Phạm Thùy Dung - Yêu thích và đắm say âm nhạc thính phòng

Trở thành Á quân Sao Mai 2013 dòng nhạc dân gian, nhưng ca sĩ trẻ tài năng, xinh đẹp Phạm Thùy Dung lại chuyển hướng sang học tập và rèn luyện âm nhạc thính phòng. Bởi với Thùy Dung, sự bay bổng nhưng cũng rất mềm mại trong âm nhạc thính phòng đã khiến cho cô ngày càng yêu thích và đắm say với thể loại âm nhạc này.

Là người con được sinh ra trong một gia đình đông anh chị em tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, từ khi còn thơ bé, Phạm Thùy Dung đã được “đắm chìm” trong những làn điệu dân ca qua lời ru của mẹ. Đến tuổi cắp sách đến trường những điệu ca tha thiết qua hệ thống loa trong xóm, phường tiếp tục “thấm thấu” trong tâm hồn cô. Cùng với đó, Thùy Dung còn là thành viên của đội hát thánh ca trong nhà thờ cho đến khi học hết Trung học phổ thông. Những điều đó như một sự kết nối “định mệnh” dẫn lối, thắp lên ngọn lửa, chắp cánh để giúp Dung vững bước tiến tới con đường nghệ thuật mà mình yêu thích. 

Cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của người thân trong gia đình, cô ca sĩ sinh năm 1989 đã trở thành học viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ở ngôi trường nghệ thuật này, Thùy Dung đã may mắn được học tập, gắn bó với nhiều thầy, cô có bề dày kinh nghiệm và là những tên tuổi lớn trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp. Đó là cô giáo Anh Thơ đã đồng hành cùng Dung suốt bốn năm đại học; sự hỗ trợ, chỉ bảo về kiến thức chuyên ngành của bà giáo Hồ Mộ La; và không thể thiếu sự dìu dắt của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trung Kiên trong suốt quá trình học Thạc sĩ tại Học viện. Bên cạnh đó còn có NSND Thanh Hoa hướng dẫn hướng dẫn Thùy Dung trong suốt quá trình thi Sao Mai 2013. Nhà giáo NSƯT Thu Hằng giúp Dung hoàn thiện về cách hát nhả từ, nhả chữ bài trong các bài hát Việt Nam. Và được cộng tác cùng ca sĩ Tùng Dương, một người anh lớn trong nghề mà Dung ngưỡng mộ và đặc biệt yêu quý. Anh đã truyền lửa nghề và giúp Dung hiểu được ra rất nhiều điều về con đường âm nhạc mà mình theo đuổi. Nói về các thầy cô đáng kính, Dung cho biết “đó là một đặc ân và duyên phận mà ko phải ai cũng có được. Các thầy, cô không chỉ truyền dạy, hun đúc cho Dung một nền tảng kiến thức vững chắc về âm nhạc, mà còn chỉ bảo nhiều kinh nghiệm quý giá về cuộc sống. Dung là một người được rất nhiều phước lành nên mới được gặp những cây đa cây đề trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp như vậy”.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung trong chương trình Điều còn mãi 2019

Khi còn là sinh viên đại học, Phạm Thùy Dung không chỉ khẳng định tài năng của bản thân trong học tập, mà còn vững vàng từng bước thể hiện trên sân khấu Sao Mai 2013, giành ngôi vị Á quân dòng nhạc dân gian và giải Thí sinh được khán giả trẻ yêu thích nhất. Mỗi khi ngồi nhớ lại cuộc thi trên sân khấu Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc 2013 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, Thùy Dung vẫn cảm thấy bồi hồi, cô chia sẻ. “Sân khấu Sao Mai là một niềm mơ ước mà Dung ấp ủ từ thời niên thiếu. Dung ước mình được đứng trên đó và được thoả sức thể hiện những tác phẩm nghệ thuật mà mình yêu thích. Năm 2013 cũng là lần đầu tiên Dung thử sức trên sân khấu của một cuộc thi quy mô hoành tráng như vậy. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh khác đã có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc thi, nên Dung cảm thấy khá hồi hộp, vì thế, Dung luôn tự nhủ với bản thân là phải nỗ lực, tập luyện thật nhiều. Trong cuộc thi này, Dung được NSND Thanh Hoa hướng dẫn và giúp Dung về bài vở trong suốt cả quá trình, nên Dung cũng đã có thêm tự tin. Mỗi lần bước qua vòng loại là mỗi lần căng thẳng tìm bài và luyện tập, có nhiều lúc họng của Dung đau rát như “bị ai cào” do tập nhiều. Những nỗ lực đó đã được ghi nhận, đền đáp xứng đáng và xúc động trong Dung đã vỡ òa khi được xướng tên nhận danh hiệu Á quân Sao Mai 2013 và giải Khán giả yêu thích nhất”. 

