Phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích quốc gia đặc biệt (Qua nghiên cứu một số trường hợp tại tỉnh Bắc Giang)

Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) II huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: songoaivu.bacgiang.gov.vn

1. Vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích quốc gia đặc biệt (DTQGĐB)

Vai trò tự chủ

Vai trò tự chủ của cộng đồng được thể hiện qua việc huy động đóng góp nguồn lực tài chính cho tu bổ, tôn tạo di tích. Trong công tác đầu tư, tu bổ di tích, nguồn vốn xã hội hóa được coi là nguồn lực quan trọng, đáp ứng phần nào nhu cầu tu bổ di tích khi nguồn kinh phí nhà nước còn hạn hẹp. Nhờ đó, nhiều di tích thoát khỏi cảnh xuống cấp, cảnh quan khang trang hơn, phát huy tốt giá trị vốn có. Huyện Hiệp Hòa là một trong những địa phương đi đầu trong hoạt động tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Huyện huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước kết hợp nguồn xã hội hóa thực hiện công tác đầu tư tu bổ, ưu tiên di tích xuống cấp nhất là các DTQGĐB. Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích nói chung, nhất là hoạt động trùng tu tôn tạo cho thấy vai trò, trách nhiệm của nhà nước và cộng đồng. Cùng với ngân sách nhà nước là nguồn kinh phí xã hội hóa được huy động từ nhân dân đã giúp tăng cường nguồn lực, nhờ đó di tích được bảo vệ, phát huy tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế trong việc gìn giữ, phát huy di tích. Hiện nay, chính sách xã hội hóa đối với lĩnh vực di tích chưa có quy định cụ thể, công tác tu bổ thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về di sản, xây dựng và các văn bản luật có liên quan. Trình tự, thủ tục các bước thẩm định, phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án đều không có quy định riêng đối với tu bổ di tích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa gây khó khăn cho công tác triển khai và thu hút nguồn lực xã hội. Thêm nữa, cũng cần thiết điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp với thực tế để đáp ứng yêu cầu quản lý. Bên cạnh những quy định chặt chẽ, cụ thể đối với hành vi xâm hại di tích cần quy định cụ thể các nội dung khuyến khích xã hội hóa khi đầu tư vào hoạt động bảo vệ di tích, quy định cụ thể chính sách ưu tiên, khuyến khích để huy động nguồn lực xã hội như: giảm thuế hoặc miễn thuế hoạt động và chính sách đãi ngộ (tôn vinh, khen thưởng) cho những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích để địa phương có cơ sở thực hiện.

Vai trò chủ động, tích cực

Vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng trong quản lý di tích quốc gia đặc biệt thông qua hoạt động khai thác và phát huy giá trị di tích. Quá trình này chỉ thật sự có ý nghĩa khi chúng mang lại lợi ích cho cộng đồng và cộng đồng chính là nguồn lực quan trọng nhất góp phần vào thành công của hoạt động này. Qua tìm hiểu, cộng đồng đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong hoạt động quản lý, khai thác, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt đã và đang được nhân dân địa phương quan tâm thực hiện, tự nguyện tham gia khá tích cực bằng nhiều hình thức sáng tạo như: hiến đất để khoanh vùng bảo vệ di tích; thành lập các tổ, nhóm, ban nghi lễ duy trì hoạt động của di tích; tham gia gìn giữ vệ sinh, môi trường trong di tích; đóng góp các ý kiến cùng các cơ quan quản lý nhà nước khôi phục những nghi thức thất truyền; tích cực tham gia vào hoạt động dịch vụ, phát triển các hoạt động gắn với sinh kế của cộng đồng trực tiếp tại di tích... qua đó góp phần khiến cho di tích bền vững và hấp dẫn hơn, giảm gánh nặng về ngân sách cho Nhà nước, đồng thời tăng cường sự hiện diện của Nhà nước trong việc định hướng cho cộng đồng tham gia vào lĩnh vực khai thác và phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả.

