Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc di sản (ÂNDS) ở nước ta đã trải qua gần 40 năm kể từ khi có đường lối đổi mới (1986). Mặc dù đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Bài viết đưa ra những việc cần làm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhằm giúp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc di sản ở nước ta sẽ có những bước tiến mới với kết quả tốt hơn và bền vững hơn.
Lễ hội Khèn Mông huyện Đồng Văn lần thứ IX (2024) - Ảnh: baohagiang.vn
Nhiều loại hình ÂNDS (dân ca, dân nhạc, dân vũ, âm nhạc cung đình, âm nhạc trong các nghi lễ tín ngưỡng…) được bảo tồn và đi vào phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Không ít trong số đó đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (dân ca Cao Lan, dân ca Sán Chí ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; hát đúm ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; hát ải lao ở quận Long Biên, thành phố Hà Nội; hát sắc bùa ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; hát trống quân ở tỉnh Hưng Yên, Hải Dương; lượn cọi của người Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; nghệ thuật khèn bè của người Mông ở tỉnh Hà Giang, Sơn La; nghệ thuật chiêng Mường ở Hòa Bình...). Một số di sản âm nhạc cổ truyền đặc sắc của nước ta đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (vào năm 2005 và 2008), Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003 và 2008), Ca trù (2009), Dân ca quan họ Bắc Ninh (2009), Hát xoan Phú Thọ (2011), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017), Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái (2018)… Điều đó cho thấy, ÂNDS của nước ta có giá trị rất lớn, hàm chứa nhiều ý nghĩa văn hóa, nghệ thuật, có tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Âm nhạc không chỉ có vai trò phản ánh, thể hiện cuộc sống, mà còn có tác dụng giáo dục, động viên, lôi cuốn cộng đồng vào quá trình lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, cũng là một loại “căn cước” để khẳng định và phân biệt giữa các dân tộc, quốc gia khác nhau.
Trên thực tế, đối với âm nhạc được coi là di sản, trong nội dung và hình thức của nó không chỉ có âm nhạc đơn thuần, mà khi được trình diễn thường tích hợp nhiều yếu tố. Tùy từng trường hợp, thể loại sẽ có sự lựa chọn và các mức độ, cách thức tích hợp khác nhau, từ các yếu tố như: ngôn ngữ, thơ ca, văn học, y phục, nhạc cụ, nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật sân khấu, mỹ thuật, phong tục, tín ngưỡng… Do vậy, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản âm nhạc cũng chính là bảo tồn và phát huy giá trị của các yếu tố đó. Hầu hết giá trị được tạo ra từ trong những giai đoạn lịch sử trước đây, trải qua mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ lại được gọt dũa, thêm bớt, biến đổi để phù hợp với những điều kiện và yêu cầu mới. Nói cách khác, những giá trị có trong các di sản âm nhạc không phải là bất biến, mà nó có những thay đổi để phù hợp với xã hội. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải được nhận thức đúng và đầy đủ mới có thể có được những cách nghĩ, cách làm phù hợp, hiệu quả cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của ÂNDS trong những năm sắp tới.
Qua khảo sát, nghiên cứu quá trình thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị của ÂNDS ở nước ta, đặc biệt là từ khi Đổi mới (1986) cho đến nay, chúng tôi nhận thấy, có những bài học kinh nghiệm quý báu cần được tiếp tục kế thừa, điều chỉnh để đạt được những kết quả to lớn hơn, phù hợp với hướng đi trong sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bài viết này, chúng tôi không có điều kiện trình bày về toàn bộ những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị ÂNDS ở nước ta, mà chỉ nêu ra những công việc cần làm để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, nhằm giúp cho công tác này trong những năm tới thu được kết quả tốt hơn.
Về quan điểm, nhận thức
Cần hiểu rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị ÂNDS. Đó là việc làm không chỉ mang lại hiệu quả trong bảo tồn bản sắc dân tộc, gìn giữ các vốn quý âm nhạc, mà còn góp phần vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước, tạo ra nền tảng tinh thần và động lực để phát triển kinh tế, xã hội.