Trở thành Á quân Sao Mai 2013 với dòng nhạc dân gian, nhưng Dung không lựa chọn dòng nhạc đó để gắn bó mà chuyển hướng sang học tập tiếp về thính phòng. Nói về lý do vì sao có sự chuyển hướng đó, Dung chia sẻ: “Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam là ngôi trường đào tạo âm nhạc Hàn lâm, khi đã học Thanh Nhạc ở đó thì sinh viên cũng phải học âm nhạc Cổ điển. Vì đó là điều kiện kiên quyết để phát triển về kỹ thuật cũng như khả năng xử lý tác phẩm, sự điêu luyện của một người nghệ sỹ khi xử lý tác phẩm khó bắt buộc phải có kỹ thuật. Khi đã nắm chắc được kỹ thuật rồi thì mình hát dòng nào cũng không thành vấn đề nữa, cũng vì hiểu được điều đó nên Dung đã quyết định chuyển hướng và học tiếp sang thính phòng. Trong quá trình tìm hiểu và học tập về âm nhạc thính phòng, Dung đã vỡ ra được rất nhiều điều thú vị. Sự bay bổng nhưng cũng rất mềm mại trong âm nhạc thính phòng đã khiến Dung ngày càng yêu thích và đắm say với thể loại âm nhạc này”.

Ca sĩ Thùy Dung hát trong Lễ hội Xuân Hồng tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương 

Tự nhận mình là một người khá cầu toàn và kỹ lưỡng, Dung không chỉ dành nhiều thời gian, công sức cho tập luyện âm nhạc thính phòng mà còn cẩn thận, chỉ chu với từng tác phẩm nghệ thuật mà cô ấp ủ để giới thiệu tới công chúng. Năm 2019, ca sĩ Phạm Thùy Dung đã hoàn thành và gửi đến khán giả MV đầu tay Tôi nhìn theo cánh chim bay. Với MV đầu tiên của mình, ca sĩ Thùy Dung và cả ê-kip đã phải nỗ lực rất nhiều, từ khâu chọn bài cho đến hoà âm phối khí. Sự tài tình của Nhạc sĩ Dương Cầm kết hợp với Đạo diễn tài ba Đinh Hà Uyên Thư và những người thực hiện trong ekip đã góp sức để MV Tôi nhìn theo cánh chim bay của Thùy Dung thành công, được người nghe và giới âm nhạc đánh giá cao. 

Bên cạnh MV đầu tay, năm 2019 cũng là một năm Thùy Dung hoạt động khá rầm rộ với một loạt chương trình: Ave Maria; tổ chức buổi hòa nhạc Trăng hát tại Nhà hát Lớn Hà Nội; phát hành album Moon... Và gần đây nhất, Thùy Dung tiếp tục thể hiện nhiều ca khúc với Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời, trong đó có bài Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Đây là bài hát thuộc thể loại dân ca, Dung trở thành ca sĩ tiên phong và đầu tiên thể hiện ca khúc này với dàn nhạc giao hưởng. Cô tâm sự: “Năm 2019 là một năm cực kỳ vất vả của Dung, khi ra đời sản phẩm MV đầu tay, rồi những MV tiếp theo, đến concert và cuối cùng là album. Với ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh hát cùng với dàn nhạc giao hưởng có sự tư vấn của nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, điều đó thực sự rất mới mẻ và ấn tượng đối với Dung cũng như với nhiều người. Với live concert này, Dung muốn tri ân quê hương Hà Tĩnh, nơi Dung sinh ra, lớn lên và đã nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc trong Dung. Qua các chương trình, Dung cảm thấy bản thân được trải nghiệm, trưởng thành nhiều hơn. Đó là sự cổ vũ, khích lệ cũng như động lực để Phạm Thùy Dung tiến bước trong nghệ thuật ở những chặng đường sắp tới”.

THÁI AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;