Trần Thảo Hiền - Nhật ký 15 năm bằng hội họa

Hành trình 15 năm hội họa của Trần Thảo Hiền giống như từng ngày ghi nhật ký, chậm rãi, không có quá nhiều xáo trộn trong đối tượng nghệ thuật mà được khai thác ở sự linh hoạt của bút pháp. Cảm giác như cô luôn mang theo đồ nghề vẽ lủng củng bên mình thay cho chiếc máy ảnh để sẵn sàng ghi lại nội cảm trước ngoại cảnh ngay trong thời khắc đó. Phong cảnh và tĩnh vật là hai chủ đề đặc sắc trong các tác phẩm của họa sĩ. Có lẽ chính trực giác “mọi vật trên thế giới này đều có linh hồn” đã mang đến cho các đối tượng nghệ thuật một đời sống khác, được phủ màu sắc nội tâm và trở nên cuốn hút kỳ bí trong mắt người thưởng ngoạn.

Phong cảnh 15 năm

Trần Thảo Hiền đã đi hơn 60 quốc gia. Số tác phẩm cho tới thời điểm hiện tại của cô lên tới hơn 850 bức tranh. Vậy mà 15 năm trước đó, cô chưa từng dám cầm bút vẽ. Các tác phẩm trong triển lãm lần này tại Hà Nội và Sài gòn chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng hội họa của họa sĩ. Với một khối lượng tác phẩm lớn như vậy, hầu hết ở hai mảng phong cảnh và tĩnh vật, nhưng phải đến 80% là họa sĩ vẽ trực họa. 

Các tác phẩm phong cảnh trong triển lãm lần này được tổ chức bố cục khá đơn giản, mang đậm bản năng và cá tính của tác giả. Nét bút hoạt, màu sắc đối chọi thể hiện những cảm xúc rất mạnh và nhanh theo lối ấn tượng và biểu hiện. Tuy vậy, những màu sắc không đúng với thực tế cho thấy chúng phần nhiều là sự thể hiện từ một nội tâm hoàn toàn khác ra tác phẩm. Trong bức tranh được vẽ từ thời kỳ sớm của tác giả: Một mình với bình minh, năm 2009, ta đã bắt gặp cách dùng màu như thế. 3 màu nguyên đỏ, xanh lam, vàng này còn xuất hiện xuyên suốt ở nhiều các tác phẩm tĩnh vật và phong cảnh cho đến thời điểm hiện tại của tác giả. Trong tác phẩm này, 3 chiếc thuyền giản đơn được bố cục chéo ở tiền cảnh. Chúng sẽ không gây được ấn tượng nếu như được trình bày với lối vẽ hiện thực với một bố cục như thế. Nhưng ở tác phẩm này, chính với một ngôn ngữ ước lệ tượng trưng ở hình ảnh, màu sắc, những chiếc thuyền và mặt sông trở thành biểu tượng. 

Phong cảnh trong tranh của họa sĩ khá đa dạng từ cảnh thiên nhiên đến cảnh phố và sinh hoạt. Từ khung cảnh nông thôn Việt Nam với Mùa gặt vàng, đến góc phố Hội An thưa thớt trong màu nắng cũ với cảm giác hoài cổ như những thập kỷ 90 của thế kỷ trước, rồi đến các cảnh rừng, sông ở Nga. Tác phẩm Buồn không? Chẳng có ai cả! lại hiện lên với bút pháp cô đọng trong mảng miếng về một con phố chạy ngang qua mặt tranh. Màu sắc trong tác phẩm này vừa ngây thơ tự nhiên vừa câm lặng với dải màu nâu đỏ chạy ngang. Tương tự như vậy, con thuyền trong hừng đông, ngọn núi trắng có viền contour nâu đỏ đều là những tác phẩm ấn tượng với sắc nóng trầm.