Cần xác định việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc ở nước ta không thể đứng riêng, độc lập mà phải gắn kết với việc bảo tồn và phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, y phục, thơ ca, văn học, sân khấu… Đồng thời cũng phải kết hợp với các lĩnh vực khác có liên quan như: giáo dục, kinh tế, an ninh, văn hóa…
Cần nhận thức rõ văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung, các di sản âm nhạc nói riêng không bất biến, mà luôn có sự vận động, biến đổi để phù hợp với điều kiện và nhu cầu trong cuộc sống mới của chủ thể đã sáng tạo ra nó. Vì vậy, không nên đi theo hướng rập khuôn, hoài cổ, giữ nguyên nội dung, hình thức như ở các thời đại trước, mà phải có sự đổi mới, phát triển, nếu không sẽ trở thành lỗi thời, lạc hậu và bị đào thải. Tất nhiên, phải đảm bảo gìn giữ được những đặc điểm cơ bản trong cốt cách truyền thống.
Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc, trước hết, cần phải tôn trọng cộng đồng các dân tộc đã sáng tạo ra các di sản âm nhạc ấy, trong đó có tôn trọng quyền và lợi ích, thông cảm và chia sẻ với những khó khăn; trân trọng những yếu tố cốt lõi mang rõ bản sắc dân tộc trong âm nhạc của họ.
Trong tổ chức, quản lý, chỉ đạo, cần lấy đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng làm kim chỉ nam; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng có liên quan đến văn hóa nghệ thuật nói chung và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản âm nhạc của các dân tộc nói riêng.
Xác định mục tiêu, phương hướng
Về mục tiêu
Khơi dậy sự yêu thích và lòng tự hào của người dân đối với các di sản âm nhạc của dân tộc, từ đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của họ đối với việc gìn giữ và phát huy di sản âm nhạc mà cha ông đã truyền lại.
Củng cố khả năng tồn tại, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng của các di sản âm nhạc cần phải bảo tồn, phát huy.
Thúc đẩy khả năng phát huy, sáng tạo theo phương châm và con đường đã được Đảng định hướng, giúp các di sản âm nhạc của dân tộc ngày càng được bảo tồn bền vững trong đời sống của cộng đồng, tiếp tục nở hoa, kết trái trong sự phù hợp với phương hướng phát triển của đất nước và xu thế phát triển chung của nhân loại.
Đưa di sản âm nhạc cổ truyền của dân tộc thoát khỏi tình trạng mai một, thất truyền, nguy cơ biến dạng; giúp cho sức sống của nó được nâng lên một bước trong những điều kiện mới, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu của xã hội đương đại, tiếp tục phát huy tác dụng của nó, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố được nền tảng và tạo tiền đề vững chắc cho các giai đoạn tiếp theo.
Về phương hướng
Kế thừa và phát huy những thành tựu, những kinh nghiệm tốt đã làm được trong những năm qua.
Điều chỉnh, đổi mới những cách nghĩ, cách làm chưa đúng, chưa phù hợp, bổ sung thêm những cái cần nhưng chưa có.
Tiến hành sàng lọc, lựa chọn để chỉ tập trung vào bảo tồn và phát huy những di sản âm nhạc thực sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy.
Cân nhắc, tính toán để tìm ra những khía cạnh giá trị của di sản còn phù hợp, có tác dụng tích cực, thiết thực đối với cuộc sống đương đại để tránh đầu tư dàn trải, đầu tư không đúng chỗ, hiệu quả thấp.
Các chương trình, kế hoạch, dự án về bảo tồn, phát huy giá trị di sản âm nhạc cần tính đến đặc điểm, điều kiện của từng loại di sản, nhu cầu và khả năng của các đối tượng có liên quan đến di sản (đối tượng chủ thể sáng tạo ra di sản và các đối tượng hưởng thụ giá trị của di sản), đồng thời phải phù hợp với định hướng chung của đất nước và yêu cầu hội nhập để phát triển trong bền vững.
