuật ngôn từ); tạo hình (đường nét, màu sắc chất liệu); lễ hội (tổng hợp các thành tố); tri thức (ăn mặc, ở, đi lại, lao động…).

Văn hóa dân gian là những di sản văn hóa của cộng đồng người dân lao động được sáng tạo, tích lũy và lưu truyền từ đời này sang đời kia, được sự tiếp nối, kế thừa và phát huy liên tục của các thế hệ con người làm cho văn hóa ấy ngày một phát triển và hoàn thiện, trở thành bộ phận quan trọng trong vốn văn hóa dân tộc, một bộ phận của văn hóa nhân loại với những nét bản sắc riêng.

Sự quan tâm của chính quyền đối với văn hóa dân gian

Nhà nước đã ban hành các chính sách và pháp luật nhằm bảo vệ và phát triển văn hóa dân gian mà nổi bật là Luật Di sản văn hóa và các quy định khác liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Nhà nước cũng cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích và phát triển hoạt động văn hóa dân gian. Điều này bao gồm việc tài trợ cho các sự kiện và dự án văn hóa, hỗ trợ cho các nghệ nhân và nghệ sĩ truyền thống, đầu tư vào việc duy trì và phát triển các trung tâm văn hóa dân gian.

Ngoài ra, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đào tạo và giáo dục về văn hóa dân gian. Các trường đại học và trung tâm nghệ thuật trong cả nước cung cấp các khóa học và chương trình học liên quan đến văn hóa dân gian, để truyền đạt phát triển kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực này. Nhà nước thực hiện nhiều dự án và chương trình nhằm bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa dân gian. Đây có thể là việc khôi phục các công trình kiến trúc truyền thống, tổ chức triển lãm và trưng bày di sản văn hóa, hoặc hỗ trợ cho các nghệ nhân và nghệ sĩ truyền thống. Các sự kiện và triển lãm văn hóa dân gian, cuộc thi văn hóa dân gian cũng được tổ chức đều đặn, tạo cơ hội cho cộng đồng, du khách tham gia và tìm hiểu về văn hóa dân gian. Như vậy, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm và cam kết đối với bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian Việt Nam, nhằm bảo vệ và truyền bá giá trị của di sản văn hóa dân tộc.

Tác phẩm hội họa truyền tải thông điệp văn hóa dân gian Việt Nam

Là một biểu hiện nghệ thuật đặc biệt được kết hợp giữa nghệ thuật hội họa và sự truyền tải, bảo tồn giá trị của văn hóa dân gian Việt Nam, những tác phẩm này không chỉ là những bức tranh đẹp mà còn chứa đựng sâu sắc những thông điệp về truyền thống, lịch sử và tâm hồn dân tộc.

Hội họa với đề tài văn hóa dân gian Việt Nam mang trong mình một giá trị bảo tồn văn hóa đích thực. Thông qua các tác phẩm hội họa là những cánh cửa mở ra thế giới để kể lại văn hóa dân gian Việt Nam, nơi mà những câu chuyện, truyền thống và giá trị kinh nghiệm được hình thành. Chúng tái hiện vẻ đẹp của các trò chơi dân gian, lễ hội, truyền thống gia đình và cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam. Nhìn vào những bức tranh này, ta cảm nhận được sự chân thật và chân phương của văn hóa dân gian, những giá trị tình yêu, đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.

Hội họa với đề tài văn hóa dân gian Việt Nam không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những cống hiến vĩ đại của nghệ sĩ trong việc bảo tồn và truyền bá văn hóa dân gian. Chúng giữ gìn những giá trị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm cho những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết còn sống mãi trong tâm hồn của chúng ta.

Trong các tác phẩm hội họa truyền tải thông điệp văn hóa dân gian Việt Nam, chúng ta thường thấy những hình ảnh và biểu tượng đặc trưng của văn hóa dân gian như cây cầu tre, con rồng, con phượng, hoa sen, trống đồng, áo dài và cả những hoạt động hằng ngày, hoạt động lễ hội cũng đã trở thành hình tượng tiêu biểu mang tính thẩm mỹ được các họa sĩ khai thác để làm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình.

Thông qua việc sử dụng màu sắc, nét vẽ và sự tinh tế trong cách phối hợp các yếu tố hình ảnh, tác phẩm hội họa truyền tải thông điệp văn hóa dân gian Việt Nam truyền cảm hứng và khơi gợi những kỷ niệm, cảm xúc sâu xa trong lòng người xem. Những tác phẩm này thường thể hiện những câu chuyện, truyền thuyết và giá trị truyền thống của dân tộc, từng bước đưa chúng ta trở về quá khứ, khám phá sự đa dạng và đẹp đẽ của văn hóa dân gian Việt Nam. Có rất nhiều tác phẩm độc đáo, nổi tiếng và đoạt giải trong, ngoài nước với đề tài văn hóa dân gian như: Hát cô Đào (Lụa, Trương Văn Ý), Chợ nổi (Khắc gỗ, Nguyễn Phú Hậu), Rồng rắn lên mây (Khắc gỗ, Nguyễn Phú Hậu), Hội Xuân (Lythography, Nguyễn Thị May), Nhảy dây (Sơn dầu, Nguyễn Trung Tín)…