Qua thực tiễn nghiên cứu, tác giả nhận thấy vai trò nổi bật và sự chủ động tham gia của cộng đồng được thể hiện rõ nét trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và lễ hội truyền thống. Sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cấp chính quyền, sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng đã góp phần làm nên thành công trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, điều này được thể hiện rõ qua việc cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo vệ di tích, tổ chức huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích, đồng thời tham gia vào các hoạt động quảng bá, khai thác, phát huy giá trị di tích... qua đó góp phần tạo sự lan tỏa ngày một rộng hơn. Trong hoạt động phát triển du lịch, khách tham quan tạo cơ hội thúc đẩy người dân địa phương tham gia vào các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch tại chỗ. Điều này cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng cần gắn liền với người dân bản địa, bởi họ chính là những người gần với di tích nhất. Thực tế cho thấy, nhiều người dân địa phương cung cấp dịch vụ ăn nghỉ tại nhà, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản của người dân bản địa. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong quản lý di tích chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi có sự tham gia định hướng của Nhà nước mới có thể tạo ra sự khách quan trên cơ sở tinh thần tự giác của họ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Vai trò thực hiện, phối hợp

Vai trò thực hiện, phối hợp của cộng đồng trong quản lý di tích quốc gia đặc biệt thông qua hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Phần lớn di tích được giữ gìn, phát huy giá trị bởi có sự tham gia, gắn bó mật thiết của cộng đồng, nhờ đó tránh được sự xâm phạm từ môi trường tự nhiên cũng như tác động gây hại từ con người; các biểu hiện hư hỏng được phát hiện kịp thời và khắc phục; nguồn kinh phí ở dạng bổ sung hoặc là nguồn chính từ cộng đồng, cho phép thực hiện những phần việc nhỏ và lớn về tu bổ, tôn tạo di tích mà ngân sách nhà nước chưa giải quyết kịp thời. Đối với các DTQGĐB ở Bắc Giang, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ. Trong những năm qua, họ tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đặc biệt, những di tích này có đặc thù gồm nhiều điểm di tích, tồn tại đan xen trong cộng đồng dân cư, thậm chí một số di tích hiện là nơi ở của người dân sở tại, điều này đã đặt cộng đồng địa phương vào vai trò then chốt trong hoạt động bảo vệ di tích. Thời gian qua, xác định vai trò quan trọng của cộng đồng trong quản lý DTQGĐB, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện có DTQGĐB đã tiến hành nhiều biện pháp nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích; tăng cường thực hiện tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ di tích cũng như giới thiệu tiềm năng, giá trị của di tích. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn di tích của các cấp quản lý cũng được tham khảo rộng rãi ý kiến của nhân dân, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Các quy định, quy chế bảo tồn DTQGĐB được phổ biến rộng rãi đến người dân, nâng cao nhận thức của họ trong công tác bảo vệ di tích.

Cộng đồng địa phương là những người sống trực tiếp gần các điểm di tích, bản thân di tích tồn tại một cách thường trực trong chính cuộc sống của họ, do vậy trong hoạt động quản lý di tích, họ đóng vai trò quan trọng. Qua khảo sát thực tế tại một số điểm DTQGĐB ở Bắc Giang cho thấy việc cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích là hoạt động khá phổ biến tại các xóm làng, khu dân cư. Trong việc huy động nguồn lực tu bổ di tích, sự đóng góp của cộng đồng gần bằng sự đầu tư của chính quyền. Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có những chính sách nhằm khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia vào hoạt động bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích, điều này góp phần huy động được một nguồn lực lớn từ cộng đồng.

Ngày nay, trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội trên mọi phương diện, với sự tham gia ngày càng tích cực của cộng đồng vào việc quản lý di tích trong những điều kiện cụ thể cũng đặt ra cho các nhà quản lý một số vấn đề đáng lưu tâm. Qua đó, chúng ta nhận ra sự cần thiết phải thiết lập một công cụ pháp lý, một văn bản dưới luật vừa đảm bảo sự tham gia tích cực và đúng hướng của cộng đồng vào hoạt động này, vừa hạn chế được những hệ lụy phát sinh từ việc xã hội hóa gây ảnh hưởng đến di tích.

Vai trò quyết định

Từ lâu di tích vẫn được cộng đồng chung tay gìn giữ, phát huy giá trị với sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ quan chức năng... Tuy nhiên, để di tích thực sự được bảo vệ và phát huy giá trị hiệu quả, vai trò quyết định vẫn thuộc về cộng đồng. Không chỉ nắm giữ di tích, họ còn là những người thực hành, gìn giữ các giá trị di sản, bản sắc văn hóa như tập quán xã hội, phong tục truyền thống, không gian lễ hội, trò chơi dân gian... qua đó lưu giữ hồn cốt di sản trong không gian của nó. Chính ở đây, vai trò quyết định của cộng đồng được phát huy bởi họ mới là người thực hành di sản phù hợp nhất, do vậy họ cần được tham gia vào quá trình thực hành và tự quản lý di sản. Thành viên cộng đồng là những người quyết định di sản của họ trong đó hoạt động lễ hội được thực hành ra sao, như thế nào vì chính họ từ thế hệ này truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp.

