Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - Một nghiệp văn chương

Tháng 6 này tròn một năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021). ra đi ở tuổi 89, ông để lại di sản văn chương khá đồ sộ với cả truyện ngắn, tiểu thuyết và tác phẩm dịch. Người rời cõi thế, giã từ cuộc đời và văn chương nhưng những tác phẩm của ông thì còn mãi, gửi trao lại hậu thế “một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi”.

“Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi”

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Cổ Nhuế - Hà Nội nhưng lại gắn bó nhiều hơn với mảnh đất Thanh Nhàn quê ngoại. Ông đỗ tú tài Toán, học Trường Đại học Y khoa Hà Nội khoảng hai năm, cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do, đi bộ đội. Trong khoảng 10 năm, ông ở một đơn vị pháo binh đóng quân ở khu Bốn, rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1966, ông là phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong và về nghỉ hưu vào năm 1973. 

 Sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội cả cuộc đời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã sống cùng lịch sử Hà Nội từ những năm chống Pháp đến đương đại. Cầm bút từ năm 1957, khi đã bước vào tuổi ngoài 60 ông vẫn cho ra đời tiểu tuyết Hồ Quý Ly. Càng về già, bút lực của ông càng sung sức, từ năm 2002 đến năm 2016 ông liên tục cho ra mắt hai tập truyện ngắn và bốn tiểu thuyết và nhận được nhiều giải thưởng.

 Bên cạnh mảng sáng tác, Nguyễn Xuân Khánh còn dịch khá nhiều như cuốn chân dung văn học George Sand-nhà văn của tình yêu, Những quả vàng, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất, Bảy ngày trên khinh khí cầu, Tâm lý học đám đông…

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một trong những nhà văn say nghề cho tới những năm cuối cuộc đời. Khi đã sắp bát thập ông vẫn không ngừng viết mà ngày nào cũng ngồi vào bàn viết như thói quen. Chỉ đến khi không đủ sức cầm bút, ông mới thôi viết. Sinh thời ông là người vui vẻ, trong các câu chuyện văn chương cùng bạn bè, đồng nghiệp với nhiều kỷ niệm, hồi ức, nhận xét sắc sảo thông minh mà vô cùng dí dỏm khiến nhiều người phải giục ông ghi lại.

Tiếng người trong văn

 Năm 2021, sau khi ông mất 100 ngày, Nhà xuất bản Phụ nữ in hai cuốn sách để tưởng nhớ tới ông. Sinh thời, ông là bạn thân của những tên tuổi lớn trong văn đàn Việt thế kỷ XX và ông đã vẽ chân dung họ từ những câu chuyện “rút ruột mà ra” trong tập hồi ký chưa từng công bố Tiếng người trong văn. Còn trong cuốn sách Nguyễn Xuân Khánh - Một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi phát hành vào cuối tháng 9/2021, bạn đọc có thể tìm thấy toàn bộ thông tin về con người và sự nghiệp của ông. 

Nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương, người biên soạn cuốn sách chia sẻ: “Chắc chắn tập sách này sẽ giúp cho bạn đọc hiểu biết đầy đủ về cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, và tìm đọc lại những tác phẩm của ông, để suy ngẫm thêm về bản ngã, về văn hóa dân tộc Việt. Nguyễn Xuân Khánh là hiện thân cho tình yêu, lòng kiên trì và sự gắn bó sâu nặng với văn chương chữ nghĩa. Sáng tác của ông là biểu kiến phẩm cách trí thức và chiều sâu văn hóa của một tài năng vươn lên trong bão táp thời cuộc bằng sức sống truyện kể, cái sức mạnh mà vì đó nó đem lại cho ông lý do để sống và nhờ được sống nên trở thành lý do để viết”.

