Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Tri Chỉ

Nghi môn đình Tri Chỉ.- Ảnh: nhipsonghanoi.hanoimoi.vn

Tổng quan về di tích lịch sử văn hóa đình Tri Chỉ

Làng Tri Chỉ thuộc xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Theo truyền thuyết và thần phả, đình Tri Chỉ thờ Linh Lang đại vương là một võ tướng thời Lý (chính là Hoàng tử Hoằng Chân). Thần đã chiến đấu dũng cảm trên dòng sông Như Nguyệt trong trận tuyến sông Cầu chống quân Tống xâm lược. Thần đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, nên nhà Vua ban sắc phong chỉ, truyền các nơi thờ phụng để nhớ công đức. Đình Tri Chỉ thờ Ngài làm Thành hoàng làng.

Ngoài thờ Linh Lang đại vương, đình còn phối thờ các vị Đông Hải, Thủy Hải là những người tài cao học rộng, dũng cảm phò Vua Lê trong công cuộc chống quân xâm lược nhà Minh TK XV. Đông Hải theo truyền thuyết là Nguyễn Phục, đỗ tiến sĩ giỏi vận tải binh lương, trong đợt thi hành công vụ vận tải vũ khí và lương thực theo đường biển vào phía Nam để cấp cho vua đánh giặc, giữa đường gặp bão ông đã đưa thuyền vào nơi an toàn để đảm bảo tính mạng quân sĩ, giữ gìn được lương thực và vũ khí để nhà vua đánh thắng giặc, nhưng bị mắc vào tội khi quân phải chết. Sau khi đánh thắng quân giặc, nhà vua mới sực nhớ rằng vì có vũ khí và lương thực của đoàn thuyền do Nguyễn Phục chỉ huy mang vào thì mới đánh thắng được giặc. Do vậy minh oan cho Nguyễn Phục, nhà vua phong cho là Đông Hải đại vương, sắc chỉ cho nhiều nơi thờ, trong đó có đình Tri Chỉ. Bên cạnh đó, đình Tri Chỉ còn thờ hai vị Thánh sư tổ nghề làm áo tơi là Nghiêm Thắng và Đặng An, nhờ có nghề thủ công mà đời sống của nhân dân được ấm no hơn.

Đình Tri Chỉ được xây dựng vào TK XVII, trải qua nhiều lần tu sửa vào những năm 1816, 1940 và 1988, tuy có nhiều lớp kiến trúc kế thừa, bổ sung nhưng cơ bản vẫn giữ được ngôi đình cổ gồm các ngôi đại bái, trung cung và hậu cung. Di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) đình Tri Chỉ được xếp hạng Di tích quốc gia 1985. Ngôi đại bái có cấu trúc mặt bằng hình chữ Nhất, gồm có ba gian hai chái. Kiến trúc bên ngoài xây tường hồi vỉ ruồi tay ngai, bốn mái đao cong, lợp ngói mũi. Kết cấu bộ khung bên trong 4 hàng chân cột gỗ, 6 bộ vì với tổng số 24 cột bằng gỗ tứ thiết. Cột gỗ vì giữa có đấu vuông thót đáy là dấu tích còn lại từ thời Lê. Trên thượng lương còn ghi dòng chữ Hán cho biết thời điểm khởi dựng ngôi đình là năm 1771; đến thời Nguyễn năm 1886, 1940, đình được tu sửa và tôn tạo lần cuối vào năm 1988 để có quy mô di tích như hiện nay.

Cấu trúc các bộ vì làm theo kiểu thức thượng rường cốn, hạ bẩy. Điêu khắc nghệ thuật tập trung trên bốn câu đầu dư đục chạm đầu rồng và bức cốn trên hai bộ vì gian giữa trang trí các khối chạm voi, rồng, phượng mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Ngoài ra trên cốn, đầu bẩy còn được đục chạm các điển tích tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) miêu tả con rồng đuôi xoắn, bờm rậm, mặt nom dữ tợn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Đặc điểm kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trong đình Tri Chỉ có những mảng khối tương đối rõ nét của hai thời Lê - Nguyễn.

