Nghề làm gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận): Từ tiềm năng đến định hướng phát triển kinh tế di sản

Tóm tắt: Nghề làm gốm Bàu Trúc, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, không chỉ là biểu tượng văn hóa của người Chăm ở Ninh Thuận mà còn là tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế di sản. Bài viết này phân tích tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế di sản từ nghề gốm Bàu Trúc, dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn địa phương. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển bài bản, kết nối các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng chủ thể và tạo dựng không gian di sản để phát huy giá trị văn hóa. Kinh tế di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo dựng bản sắc địa phương. Tuy nhiên, việc áp dụng kinh nghiệm quốc tế cần linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương, tránh rập khuôn máy móc.

Từ khóa: gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận, kinh tế di sản.

Abstract: The Bau Truc pottery craft, a UNESCO-recognized intangible cultural heritage, is not only a cultural symbol of the Cham people in Ninh Thuan but also a significant potential for heritage economic development. This article analyzes the potential and development directions of the heritage economy from the Bau Truc pottery craft, based on international experiences and local practices. The authors emphasize the importance of building a systematic development strategy, connecting stakeholders, especially the subject community, and creating a heritage space to promote cultural values. The heritage economy not only brings economic benefits but also contributes to the preservation and promotion of cultural heritage, building local identity. However, the application of international experiences needs to be flexible, suitable to local specificities, and avoid mechanical copying.

Keywords: the Bau Truc pottery craft, Ninh Thuan, Heritage economy.

Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) - Ảnh: ninhphuoc.ninhthuan.gov.vn

1. Đặt vấn đề

Trong lịch sử phát triển của tỉnh Ninh Thuận, người Chăm là tộc người giữ vai trò quan trọng, kiến tạo nên nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc, góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc riêng của vùng đất thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Trong hệ thống di sản đó, nổi bật là nghề làm gốm của người Chăm ở Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) được hình thành từ cuối TK XII, là một trong số ít những làng gốm cổ ở khu vực Đông Nam Á hiện nay vẫn còn giữ được quy trình sản xuất thô sơ truyền thống. Nghệ thuật làm gốm đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của người Chăm ở địa phương, khẳng định những giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm qua thời gian và những biến thiên của lịch sử.

Năm 2017, Bộ VHTTDL đã đưa nghệ thuật làm gốm truyền thống Bàu Trúc vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tiếp đó, năm 2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Bàu Trúc được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, là di sản văn hóa duy nhất của tỉnh Ninh Thuận được UNESCO ghi danh cho đến hiện nay. Đặt trong bối cảnh đương đại, hệ thống di sản này cho thấy những tiềm năng to lớn trên phương diện phát triển kinh tế di sản, hứa hẹn sẽ trở thành một nguồn vốn quý mà nếu được quản lý và phát huy một cách hợp lý, sẽ mang lại nhiều lợi ích, đóng góp cho đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

2. Kinh tế di sản, tiềm năng phát triển

Trong khoảng vài thập niên trở lại đây, vấn đề di sản, di sản văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng trong nhận thức của nhân loại. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, di sản văn hóa được xác định là một nguồn lực cho sự phát triển bền vững, là hạt nhân cho các chiến lược phát triển của con người. Công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa mang lại những lợi ích trực tiếp và thiết thực với nhiều cộng đồng cư dân, chẳng hạn như góp phần ổn định xã hội dân sinh, nâng cao đời sống văn hóa, dân trí và đặc biệt hơn hết đó là ổn định và phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch di sản. Ngành công nghiệp du lịch văn hóa, du lịch di sản là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp nói chung, trong khi WTO dự đoán ngành Du lịch văn hóa sẽ trở thành một trong năm phân khúc thị trường du lịch chủ chốt ở tương lai. Năm 2024, số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng thị trường du lịch di sản đã đạt hơn 600 tỷ USD (1), một con số rất ấn tượng và có xu hướng tăng nhanh theo từng năm.

Ở Việt Nam, tại Quyết định số 47/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược du lịch đến năm 2030”, khẳng định sự tương hỗ giữa ngành Du lịch và di sản văn hóa, “chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Phát triển kinh tế di sản có mối liên hệ mật thiết với việc xác định và gắn kết các khái niệm như vốn văn hóa, vốn tự nhiên, vốn vật chất và vốn con người. Trong đó, vốn văn hóa làm phát sinh giá trị văn hóa bên cạnh những giá trị kinh tế nội tại của chúng; vốn vật chất bao gồm các công trình kiến trúc và các thành tố vật chất khác của di sản văn hóa; vốn tự nhiên lại gắn với các di sản thiên nhiên, bao gồm những cảnh quan thiên nhiên có giá trị thẩm mỹ và cung cấp nhiều dịch vụ sinh thái cần thiết cho cuộc sống, và cuối cùng là vốn con người (2). Những khái niệm này có sự tương quan và đồng nhất ở một khía cạnh nào đó, nhưng sự kết hợp và giao điểm của những khái niệm này là cơ sở tạo nên tính bền vững.

