Tóm tắt: Bài viết tập trung khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong các ca khúc cách mạng, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hình ảnh người phụ nữ kiên cường, bất khuất, dũng cảm đối mặt với kẻ thù, vừa sản xuất, vừa chiến đấu được thể hiện qua nhiều ca khúc. Tình yêu quê hương đất nước, niềm tin vào Bác Hồ, vào cách mạng, sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam cũng được các nhạc sĩ khai thác và truyền tải qua những giai điệu và lời ca sâu sắc. Bài viết cũng đề cập đến những khó khăn, mất mát mà người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu trong chiến tranh. Đó là nỗi nhớ chồng con, là sự hy sinh tuổi thanh xuân, là những nỗi đau không thể bù đắp. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ vững niềm tin vào tương lai, vào độc lập tự do của dân tộc.
Từ khóa: phụ nữ Việt Nam, ca khúc cách mạng.
Abstract: The article focuses on portraying the image of Vietnamese women in revolutionary songs, especially during the two resistance wars against the French and the Americans. The image of resilient, indomitable, and brave girls facing the enemy, both producing and fighting, is depicted through many songs. The love for the country, the belief in Uncle Ho, in the revolution, and the silent sacrifice of Vietnamese women are also exploited and conveyed by musicians through profound melodies and lyrics. The article also mentions the difficulties and losses that Vietnamese women had to endure during the war. It was the longing for husbands and children, the sacrifice of youth, and the unbearable pain. However, in any circumstances, they still maintained their belief in the future, in the independence and freedom of the nation.
Keywords: Vietnamese women, revolutionary songs.
“Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, ba nguyên tắc của giáo lý phong kiến Trung Quốc đã ảnh hưởng nặng nề đến tư tưởng người dân Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên tắc này và cả quan niệm phụ nữ chân yếu, tay mềm… không còn phù hợp với đời sống hiện thực xã hội trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ở TK XX. “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” (1), đó là lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh không những thể hiện rõ tư tưởng về chiến tranh toàn dân, mà còn là sự khẳng định trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc.
Trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ nói riêng đã chắt lọc những tấm gương điển hình thuộc các thành phần trong xã hội tham gia vào cuộc kháng chiến. Với phụ nữ Việt Nam, ở thời đại Hồ Chí Minh, ngoài thiên chức nuôi con, chăm sóc gia đình, còn phải gánh thêm một trọng trách tham gia sản xuất, hoặc trực tiếp trên mặt trận chiến đấu với kẻ thù. Ở bất cứ lĩnh vực nào, họ đều có niềm tin tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặc biệt là niềm tin với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lần trả lời phỏng vấn với các nhà báo, nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên cho biết: “Từ trong hậu địch, tôi đã tâm niệm Bác Hồ là Thánh sống trên đầu tôi. Chính vì vậy, khi bị địch bắt tù đày, nghĩ đến Bác Hồ, tôi một lòng một dạ không khai” (2).
Không mang tính tự thuật như trong văn học, ca khúc (thuộc lĩnh vực âm nhạc) có cách phản ánh riêng. Thông qua giai điệu và lời ca, từ con người - Nguyễn Thị Chiên - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã khái quát thành biểu tượng chung về phụ nữ Việt Nam: “Dòng dõi bà Trưng vốn xưa nay anh hùng/ Giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng/ Như cánh lúa hiến cho đời bao sức sống/ Xứng danh đã trao tặng người Trung hậu - Đảm đang (Bài ca người phụ nữ Việt Nam - Nguyễn Văn Tý).
Cách mạng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức những người phụ nữ. Xa chồng, nhưng họ vẫn luôn có một niềm tin vào tương lai, Hoàng Việt đã khai thác khía cạnh này về người phụ nữ Nam Bộ: “Em đi cắt lúa trên ngàn/ Rẫy trên ngàn nắng chiều chang chang/ Đường đi, nước ngập mênh mang/ Bàn chân dẫm gai lòng không thở than…/ Em đi cắt lúa trên ngàn/ Còn anh chiến đấu sa tràng/ Kháng chiến nhất quyết thành công/ Kháng chiến nhất quyết thành công/ Mai này kháng chiến thành công/ Anh về em thỏa ước mong” (Lên ngàn - Hoàng Việt). Chất liệu hò Nam Bộ kết hợp với lời ca trong ca khúc dễ làm người nghe rung động, nhưng có lẽ cái để lại ấn tượng sâu sắc nhất, đó là sự ước mong của người phụ nữ trong chiến tranh không phải nhà cao, cửa rộng, mà rất bình dị: “Anh về em thỏa ước mong”.
