Cảnh quan kép - sự chuyển biến trong ngôn ngữ hội họa của Đỗ Tuấn Anh

20 năm trên chặng đường sáng tác, quá nửa đầu, câu chuyện của Đỗ Tuấn Anh xoay quanh những trăn trở về những cái “khác” trong xã hội Việt Nam với ngôn ngữ hội họa biểu hiện và siêu thực. Rời khỏi Việt Nam tới một miền văn hóa khác, những vấn đề cá nhân choán lấy cảm xúc và nghệ thuật của anh. Lúc này, ngôn ngữ tạo hình của các tác phẩm cũng chuyển biến. Cho đến Sự phản chiếu của Cảnh Quan Kép, một lần nữa thế giới trong nghệ thuật của anh thay đổi và đi cùng là sự biến đổi của ngôn ngữ hội họa.

Tác phẩm Hành trang mới trong triển lãm Tôi ước, 2010

Phản chiếu cái khác 

Đỗ Tuấn Anh sinh năm 1979, anh tốt nghiệp Trường Đai học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, năm 2000. Những sáng tác đầu tay của anh mang phong cách biểu hiện, lột tả đời sống của những con người nghèo khổ đối lập trong một đô thị đang phát triển đầu thế kỷ 21. Tác giả khắc họa chân dung nhân vật choán hết bố cục tranh, mảng miếng lớn và nét viền đậm mạch lạc trong tone màu trầm tối. Ngôn ngữ biểu hiện khúc triết nhưng nét tình cảm, thể hiện sự trăn trở của anh về những mảnh đời khác.

Kể từ năm 2009 đến 2014, với 4 triển lãm cá nhân, các tác phẩm của họa sĩ đã bước sang một thời kỳ hoàn toàn mới với ngôn ngữ siêu thực, đầy ý niệm trong từng tạo hình. Tác phẩm Ảo mộng trong triển lãm Ồ! Thành phố năm 2009 là một tác phẩm thành công ở cả tạo hình và ý tưởng. Trong bức tranh, những bông hoa nở ra nhà lầu, xe hơi, tiền đô, con trai con gái - rõ ràng đây là những mong ước của con người trong một đời sống hiện đại. Có lẽ ý tưởng được lấy từ một câu chuyện cổ tích về những mong ước huyễn hoặc của con người mà quên đi trạng thái đang hiện hữu. Điều ước thì to lớn, rạng rỡ ở trên cao còn hai nhân vật thì bé nhỏ, ở dưới thấp, chìm vào mặt đất tối tăm. Tác phẩm với bố cục đơn giản trung tâm là bình hoa và tinh tế ở những chi tiết nhỏ để vỡ ra ẩn ý.

Phát triển từ lối diễn đạt như thế, tác phẩm Sự phản chiếu trong triển lãm Xa năm 2002 vẫn đem đến sự thú vị trong lối tạo hình siêu thực cùng với ý tứ của tác phẩm. Trên mảnh cỏ xanh, những người nông dân màu đỏ được hiện lên trong công việc đồng áng. Ở giữa là mảnh gương phản chiếu bóng dáng ngôi đình làng. Gương bị bắn thủng. Những ảo ảnh trong đó cũng đứt gẫy. Viên đạn tiếp tục bay. Tất cả được sắp đặt trên một thảm cỏ tượng trưng với ánh sáng chiếu rọi. Tấm thảm cỏ như một sân khấu thu nhỏ hay một bàn cờ, nơi người nông dân và di tích như những quân cờ, rời rạc và được thâu tóm trong sự quan sát từ một góc nhìn trên cao. Không gian giả tưởng, màu sắc giả tạo, tạo hình ảo ảnh. Mọi thứ được trình bày giãn cách đem đến một cảm giác sợ hãi với hiện trạng bí hiểm bất thường. 

Xuyên suốt các tác phẩm trong 4 triển lãm kể trên, Đỗ Tuấn Anh nói về những cái khác. Đó là những hiện tượng đời sống văn hóa bao quanh mà anh quan sát và cảm nhận được. Những hình tượng được chắt lọc, anh còn đưa những đối tượng hiện thực được nhận diện rõ ràng vào tác phẩm. Ngôn ngữ tạo hình châm biếm, giễu nhại, có sự cường điệu, liên tưởng. Chính hội họa của anh thời kỳ này là tấm gương phản chiếu xã hội với ngôn ngữ tạo hình siêu thực đặc trưng cho cái tôi của tác giả trong mối liên kết với những cái khác tại thời điểm đó. Qua tác phẩm, người xem nhìn thấy được một bối cảnh xã hội cũng như nhìn thấy cả thái độ/hoàn cảnh/tình trạng và góc nhìn của tác giả trong bối cảnh xã hội đó.