Sự tác động kinh tế của các di sản có biểu hiện rất đa dạng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống con người, chẳng hạn Bowitz, Ibenholt (2009) từng phân loại những tác động kinh tế của di sản thành hai dạng thức trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, những tác động trực tiếp có thể kể đến sự thu hút đầu tư của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, những cơ hội việc làm mang lại thu nhập cao gắn với hoạt động quản lý và phát huy di sản, hay nguồn thu đến từ bán vé vào tham quan di tích... Bên cạnh đó, những tác động gián tiếp có thể kể đến sự gia tăng xuất nhập khẩu từ nhu cầu của du lịch di sản, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của địa phương cùng với đó là những nguồn thu đến từ dịch vụ du lịch di sản đa dạng bao gồm kinh doanh cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí… Trong khi đó, Lozej (2012) đã chỉ ra những tiềm năng kinh tế đa dạng của các giá trị văn hóa/ di sản văn hóa như sau: nơi làm việc mới, du lịch bền vững, hình thành nên những doanh nghiệp và công ty nhỏ, tận dụng được các nguồn tài nguyên địa phương, hồi sinh những di sản văn hóa của khu vực, thúc đẩy những chiến lược kinh doanh mới, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch như lưu trú, vận chuyển, sản xuất hàng lưu niệm và các tour du lịch…

3. Phát triển kinh tế di sản: trường hợp làng gốm của người Chăm ở Bàu Trúc

Nhận diện tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế di sản

Bàu Trúc là một địa danh tọa lạc tại trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước của tỉnh Ninh Thuận, gồm hai khu phố Bàu Trúc và khu phố 12, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng Nam. Trong lịch sử, nghề làm gốm xuất hiện ở đây từ khoảng TK XII, do ông tổ nghề là Po K’long Chank truyền dạy. Nguyên liệu chính để tạo nên các sản phẩm gốm của địa phương là đất sét được lấy ở vùng bờ sông Quao, đảm bảo có độ mịn, dẻo và nhiều đặc tính ưu việt khác.

Đặt trong xu thế phát triển chung, trong một số năm trở lại đây, nhiều địa phương ở nước ta đẩy mạnh hướng phát triển kinh tế di sản. Đây là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên nền tảng quan trọng nhất là hệ thống di sản văn hóa để làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển. Đối với trường hợp làng gốm của người Chăm ở Bàu Trúc, hệ thống di sản bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, trong đó điểm nhấn là di sản văn hóa phi vật thể phong phú và độc đáo, mang bản sắc riêng.

Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể quan trọng nhất gắn với làng nghề làm gốm Bàu Trúc, đó chính là những kinh nghiệm, những tri thức, kỹ năng riêng trong việc thực hành nghề sản xuất gốm truyền thống. Nét đặc trưng làm nên sự khác biệt của gốm Bàu Trúc, đó là quy trình chế tác không sử dụng bàn xoay mà các nghệ nhân sẽ dùng tay di chuyển xung quanh để tạo hình sản phẩm. Bằng tài năng và đôi bàn tay khéo léo cùng óc sáng tạo, thẩm mỹ của mình, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm gốm dân dụng, đặc biệt là các sản phẩm gốm thủ công mỹ nghệ mang tính độc bản, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, người tiêu dùng trong cả nước và xuất khẩu ra một số nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, làng gốm còn có hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể khác dân ca Chăm, tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ghi Năng. Đến làng gốm vào các dịp lễ Tết trong năm của người Chăm còn có thêm các món ẩm thực truyền thống đặc sắc như thịt dê, thịt trâu, thịt cừu, gà… được chế biến với các loại nguyên liệu rau lá đặc trưng; các loại bánh truyền thống của người Chăm như bánh sakaya, bánh ginraonglay…

Một vài định hướng phát triển kinh tế di sản

Trên cơ sở những phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất một vài định hướng phát triển kinh tế di sản cho làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận như sau:

Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế di sản bài bản

Với hạt nhân là hệ thống di sản văn hóa đa dạng, một chiến lược phát triển kinh tế di sản cần được tỉnh Ninh Thuận xây dựng một cách bài bản, lớp lang mà kinh nghiệm phát triển du lịch di sản văn hóa của nước Úc có thể là một sự tham khảo rất phù hợp. Bộ Môi trường và Di sản của Úc đã xây dựng một chiến lược phát triển du lịch di sản bền vững bao gồm 10 bước với công đoạn rất cụ thể. Với những sự phân tích trên nhiều phương diện, Bộ Môi trường và Di sản Úc đã xác định 4 bộ phận cơ bản có liên quan mật thiết đến vấn đề di sản và phát triển du lịch, đó là những người khai thác/ kinh doanh du lịch, những nhà quản lý du lịch, du khách và cộng đồng. Những nhóm đối tượng này có sự khác biệt về quan điểm, những vấn đề riêng và vấn đề lợi ích, do đó, một quy trình chặt chẽ gồm 10 bước cần được phát triển nhằm mục đích kết hợp những nét riêng biệt của các nhóm và đạt tới những kết quả tích cực chung.