Về những nhiệm vụ cần làm
Xây dựng, đổi mới, bổ sung chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế; sưu tầm, thu thập, tiến hành số hóa để lưu giữ và sử dụng; tổ chức nghiên cứu, phục hồi, phục dựng; lựa chọn các làn điệu, thể loại âm nhạc, hình thức trình diễn đưa vào danh mục cần phải bảo tồn, phát huy, có phân loại để sắp xếp thứ tự ưu tiên.
Tiến hành giới thiệu, quảng bá các di sản âm nhạc để nâng cao nhận thức của người dân, của cán bộ văn hóa và giới thiệu tới cả bạn bè quốc tế; tổ chức các hoạt động biểu diễn ÂNDS của các dân tộc trong các ngày lễ lớn, các cuộc thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, lễ hội cổ truyền, sinh hoạt cộng đồng, hoạt động giao lưu văn hóa...
Bên cạnh đó, cần động viên, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho con cháu trong gia đình, dòng họ; tổ chức lớp cho nghệ nhân truyền dạy tại cộng đồng; đưa vào giảng dạy trong hệ thống các trường phổ thông, trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật, sử dụng cả hình thức truyền dạy trên mạng internet để những người yêu thích âm nhạc dân tộc trên cả nước và người nước ngoài có thể tìm hiểu, học tập.
Quan tâm chăm sóc nghệ nhân, có chế độ hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ hoạt động và cống hiến; ghi công, tôn vinh những người có nhiều đóng góp tích cực; đưa nghệ nhân đi biểu diễn ở nước ngoài để giao lưu, quảng bá khi có điều kiện. Quan tâm, tạo điều kiện, có định hướng và hỗ trợ cho hoạt động của các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng ở các địa phương cơ sở. Đưa các di sản âm nhạc vào phục vụ du lịch để quảng bá và phát huy.
Động viên, khuyến khích các hoạt động đặt lời mới cho dân ca, cải biên dân ca, cải tiến và chế tác nhạc cụ dân tộc, khai thác chất liệu từ các di sản âm nhạc dân tộc để sáng tác ra các tác phẩm mới; tăng cường đưa dân ca, dân nhạc nguyên gốc hoặc cải biên, các tác phẩm mới sử dụng chất liệu từ di sản âm nhạc dân tộc có chất lượng tốt lên sân khấu chuyên nghiệp, lên sóng phát thanh, truyền hình, thậm chí đưa lên mạng xã hội.
Viết sách giới thiệu, xuất bản tập dân ca của các dân tộc, vùng miền, sản xuất nhiều chương trình, sản phẩm nghe nhìn về các làn điệu, thể loại đặc sắc trong di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc để đưa về địa phương và phổ biến trên cả nước để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức của công chúng.
Lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đối với các di sản âm nhạc có đủ điều kiện.
Trong việc triển khai các nhiệm vụ cần thiết nói trên, có 2 khâu trọng tâm có thể coi là “đột phá khẩu”, đó là: tổ chức biểu diễn và tổ chức truyền dạy.
Về tổ chức biểu diễn
Việc tổ chức biểu diễn ÂNDS chính là làm cho nó sống lại trong thực tế đời sống, thể hiện vai trò, chức năng vốn có của nó. Qua khảo sát, nghiên cứu chúng tôi thấy, công chúng đến với ÂNDS với 3 nhu cầu: 1) Nhu cầu sử dụng di sản âm nhạc cổ truyền làm phương tiện, công cụ để thực hiện các nghi thức, tế lễ nhằm giải quyết một vấn đề, một việc nào đó thuộc lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo với hy vọng cuộc sống có thể thoát khỏi những rủi ro, khó khăn; 2) Nhu cầu nghe/ xem biểu diễn âm nhạc dân tộc để giải trí, thưởng thức; 3) Nhu cầu muốn được tham gia các hoạt động âm nhạc cổ truyền của dân tộc để thể hiện khả năng của bản thân, để được mọi người chú ý, ngưỡng mộ và có thể đem lại một số những lợi ích vật chất và tinh thần. Trong đó, nhu cầu để giải trí thưởng thức không phải lúc nào cũng chiếm tỷ lệ chính.