Tuy nhiên, dù cộng đồng có vai trò quyết định trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích hay tổ chức lễ hội, nhưng về phương diện quản lý, Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo mang tính định hướng. Và mặc dù có những đóng góp quan trọng trong hoạt động quản lý DTQGĐB thời gian qua nhưng nhìn nhận một cách khách quan và qua nghiên cứu, khảo sát thực tế tại địa bàn di tích, tác giả nhận thấy việc quản lý từ phía cộng đồng địa phương còn tồn tại một số hạn chế sau:

Việc phân định quản lý di tích ở một số địa phương còn chồng chéo, đôi lúc chưa xác định rõ vai trò quản lý của Nhà nước và cộng đồng trong quản lý di tích; ở một số nơi bản thân cộng đồng còn ít chủ động tham gia vào hoạt động tại di tích, tình trạng xâm hại di tích vẫn diễn ra; vệ sinh môi trường tại di tích chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền quảng bá ít được chú trọng, chưa có những giải pháp cụ thể để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; một bộ phận dân cư sống trong và quanh khu vực di tích do nhận thức chưa cao, đời sống kinh tế khó khăn dẫn đến việc lấn chiếm đất đai, vi phạm vào vùng bảo vệ làm mất cảnh quan, không gian của di tích, nhất là đối với những di tích hiện chỉ còn là phế tích như khu đồn Hố Chuối, đồn Hom, Ao Chấn Ký… (thuộc di tích những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế) gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận du khách chưa cao, vẫn còn tâm lý muốn “lưu danh” nên đã khắc, viết tên lên di tích, hiện vật (nhất là du khách ở lứa tuổi thanh thiếu niên).

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do việc huy động các nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích còn nhiều bất cập do thiếu cơ chế, chính sách cụ thể trong việc khuyến khích, kêu gọi đầu tư cũng như sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích; sự phối hợp giữa Nhà nước và cộng đồng trong quản lý di tích thực hiện chưa thường xuyên dẫn tới sự tham gia của cộng đồng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc huy động nguồn lực từ cộng đồng cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích gặp nhiều khó khăn. Cộng đồng chưa thấy được giá trị thực sự của di tích cũng như nguồn lợi mà di tích mang lại; việc xây dựng các tuyến tham quan di tích còn đơn điệu, các mặt hàng dịch vụ cũng như sự tham gia của người dân địa phương trong hoạt động này chưa thật sự tích cực. Nhà nước cũng chưa có hỗ trợ và định hướng xứng tầm để cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch để phát huy giá trị di tích với tư cách là một ngành kinh tế, trong khi đây lại là một trong những thế mạnh cần phát huy trong quá trình khai thác, phát triển du lịch bền vững gắn với phát huy giá trị di tích ở địa phương.

2. Giải pháp nâng cao vai trò của cộng đồng trong quản lý DTQGĐB

Một là, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, giá trị của DTQGĐB trong đời sống văn hóa, xã hội

Trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về di tích thông qua một số hoạt động: xây dựng kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, triển khai các quy định của pháp luật về di tích tới các địa phương để cộng đồng hiểu được giá trị của di tích cũng như trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy di tích; xây dựng ban hành chính sách và có cơ chế khuyến khích cộng đồng dân cư địa phương tích cực tham gia vào hoạt động quản lý di tích; khuyến khích cộng đồng tự học hỏi, tìm hiểu nâng cao kiến thức, kỹ năng góp phần vào sự thành công của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DTQGĐB.

Hai là, phát huy vai trò tự chủ

Trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của toàn dân trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, vận động sức dân là chính”, chú trọng huy động nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, cần bổ sung các quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ, giảm hoặc miễn thuế cho các hoạt động được thực hiện từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách thích đáng, phù hợp để khuyến khích về mặt tinh thần và vật chất đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác xã hội hóa không vì mục đích lợi nhuận trong lĩnh vực bảo tồn di sản.