Những năm 60 thuộc TK XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn vô cùng cam go, khốc liệt. Ai từng sống trong những năm tháng này ở các làng Bắc Bộ, thì đã chứng kiến: khoảng 4, 5 giờ chiều, anh xã đội trưởng vai đeo túi xắc cốt đến báo tin liệt sĩ hy sinh. Khi anh rẽ vào xóm nào, nhà nào, thì ở đó sẽ có những tiếng khóc nấc nghẹn. Trong bối cảnh đất nước chiến tranh, có lẽ phụ nữ là một trong những thành phần chịu thiệt thòi nhất.
Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (3). “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đó là chân lý. Tuy nhiên, để có được độc lập tự do, là cả quá trình cam go với bao công sức, xương máu của nhiều con người thuộc các thành phần trong xã hội. Thời kỳ này, nhiều phụ nữ tiễn chồng/ người yêu lên đường ra mặt trận, ở hậu phương các chị làm công việc nặng nhọc thay chồng: “Yên tâm vững bước mà đi hỡi người mà em yêu/ Việc nhà việc nước dẫu có bao nhiêu/ Em sẽ làm tròn, anh cứ yên tâm, vững bước anh lên đường” (Tiễn anh lên đường - Nguyễn Văn Tý). Lại một ước mơ của người phụ nữ trong chiến tranh gắn với niềm tin cách mạng, bởi ai cũng hiểu rằng chỉ có chiến thắng quân thù, thì mới có ngày đoàn tụ. Chẳng cao sang, xa vời, thật đơn giản mà lãng mạn, nhưng lời ca vang lên khiến người nghe có chút ưu tư: “Anh ra nơi tuyền tuyến, em vào dân quân/ Đôi chúng ta đã chung một lời nguyền/ Thề có đánh tan giặc Mỹ/ Nam Bắc nối liền, ta sẽ gần nhau” (Tiễn anh lên đường - Nguyễn Văn Tý). Cũng theo mô típ này có nhiều ca khúc, mà điển hình là Trai anh hùng, gái đảm đang (Đỗ Nhuận): “Ơ vui bước lên đường ba sẵn sàng vui bước lên đường ba sẵn sàng anh đi/ Công tác xóm làng, ba đảm nhiệm em lo/ Nhớ anh sẽ về”; hoặc: “Còn giặc xâm lăng/ Tiền tuyến hậu phương/ Tất cả ta chung lòng/ Gắng sức hôm nay/ Giặc tan anh về, đón anh thăm đường cày” (Đường cày đảm đang - An Chung)…
Tạm gác lại ước mơ nho nhỏ, phụ nữ lại hòa mình và góp sức bằng những công việc bình thường, nhưng thật vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Bằng cách khai thác chất liệu dân ca vùng miền để đưa vào ca khúc, các nhạc sĩ đã khắc họa nên hình tượng người phụ nữ điển hình, ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều vui tươi, trong trẻo, lạc quan. “Trên quê hương quan họ/ Một làn nắng i cũng mang điệu dân ca/ Giữa mùa lúa thơm, cánh cò bay đẹp như trong mộng/ Những cô Tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa trẩy hội…/ Đây quê hương ta gái thay trai tay súng tay cày đảm đang/ Giặc đến giặc không đường về, lúa xanh mùa mùa vẫn tươi xanh (Những cô gái Quan họ - Phó Đức Phương). Rồi chị em hồn nhiên đi cấy dưới ánh đèn dù của kẻ thù, suy cho cùng cũng vì nỗi nhớ miền Nam: “Hôm nao cấy lúa ven cầu/ Dưới ánh đèn dù soi sáng đêm thâu/ Dòng sông Mã soi bóng nhịp cầu/ Có những đoàn tàu hối hả về Nam…/ Em san lấp hố bom này/ Cho những đường cày thẳng tắp vươn xa/ Dòng sông Mã vang tiếng ai hò/ Thấp thoáng buồm về nắng đượm chiều nay” (Cây lúa Hàm Rồng - Đôn Truyền).