Ngôi trung cung và hậu cung tọa lạc ở phía sau nhà đại bái với quy mô nhỏ; đồng thời, cũng là mô hình thu nhỏ về kiến trúc nghệ thuật của đại bái, được làm vào thời Nguyễn trong những năm tu sửa đình. Hiện tại, đình Tri Chỉ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị của thời Nguyễn như hoành phi, câu đối, hương án, cửa võng, ngai thờ bài vị, hiện vật quý là một cây đèn gốm tráng men màu da đá, trang trí đắp nổi hình rồng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, 2 đĩa men ngọc và cuốn thần phả, sắc phong cho Thành hoàng làng.

Đình Tri Chỉ đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, hội đủ các chức năng của thiết chế văn hóa làng xã mà đỉnh cao là lễ hội làng Tri Chỉ đóng vai trò cố kết cộng đồng. Lễ hội không đơn thuần chỉ là hoạt động tôn giáo tín ngưỡng mà nó là hoạt động vui chơi giải trí thể hiện tinh thần tập thể cộng đồng. Lễ hội đình làng Tri Chỉ gắn bó với dân làng từ xa xưa đến nay để lại những truyền thống tốt đẹp, là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong mỗi người. Người dân trong làng Tri Chỉ chủ yếu làm nghề nông, lễ hội chính là dịp để mọi người gắn bó với nhau qua những công việc chung. Lễ hội là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, góp phần củng cố thêm tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm tạo nên sức mạnh tập thể cộng đồng và là nơi bảo tồn nét văn hóa dân gian truyền thống làng xã.

Lễ hội truyền thống đình Tri Chỉ diễn ra vào hai dịp trong năm từ ngày 1 đến ngày 4-4 và ngày 9 đến ngày 10-8 âm lịch hằng năm. Đây là nơi diễn ra lễ hội truyền thống của địa phương trong các ngày sóc, vọng, các ngày lễ tiết dân làng thành tâm dâng lên đức Thành thành hoàng lễ chay, mặn tùy tâm. Mỗi khi trong gia đình có công việc, các gia đình cũng có lễ trình với Thành hoàng cầu mong sự phù trợ. Lễ hội được tổ chức là để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng làng đã che chở cho nhân dân no ấm, bình yên. Hằng năm, nhân dân mở hội thường niên, lễ hội được chuẩn bị trước đó rất lâu. Thời xưa do hội đồng hương chánh chủ trì, phân công cho Lý trưởng chỉ đạo chung. Các ông phó lý, chánh hội, phó hội, thơ ký, hương trưởng được giao phụ trách tìm phần việc, đồng thời, tổ chức quyên góp tiền của trong nhân dân. Nhân dân cày cấy ruộng tư điền sau đó đóng góp gạo nấu xôi cúng tế. Ngày nay, lễ hội do Ban chấp hành Chi hội Người cao tuổi chủ trì, phân công các công việc cho các thành viên trong ban tổ chức, các ban ngành khác tham gia gồm có Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… vào dịp lễ hội chính có các tuần tế Mộc dục, Tế tuần đệ nhất, Tế tuần đệ nhị, Tế tuần đệ tam

Thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Tri Chỉ

Xã Tri Trung có 5 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia và thành phố: di tích cấp quốc gia có đình, chùa Tri Chỉ thôn Tri Chỉ; di tích cấp thành phố: đình Đại, chùa thôn Trung Lập, Nhà thờ họ Ngô thôn Tri Chỉ. Theo phân cấp hiện nay, UBND xã được thành lập Ban Quản lý (BQL) di tích xã, thành phần: ở các làng có di tích đều thành lập BQL di tích do ông Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa làm trưởng ban và 1 cán bộ văn hóa. Tại di tích đình, chùa Tri Chỉ UBND xã Tri Trung thành lập tiểu BQL di tích trực thuộc BQL di tích xã Tri Trung với sự tham gia của đại diện cán bộ UBND, UBMTTQ, các đoàn thể của xã Tri Trung, đại diện cán bộ cơ sở, nhân dân và trụ trì di tích (từ 7-9 người). BQL di tích xã Tri Trung có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và có biện pháp bảo vệ, tổ chức, tôn tạo di tích đình, chùa Tri Chỉ nhằm phát huy giá trị di tích. Tiểu BQL di tích có nhiệm vụ trông coi và quản lý di tích; cùng với BQL di tích xã phát hiện những hành vi sai phạm, tình trạng xuống cấp của di tích để kịp thời báo cáo với UBND xã và các cấp có thẩm quyền giải quyết. Định kỳ, UBND xã Tri Trung tiến hành kiện toàn nhân sự BQL di tích nhằm bổ sung, điều chỉnh cơ cấu nhân sự cho phù hợp và có quyết định trích một khoản kinh phí cho những người trông coi, bảo vệ di tích (kinh phí có được từ đóng góp của nhân dân và du khách).