Cuốn sách này là tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mà tiếc thay ông đã không còn được nhìn thấy. Từ những dòng chữ để lại, độc giả và bạn bè như vẫn được nghe nhà văn trò chuyện, tâm sự về người, về đời, về văn. Đó là những tâm sự tha thiết của Nguyễn Xuân Khánh viết cho bạn mình: “Châu Diên ơi! Không biết mình có diễn tả đúng tinh thần của cái truyện ngắn của cậu không. Nhưng tớ cảm nhận được nó như thế đấy. Vả lại, đọc sách là như thế. Trong mình đã có sẵn một tiếng người. Cậu đã gẩy cây đàn và làm thức dậy, đã gây cộng hưởng cái nốt đàn tiếng người vốn ngủ lịm trong tôi. Nghe tiếng của cậu, dây tơ của tôi thức giấc.” Đọc những lời gan ruột này, độc giả cảm động thấy nhà văn đã nghe được tiếng người trong văn của nhau. 

Bộ ba tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Xuân Khánh 

Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa là ba tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. 

Cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly tái hiện một triều đại ngắn ngủi của lịch sử Việt Nam, thời nhà Hồ thế kỷ 15, triều đại gây nhiều tranh cãi xoay quanh nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly. Tác phẩm này đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, sau mấy chục năm vắng bóng do nhiều lý do. Ở gần độ tuổi “tri thiên mệnh”, ông lại thể hiện bút lực dồi dào hơn bao giờ hết. Từ đây đến chục năm sau đó, ông lần lượt cho ra đời Mẫu Thượng ngàn - 2005 và Đội gạo lên chùa - 2011, hoàn thành sự nghiệp đáng nể của một nhà văn lớn trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại. 

Hai cuốn sách được in nhân dịp kỷ niệm 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Mẫu Thượng ngàn xuất bản lần đầu năm 2005, là tác phẩm được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phát triển từ truyện Làng nghèo (chưa xuất bản) ông viết từ năm 1959. Mẫu Thượng ngàn là cuốn tiểu thuyết về văn hóa phong tục Việt Nam được thể hiện qua cuộc sống và những người dân ở một vùng quê bán sơn địa Bắc Bộ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong bối cảnh Pháp xâm lược Việt Nam. đạo Phật suy tàn, đạo Khổng bị gạt bỏ, đạo Thiên chúa đang lan rộng, người dân quê trở về với đạo Mẫu - một tôn giáo có từ ngàn đời. Mẫu Thượng ngàn còn là câu chuyện tình yêu của những người đàn bà Việt trong khung cảnh một làng cổ. Tác phẩm này được xem là “nỗ lực tìm kiếm và dựng lại một không gian tinh thần mà từ đó, căn cốt tinh thần của người Việt được định hình. Không gian tinh thần ấy, theo nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, là không gian văn hóa làng mà hạt nhân quan trọng nhất trong đó là tín ngưỡng dân gian.” (PGS-TS. Cao Kim Lan).

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng kể: “Tôi “đội gạo lên chùa” bằng tất cả vốn sống của cuộc đời mình, bằng tất cả sự trải nghiệm 79 năm của mình. Có những chi tiết đời giúp tôi nhặt được: năm 1977 tôi bị nghi ung thư, nằm viện, có sư ông nằm cùng phòng. Sư lại có chú tiểu theo chăm sóc, chú tiểu nguyên là bộ đội, đi lính về thì vào chùa. Tôi rỉ rả tâm sự với sư cụ và chú tiểu, và tiểu thuyết là sự thu nhặt, gắn kết, đúc rút, tỉa gọt... từ tất cả”.

Đội gạo lên chùa là câu chuyện dài của nhiều số phận nhân vật ở làng nghèo, với ngôi chùa là chỗ dựa của dân, trải bao thăng trầm lịch sử vẫn một lòng hướng thiện, mộ đạo, không khuyến hận sân si... Tác phẩm nằm trong mạch tìm lại cội nguồn văn hóa và căn cốt người Việt, cùng với Mẫu Thượng ngàn, nhưng khác với cuốn trước tìm về nguồn cội dân gian, Đội gạo lên chùa thành kính một tín ngưỡng quen thuộc mà theo tác giả, “Phật giáo sẽ làm dịu lại những dương tính ngùn ngụt của một dân tộc phải liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh, để quay về với bản tính hiền hòa thuần hậu của vùng quê đồng bằng, như đất như nước, như mẹ như mẫu, và vững vàng trong tâm hơn, nhờ có Phật tính” (Nguyễn Xuân Khánh - Đội gạo lên chùa).

VŨ MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;