Không còn chân yếu, tay mềm, yểu điệu, đào tơ; cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người phụ nữ xuất hiện trong ca khúc, chẳng kém gì giới mày râu, cũng phơi phới tự tin, và ngay ở những nơi lửa đạn, họ đã có những đóng góp rất đáng khâm phục. Đó là người con gái Châu Yên với lời thề quyết giữ lấy bản làng Tây Bắc, giữ lấy cái rẫy cái nương, chỉ bằng súng trường cũng bắn rơi máy bay Mỹ: “Con gái trắng nõn những búp tay/ Em có dám bắn máy bay? Bắn ngay/ Nếu không bắn quân Mỹ ác ngay/ Bom giặc gieo vào nương ruộng này (Người Châu Yên em bắn máy bay - Trọng Loan). Đó là “những cô con gái đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường (Cô gái mở đường - Xuân Giao). Tuổi mười tám, đôi mươi, mặc bom rơi đạn nổ, con gái xứ Nghệ trong ca khúc vẫn hiện lên với tư thế hiên ngang, trong trẻo và coi thường hiểm nguy: “Người con gái quê ta đôi mắt trong tựa ngọc/ Đôi giọt nước sông La thương như trời quê ta/ Em dõi theo từng ngày đếm từng loạt bom rơi/ Dẫu bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời” (Người con gái sông La - nhạc: Doãn Nho; thơ: Nguyễn Phương Thúy). Khu vực miền Trung có nhiều con đường huyết mạch nối hai miền đất nước, những năm tháng chiến tranh chống Mỹ bom đạn cày từng ngày, từng giờ, thế nhưng các “cô gái Lam Hồng giữa tiếng bom gào đạn dội/ Vẫn nghe vang vang câu hò trên đường/ Niềm vui lớn tỏa lan trên quê ta/ Đi thông đường để những chuyến xe ta băng băng qua” (Chào em cô gái Lam Hồng - Ánh Dương). Hoặc: “Đêm đã về khuya sương rơi ướt áo/ Tiếng hát em vang vọng núi rừng/ Mặc bom rơi pháo sáng mịt mùng/ Em vẫn mở đường để xe đi tới” (Cô gái mở đường - Xuân Giao). Bom đạn của quân xâm lược không thể hủy diệt được sức mạnh, niềm tin vào thắng lợi của những người con gái, mà ngược lại càng củng cố thêm sự tự hào của họ đối với Tổ quốc. Một tư tưởng xuyên suốt: vì miền Nam thân yêu, vì độc lập tự do của dân tộc, đã tạo âm hưởng hào hùng, đó chính là cái đẹp, cái cao cả mang tính nhân văn.
Không chỉ ở miền Bắc, mà phụ nữ ở khu vực Trường Sơn Tây Nguyên, trong những năm kháng chiến, cũng có nỗi nhớ nao lòng, khi chồng/ con đi theo cách mạng: “Tây Nguyên ơi cây rừng bao nhiêu lá/ Có bao nhiêu dòng suối dài/ Tây Nguyên ơi em nhắc tên anh đêm ngày trong từng câu nói/ Mỗi bữa cơm em ăn khi đi rừng lên nương” (Em là hoa Pơ lang - Đức Minh). Hay: “Buổi sáng em lên rẫy/ Thấy bóng cây Kơ nia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ/ Buổi chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây Kơ nia/ Bóng tròn che lưng mẹ/ Về nhớ anh mẹ khóc”. Dẫu là nỗi nhớ khắc khoải, nhưng phụ nữ Tây Nguyên vẫn tin vào cách mạng, bởi họ hiểu rằng: “Con giun sống nhớ đất/ Chim phí sống nhớ rừng/ Em và mẹ nhớ anh/ Uống theo nguồn miền Bắc” (Bóng cây Kơ nia - nhạc: Phạn Huỳnh Điểu; lời thơ: Ngọc Anh). Chính sự tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, nên phụ nữ Tây Nguyên không ủy mị, mà trực tiếp vót chông để cùng dân làng chống trả kẻ thù: “Ai nhanh tay vót bằng tay em/ Chim hót không hay bằng tiếng hát em/ Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù/ Xiên thây quân cướp nào vô đây” (Cô gái vót chông - Nhạc: Hoàng Hiệp; Thơ: Mô Lô Y Choi). Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ cũng hăng hái tham gia kháng chiến: “Dù gian khổ vượt núi băng rừng/ Dù mưa bom em không ngại chi/ Đi đánh Mỹ giữ núi rừng/ Gùi trên vai súng đạn ra hỏa tuyến/ Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường/ Gửi bộ đội Bác Hồ dân thương mà dân quý nhiều lắm/ Giặc chưa hết chưa về dù rừng thương núi nhớ...” (Người con gái Pa Cô - Huy Thục).
