NSƯT Tố Nga: Cho đi là còn mãi

Đồng hành cùng chị trong rất nhiều chương trình thiện nguyện do chị là người khởi xướng, tham gia trong một vài dự án âm nhạc của chị, tôi nhận thấy, ở con người ấy luôn thường trực thứ tình yêu vô cùng mãnh liệt với: ĐỜI - NGƯỜI VÀ NGHỀ.

Chị bảo rằng, chị sợ dù chỉ là vài phút thôi cái đầu ngừng tư duy, cái tay ngừng làm việc nên mỗi khi gặp chị, chỉ là những câu chuyện ngắt quãng, không đầu không cuối vì vừa máy tính, vừa điện thoại : khi nhận lịch của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam nơi chị đang biên chế, khi nhận show diễn, khi nảy ra ý tưởng mới cho dự án âm nhạc lại vội ghi ghi chép chép và khi xử lý việc của phòng thu nhỏ của riêng chị… “Sao một ngày không có nhiều hơn 24h nhỉ ? ”- là câu mà chị nói với tôi sau rất nhiều chờ đợi để có được bài viết này.

Quay ngược thời gian, thời Tố Nga được các thầy, cô giáo ngôi trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Tĩnh phát hiện và nuôi dưỡng niềm đam mê ca hát bởi họ đã nhận ra ở chị một giọng ca trời phú với dòng nhạc dân gian mà chị sớm được nhiều người biết đến khi giành được các giải thưởng cao trong các kỳ, cuộc thi ca nhạc: Huy chương Vàng Hội diễn học sinh, sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc; Huy chương Vàng Liên hoan tiếng hát miền Trung tại Nha Trang; Huy chương Vàng Tiếng hát Làng Sen tại Nghệ An... Nhìn thấy tiềm năng phát triển của chị sẽ không dừng lại ở đó,  năm 1997, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh (nay là Sở VHTTDL Hà Tĩnh) và trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Tĩnh giới thiệu chị theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Tại môi trường mới, chị được thầy An Thuyên - cũng là một người con xứ Nghệ bồi đắp thêm tình yêu quê hương xứ sở qua nhiều tác phẩm, trong đó Hà Tĩnh mình thương là một tác phẩm mà cố nhạc sĩ An Thuyên đã chọn đúng mặt để “gửi vàng” bởi lẽ cho đến nay, không nhiều người hát “qua” được giọng ca của chị. Giọng hát của NSƯT Tố Nga không thu hút bằng nội lực hay kỹ thuật mà chinh phục người nghe bằng sự mộc mạc, sâu lắng, truyền cảm.Mỗi khi chị hát như “con tằm rút ruột nhả tơ” - nhả tiếng tơ lòng về nỗi khắc khoải của người con xa quê, niềm đau đáu về đấng sinh thành, nỗi thương cảm về miền quê nghèo “oằn mình” chống chọi trước thiên tai… Với tiếng hát ấy, chị đã giành giải Ba Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội (cùng năm với ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh) và được đặc cách công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Ở Nhà hát, trong nhiều gương mặt nổi tiếng “cây đa, cây đề” của “làng” nhạc Việt như: NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSND Thái Bảo… thì tên tuổi của chị - NSƯT Tố Nga vẫn luôn xuất hiện đều đặn trong hầu hết các chương trình. Chị đã giành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Bằng khen qua các kỳ Liên hoan, Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và được ghi nhận những đóng góp cho nghệ thuật biểu diễn nước nhà bằng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2015. Và cho đến nay, 14 album từ vol.1 Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh - thời kỳ chị đang còn là sinh viên cho đến vol.14 Ta đã lần lượt được ra đời. Mỗi album đều mang đậm dấu ấn về dòng nhạc chị đang theo đuổi, từ Dòng sông đa tình, Cảm xúc từ câu hò điệu ví, Cánh võng mẹ ru, Phía quê, Mơ quê, Giếng quê… Giọng hát của chị đã chạm đến trái tim không chỉ của những người yêu nhạc trong nước mà còn được đông đảo bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới yêu mến nên như “cánh chim không mỏi”, chị cứ miệt mài lúc ở ngoài Bắc, lúc vào Nam, khi lại ở nước Nga hay Đức xa xôi… Giọng hát ấy cứ lặng lẽ thẩm thấu nhưng đằm sâu và ai đã từng nghe sẽ khó có thể thay đổi “khẩu vị” bằng một giọng ca khác bởi như có một hấp lực cuốn hút, rồi yêu, rồi say đắm lúc nào không hay.