Hội họa là một lĩnh vực nghệ thuật đa dạng và không phải tất cả các nghệ sĩ đều sử dụng văn hóa dân gian làm nguồn cảm hứng trong tác phẩm của mình. Mỗi nghệ sĩ có phong cách, ý thức sáng tạo riêng và văn hóa dân gian chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể được khám phá và sử dụng trong hội họa. Tuy nhiên, nếu có thể sáng tạo, có thể thăng hoa cùng văn hóa dân gian Việt Nam để tạo nên tác phẩm hội họa cho chính mình và cũng để góp phần vào việc tuyên truyền bảo tồn văn hóa dân gian thì chúng ta cứ mạnh dạn trải nghiệm xem, đó chắc hẳn là một hoạt động thật nhiều ý nghĩa. Bởi, tác phẩm hội họa truyền tải thông điệp văn hóa dân gian Việt Nam không chỉ đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những cầu nối giữa thế hệ trẻ và truyền thống văn hóa dân gian. Chúng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian, đồng thời mang lại niềm tự hào và nhận thức về giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian thông qua hội họa nghệ thuật số

Hiện nay, hội họa không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật được thể hiện với các chất liệu phổ biến như sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ… Với sự phát triển công nghệ, hội họa nghệ thuật số đã ra đời thông qua các công cụ thiết bị phương tiện số mà chủ yếu là trên nền tảng các phần mềm đồ họa. Hội họa nghệ thuật số mang đến một khía cạnh mới đầy tiềm năng cho việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân gian. Với sự phát triển của công nghệ số và truyền thông, hội họa số đã mở ra những cánh cửa rộng lớn để khám phá và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống một cách toàn cầu.

Thông qua hội họa nghệ thuật số, chúng ta có cơ hội tái hiện và thể hiện các yếu tố văn hóa dân gian. Các nghệ sĩ có thể sử dụng các công cụ số và phần mềm đồ họa để tạo ra những tác phẩm số độc đáo, mô phỏng các nét vẽ và phong cách truyền thống. Nhờ vào tính linh hoạt này, họ có thể tái tạo và tăng cường những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, trò chơi, lễ hội và truyền thống gia đình.

Phát triển hội họa nghệ thuật số cũng mở ra cơ hội để tiếp cận với mọi người trên khắp thế giới. Trên internet và các nền tảng truyền thông xã hội, các tác phẩm hội họa số có thể được chia sẻ và truyền tải một cách dễ dàng và nhanh chóng. Điều này tạo ra một sự tiếp xúc rộng lớn và tạo đà cho việc lan truyền văn hóa dân gian đến mọi người, bất kể vị trí địa lý hay giới hạn văn hóa.

Bên cạnh việc bảo tồn, hội họa số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy và phát triển văn hóa dân gian. Các nghệ sĩ có thể kết hợp những yếu tố truyền thống với ý tưởng đương đại để tạo ra những tác phẩm sáng tạo, mang tính hiện đại và thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ tuổi. Điều này giúp duy trì sự sống động và khai thác tiềm năng của văn hóa dân gian, đồng thời tạo ra sự tương tác và giao lưu giữa các thế hệ.

Bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian thông qua hội họa số, nghệ thuật số là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra sự đa dạng và sự sống động cho văn hóa dân tộc. Nó mở rộng phạm vi và tầm quan trọng của văn hóa dân gian, đồng thời giúp lan tỏa và chia sẻ những giá trị văn hóa đến mọi người. Với sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ, hội họa nghệ thuật số sẽ có đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian trong thời đại số hóa.

Đặc biệt, trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đòi hỏi mỗi chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, nhất là các họa sĩ phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hoạt động, làm cho tình yêu di sản văn hóa, ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu, nâng cao trong toàn xã hội, trở thành mục tiêu, động lực của sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đảng, Nhà nước ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thông qua các tác phẩm hội họa; tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân phát huy tính năng động, sáng tạo của mình cho nghệ thuật, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức và có những đầu tư, hợp tác phát triển trong phát triển nghệ thuật dân gian, thông qua tác phẩm hội họa. Việc tổ chức giới thiệu, triển lãm tác phẩm hội họa về văn hóa dân gian, cần có sự giám sát, kiểm tra, kiểm duyệt chặt chẽ của các tổ chức, lực lượng có thẩm quyền, bảo đảm tính Đảng, tính giáo dục, tính thẩm mỹ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thấy được bức tranh văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng, nhưng thống nhất ở đường hướng, mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kết luận

Qua những tác phẩm hội họa, ta nhận ra rằng, việc bảo tồn văn hóa dân gian Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà còn là của cả xã hội. Chúng ta cần trân trọng và ghi nhớ giá trị văn hóa của dân tộc, và hội họa với đề tài văn hóa dân gian là một công cụ mạnh mẽ để làm điều đó. Chúng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ, nhận thức về hiện tại và tạo nên sự gắn kết với tương lai của chúng ta. Chúng là nguồn cảm hứng không chỉ cho các nghệ sĩ mà còn cho cả xã hội, khuyến khích sự tự hào và lòng yêu nước trong mỗi cá nhân. Đó là một di sản văn hóa vô giá, cần được trân trọng, bảo tồn và truyền tải cho thế hệ sau.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Lê Ngọc Canh, Văn hóa dân gian những thành tố, Nxb Văn hóa - Thông tin, Trường Cao đẳng Văn hóa Thông tin TP.HCM, 1999.

2. Nguyễn Thị Chiến, Mấy suy nghĩ về văn hóa từ tuyền thống đến đương đại, Nxb Lao động, Hà Nội, 2013.

3. Hội Mỹ thuật Việt Nam - Hội Mỹ thuật TP.HCM, Họa sĩ Trương Văn Ý, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2021.

4. Hội Mỹ thuật Việt Nam - Hội Mỹ thuật TP.HCM, Lê Thị Hiển - Nguyễn Phú Hậu, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2012.

5. Hội Mỹ thuật Việt Nam, Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 2013-2023, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2023.

6. Vũ Ngọc Khánh, Tiếp cận kho tàng Folklore Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999.

Ths HUỲNH THỊ KIM TRÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;