Hằng năm, UBND xã Tri Trung đều củng cố và kiện toàn BQL di tích nhằm bổ sung, điều chỉnh cơ cấu nhân sự cho phù hợp với địa phương mình. Kinh phí hoạt động của BQL và người trông coi di tích được hoạt động trên cơ sở: hoạt động tham quan thắng cảnh, du lịch, lễ hội truyền thống, các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; tiền công đức của nhân dân. Việc sử dụng kinh phí tại di tích làng phải được sử dụng đúng nguyên tắc tài chính hiện hành.

Công tác sử dụng khai thác tuyên truyền các giá trị của di tích đình Tri Chỉ được coi trọng và được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Công tác tuyên truyền được triển khai thông qua sinh hoạt của Tổ dân phố, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân… tờ gấp tuyên truyền do phòng Văn hóa Thông tin biên soạn là một trong những nội dung học tập trao đổi sinh hoạt của cơ sở. Với hình thức này công tác bảo vệ di tích tại cơ sở theo quy định của Luật Di sản văn hóa đã được các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, thảo luận, bàn bạc công khai trên tinh thần dân chủ đóng góp ý kiến, xây dựng trong cuộc họp. Chính những hình thức tuyên truyền này có tác dụng to lớn, giúp khơi dậy ý thức cộng đồng, thúc đẩy người dân tự nguyện tham gia vào sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ DTLSVH.

DTLSVH đình Tri Chỉ là công trình kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê với quy mô kiến trúc đa dạng độc đáo. Đình hướng về phía Tây, trước mặt là hồ bán nguyệt rộng lớn, sau là hào nước, xung quanh có rặng cây cổ thụ. Đình có kiến trúc độc đáo, hai bên hồi xây kiểu “vỉ ruồi tay ngai”, 4 mái đầu đao cong vút. Kết cấu bộ khung bên trong đình có 4 hàng chân cột gỗ, 6 bộ vì với tổng cộng 24 cột bằng gỗ tứ thiết. Các bộ vì có cấu trúc kiểu thức “thượng rường cốn, hạ bảy”. Chính giữa đại bái là một tiền sảnh hai tầng liền kề, cổ diềm đón ánh sáng. Hệ thống cửa bức bàn chắc chắn với hàng câu đối trên cột đá: “Thánh tích cơ đồ minh quốc sử/ Thần công hiển hách trù hương từ” nhằm ca ngợi công lao của các vị Thành hoàng làng.

Đặc biệt, các đầu đao ở tiền sảnh đều được đắp nổi rồng phượng, long lân uốn cong đuổi nhau thành đôi - rất ít khi xuất hiện trong tạo hình đình góc mái. Mái đình lợp ngói vảy cá, hai đầu bờ nóc có đôi lân cõng mây chầu, trên hai bờ dải có đôi kìm.

Các bức cốn được điêu khắc với nội dung phong phú, cởi mở như rồng vờn nhau, rồng mẹ vui đùa cùng rồng con, rồng đuổi mây... phản ánh khao khát tự do và thể hiện sự suy yếu của vương quyền cuối thời Lê. Ngoài ra, các đầu bảy còn được chạm chi tiết tứ long, tứ quý, một số hình tượng rồng được chạm với đuôi xoắn, bờm rậm, mặt dữ tợn, mang phong cách nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. Chính giữa hậu cung có bức cửa võng cổ nhiều tầng, trên là bức hoành phi “Dực bảo trung hưng”.