Năm 2018 là một năm nhiều đột phá đối với bản thân chị trong cả đời tư lẫn sự nghiệp. Mạnh dạn đầu tư làm các MV ca nhạc và thử nghiệm với dòng nhạc xưa - trữ tình bolero được nhiệt tình đón nhận. DVD Giếng quê đánh dấu sự “tái sinh” của chị sau những sóng gió, mất mát trong đời sống riêng. Album hình đầu tiên này, chị đã chọn quay tại Hà Tĩnh, nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi nuôi dưỡng tâm hồn và luôn chào đón chị mỗi khi trở về. Tiếp đến là MV Cúc ơi!, chị đã từng phải giảm đến 6kg để có ngoại hình phù hợp với thời kỳ chiến tranh, điều này đủ để cảm nhận chị là một người vô cùng trân trọng khán giả khi chịu khó đầu tư, chau chuốt từng khuôn hình sao cho chân thực nhất. Và quả thật, trời không phụ lòng người, MV đã tạo hiệu ứng tốt với truyền thông và gây xúc động mạnh với khán giả. Sang MV Về xứ Nghệ cùng em, chị không ngần ngại cất công mày mò, tìm kiếm những  khung cảnh đẹp từ đồi chè xanh mướt mát Thanh Chương, đến bãi biển Thiên Cầm để họa lên bức tranh quê hương lung linh, nên thơ với hình ảnh người con gái xứ Nghệ chân thành, dịu dàng làm xao xuyến không chỉ riêng những người con xứ Nghệ mà cả với những con người ở nhiều miền quê khác cũng muốn theo chân để “về xứ Nghệ cùng em”. Bộ đôi album và MV Ở hai đầu nỗi nhớ lại là một trải nghiệm mới trong nghề nghiệp khi chị đã kết hợp dòng nhạc trữ tình bolero với dòng nhạc dân gian quen thuộc của mình. Phải nhìn nhận rằng, trong chị, luôn luôn chứa đựng một nguồn năng lượng dồi dào, chị luôn biết cách làm mới chính mình. Album Ở ai đầu nỗi nhớ gồm các ca khúc nổi tiếng một thời với những câu chuyện về tình yêu, nỗi nhớ như Ở hai đầu nỗi nhớ, Tiếng chim đa đa, Hai quê, Thương về miền Trung, Phượng buồn, Thì thầm với dòng sông, Chuyện tình hoa muống biển... qua giọng ca của chị đã được dân gian hóa, khiến các ca khúc vừa như quen mà vừa như lạ đã tạo nên cảm xúc mới mẻ, một điểm nhấn thú vị cho người nghe. MV Ru xưa ra đúng thời điểm Tết đến Xuân về, là một món quà mà chị gửi đến những người con xa quê thông điệp hãy gác những bộn bề, lo toan của cuộc sống để cùng về đoàn viên bên gia đình, về bên cha mẹ.

Năm 2019, thử sức với vai trò mới - sáng tác ca khúc, Thương quê đã được ra đời và là sáng tác đầu tay mà chị phổ nhạc từ lời thơ của NSƯT Phạm Phương Thảo. Chị kể, chị bị ám ảnh bởi những lời thơ như viết cho chính mình bởi với chị hình ảnh quê hương dường như đã ăn sâu vào tiềm thức nên từng lời hát, từng giai điệu đều chan chứa tình cảm “Quê là nơi có cánh cò bay lả/ có đàn bò gặm cỏ đến mê say/ có chiều thu từng vệt nắng cuối ngày/ như dát bạc trên cánh đồng lúa chín/Quê là nơi những mùa ngâu bịn rịn/ mưa trắng trời nước ngập lụt triền đê/ đói cơm khoai sắn cõng hạt kê /thương mẹ lắm chạy ăn mùa giáp hạt...”. 

Đánh dấu chặng đường 25 năm hoạt động nghệ thuật của mình, NSƯT Tố Nga đã quyết tâm dốc toàn lực đầu tư cho sản phẩm âm nhạc - MV Gửi vào thương nhớ. Và MV này đã để lại sự xúc động đặc biệt đối với những người yêu mến tiếng hát của chị cũng như các bạn nghề. Mặc dù chỉ có độ dài hơn 8 phút, nhưng chị cùng ê-kip đã phải mất cả năm trời cho ý tưởng, chọn bối cảnh và huy động đến 400 diễn viên quần chúng, quay hàng tuần trời ở Quảng Trị trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. 