Phong cảnh thiên nhiên phương Đông trong các tác phẩm của họa sĩ đặc trưng bởi nắng và cảnh vật thường được vẽ theo chiều ngược sáng. Khi ấy sắc độ đậm nhạt của cảnh vật trở nên rõ rệt và đạt được trạng thái sâu lắng. Các bóng phản quang trong tác phẩm làm sự vật nên thơ một cách tình tứ. Riêng ở các tác phẩm phong cảnh, ta cũng thấy được sự đa dạng của chất liệu và bút pháp thể hiện, đôi khi là cả ở việc tận dụng sự ngẫu hứng trong sáng tác. Với tác phẩm màu nước Ngày của tôi, các sắc độ loang của tán lá thật ra được tạo thành từ một sự cố. Khi giọt nước rơi xuống đúng vị trí tán cây, tác giả đã nhận ra sự loang đó tạo nên một hiệu ứng đặc biệt và theo như cô nói “nó chạm đến mình” để cô quyết định giữ nguyên nó. Cuối cùng, những cái cây đã mang một cảm giác về sự âm bản ở tiền cảnh. Đây là lối xử lý rất ít thấy trong các tác phẩm màu nước, nhưng lại tạo nên một hiệu ứng đặc biệt ấn tượng. Cùng trên chất liệu phấn màu, có những tác phẩm được vẽ kỹ càng, có tác phẩm buông lơi hình chỉ để nắm bắt rất nhanh một khoảnh khắc. 

Cảnh vật đa dạng ở thời gian và không gian trong suốt hành trình dài góp phần tạo nên những màu sắc phong phú trong các tác phẩm của họa sĩ. Các bức tranh được phủ từ những tone màu đơn sắc như trắng xám đến vàng, nâu, xanh rồi trở nên phong phú theo những khoảnh khắc của mùa. Nhìn vào từng tác phẩm phong cảnh với nơi chốn cụ thể và những sắc thái gợi cảm đặc trưng, một người bình thường chắc hẳn sẽ được kích thích trí tưởng tượng và cảm xúc còn một người biết vẽ sẽ được truyền cảm hứng sục sôi cho một hành trình trực họa ở mọi miền đất có thể. 

Sau cùng, không thể không nhắc đến phong cảnh nước trong các tác phẩm của cô. Có thể nói, các tác phẩm đặc tả mặt nước của Trần Thảo Hiền có sức lôi cuốn kỳ lạ. Mặt nước không độc lập theo nghĩa đen của nó. Mặt nước của họa sĩ trong các tác phẩm là bầu chứa cho toàn bộ cảnh bên trên. Chỉ một giọt nước nhỏ bé trong những bài thơ Haiku của Nhật phản chiếu được cả thế giới hiện hữu và thế giới ý niệm. Mặt nước của Trần Thảo Hiền hiện lên ở hiện tại giản dị và đương đại hơn. Qua mặt nước, rừng cây, bầu trời, cảnh vật được soi rọi một cách tinh khiết và nên thơ. Những tác phẩm như Ao thu, Ngày thu đi, Dưới ánh mặt trời, Giai điệu cuộc sống… là những tác phẩm như thế. So với những cảnh vật bên trên của cuộc sống mà tác giả từng miêu tả như góc phố Hội An, cánh đồng lúa…thì mặt nước là một bút pháp hoàn toàn khác, có lẽ là một trạng thái đối lập trong cảm xúc và ở đây người xem có thể cảm nhận được thêm một góc hoàn thiện trong tâm hồn nghệ sĩ qua những cái bóng. 

Những tĩnh vật có linh hồn 

“Vạn vật hữu linh” là một tín ngưỡng có nguồn gốc xa xưa trong đời sống nông nghiệp của các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Qua thời gian, tín ngưỡng này ngấm vào đời sống con người một cách tự nhiên và trở thành một niềm tin vô thức. Hội họa của Trần Thảo Hiền cũng mang một tâm thế: “Đối với tôi, mọi vật trên thế giới này đều có linh hồn, chúng được liên kết với nhau và có đời sống riêng của nó”. Nghệ thuật vốn giống như một tôn giáo với đức tin, nếu người nghệ sĩ không có được một tháp ngà cho riêng mình thì có lẽ nghệ thuật sẽ trở nên nửa vời. Chính nhờ một cảm quan và trực giác đặc biệt mà người nghệ sĩ tạo nên những đối tượng với một đời sống duy nhất trong tác phẩm.

