Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số - Bài 2: Con người - yếu tố tiên quyết “giữ lửa” và “truyền lửa” văn hóa

Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS), con người không chỉ là chủ thể nắm giữ, bảo tồn di sản mà còn định hình cho sự phát triển văn hóa DTTS trong tương lai. Mỗi cá nhân, cộng đồng, những người làm công tác văn hóa cơ sở đều phải nhận thức rõ vai trò của mình trong quá trình này, từ đó tạo thành những “mắt xích” quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Phụ nữ Thái chia sẻ kinh nghiệm trong nghề dệt thổ cẩm - Ảnh: Tuấn Minh

1. Nhận thức của cá nhân, cộng đồng - yếu tố quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS

Ông Châu Văn Huynh, Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Lưu trữ, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận cho rằng, sự tồn tại của di sản văn hóa truyền thống mỗi tộc người luôn có sự gắn bó mật thiết của cộng đồng, nhất là cộng đồng sở tại. Đồng thời, ông cũng khẳng định vai trò to lớn của cộng đồng trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc: “Ngày nay, cộng đồng Chăm tham gia rất nhiệt huyết trong hoạt động văn hóa, họ tình nguyện tham gia bảo vệ, chăm sóc di sản văn hóa, góp công, góp sức, kể cả về tài chính. Do vậy, để nêu cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm ngày nay, cần có chính sách tổ chức phổ cập, nâng cao tri thức, nhận thức về giá trị và vai trò của di sản văn hóa, tổ chức tuyên truyền học tập về Luật Di sản văn hóa cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần phải nêu cao vai trò của người uy tín, già làng, trưởng bản, các chức sắc, nghệ nhân có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của người Chăm” (1).

Bất kỳ một dân tộc nào, khi nhận thức và hiểu được giá trị văn hóa dân tộc mình, tự hào về nguồn gốc và truyền thống, từ đó sẽ có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị đã và đang hiện hữu. Theo khảo sát của chúng tôi về việc mỗi cá nhân “có cần tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS mình không?”, có 137/167 người DTTS cho rằng họ “có và đã tham gia” (82%); 25/167 người cho rằng họ “có, nhưng chưa tham gia” (15%); 2/167 người “chưa biết bất kỳ hoạt động nào” (1,2%); 3/167 người “không chắc chắn” (1,8%). Sự tham gia của cộng đồng chính là chìa khóa quan trọng, để đảm bảo rằng các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển một cách bền vững.

Lớp học tiếng Thái ở Sơn La do Ths Lò Mai Cương đứng lớp - Ảnh: Vương Toàn

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước đã thực hiện nhiều chính sách, chương trình mang tính tuyên truyền, hỗ trợ bà con nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa DTTS, như tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, nghề nghiệp…

Các chính sách tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS ở nước ta đã có nhiều kết quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức của đồng bào. Bằng cách thông tin và giáo dục về lịch sử, truyền thống và giá trị của di sản văn hóa, các chính sách này có thể giúp tạo ra một tinh thần tự hào và nhận thức sâu sắc về di sản văn hóa của cộng đồng. Hơn nữa, các chính sách tuyên truyền hiện nay của Đảng và Nhà nước khuyến khích sự tham gia của cộng đồng với vai trò chủ thể trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc mình. Bằng cách tạo ra các cơ hội để cộng đồng tham gia vào quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, các chính sách có thể tạo ra một tinh thần tự chủ và trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa DTTS.

Một số thành viên trong cộng đồng DTTS chưa nhận thức đúng đắn về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa dân tộc do trình độ học vấn hoặc sự tiếp xúc giới hạn với các nguồn tri thức văn hóa. Sự thiếu hiểu biết về truyền thống, tập tục và giá trị văn hóa của các dân tộc có thể làm giảm khả năng nhận thức và đánh giá của cộng đồng về tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị này. Giáo dục là một phần quan trọng để tạo ra sự nhận thức và tự hào về văn hóa dân tộc, nhưng một số cộng đồng DTTS, đặc biệt là các DTTS rất ít người vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng và phù hợp. Theo số liệu thống kê, nhiều DTTS có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường tương đối cao, như: Xtiêng - 35,3%; Gia Rai - 32,9%; Raglay - 29,9%; Ba Na - 28,4%; Chu Ru - 24,7; Khmer - 23,4%… (2).