Chuyển dịch về trừu tượng 

Có một sự thay đổi lớn trong môi trường sống của tác giả từ sau khi anh nhập cư sang Đức. Câu chuyện nghệ thuật của anh không còn chỉ hướng về những cái khác, những hiện tượng xã hội mà anh chứng kiến. Đối tượng chuyển hướng về bản thân trong tình cảnh xác định. Series tác phẩm Nhập cư và bản sắc năm 2016 là một bước chuyển trong ngôn ngữ nghệ thuật siêu thực. Tạo hình cô đọng hơn. Nếu như ở triển lãm Tôi ước năm 2010, trong một tác phẩm ta thấy xuất hiện hàng loạt những biểu tượng đa nghĩa để tạo nên một ý nghĩa toàn thể cho bức tranh, thì cho đến Nhập cư, là một sự đối lập cô đọng cả về hình khối, đường nét, màu và bố cục. Nhân vật được bố trí vẻn vẹn trong một chiếc hộp tối nằm gọn nhỏ chính giữa bức tranh khổ lớn mang lại sự tập trung cao độ. Màu sắc chỉ còn đen trắng. Nhân vật bị che mặt, mất nhận dạng và biểu cảm. Sự trống trải và cô lập bao trùm, vẫn siêu thực ở không gian, ở nhân vật nhưng hoàn toàn được tiết chế so với ngôn ngữ cũ. 

Tác phẩm V.I.D 08 trong triển lãm Sự phản chiếu của cảnh quan kép, năm 2022

Cho tới series tác phẩm Vùng đất hoang sơ 2016 là sự cô đọng đến tận cùng. Vẫn trong lối diễn màu đơn sắc, lúc này, ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả chuyển dịch từ siêu thực sang trừu tượng khi các hình ảnh của đời sống thực mất dần trong tác phẩm. Không còn dấu hiệu của đời sống xã hội. Không có nhân vật. Thậm chí không còn các yếu tố tạo hình chủ động như nét, hình khối, màu sắc…Các tác phẩm là sự hiện diện của chất liệu mực, ở các trạng thái của biến cố ngẫu nhiên. Sự lược bỏ những yếu tố chủ động cho thấy một tâm thế buông xả trong ngôn ngữ nghệ thuật của tác giả. Các tác phẩm tìm về nội giới cảm xúc.

Cảnh quan kép, và thế giới mới 

Sau Vùng đất hoang sơ có vẻ như một thế giới mới nảy sinh trong nghệ thuật của tác giả. Tạo hình đối tượng trở lại trong tác phẩm, nhưng là những đối tượng của tự nhiên, mang tính quy luật chứ không còn là các hiện tượng phức tạp trong đời sống xã hội. Các đối tượng vẫn được biểu đạt trong ngôn ngữ nghệ thuật giàu ý niệm của tác giả nhưng đã trở nên tinh tế hơn.

Chỉ với một đơn sắc xám, họa sĩ diễn tả ánh sáng, hình khối, đường nét trong một không gian hư ảo điêu luyện. Những tấm vải trong suốt bị cào rách, ánh sáng xuyên qua lỗ thủng nhỏ, những giọt nước nhỏ trên bề mặt, tế bào lá mỏng manh xuyên thấu, tia nước li ti bay lên thành những đám bụi, hạt tuyết trong đêm, hay mảnh kính vỡ lấp lánh trong suốt… Ngôn ngữ siêu thực một lần nữa biến đổi. Các hình tượng đang trở lại và được đẩy lên ở trạng thái tinh tế của nó trong vòng sinh diệt tự nhiên.

Có thể thấy, sự xuất hiện những hình ảnh trở lại trong các tác phẩm của Đỗ Tuấn Anh không hẳn khiến tác phẩm trở nên vui tươi nhưng thể hiện một sự cân bằng điềm tĩnh. Trong vòng sinh diệt của tự nhiên, hình ảnh những chiếc gai xuyên qua tấm vải mỏng, thân gỗ, chiếc lá, trong sự phơi bày kết cấu của nó, xương động vật, kính vỡ, diêm cháy… là biểu tượng cho sự hủy diệt trong tác phẩm. Nhưng bên cạnh đó, những khóm hoa ưu đàm mọc trên vỏ ốc, từ lòng đất, hạt giống, giọt nước… là những dấu hiệu của sự hồi sinh đầy hy vọng. Những hình tượng này còn đặc trưng cho hai nền văn hóa Đông- Tây đã được kết hợp một cách tự nhiên trong tác phẩm. 

Cảnh quan kép dường như là một giai đoạn cân bằng sau những biến cố của đời sống và nghệ thuật của tác giả Đỗ Tuấn Anh. Mỗi giai đoạn trong sáng tác, các tác phẩm của Đỗ Tuấn Anh thể hiện những trạng thái cảm xúc khác biệt với ngôn ngữ đa dạng, nhưng đều cho thấy cá tính nghệ thuật xuyên suốt, giàu suy tưởng và ý niệm. Hành trình của tác giả cho ta suy nghĩ về sự ảnh hưởng của môi trường sống đối với thế giới nội tâm con người nói chung và nghệ thuật của nghệ sĩ nói riêng. Nó cũng cho thấy sự mong manh nhỏ bé của thế giới nội tâm con người. Chính những biến cố đã cho tác giả những trải nghiệm trong nghệ thuật, và từ đó, ngôn ngữ nghệ thuật của anh cũng có cơ hội để phát triển đa dạng.

TRẦN THU HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;