Dưới ánh mặt trời, 2016, sơn dầu

Đối với Trần Thảo Hiền, cô có một cảm quan đặc biệt về những đối tượng tưởng chừng như rất đỗi bình thường của đời sống. Cô nói, với mỗi một mẫu vật cô đều thấy chúng được phân chia thành tính nam và tính nữ. Hay mỗi vật đều thấy ở đó một trạng thái (thường là về tình yêu) mà cô chỉ là người dự phần được chứng kiến sự hiện hữu đó. Bởi vậy, có những bức tranh cô đã vẽ như là một lát cắt của một khoảnh khắc chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong đời rồi biến mất mà cô không tìm được nữa. Những quả lê trong đĩa đỏ cũng là một tác phẩm như thế. Bức tranh hiện lên ấn tượng với sự đối chọi hoàn toàn giữa các thành phần về màu và hình. 3 màu cơ bản: vàng, đỏ, xanh được đặt trong nhau theo thứ tự. Với mảng dẹt ít tạo khối của những quả lê, đặt trong một đĩa đỏ tròn tương đối, choán chính giữa bố cục vuông của nền xanh lam. Ngay đến bóng của những quả lê cũng được gợi một cách mờ nhạt. Chính mảng bẹt, những hình, màu cơ bản trong một bố cục rõ ràng và hồn nhiên đã tạo nên sự thách thức với thị giác đã quen phức tạp của chúng ta ngày nay. Hay ở tác phẩm Năm trái lê yêu, những quả lê được dựng đứng với bố cục ngang dàn đều mặt tranh. Cảm giác như nó vừa quá đỗi đơn giản, vừa phức tạp đến khó hiểu bởi làm sao những quả lê có thể dựng dứng lên như thế? Chỉ có thể nói một điều, các tác phẩm này được hiện lên như một lát cắt trong chốc lát của sự vật, được soi rọi qua nội tâm trong một thời khắc đặc biệt. 

Các tác phẩm của cô biến động và linh hoạt một cách kỳ lạ. Mỗi khi cầm bút, tác giả tự hỏi “vẽ để làm gì... tôi thường ngồi rất lâu trước khi cầm cọ và chỉ vẽ khi đã thuyết phục được bản thân vì sao cần bức tranh ấy, nó có màu sắc khác, cảm xúc khác… để giới thiệu cảm xúc mới có trong tôi.. hay vẽ những mảng màu lay động trái tim… hoặc chạy trốn khỏi thế giới hiện tại vào một thế giới khác…”. Nếu so sánh bút pháp đầy vẻ trang trí, siêu thực mang màu sắc tâm linh kỳ ảo ở bức Hoa tulips và hai trái lê yêu với sự trầm xuống của bút pháp ấn tượng trong tĩnh vật “Chiều thu” thì ta có thể thấy rõ biên độ giao động trong trạng thái cảm xúc. Chính điều này tạo nên cho các sự vật trong tranh Trần Thảo Hiền như có đời sống riêng, cảm xúc riêng, cái nào cũng khác biệt và cần thiết.

Không phải là không thể để trong 15 năm cô theo học hội họa một cách chính quy và vẽ theo lối hàn lâm, nhưng chính sự lựa chọn đôi khi nói lên bản chất và ý nghĩa của một cá tính nghệ thuật. Có lẽ sẽ khó mà còn giữ được những nét vẽ hồn nhiên bản năng khi đã gò bó trong những nguyên tắc. Các tác phẩm trong triển lãm cho người xem thấy được sự đa dạng trong các cung bậc cảm xúc và bút pháp nhưng đồng thời nổi bật một bản tính/ cá tính nghệ thuật vẫn tươi mới nằm sâu bên trong họa sĩ. Khác với những chủ đề thường thấy trong nghệ thuật đương đại, cái bản năng nghệ thuật trong triển lãm này hiện lên nhiều hơn là hình ảnh phản chiếu của đời sống xã hội. Để có một sự nhất quán này trong suốt mười lăm năm cầm cọ, hẳn họa sĩ cũng phải có được một sự kiên định trong góc nhìn, trong lựa chọn với cuộc sống và nghệ thuật của bản thân. Điều đó thể hiện phần nào qua những tác phẩm với lối nhìn ngang tàng và mạnh mẽ để giữ được sự nguyên thủy trong những sắc màu “dã thú” huyền bí phương Đông. Hội họa của Trần Thảo Hiền là một hội họa ấn tượng nhưng là ấn tượng đã vượt qua cảm thức hoài nghi và xáo trộn của hậu hiện đại để bình thản với cuộc sống và nghệ thuật.

HUYỀN T.TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;