Tất cả các nguồn vốn sử dụng huy động được từ hoạt động xã hội hóa phải đặt dưới sự quản lý của Nhà nước về chuyên môn và có sự tham gia của cộng đồng dân cư để kiểm soát tránh sai sót về kỹ thuật tu bổ nhằm ngăn chặn việc thất thoát; tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn tiền công đức tại di tích.

Ba là, phát huy vai trò chủ động, tích cực

Tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc tham gia xây dựng đóng góp ý kiến đối với hoạt động tu bổ di tích; xây dựng mạng lưới giám sát cộng đồng, thành lập, nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo, nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc của di tích.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, các quy định về đầu tư, xây dựng cùng các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Bốn là, đảm bảo vai trò thực hiện của cộng đồng trong hoạt động quản lý DTQGĐB

Đối với hoạt động phát huy giá trị các DTQGĐB, cộng đồng địa phương phải được xem là nhân tố đầu tiên hưởng lợi từ việc khai thác và phát huy giá trị di tích. Vì thế, cần tổ chức vận động nhân dân sống xung quanh khu vực có di tích tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ di tích, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích, cộng đồng địa phương phải được xem là những nhân tố đầu tiên để tham khảo ý kiến, đóng góp ý tưởng trong việc phục dựng, tôn tạo di tích.

Để thu hút nguồn lực cộng đồng đầu tư vào khai thác và phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, các cấp quản lý cần xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế và được cụ thể hóa bằng những đầu tư bước đầu cho cơ sở hạ tầng cũng như bảo tồn, tôn tạo, phục hồi những điểm di tích trong hệ thống DTQGĐB làm cơ sở thu hút khách du lịch tạo nguồn lực duy tu di tích lâu dài.

Năm là, đề cao vai trò quyết định

Vai trò này được thể hiện thông qua các khía cạnh như: hưởng ứng và tham gia vào các hoạt động trong quá trình quản lý di tích; quyên góp kinh phí cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, hiến đất, trông coi, bảo vệ di tích... hoặc trực tiếp quyết định các hoạt động trong tổ chức lễ hội truyền thống của làng. Bởi lẽ trong lễ hội phần cơ bản là nghi thức, nghi lễ đều do cộng đồng thực hiện, điều đó thể hiện rõ vai trò quyết định của cộng đồng trong thực hành tín ngưỡng truyền thống của địa phương.

Sáu là, phát huy vai trò phối hợp giữa cộng đồng và cơ quan quản lý các cấp

Đối với hoạt động quản lý các DTQGĐB cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư. Việc phối hợp này được triển khai trên một số phương diện: ban hành, phổ biến, hướng dẫn và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách được thể hiện bằng văn bản quản lý. Trong quá trình tiến hành các hoạt động cụ thể, đại diện chính quyền và cộng đồng sẽ có sự trao đổi, điều chỉnh những chi tiết chưa hợp lý để từ đó góp phần vào việc tạo ra sự đồng thuận cao trong việc phối hợp giữa cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước.

Thực hiện phối hợp hoạt động thanh kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm di tích. Trong thời gian tới, cần tăng cường giám sát của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích nhất là thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo.

Việc áp dụng và thực hiện các giải pháp nêu trên là một trong những yếu tố cơ bản để tăng cường hiệu quả vai trò của cộng đồng trong hoạt động quản lý DTQGĐB ở Bắc Giang thời gian tới. Tuy nhiên, để các giải pháp này được thực hiện đồng bộ có tính khả thi cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội… trong đó phải kể đến vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ cấp tỉnh đến cơ sở. Thực hiện tốt những giải pháp trên sẽ nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy được các giá trị của hệ thống DTQGĐB trong quá trình hội nhập.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quốc Hùng, Vai trò cộng đồng trong bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 50, 2015.

2. Quang Minh, Nguyễn Thị Thu Trang, Vai trò của cộng đồng nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4 (41), 2012.

3. Trần Đức Nguyên, Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa (qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Bắc Ninh), Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 6, 2013.

4. Sở VHTTDL Bắc Giang, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích ATK II huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, 2017.

5. Phạm Hồng Tung, Nghiên cứu về cộng đồng: Khái niệm, cách tiếp cận và phân loại, Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số 12, 2009.

Ths NGÔ THỊ THU HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;