Không chịu ngồi yên ngay cả khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, chị ấp ủ ý tưởng và cho ra đời Album Vol 12 Trăng như là sự đau đáu muốn tìm ra cái mới cho dòng nhạc trữ tình truyền thống, một lối đi mới cho bản thân mình. Chị đã cất công tiến hành thực hiện hậu kỳ các bản thu âm của album này tại Mỹ với sự giúp đỡ của nhạc sĩ John Barios và phòng thu Alexsandria Washington DC. Có thể nói, chị là người khá cầu toàn, “chịu chơi” và “chịu chi” khi là nghệ sĩ dòng nhạc truyền thống tiên phong thực hiện master tại Mỹ và phát hành cùng lúc với 3 định dạng: đĩa than, băng cối và CD cho Trăng.

Vol 13 Mưa - là sự trở lại của chị với dòng nhạc trữ tình bolero trong các ca khúc: Phố đêm, Mưa đêm tỉnh nhỏ, Người đi ngoài phố, Xuân này con về mẹ ở đâu, Thu ca, Chuyện tình người đan áo... nhưng với cách hòa âm phối khí hiện đại, có cả sự kết hợp cùng Saxophone để tạo ra trải nghiệm mới mẻ trong âm nhạc. Đặc biệt hơn, Mưa còn có màn kết hợp giữa chị với danh ca Chế Linh và NSND Thu Hiền. Khi chị ngỏ lời mời cùng song ca, chị đã bị danh ca Chế Linh từ chối nhưng chị vẫn kiên trì gửi bản demo ca khúc và nhắn: “Chú cứ nghe bản demo của cháu rồi quyết định nhé”. Không ngờ, nghe demo xong, Chế Linh lập tức nhận lời. Và ông thu âm ở Canada còn Tố Nga thu âm tại Việt Nam. Mặc dù vậy Liên khúc Đoạn cuối tình yêu - Bạc trắng lửa hồng đã trở thành bản “đinh” của Mưa và Chế Linh bày tỏ ông rất hài lòng với bản song ca này. Còn NSND Thu Hiền đã bị Tố Nga “dỗ ngọt” để cùng hòa giọng trong Chuyện tình người đan áo. Đây là lần đầu tiên NSND Thu Hiền hát bolero. “Có rất nhiều người lạ lẫm, thắc mắc tại sao lại mời NSND Thu Hiền hát bolero, đấy chính là điều bí ẩn mà Nga muốn gây sự tò mò cho khán giả. Khi khán giả nghe album, sẽ hiểu vì sao Tố Nga nhất định mời bằng được NSND Thu Hiền song ca cùng mình”, NSƯT Tố Nga nói. 

Gần đây nhất, cuối năm 2021, Ta - một album nữa của Tố Nga đã ra đời. Ta chính là lời tự sự, trải lòng về Tôi, về Ta, về những câu chuyện tình yêu - những câu chuyện cho ta một lần nhìn lại chính mình qua bao sóng gió, thăng trầm và bây giờ Ta đang vô định... của NSƯT Tố Nga được phát hành ở định dạng CD và băng cối. Vào tháng 11 năm nay NSƯT Tố Nga sẽ tổ chức Liveshow kỷ niệm 28 năm ca hát tại Hà Nội.

Song song cùng sự nghiệp ca hát, thiện nguyện được chị coi như  “sứ mệnh” để chị tri ân lại với cuộc đời, với Tổ nghiệp. Chị đã lập nên một nhóm từ thiện hoạt động vô cùng hiệu quả nhiều năm liền, kể cả trong đại dịch COVID-19. Chị đã cùng những người bạn của mình giúp đỡ được rất rất nhiều mảnh đời bất hạnh, đưa áo ấm, sách vở, vật dụng cá nhân đến với các em nhỏ vùng cao, vùng sâu, vùng xa, quyên góp xây dựng trường, lớp, kêu gọi khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo, hỗ trợ các hoàn cảnh trong đại dịch COVID-19… Những việc làm ấy thực sự mang đậm ý nghĩa nhân văn, càng làm đẹp thêm nhân cách con người chị. Và những thành công chị có được ngày hôm nay, ngày mai và cả những ngày sau nữa là những trái ngọt chị xứng đáng được nhận từ Tổ nghiệp và từ những “yêu thương cho đi để nhận lại thương yêu”.

HƯƠNG GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 505, tháng 7-2022

;