Việc tổ chức biểu diễn ÂNDS được thực hiện dưới những hình thức nào? Có 3 hình thức chính: 1) Hình thức biểu diễn tự nguyện, tự phát do người dân hoặc nhóm người, cộng đồng dân tộc đứng ra tổ chức (âm nhạc trong các nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo như: lễ cầu an, lễ tang, lễ cầu tự... trong các lễ hội cộng đồng, dân tộc như: lễ cầu mùa, lễ xuống đồng, lễ cầu mưa...; âm nhạc trong sinh hoạt thường nhật như: hát ru, hát mừng sinh nhật, hát trong lúc hái chè, cấy lúa...); 2) Hình thức biểu diễn do chính quyền, đoàn thể, các đơn vị có chức năng chuyên môn đứng ra tổ chức (biểu diễn ÂNDS dưới góc độ không chuyên ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học...; biểu diễn dưới góc độ chuyên nghiệp do các đơn vị biểu diễn nghệ thuật thực hiện); 3) Hình thức biểu diễn trên các phương tiện thông tin đại chúng (các chương trình, tiết mục được truyền tải trên sóng phát thanh - truyền hình, trên mạng internet, được in trên băng đĩa, ổ cứng...).
Mỗi hình thức biểu diễn trên đều có những lợi thế riêng, chủ yếu nhắm tới nhóm đối tượng riêng và hướng tới những mục đích riêng. Vấn đề ở đây là cần phải xác định cho đúng, cho rõ về đối tượng phục vụ và mục đích phục vụ thì mới lựa chọn và sử dụng được hình thức biểu diễn phù hợp, đạt hiệu quả tốt.
Về tổ chức truyền dạy
Để truyền dạy ÂNDS, có 2 hình thức chính: truyền dạy không chính quy và truyền dạy chính quy. Có thể giới thiệu khái quát như sau:
Truyền dạy không chính quy: là hình thức truyền dạy ÂNDS do các cá nhân (nghệ nhân đàn, nghệ nhân hát, nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc...), gia đình, dòng họ, nhóm người, cộng đồng... đứng ra tổ chức. Hình thức truyền dạy này thường không có cơ sở trường lớp chính thức, chuyên dụng, có thể thực hiện tại nhà người dạy, tại phòng họp, hội trường...; không có chương trình, giáo trình cụ thể, người truyền dạy không nhất thiết phải có bằng cấp; chủ yếu là dạy theo phương pháp truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề.
Truyền dạy chính quy: là hình thức truyền dạy ÂNDS do chính quyền, các cơ quan, đơn vị có chức năng chuyên môn (các Học viện Âm nhạc, Nhạc viện, các Trường Văn hóa Nghệ thuật...) đứng ra tổ chức. Hình thức truyền dạy chính quy có trường lớp, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, có chương trình, giáo trình đầy đủ theo quy định của Nhà nước; áp dụng phương pháp truyền dạy bài bản, hoặc kết hợp giữa phương pháp truyền dạy bài bản với phương pháp truyền thống (truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề).
Mỗi hình thức truyền dạy trên đều có những ưu điểm, lợi thế riêng nhưng cũng có những mặt hạn chế, do vậy, cách tốt nhất là sử dụng hợp lý và kết hợp giữa hai hình thức truyền dạy ấy với nhau, vận dụng tùy theo đặc điểm của từng địa phương, từng thể loại ÂNDS.