Những năm cuối thập niên 60, TK XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang trên đà thắng lợi. Ở miền Nam, có nhiều chị em chưa từng vác nặng, dãi nắng dầm mưa, nhưng từ ngày đô thị vùng lên, họ sẵn sàng đi theo cách mạng, tham gia đi tải đạn với một niềm vui phơi phới của tuổi thanh xuân: “Em chưa từng vượt suối qua bưng/ Em chưa từng giãi nắng dầm mưa/ Hôm nay hôm nay em là chiến sĩ/ Vai dạn dày vững vàng bước chân/ Lòng người đang độ mùa xuân/ Trào dâng niềm vui đánh Mỹ/ Dẫu hiểm nguy em không nề” (Cô gái Sài Gòn đi tải đạn - Lư Nhất Vũ). Những cô gái thành phố tham gia chuyển thương, tải đạn với tinh thần lạc quan, phơi phới: “Tuổi em vừa tròn đôi mươi mười tám/ Em cài mái tóc gọn gàng đi từng bước vững vàng/ Trẻ trung đôi mắt em mở to trong vắt hàng me xanh thắm (ơ hò ơ)/ Thon thon lưng em áo bà ba/ Vai em căng lên vết hằn da/ Nào ai có ngờ chuyển thương, tải đạn chẳng ai khác là, em đấy mà…” (Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn - nhạc: Phạm Minh Tuấn; thơ: Lê Anh Xuân). Nằm trong vùng kiểm soát ngặt nghèo của kẻ thù, nhưng tâm thế của chị em phụ nữ miền Nam vẫn hướng về cách mạng và tin tưởng vào chiến thắng không xa. Trong đêm tối sẵn sàng đưa bộ đội qua sông: “Hò khoan chúng em khua mái chèo/ Ðưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo/ Ðường hành quân các anh đi khắp nẻo/ Vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao”, để: “Rồi mai đây làng quê ta bừng sáng/ Ðón anh về mừng chiến thắng reo vang” (Qua sông - Phạm Minh Tuấn).
Chẳng riêng các cô gái đang độ thanh xuân tham gia kháng chiến, mà cả những người mẹ cũng: “Không thể ngồi yên nhìn quân thù tàn phá quê hương, nhìn núi sông chất chồng hờn oán/… Vì giặc Mỹ, bát cơm ăn còn thấm máu đào/… Mẹ đã đứng lên đem hờn căm biến thành vũ khí/ Mẹ đã đi vào đồn bốt hỏi tội, đứa nào bắn chết con tao” (Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc - Thuận Yến). Mẹ còn tham gia đào hầm từ lúc tóc còn xanh đến khi tóc đã bạc, để che chở, cất giấu những sư đoàn và sức mạnh Việt Nam trong lòng đất: “Tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước/ Hầm mẹ giăng như lũy như thành/ Che chở mỗi bước chân con bước… Nơi hầm tối là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam…” (Đất quê ta mênh mông - nhạc: Hoàng Hiệp; lời thơ: Dương Hương Ly).