Hiện tại, đình Tri Chỉ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị từ thời Nguyễn như hoành phi, câu đối, hương án, cửa võng, ngai thờ, bài vị, cây đèn gốm tráng men màu da đá, một số phù điêu hình rồng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, 2 đĩa men ngọc và cuốn thần phả, sắc phong Thành hoàng làng. Đạo sắc phong gần nhất là năm Duy Tân thứ 3 (năm 1909).

Với tuổi thọ lâu đời và giá trị sâu sắc của mình, ngôi đình đã trải qua các triều đại và được gìn giữ, trùng tu một số lần. Rất tiếc, hiện nay, trong đình, chùa không giữ lại được một tài liệu nào nói về việc tu sửa từ 1980 trở về trước (một số người dân nơi đây phỏng đoán, có thể các tài liệu này đã bị mất trong thời kỳ chiến tranh).

Đi đôi với công tác trùng tu, tôn tạo di tích đình, chùa cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích, người hướng dẫn viên du lịch, để nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách thập phương.

Có thể nói công tác tu bổ và tôn tạo di tích đình, chùa Tri Chỉ những năm qua đã đạt được rất nhiều thành tựu trong công tác quản lý di tích, với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng, những người dân có tấm lòng đã góp phần xây dựng di tích ngày càng đẹp hơn.

Những năm gần đây cùng với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã ảnh hưởng đến di tích. Là một ngôi đình cổ nằm ngay ở mặt đường, vị trí trung tâm, trong quá trình lập hồ sơ di tích đã đề cập rất rõ đến diện tích thực tế, được khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, một số hộ gia đình xung quanh đã tự ý cơi lới lấn chiếm sang diện tích đình. Dưới sự quan tâm của các cấp chính quyền, BQL di tích cơ sở đã không ngừng tuyên truyền vận động về tình trạng lấn chiếm, phần lớn hộ dân sống xung quanh đã nhận thức được vấn đề giữ gìn và bảo vệ di tích.

Nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ di tích trên địa bàn, UBND xã có văn bản chỉ đạo cho lực lượng công an phối hợp với BQL di tích thực hiện kiểm tra, cấm các hộ dân trong khu vực và bán hàng rong trước cửa di tích, các biểu hiện tiêu cực gây mất trật tự an ninh, cảnh quan, môi trường di tích.

Để bảo vệ di tích một cách hữu hiệu, UBND xã đã tiến hành đo đạc, trích lục bản đồ khu vực sử dụng, khoanh vùng bảo vệ, đánh giá hiện trạng di tích. Đây là cơ sở để giải quyết những vấn đề về lấn chiếm, vi phạm đất đai trong di tích.

Quán triệt phương châm chỉ đạo của Chỉ thị số 05/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý cổ vật trong DTLSVH, UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo các xã thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quản lý di vật, cổ vật tại di tích. BQL di tích xã Tri Trung và những người trực tiếp trông coi di tích đều ký vào bản cam kết với UBND xã, sẽ đảm bảo việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với những di tích kèm theo di vật - cổ vật mà mình trực tiếp trông giữ; cam kết chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu xảy ra tình trạng thất thoát các di vật cổ vật tại di tích đình Tri Chỉ.

Nhờ những biện pháp bảo vệ tích cực đối với di tích và di vật, cổ vật từ năm 2010 đến nay di tích đình Tri Chỉ đã phong quang, sạch đẹp, không xảy ra tình trạng thất thoát di vật, cổ vật.

Trong những năm gần đây, nhu cầu tham gia lễ hội của người dân ngày càng đông hơn trước. Đặc biệt là sự tham gia của các ngành, các cấp nên khâu chuẩn bị, tổ chức lễ hội cũng được chu đáo hơn. Lễ hội góp phần xây dựng cuộc sống hài hòa tốt đẹp hơn. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng được trao truyền góp phần giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.