Bảng 1: Quy trình 10 bước phát triển du lịch văn hóa bền vững - Nguồn: Tổng hợp từ Department of the Environment and Heritage, Australian Government, 2004 (Bộ Môi trường và Di sản, Chính phủ Australia, 2004)

Có thể thấy, đây là một chiến lược phát triển du lịch bài bản với quy trình 10 bước đi lần lượt từ giai đoạn khảo sát, xác định vấn đề cho đến việc xây dựng các kế hoạch phát triển phù hợp. Tuy vậy, quá trình áp dụng quy trình này đòi hỏi sự linh hoạt cao để phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Không nhất thiết phải thực hiện tất cả các bước nêu trên mà có thể nghiên cứu và lựa chọn thực hiện những công đoạn cần thiết để đạt được hiệu quả cao nhất. Việc ứng dụng lý thuyết này rất cần có sự đầu tư về thời gian và công sức, tuy nhiên, kết quả đạt được sẽ rất đáng khích lệ.

 Kết nối giữa các bên liên quan trong quản lý và phát huy di sản bền vững với hạt nhân là cộng đồng chủ thể của di sản

Một vấn đề cần lưu ý khác đó là có rất nhiều bên liên quan trong hoạt động quản lý và phát triển kinh tế di sản và sự đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan rõ ràng là một điều kiện then chốt cho quản lý di sản bền vững. Để tạo dựng một nền tảng cho liên kết giữa các bên liên quan nhằm đạt được sự phát triển bền vững, ba yếu tố then chốt cần được xác định sau đây: Thứ nhất, mọi bên liên quan cần có ý thức chủ động, tự nguyện và nhiệt tình tham gia vào công tác quản lý, bất kể họ đóng vai trò chính yếu, thứ yếu, hay đơn thuần chỉ là phụ thuộc. Thứ hai, mọi bên liên quan cần nhận thức rõ vai trò của mình trong quản lý di sản bền vững. Thứ ba, những nhiệm vụ, trách nhiệm sẽ được đề ra tương ứng với vai trò của họ.

Trên thực tế, đối với làng gốm Bàu Trúc, số lượng các bên liên quan là rất lớn: nhà quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch, du khách, nhà nghiên cứu… nhưng sự nhấn mạnh sẽ luôn đặt vào cộng đồng bản địa, đó chính là người Chăm. Di sản gắn với cộng đồng là ý tưởng chủ đạo trong hầu hết những diễn ngôn về di sản trên toàn thế giới hiện nay. Tôn trọng và để cộng đồng thực sự là chủ nhân, là người quản lý và dung dưỡng di sản đóng vai trò then chốt để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Di sản được quản lý bền vững nhất, khi và chỉ khi nó được đón nhận bởi cộng đồng với một tình cảm gắn bó và chân thành nhất. Cộng đồng là chủ thể của di sản, đây là một thực tế hiển nhiên, tuy vậy, quản lý di sản bền vững đòi hỏi chủ thể của nó phải là một cộng đồng di sản, một tập hợp rộng lớn hơn bao gồm tất cả các bên liên quan với sự hiểu biết, trách nhiệm và gắn bó với di sản hơn ai hết.

 Xây dựng không gian lịch sử văn hóa/ không gian di sản

Phát triển du lịch ở những “không gian di sản” là một kinh nghiệm rất thú vị được đề xuất bởi một số tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Mọi chiến lược hay chính sách phát triển du lịch sẽ không chỉ tập trung vào vùng lõi các di sản mà sẽ được mở rộng hướng đến “không gian di sản”. Theo đó, khu vực di sản được xác định là một bộ phận không thể tách rời của di sản và được đặt trong mối tương quan với những khía cạnh khác như truyền thống, lịch sử truyền miệng, văn hóa vật chất… Như vậy, phạm vi của khu vực di sản sẽ được mở rộng hơn đến những vùng đệm hoặc khu vực lân cận của nó - những khu vực mà có mang ý nghĩa của di sản. Không gian phát triển du lịch được mở rộng hơn và sẽ đưa đến nhiều cơ hội cho những bộ phận kinh doanh và điều hành du lịch, cùng với đó những hệ quả tích cực trên phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa trên bình diện của một cộng đồng gắn bó với di sản.