Đồng bào DTTS gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục, trước tiên là do thiếu cơ sở hạ tầng giáo dục. Họ thường sinh sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, khu vực có điều kiện kinh tế chậm phát triển, thiếu hụt sơ sở hạ tầng giáo dục như trường học, thư viện và phòng học đáp ứng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, chính sự khó khăn về điều kiện sống mà ở khu vực này không thu hút được nhân lực, dẫn đến thiếu giáo viên giảng dạy. Điều này khiến chất lượng giáo dục không cao và phần nào chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Trong một số trường hợp, ngôn ngữ của các cộng đồng DTTS không được sử dụng trong giáo dục chính thống. Điều này có thể làm cho việc học trở nên khó khăn và làm giảm sự hứng thú của học sinh. Bên cạnh đó, một số gia đình không đặt việc học hành ở vị trí ưu tiên. Trẻ em có thể phải đối mặt với áp lực từ việc phải lao động sớm để kiếm sống.

Có thể nói, nhận thức và sự tham gia tích cực của cộng đồng DTTS là yếu tố quan trọng, đảm bảo sự bền vững trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các chính sách tuyên truyền, giáo dục đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ý thức và trách nhiệm của cả cộng đồng. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức cần vượt qua, đặc biệt là việc giải quyết các yếu tố gây khó khăn trong tiếp cận giáo dục và truyền thông.

2. Những “báu vật nhân văn sống” đang dần thưa vắng

Bà H’Yum Niê (46 tuổi, người Ê Đê) chia sẻ, trước đây bà không quan tâm nhiều đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, cho đến khi được biết đến bà H’Yam Bkrông - Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (thành phố Buôn Mê Thuột - tỉnh Đắk Lắk), chính là người giữ gìn, truyền nghề, lan tỏa tình yêu nghề đến rất nhiều phụ nữ Ê Đê. Từ những trăn trở trước sự mai một dần của nghề dệt thổ cẩm, bà H’Yam Bkrông đã vận động bà con học nghề, cải tiến mẫu mã, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Các sản phẩm của Hợp tác xã được giới thiệu trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa, lễ hội, ngày hội dân tộc ở các địa phương… lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc mình đến đông đảo bạn bè gần xa (3). Có thể thấy, nếu như vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được phát huy, những mô hình tương tự như vậy được nhân rộng, chắc hẳn sẽ đóng góp rất nhiều vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS.

Trên thực tế, nhiều loại hình văn hóa, tri thức dân gian đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một, mất đi, mà một trong những nguyên nhân đó là những người nắm giữ vốn di sản, thông tin quý báu về lịch sử, truyền thống, văn hóa cộng đồng thường là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, thày cúng… phần lớn đã cao tuổi, ngày một ít dần, trong khi đó, đội ngũ kế cận không nhiều, nếu không có sự tiếp nối của thế hệ sau, nhiều di sản sẽ lùi vào quá khứ…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Đối với văn hóa phi vật thể, theo thời gian có thể hao mòn, mai một, mất mát… nếu mất đi thì không thể tìm lại được, vì nó được tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: văn tự, ghi trên bia ký, khắc trên các di tích và cả trong con người của nghệ nhân, đó là những làn điệu dân ca, điệu lý, câu hò, những câu truyện trong sử thi… Nếu người nghệ nhân chưa kịp truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp thì khi mất đi sẽ mang theo tất cả về thế giới bên kia” (4).

Theo khảo sát của chúng tôi, có 150/167 người DTTS (chiếm 89,8%) được khảo sát cho rằng họ biết đến đội ngũ già làng, trưởng bản, những người truyền nghề, lưu giữ vốn di sản của đồng bào. 131/167 người cho rằng họ có vai trò “rất quan trọng” (78,4%), 34/167 người cho rằng họ có vai trò “quan trọng” (20,4%), chỉ 2/167 người cho rằng họ “không quan trọng” (1,2%). Bên cạnh đó, đây cũng là đội ngũ được người dân trong cộng đồng tôn trọng, tin tưởng:

Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả (4-2024)

Nếu như tầng lớp nắm giữ di sản này ngày một ít đi, sẽ dẫn đến tình trạng suy yếu nền tảng văn hóa vững chắc của cộng đồng, khiến các giá trị, quy ước truyền thống dần mất đi ý nghĩa và sức mạnh. Điều này làm mất đi sự phong phú và đa dạng trong bản sắc văn hóa của các cộng đồng, khiến cho các thế hệ trẻ có nguy cơ mất đi sự kết nối với nguồn gốc và truyền thống.