Bên cạnh những mặt tích cực, lễ hội đình Tri Chỉ ngày nay cũng lộ một số mặt tiêu cực như hiện tượng cờ bạc, mê tín dị đoan bói toán, làm ảnh hưởng không tốt tới không gian và gây mất thẩm mỹ của lễ hội.

Đối với nguồn tài chính chi cho tổ chức lễ hội kinh phí lấy từ nguồn thu kinh doanh dịch vụ và thu được chủ yếu từ nguồn công đức của nhân dân địa phương và du khách thập phương, được giao cho UBND xã Tri Trung nắm giữ, sau đó đầu tư trở lại chi cho các hoạt động tổ chức lễ hội lần sau và việc tu bổ di tích; kinh phí tổ chức lễ hội được tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thì do UBND xã Tri Trung trực tiếp quản lý chi cho tổ chức lễ hội.

Nguyên tắc chung về quản lý các nguồn thu, chi: thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy chế dân chủ, công khai minh bạch dưới sự giám sát của UBND xã Tri Trung và phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Xuyên.

Quản lý, sử dụng các nguồn thu: thực hiện sự chỉ đạo của UBND xã Tri Trung, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ. Xã đã cử cán bộ kết hợp với ban thủ nhang, cùng với đại diện của BQL di tích giám sát và thực hiện các nguồn thu tài chính tại di tích đình Tri Chỉ.

Tại di tích đình Tri Chỉ, nhìn chung qua các đợt thanh tra hằng năm của đoàn thanh tra Sở VHTTDL Hà Nội, đều kết luận công tác quản lý đình, chùa Tri Trung thực hiện rất tốt các quy định, nội quy bảo vệ di tích, công tác lưu trữ hồ sơ, công tác tuyên truyền, bảo vệ các đồ thờ hiện vật đã được BQL di tích hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra các vụ mất cắp, thường xuyên kiểm tra các đồ vật hiện vật, bảo vật quý hiếm. Tuy nhiên, đối với công tác quản lý di tích vẫn còn những bất cập hạn chế: chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội, nạn cờ bạc núp dưới hình thức những trò chơi vẫn hoạt động hiên ngang với nhiều thủ đoạn tinh vi; tổ bảo vệ di tích chưa làm tốt công tác an ninh trật tự đối với các chủ quán bán hàng trước cửa cổng đình; nhiều vụ việc gây mất trật tự trong đình chưa kịp thời báo cáo lên chính quyền, thường để sự việc xảy ra mới báo cáo.

Đối với bộ máy quản lý di tích ở đình: hầu hết là người lớn tuổi và về hưu có thời gian rảnh rỗi, được dân làng tín nhiệm với hình thức trông coi bảo vệ di tích tự nguyện nên không có trình độ chuyên môn về di tích. Hiện, BQL di tích chưa thành lập ban khánh tiết chính thức, vào những ngày lễ Tết, lễ hội lớn thì BQL nhờ Đoàn Thanh niên xã tiếp nước và hướng dẫn du khách thập phương. Hiện nay, một số hạng mục di tích đã xuống cấp như: bậc lên xuống ở 2 bên thềm sấu đá cũng bị nứt, bức tường hóa vàng có hiện tượng bị bung nở. Khu vực bên trong nhà thờ Mẫu bức tường đã bị bong tróc nhiều chỗ, cửa thì bị mối... Cách bài trí đồ lễ còn lộn xộn.

Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy các giá trị của đình Tri Chỉ cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân về việc bảo vệ DTLSVH; tăng cường công tác tu bổ, tôn tạo di tích ; nâng cao vai trò của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn DTLSVH; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần thiết thực vào phát huy di sản.

___________________

Tài liệu tham khảo

1. Bạch Thị Dung, Tìm hiểu về Di tích đình làng Tri Chỉ, 2014.

2. Luật Di sản văn hóa, văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH 2013 hợp nhất Luật Di sản văn hóa, thuvienphapluat.vn, 2013.

PGS, TS PHAN VĂN TÚ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;