Còn khá nhiều ca khúc viết về người phụ nữ Việt Nam trên các mặt trận trong thời kỳ kháng chiến như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn); Hai chị em, Bài ca người giáo viên nhân dân (Hoàng Vân); Tấm áo mẹ vá năm xưa, Em đi làm tín dụng, Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý); Em đứng giữa giảng đường hôm nay (Tân Huyền); Em là thợ quét vôi (Đỗ Nhuận) Hát mừng chị Út Tịch (Tú Ngọc); Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Nguyễn Văn Tý); Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long (Huỳnh Thi Thơ)… Những ca khúc này chỉ là một trong những điểm nhấn nhỏ, điển hình trong tổng thể chung của bức tranh ca khúc viết về người phụ nữ Việt Nam. Cũng như một số loại hình nghệ thuật khác, tư tưởng chủ đạo vẫn là ca ngợi phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến: giỏi việc nước, đảm việc nhà, tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào ngày mai chiến thắng…
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta cũng đến ngày toàn thắng. Ngày 30-4-1975, cờ hoa rợp khắp nẻo đường đất nước, mọi người cùng nhau hát vang bài Như có Bác trong ngày đại thắng (Phạm Tuyên): “… Ba mươi năm đấu tranh dành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam Hồ Chí Minh…”. Tuy nhiên, niềm vui chưa tầy gang, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ở biên giới hai đầu đất nước. Những người mẹ, người chị lại nén đau thương, tiễn chồng/ con lên đường bảo vệ tổ quốc. Có nỗi đau nào hơn thế: “Ba lần tiễn con đi, hai ần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im” (Đất nước - nhạc: Phạm Minh Tuấn; thơ: Tạ Hữu Yên).
Hơn một thế kỷ (tính từ năm 1958) đất nước ta chìm trong khói lửa chiến tranh, thế lực ngoại bang gây nên sự mất mát quá lớn cho dân tộc nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Đến thời điểm hiện tại, những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu ở các làng quê Việt Nam. Chỉ tính riêng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều cô gái phơi phới tuổi mười tám, đôi mươi, nay đã trở thành người cao tuổi. Không ít người trong số đó, chưa một lần được nắm tay, chưa một lần được nghe lời yêu thương từ bạn khác giới. Chiến tranh luôn tàn khốc và khắc nghiệt, trong hoàn cảnh đó, những người mẹ/ người chị vẫn nuôi chút hy vọng - dẫu là mong manh - được đón chồng/ con từ mặt trận trở về. Tuy nhiên, chút hy vọng mang manh đó, sau chiến tranh, với nhiều người chỉ còn là một hiện thực không mong đợi, dẫu sao vẫn phải chấp nhận. “Nhiều năm xa cách xa/ Tôi trở về làng quê thăm/ Nhìn hàng cau xác xơ, lá trầu khô/ Mộ chị tôi bé xinh, dưới chân cầu lẻ loi/ Mộ người chưa có chồng” (Chị tôi - Trần Tiến). Với những người mẹ thì: “Nước mắt mẹ không còn/ Vì khóc những đứa con/ Lần lượt ra đi, đi mãi mãi/ Thời gian trôi qua/ Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/ Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang” (Người mẹ của tôi - Xuân Hồng). Chiến tranh đã tạm lùi xa, đó là một hạnh phúc cho đất nước, cho dân tộc, nhưng mỗi khi câu hát cất lên, nghe lại cảm thấy nhói lòng: “Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ/ Là biết mấy chờ mong mỏi mòn/ Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại/ Chỉ câu hát ru con bên nôi, chỉ câu hát cuộc đời mẹ ru/ Mẹ trẻ mãi trẻ mãi mẹ ơi/ Chìm lắng những ngàn đắng cay, hình đất nước mẹ bay bay/ Tìm vóc dáng đàn con của mẹ” (Hát về những người mẹ Việt Nam - An Thuyên).
Đất nước có trọn niềm vui như hôm nay, là nhờ sự hy sinh công sức, tình cảm và xương máu của bao người, trong đó có phụ nữ trên mọi miền của đất nước. Bằng thủ pháp nghệ thuật và ngôn ngữ riêng có, cũng như cách tiếp cận theo tư tưởng nghệ thuật vị nhân sinh, mà các nhạc sĩ đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cứu nước và cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta ở TK XX. Đến nay, mỗi khi nghe hoặc hát lại những ca khúc viết về phụ nữ - những người có nhân phẩm - chắc hẳn sẽ rung cảm với nhiều tầng bậc cảm xúc khác nhau. Dẫu là tự hào, hay bùi ngùi xúc động, thì xin chớ vô tình, hãy biết quý trọng quá khứ và hiện tại; biết tỏ lòng biết ơn và chia sẻ với những người mẹ, người chị đã từng cống hiến tuổi thanh xuân và cả những người thân yêu nhất (chồng/ con) cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
_______________________
1, 3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 15, tr.244, 550.
2. Kiều Mai Sơn, Gặp lại anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên, Báo Công an Nhân dân, 6-6-2010.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 18-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 5-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.
PGS, TS NGUYỄN ĐĂNG NGHỊ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025