Kết luận

Từ những phân tích ở trên, một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn của kinh tế di sản của làng nghề làm gốm ở Bàu Trúc, Ninh Thuận và đặt trong bối cảnh đương đại, sẽ là đáng tiếc nếu những vốn quý đó không được tận dụng, được phát huy mang lại những giá trị mới, đóng góp cho đời sống kinh tế và xã hội của địa phương. Bài viết cũng nêu ra một số kinh nghiệm trong chiến lược phát triển kinh tế di sản với việc lập kế hoạch chi tiết (dù rằng có thể tốn nhiều thời gian và công phu nhưng lại rất cần thiết), sự kết hợp giữa các bên liên quan đến di sản và đặc biệt là định hướng xây dựng nên một “Không gian lịch sử - văn hóa” riêng. Trong không gian di sản đó, sự kết hợp giữa các loại hình di sản vật thể, phi vật thể sẽ tạo nên sự sâu dày cho bản sắc văn hóa của địa phương, thêm nữa là được phát huy đồng bộ với cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và du lịch.

Chúng tôi kỳ vọng những kinh nghiệm này sẽ đóng góp cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế di sản ở Ninh Thuận nói chung, làng gốm của người Chăm ở Bàu Trúc nói riêng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn lưu ý đến vấn đề tham khảo có chọn lọc, tránh rập khuôn máy móc những bài học kinh nghiệm quốc tế. Học hỏi kinh nghiệm là một việc làm cần thiết nhưng từ học hỏi, tham khảo đến ứng dụng những bài học này cần được kiểm soát với sự chọn lọc, để chúng thực sự phát huy hiệu quả trong bối cảnh đặc thù của địa phương.

__________________

1. grandviewresearch.com.

2. Phạm Quỳnh Phương, Kinh tế học di sản: vốn văn hóa, định giá di sản và những thách thức, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tháng 2-2022, tr.4-6.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài, Nguyễn Thị Thu Mai, Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch từ góc nhìn kinh tế học di sản, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, số 3 (12), tháng 11- 2021.

2. David Throsby, Heritage Economics: Conceptual Framework (Kinh tế Di sản: Khung khái niệm), The Economics of Uniqueness: Historic Cities and Cultural Heritage Assets as Public Goods (Kinh tế của tính độc đáo: Các thành phố lịch sử và di sản văn hóa như tài sản công cộng), World Bank, Washington, D.C., 2012, tr.75-106.

3. environment.gov.au.

4. Destination British Columbia, Cultural and Heritage Tourism Development: The essential guide for BC tourism business interested in developing a cultural heritage tourism operation (Phát triển Du lịch Văn hóa và Di sản: Hướng dẫn thiết yếu cho các doanh nghiệp du lịch BC quan tâm đến việc phát triển hoạt động du lịch văn hóa di sản), heritagebc.ca.

5. Einar Bowitz, Karrin Ibenholt, Economic impacts of cultural heritage - Research and Persepectives (Tác động kinh tế của di sản văn hóa - Nghiên cứu và Quan điểm), Journal of Cultural Heritage (Tạp chí Di sản văn hóa), 10, 2009, tr.1-8.

6. Emiko Kakiuchi, Cultural heritage protection system in Japan: current issues and prospects for the future (Hệ thống bảo vệ di sản văn hóa tại Nhật Bản: các vấn đề hiện tại và triển vọng tương lai), grandviewresearch.com.

7. Ledinek Lozej, Š., Šmid Hribar, M., Bole, D., SY_CULTour Check-list for Evaluationof Cultural Values with Regard to Their Developmental Potential (Danh mục kiểm tra SY_CULTour để đánh giá các giá trị văn hóa liên quan đến tiềm năng phát triển của chúng), 2012.

8. Phạm Quỳnh Phương, Kinh tế học di sản: vốn văn hóa, định giá di sản và những thách thức, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tháng 2-2022, tr.4-6.

9. Rupa Sinha, Dr. Madhu Murdia, Heritage Festivals: An important factor to promote cultural tourism (A study of Murshidabad, West Bengal) (Lễ hội Di sản: Một yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch văn hóa (Nghiên cứu trường hợp Murshidabad, Tây Bengal), Annals of Art, Culture & Humanities (Kỷ yếu Nghệ thuật, Văn hóa & Nhân văn), tập III, số II, 2018, tr.9-19.

Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học Địa chí Ninh Thuận.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 8-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 17-2- 2025; Ngày duyệt đăng: 25-2-2025.

TS NGUYỄN NGỌC MINH - TS TRẦN THỊ LAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;