Năm 2014, ở tuổi 81, NSND Lê Ngọc Canh trở thành giáo sư đầu tiên của nghệ thuật múa Việt Nam. Đầu năm 2017, ông vinh dự là một trong số các văn nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Miệt mài học tập, sáng tạo, nghiên cứu… nhà giáo, người nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Ngọc Canh đành bỏ lại những trang viết còn dang dở, những ý tưởng sáng tạo nóng bỏng đam mê tâm huyết và yêu thương đã ngừng khi nhịp đập yêu thương của ông dừng lại vào những ngày tháng cuối mùa xuân năm 2022… Vậy là, ông đã dành trọn vẹn cuộc đời mình để say mê sáng tạo, nghiên cứu nghệ thuật múa cũng như cống hiến cho sự nghiệp đào tạo nghệ sĩ ngành Múa VN, hoàn toàn xứng đáng với những danh hiệu cao quý nhất được Đảng và Nhà nước tôn vinh: GS, NSND và học vị Tiến sĩ ngành Múa VN.
Nhìn ông điềm đạm, nho nhã, dễ gần, chuẩn mực với tác phong nhà nghiên cứu, nhà giáo… ít người biết, ông từng là một trong những thành viên nhỏ tuổi, một liên lạc viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tham gia cuộc chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội, giam cầm chân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Cùng Trung đoàn Thủ đô rút an toàn lên chiến khu Việt Bắc và cũng ở chiến khu cách mạng này, cơ duyên đến với ông khi say mê xem đồng bào dân tộc múa và được họ dạy khiến niềm yêu thích múa ngấm dần, trở thành một phần sở thích những lúc rỗi rãi. Cơ duyên xảo hợp, đồng chí phụ trách thiếu sinh quân thấy vóc dáng ông nhỏ nhắn, lại ham thích tìm tòi, học hỏi các điệu múa nên chuyển ông về đội văn nghệ phục vụ bộ đội và nhân dân chiến khu. Từ cái duyên ấy, tình yêu với những điệu múa, lời ca cứ ngấm sâu, lớn dần rồi thành cái nghiệp mà GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh dành trọn tâm huyết một đời.
Ham học hỏi, quyết tâm theo đuổi đến cùng những gì mình nhận định là có ích cho sự nghiệp, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết còn nhớ mãi những bài học đầu tiên về lý thuyết, kỹ năng sáng tạo múa từ chuyên gia nước bạn, GS người Triều Tiên: Kim Tế Hoàng. Năm 1962, anh sáng tác Kịch múa: “Anh hùng Bế Văn Đàn” đạt Huy chương Vàng quốc gia. Cũng năm ấy, Lê Ngọc Canh cùng tập thể sáng tác kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, tác phẩm sau này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Ở trong quân ngũ, tự nhận thấy trình độ còn hạn hẹp, kiến thức được trang bị chưa đáp ứng được yêu cầu, ông vừa công tác, vừa tranh thủ học văn hóa, nâng cao trình độ chung. Lao vào học tập, liên tiếp tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Đại học Ngoại ngữ… nghệ sĩ múa Lê Ngọc Canh trở thành một trong số nghệ sĩ hiếm hoi được Chính phủ lựa chọn sang Bulgari, trở thành nghiên cứu sinh. Năm 1973, nghệ sĩ Lê Ngọc Canh đã là một trong những Tiến sĩ nghệ thuật học đầu tiên của ngành múa. Trở về nước hoạt động, ông tâm niệm: Muốn cống hiến tốt nhất thì phải cùng tiến hành vừa sáng tác, vừa nghiên cứu thì mới có thể tiến xa hơn trong nghề nghiệp…
Với sự nghiệp sáng tác, NSND Lê Ngọc Canh có năng lực bắt nhanh được những ý tưởng chợt lóe lên khi thực tiễn, chất liệu sống ăn nhập với những ký ức, kiến thức mà ông được trang bị, giúp ông có thể sáng tạo nhanh, chuẩn. Tài năng của ông liên tiếp được khẳng định qua các tác phẩm như “Giã gạo dưới trăng” được Huy chương Vàng quốc tế và được Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Bungari biểu diễn hay những tác phẩm như “Biển và lửa quê tôi”;”Ngẫu hứng tâm linh”… Trong gần 80 năm hoạt động nghệ thuật, GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh sở hữu một “gia tài” khổng lồ với hơn một trăm tác phẩm nghệ thuật, từ kịch múa, thơ múa, múa dân tộc đến múa hiện đại và những tác phẩm đó đưa lại cho ông hàng chục Giải thưởng và Bằng khen của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, Huy chương Vàng và Huy chương Bạc quốc gia.