Sự kế thừa trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phải được diễn ra một cách liên tục. Song, hiện nay, trước bối cảnh hội nhập và nền kinh tế thị trường, thế hệ trẻ có nhiều mối quan tâm, sự lựa chọn hơn. Một số nguyên nhân khiến một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay chưa “đứng vững” ở vị trí kế thừa truyền thống đó, có thể kể đến như: do tiếp xúc với nhiều loại hình văn hóa mới; thiếu cơ hội việc làm và thu nhập ổn định ở địa phương; không quan tâm đến văn hóa dân tộc; văn hóa dân tộc không được phát huy trong các hoạt động của thôn, xã…

Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả (4-2024) 

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách, kinh phí triển khai các dự án, chương trình bảo tồn văn hóa, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các nghệ nhân, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay chưa thực sự phù hợp. Đặc biệt, phải xác định việc đào tạo và tạo điều kiện phát triển cho thế hệ trẻ là rất cần thiết.

3. Đội ngũ cán bộ văn hóa tại khu vực đồng bào DTTS sinh sống - những khoảng cách còn lại

Cán bộ văn hóa địa phương đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức và hỗ trợ các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số. Họ là người đứng đầu trong việc xây dựng và thúc đẩy chính sách, dự án và các chương trình giáo dục văn hóa nhằm khuyến khích sự tham gia và phát triển của cộng đồng. Đồng thời, họ cũng chịu trách nhiệm trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để cá nhân và cộng đồng có thể thúc đẩy và góp phần vào quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Ê Đê chế tác ching kram - Ảnh: Ngô Huyền

Quyết định số 122/2003-QĐ-TTg, ngày 12-6-2003, của Thủ tướng Chính phủ, về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc nêu rõ: “Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở là người DTTS; sử dụng có hiệu quả số học sinh, sinh viên đã được đào tạo từ các trường, số thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự là con em đồng bào DTTS làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở…” (5).

Có thể nói, trong những năm qua, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS luôn được các cấp, ngành quan tâm, góp phần không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước, tăng hiệu quả công tác tại địa bàn. Tuy nhiên, số lượng cán bộ là người DTTS chưa phân bố đồng đều tới cơ sở, những nơi vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn không thu hút được nhân lực. Theo một nghiên cứu ở các tỉnh Tây Bắc nước ta, tại các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, số cán bộ là người DTTS mới đạt gần 40% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của địa phương; tỷ lệ cán bộ chủ chốt là người DTTS còn rất thấp (6). 

Theo khảo sát của chúng tôi về đội ngũ cán bộ thư viện tại 6 tỉnh Tây Bắc (vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống), có 35% cán bộ là người Kinh, 65% cán bộ là người DTTS (gồm Tày, Mường, Dao, Thái, Nùng, Mông...), trong đó, được đào tạo đúng chuyên môn chiếm 59% (ngành Thư viện - Thông tin)... (7). Tỷ lệ cán bộ làm đúng chuyên môn chưa cao, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ người DTTS chưa đồng đều, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, có những địa phương nhiều DTTS sinh sống, đòi hỏi cán bộ cấp cơ sở am hiểu đặc trưng tộc người, văn hóa, lối sống của nhiều đồng bào khác nhau.

Các thày tào, thày pụt, thày mo đang tiến hành lễ cấp sắc (dân tộc Nùng, xã Xuân Dương, Bắc Kạn) - Ảnh: Tuấn Minh

Bên cạnh đó, cán bộ văn hóa cấp xã/ phường phải đảm đương nhiều công việc, từ quản lý di tích, lễ hội, phong trào văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh… ở khu vực có đồng bào DTTS sinh sống, họ còn phải đối mặt với nhiều áp lực như địa bàn quản lý rộng (ví dụ có những huyện ở Điện Biên rộng bằng một tỉnh nhỏ ở đồng bằng), đời sống kinh tế khó khăn, là nơi sinh sống của nhiều tộc người - chủ nhân của nhiều văn hóa khác nhau… Cán bộ văn hóa cần phải tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, truyền thống, và văn hóa của từng tộc người trong khu vực. Điều này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu, mong muốn của cư dân mà còn xây dựng được các chương trình, hoạt động văn hóa phù hợp với cộng đồng.

Những thách thức đặt ra từ thực tiễn cho thấy việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS ở nước ta không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách mà còn là một mục tiêu chiến lược, yêu cầu sự đồng lòng và nỗ lực của toàn xã hội. Mục tiêu này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách của Nhà nước, nỗ lực của cộng đồng và sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức.

______________

1. Phỏng vấn ông Châu Văn Huynh, Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Lưu trữ, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận.

2. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, Đặc trưng cơ bản của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, 2020.

3. Phỏng vấn nghệ nhân là người DTTS tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

4. Phỏng vấn ông Phạm Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận.

5. Quyết định số 122/2003-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, 12-6-2003.

6. Giang Quỳnh Hương, Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc, Tạp chí Xây dựng Đảng, 7-2019.

7. Số liệu từ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Phát triển văn hóa đọc đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc Việt Nam của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2023-2024.

Ths VÂN ANH - TS LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;