Nguyễn Phan Linh Đan - Cô gái đa tài

Được đào tạo bài bản về điện ảnh và từng thử sức mình ở nhiều vị trí: từ DOP, viết kịch bản đến đạo diễn, Nguyễn Phan Linh Đan đã gặt hái được những thành công bước đầu trên hành trình nghệ thuật. Cô gái đa tài này vừa đón nhận tin vui mới nhất khi dự án phim điện ảnh Tấm ván phóng dao của cô là dự án phim đang phát triển duy nhất từ Đông Nam Á được mời tham dự La Fabrique tại Liên hoan phim Cannes 2022 diễn ra từ ngày 17/5 đến ngày 28/5/2022.

Nguyễn Phan Linh Đan là một trong số ít các DOP nữ tại Việt Nam

La Fabrique chọn ra 10 dự án phim tiềm năng đang trong giai đoạn phát triển kịch bản của các đạo diễn làm phim đầu tay hoặc phim thứ 2 và mời đến Liên hoan phim (LHP) Cannes tham dự để tạo điều kiện và hỗ trợ cho các đạo diễn trẻ có cơ hội được gặp gỡ những nhà làm phim, các nhà tư vấn và đặc biệt là các nhà đầu tư tiềm năng cho dự án.

Được thành lập từ năm 2009, mỗi năm hội đồng tuyển chọn của La Fabrique, gồm các biên kịch, đạo diễn, dựng phim, cố vấn, các giám tuyển LHP và thành viên của các hiệp hội văn hóa và điện ảnh có uy tín tại Pháp chọn ra 10 dự án phim đang phát triển xuất sắc nhất để tham dự chương trình. La Fabrique là hoạt động do Viện Pháp và Cinema Du Monde thường xuyên tổ chức hàng năm trong hai tuần lễ của LHP Cannes với các dự án chọn lọc, tiềm năng đến từ các nước châu Phi, châu Mỹ La Tinh, châu Á, Đông Âu và Trung Đông. 

Semaine De La Critique (Hạng mục giải của các nhà phê bình điện ảnh thường tập trung vào các đạo diễn trẻ cho hai phim đầu tay) của LHP Cannes 2022 vừa công bố giải Grand Prix năm nay là phim La Jauría, của đạo diễn Mexico Andres Ramirez Lulido, là một trong các dự án đã được mời vào La Fabric năm 2018. 

Năm nay, dự án phim Tấm ván phóng dao (tên tiếng Anh là If wood could cry, it could cry blood) của Nguyễn Phan Linh Đan là dự án duy nhất từ Đông Nam Á được mời tham dự La Fabrique. Trong khuôn khổ hoạt động của chương trình, Linh Đan cùng các đạo diễn trong La Fabrique năm nay được gặp gỡ và làm việc trực tiếp với giám tuyển của những liên hoan phim hàng đầu trên thế giới bao gồm Giám đốc nghệ thuật Christian Jeune của LHP Cannes, Eva Cahen, Trưởng Ban giám tuyển của Semaine de la Critic, đại diện của các LHP Venice, Rotterdam… Ngoài ra còn được giới thiệu trong các tạp chí điện ảnh chuyên ngành như Screen International, được chính thức đọc tên đạo diễn và quốc gia mình đến khi đi trên thảm đỏ của LHP Cannes và quan trọng nhất là được gặp gỡ rất nhiều các nhà đồng sản xuất tiềm năng từ nhiều nước trên khắp thế giới đặc biệt là Pháp và châu Âu.

Tấm ván phóng dao là dự án phim độc lập đầu tay của Linh Đan dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn - nghệ sĩ Mạc Can. Trước khi tham dự La Fabrique tại Cannes, dự án đã nhận được giải Arte Kino cho dự án phim đang phát triển tại APM của LHP Busan cuối năm 2021 trị giá 6.000 Euro. Đây là một Giải thưởng do Arte France - Thương hiệu hàng đầu và uy tín về phim điện ảnh ở Pháp, trao cho các dự án tiềm năng. Giải thưởng này có thể là bước khởi đầu thuận lợi cho dự án cho việc tiếp cận các quỹ điện ảnh trên thế giới đặc biệt là Châu Âu và các nước Đông Nam Á. Dự án này còn được mời tham dự South East Asian Film Lab của LHP quốc tế Singapore. 

Hiện tại Linh Đan là Giám đốc hình ảnh (DOP) cho phim điện ảnh, và là nữ giới hiếm hoi có vai trò này tại Việt Nam. Cô vừa kết thúc quay phim cho dự án Cô gái từ quá khứ của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân & Nam Cito ngay trước hành trình tham dự LHP Cannes 2022.

Nguyễn Phan Linh Đan sinh năm 1996 trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông ngoại cô là nhà phê bình văn học Ngô Thảo, bà nội là dịch giả nổi tiếng Phan Thanh Hảo, bố là đạo diễn phim Nguyễn Phan Quang Bình và mẹ cô là bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc công ty BHD.

Sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê với điện ảnh, Nguyễn Phan Linh Đan được gia đình cho đi học tại trường đại học New York University (NYU) - Tisch School of the Arts - top 1 trường điện ảnh của Mỹ. Tốt nghiệp đại học, cô gái 25 tuổi trở về Việt Nam với một “gia tài” là các giải thưởng điện ảnh. Ở vai trò đạo diễn hình ảnh, Linh Đan nhận được quỹ từ Panavision, một trong những hãng máy quay phim chuyên nghiệp dẫn đầu thế giới. Cô đã từng quay nhiều phim ngắn tham dự nhiều liên hoan phim lớn như Tribeca Film Festival, Busan International Film Festival, SXSW... 

Phim ngắn Children of the Dust (Trẻ bụi đời) của Linh Đan từng nhận được đầu tư từ văn phòng điện ảnh của thành phố New York, New York Mayor Office of Media and Entertainment/Made in NY, từ hội đồng nghệ thuật của bang New York, New York Foundations of Arts, và quỹ từ đạo diễn bộ phim Joker - Todd Phillips. 

Bộ phim Lost do cô làm đạo diễn hình ảnh (Director Of Photography - DOP) được chọn tham dự LHP Cannes 2016 ở thể loại Góc phim ngắn (Short Film Corner). Năm 2017, tác phẩm Vô diện do Linh Đan đồng biên kịch và DOP được trao giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam. Năm 2020, trong vai trò DOP, Linh Đan đã khiến cho nhiều người phải trầm trồ trước vẻ đẹp của Đà Lạt trong bộ phim điện ảnh Bí mật của gió. Nguyễn Phan Linh Đan từng chia sẻ, khi về Việt Nam làm phim, cô không nghĩ mình có thể làm được điều gì đó to lớn mà chỉ hy vọng sẽ “truyền cảm hứng cho những bạn nữ muốn theo đuổi nghề nghiệp tưởng chừng như chỉ dành cho đàn ông này. Tôi muốn bình đẳng hóa nghề làm phim nói chung và công việc DOP nói riêng, góp phần làm đa dạng hình ảnh và câu chuyện được kể”.

Nguyễn Phan Linh Đan (áo trắng) cùng các đồng nghiệp tại LHP Cannes 2022

 Các kịch bản Linh Đan từng viết như phim ngắn Children of the dust (Trẻ bụi đời) về một đứa trẻ ở trại tị nạn hay Tấm ván phóng dao đều là những câu chuyện qua góc nhìn con trẻ. Đặc biệt, Tấm ván phóng dao đề cập tới nhiều chủ đề mà cô quan tâm. Cuốn sách là những trải nghiệm ấu thơ của Mạc Can khi ông là con thứ trong một gia đình kiếm sống bằng nghề diễn xiếc lưu động. Kịch bản chuyển thể sẽ tập trung vào ba đứa trẻ phải diễn màn phóng dao đầy nguy hiểm - tiết mục thành công nhất của gánh xiếc. Đó là những đứa trẻ tìm kiếm chính mình trong một thời kỳ chuyển giao văn hóa... 

Linh Đan đã tìm đọc cuốn sách Tấm ván phóng dao để làm nghiên cứu khi còn là sinh viên ngành Làm phim tại Mỹ. Cô nhớ lại: “Tuy khác nhau về bối cảnh sống, nhưng tôi cảm thấy cuốn sách như đang viết ra chính những cảm xúc và tâm tư của mình. Từ văn phong đến nội tâm của nhân vật tôi đều thấy quá đỗi thân thuộc. Sau hai năm lên ý tưởng, tôi bắt đầu viết kịch bản vào tháng 2/2021. Điều may mắn là nhà văn Mạc Can và tôi tuy khác thế hệ nhưng đồng cảm và có cách nhìn thế giới quan tương tự nhau, vì vậy cả hai trở nên khá thân thiết. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, hoặc gọi điện hỏi thăm nhau hàng tuần. Nhà văn chỉ nhắn nhủ tôi rằng, ông muốn câu chuyện được lan tỏa tới khán giả trẻ. Còn lại, ông để mặc cho tôi tự do tiếp cận câu chuyện trong cuốn sách”. 

Hành trình nghệ thuật của Nguyễn Phan Linh Đan mới chỉ bắt đầu. Còn rất nhiều cái đích mà cô muốn đến, nhiều câu chuyện mà cô muốn kể. Và điện ảnh chính là môn nghệ thuật mà cô gửi trọn đam mê: “Tôi được tiếp cận với văn học nghệ thuật từ sớm, từ viết văn cho tới vẽ tranh và nhiếp ảnh... và điện ảnh chứa đủ những đam mê này. Tôi hứng thú với việc lên tiếng, kể chuyện thông qua ngôn ngữ cơ thể, ánh sáng và khung hình. Điện ảnh là một ngôn ngữ phổ quát, không phân biệt giai cấp, giới tính, sắc tộc và mang góc nhìn rõ nét của người tạo ra tác phẩm. Tôi quyết định trở thành một đạo diễn hình ảnh khi du học ở Mỹ. Thứ đáng giá nhất tôi đã học được là sự tự do trong tư duy và sáng tạo. Chúng tôi được dạy rất kỹ các lý thuyết mang tính niêm luật, nhưng rồi lại học cách phá những luật đó để tạo ra những thứ mới và biểu lộ cái “tôi” của mình trong các tác phẩm”. 

PHẠM MINH TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022

;