Chúng tôi may mắn được tham gia tổ chức, điều hành và trực tiếp thực hiện một số đề tài nghiên cứu từ cấp cơ sở đến cấp Bộ và cấp quốc gia, tham dự nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, đi khảo sát, sưu tầm, điền dã ở gần 60 tỉnh thành trên cả nước, phần lớn đều liên quan đến các di sản âm nhạc. Từ những thông tin, dữ liệu thu lượm được, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề chung về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản âm nhạc ở nước ta như sau:
Nước ta có nhiều di sản âm nhạc đặc sắc, có giá trị. Tuy nhiên, di sản là sản phẩm của một thời trong lịch sử, nó sẽ biến đổi theo nhu cầu và hoàn cảnh xã hội, không phải di sản âm nhạc nào cũng còn phù hợp với cuộc sống hiện nay. Do vậy cần phải cân nhắc, tính toán xem nên bảo tồn cái gì, để làm gì, rồi mới nghĩ đến bảo tồn thế nào.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc đã được triển khai trong nhiều năm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn vào thực tế có thể nói, những kết quả đó chưa to lớn, chưa bền vững, chưa tương xứng với giá trị và vai trò của di sản.
Những vấn đề then chốt cần quan tâm đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản âm nhạc ở nước ta trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030 theo chúng tôi, đó là những việc như sau: tiến hành luật hóa các vấn đề liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc; xây dựng Đề án tổng thể; tổng kiểm kê các loại di sản âm nhạc của các dân tộc trên phạm vi cả nước; tăng cường việc sưu tầm và thực hiện công tác nghiên cứu; nâng cấp và phát triển hệ thống lưu trữ tư liệu quốc gia; đẩy mạnh công tác truyền dạy và tổ chức trình diễn; mở rộng hoạt động giới thiệu, quảng bá dưới mọi hình thức; tăng cường kiến tạo các môi trường thực hành, bảo tồn và truyền bá các di sản âm nhạc; tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa liên quan đến di sản âm nhạc; đổi mới, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản âm nhạc của dân tộc cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong những giai đoạn tới.
ÂNDS Việt Nam là thành quả kết tinh từ truyền thống văn hóa, những sáng tạo nghệ thuật và những hoạt động kế tiếp nhau trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống của biết bao thế hệ thuộc cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Di sản vô cùng quý giá này có đầy đủ giá trị và ý nghĩa cả về văn hóa, lịch sử và khoa học. Không phải ngẫu nhiên mà nhà sử học lớn người Anh, Arnold Toynbee sau 30 năm nghiên cứu về lịch sử nhân loại đã đưa ra kết luận rằng, trong số hàng trăm quốc gia, hàng ngàn dân tộc khác nhau, chỉ có 34 nền văn minh thực sự là độc đáo và riêng biệt. Nền văn minh Việt là 1 trong 34 nền văn minh ấy (1). Lẽ đương nhiên, âm nhạc dân tộc mà trong đó ÂNDS là những gì tinh túy, cốt lõi nhất đã đóng góp một phần quan trọng cho nền văn minh của dân tộc, của đất nước. Là những người con đất Việt, chúng ta có quyền tự hào và được thừa hưởng các giá trị của ÂNDS mà cha ông đã đề lại, nhưng đồng thời, phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản ấy.
____________________
1. Xem thêm: Nguyễn Bình Định, Các phương thức ký âm trên thế giới và vấn đề ký âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022, tr.5.
Tài liệu tham khảo
1. Âm nhạc dân tộc cổ truyền trong bối cảnh toàn cầu hóa, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế do Viện Âm nhạc tổ chức tại Hà Nội, ngày 8, 9-8-2004, với sự tài trợ của Bộ Văn hóa - Thông tin, Hiệp hội Nhật Bản, Quỹ Hợp tác giao lưu văn hóa châu Á.
2. Các Hồ sơ quốc gia của Việt Nam (tiếng Việt và tiếng Anh) trình UNESCO về các di sản văn hóa phi vật thể: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Nhã nhạc cung đình Huế; Ca trù; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Hát xoan; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ; Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, hiện đang lưu trữ tại Viện Âm nhạc và công bố trên trang web về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO: ictmusic.org.
3. Nhiều tác giả, Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, tập 2, tập 5, Viện Âm nhạc xuất bản, 2003.
4. Nguyễn Bình Định (chủ nhiệm đề tài), Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đề tài cấp quốc gia do Viện Âm nhạc chủ trì thực hiện, 6-2020.
PGS, TS NGUYỄN BÌNH ĐỊNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024