Kịch múa Xô Viết Nghệ Tĩnh
Không chỉ lập thành tích nổi bật trong sáng tác, ông còn nghiên cứu, làm chuyên luận và công bố rất nhiều công trình khoa học. Để làm công tác nghiên cứu, không như nhiều người chỉ chăm chú với sách vở, GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh chấp nhận vất vả, yêu thích đi điền dã. Dấu chân ông trải khắp miền đất nước, từng trèo đèo lội suối, ăn ngủ cùng đồng bào từ vùng núi cao Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ cho tới mảng đất đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ… Đi để tìm hiểu, ghi chép, tìm cách bảo tồn những điệu múa cổ của các dân tộc ít người mà giàu truyền thống văn hóa như: Mường, Tày, Thái, Mông, Dao, Khơme, Chăm, Mạ… Ông thường tâm sự vui rằng mình ham đi, không ngại khổ, ngại vất vả vì đam mê, vì nhận thức được rằng kho tàng nghệ thuật múa dân gian, dân tộc của đất nước thật phong phú đáng quý xiết bao. Có cùng ăn cùng ở với đồng bào mới thấy được, cảm được và có thêm động lực để sáng tạo, để nghiên cứu. Đi xa nhiều, nhưng ông cũng không “bỏ gần”, GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh luôn trăn trở với việc phục hồi những điệu múa cổ của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến và nhận làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Sưu tầm và phục hồi múa cổ Thăng Long” được thực hiện trong suốt 15 năm (2005-2019). Kết quả thật không phụ sự dày công sưu tầm, nghiên cứu khi nhóm nghiên cứu của ông đã sưu tầm, phục dựng hơn 50 điệu múa cổ như múa Rắn lột ở phường Việt Hưng, quận Long Biên; múa Xếp chữ ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; múa Trống Bồng ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì…
Sự nghiệp nghiên cứu của GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh cũng thật đáng kính nể khi biên soạn, đồng biên soạn và xuất bản hơn 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa và văn hóa, tiêu biểu như: Đại cương nghệ thuật múa; Nghệ thuật múa chèo; Nghệ thuật múa tộc người Mạ; 100 điệu múa truyền thống Việt Nam; Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam; Nghệ thuật múa cổ truyền vùng Hà Nội mở rộng; Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội; Văn hóa làng Đa Sỹ; Nghệ thuật múa trong lễ hội ở Thăng Long - Hà Nội… Ông là một trong những Tiến sĩ, nhà nghiên cứu được đánh giá cao bởi những tác phẩm nghiên cứu thực sự là cơ sở để “góp phần hình thành cơ sở lý luận, văn hóa, khoa học và cơ sở thực tiễn chuyên ngành nghệ thuật múa ở Việt Nam”.
Kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh - tác phẩm đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000
Bên cạnh một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu lớn, ông còn là một nhà giáo nhiệt huyết, tận tâm khi tham gia công tác đào tạo nghệ sĩ cho ngành múa. Sức lực dường như chưa bao giờ cạn ở người thầy với vóc dáng roi rói, lúc nào cũng nhẹ nhàng, tươi cười này. Ông tham gia giảng dạy tại 5 trường đại học và viện nghiên cứu; biên soạn 12 giáo trình là tác giả, được ứng dụng giảng dạy ở 7 trường đại học và viện nghiên cứu; hướng dẫn khoa học cho hàng chục tiến sĩ, thạc sĩ.
Đam mê sáng tạo, nghiêm túc nghiên cứu nghệ thuật múa dân tộc cho tới giây phút cuối cuộc đời, GS, TS, NSND Lê Ngọc Canh đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý cho lao động nghệ thuật của mình: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật; Danh hiệu NSND; hàm Giáo sư; 1 Huy chương Vàng quốc tế; 17 Huy chương Vàng quốc gia; 3 Huy chương Vàng cho biên đạo, đạo diễn xuất sắc; 10 Huy chương Bạc quốc gia do Bộ VHTTDL trao tặng; Huân chương Lao động hạng Nhì; Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020...
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022