Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Những vinh quang thầm lặng

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ vừa qua đời ngày 20/3/2022, hưởng thọ 90 tuổi, để lại đằng sau một sự nghiệp vinh quang với nhiều đóng góp lặng thầm. Là nghệ sĩ điện ảnh duy nhất được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ còn là nhà biên kịch đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này. Ông là một trong số những nghệ sĩ điện ảnh thuộc thế hệ thứ nhất xây dựng nên nền móng của nền điện ảnh Cách mạng việt nam và là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim kinh điển luôn bám sát hiện thực cuộc sống và chiến đấu của dân tộc.

Những năm cuối đời, nhà biên kịch kỳ cựu Hoàng Tích Chỉ đã yếu đi nhiều sau mấy cơn tai biến. Một thời trai trẻ ngang dọc, đến lúc về già ông vẫn canh cánh với nghiệp cầm bút và vẫn viết đều, cả kịch bản phim và tiểu thuyết cho đến khi sức khỏe không cho phép. 

Được vinh danh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý trong chặng cuối của đời mình, nhìn lại quãng đường đã qua, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cho rằng tất cả thành công mà ông có được cho đến hôm nay đều là nhờ vào cơ duyên cả. Cơ duyên trời đặt ông vào cái thế của một người trai thời loạn, được sống trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, trải qua hai cơn binh lửa. 13 tuổi trốn nhà đi làm trinh sát, 14 tuổi tham gia đội biệt động diệt ác trừ gian, rồi được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Cơ duyên đưa đẩy đúng lúc học ở đây, Hoàng Tích Chỉ nghe tin trường Điện ảnh Việt Nam tuyển sinh khoá đầu tiên, ông đã viết đề cương một vở chèo theo lời gợi ý của nhà văn Mai Ngữ và... thi đỗ. Hoàng Tích Chỉ vào học lớp biên kịch đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam. 

 Chính duyên may trong nghề đã giúp ông có được những kịch bản để đời của mình. Để chuẩn bị cho việc viết kịch bản tốt nghiệp, nhà trường tổ chức một chuyến đi thực tế Vĩnh Linh cho sinh viên lớp biên kịch khoá I. Hoàng Tích Chỉ và Văn Thảo Nguyên được công an vũ trang mời vào vùng chiến sự ác liệt nhất - vĩ tuyến 17. Dòng sông Bến Hải với vĩ tuyến 17 là nơi mở đầu cho sự nghiệp sáng tác của Hoàng Tích Chỉ và cũng là nơi đánh dấu một đỉnh cao trong sự nghiệp của ông với hai kịch bản phim Trên vĩ tuyến 17 Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

Nếu những ngày đi thực tế ở làng Nhân Trạch tỉnh Quảng Bình giúp ông có được kịch bản Biển gọi thì những ngày nán lại dưới làn bom B52 cuối năm 1972 lại cho ông cái tứ tuyệt vời viết nên một trong những kịch bản phim xuất sắc nhất của mình - Em bé Hà Nội - từ câu chuyện về cô con gái nhỏ của diễn viên Tuệ Minh ôm đàn từ nơi sơ tán đi bộ về Hà Nội tìm mẹ. Kịch bản này được ông hoàn thành chỉ sau 3 ngày.

Kịch bản phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông cũng được Hoàng Tích Chỉ hoàn thành trong một duyên may khác của đời ông: được cùng với các nghệ sĩ Hải Ninh, Khánh Dư có mặt trong 5 đoàn nghệ sĩ của Xưởng phim truyện được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.  

Poster phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

Cũng trong những ngày này, Hoàng Tích Chỉ cùng với Hải Ninh đã thu thập được nhiều tư liệu quý về cuộc sống và con người trong buổi rạng đông của một thành phố vừa được giải phóng, để rồi sau đó “cặp bài trùng” này tiếp tục cộng tác trong Mối tình đầu - một bộ phim thành công vang dội cả về nghệ thuật và doanh thu.

Nhắc đến sự nghiệp của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ không thể không nhắc tới người bạn đồng nghiệp vong niên là đạo diễn - NSND Hải Ninh mà những tác phẩm họ cùng cộng tác không chỉ mang lại tên tuổi, sự nghiệp cho họ với nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh mà còn là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh VN.

Hoàng Tích Chỉ so sánh khoảng thời gian cộng tác làm phim của ông và đạo diễn Hải Ninh như một “cuộc hôn nhân”. Có lẽ vì quá hiểu tính nhau và giữa hai người gần như không còn khoảng cách, nên ông nhắc đến người bạn đồng nghiệp vong niên của mình với một tình cảm trìu mến chân thành. Nhưng cũng bởi đã cùng nhau trải qua một cuộc “hôn nhân” nên giữa họ không thể thiếu những “trách móc giận hờn”, như biết bao “đôi lứa” trên đời.

 “Chúng tôi cùng tuổi Tân Mùi, cùng rủ rín nhau đi làm hết phim này đến phim khác. Ông ấy (đạo diễn Hải Ninh) như người chồng, bao quát tất cả mọi công việc, còn tôi giống người vợ, luôn chỉn chu, nhẫn nhịn. Chúng tôi rất khác nhau nhưng lại hợp nhau, có lẽ vì người này bù đắp khuyết thiếu cho người kia. Tôi giao phó kịch bản cho anh ấy một cách tin cậy còn bởi chúng tôi hiểu ý nhau như đôi bạn, mình xúc động trước điều gì thì bạn mình cũng vậy”. 

Tình cảm của hai người bắt đầu gắn kết từ chuyến thâm nhập thực tế Quảng Trị bằng xe đạp ròng rã hằng tháng, mà kết quả của nó là tác phẩm để đời Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Tình cảm đến từ những chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng đã trở thành sợi dây kết nối giữa hai tính cách khác nhau như nước với lửa ấy. Đó là khi đôi bạn từ Cửa Tùng quay ra đến Hàm Rồng, Hải Ninh tâm sự với Hoàng Tích Chỉ rằng ông có bà chị ruột bị thất lạc nhau từ năm đói 45, chị em tứ tán kẻ lên rừng, người xuống bể kiếm miếng ăn. Giờ đây nghe phong thanh chị đang sống cùng các cháu ở đâu đây. Ông muốn đi tìm chị, nhưng thật thà thổ lộ rằng rất tự ti vì mình “chẳng có gì cho chị và các cháu”. Vốn là con “bồ côi bồ cút” từ nhỏ nên luôn khát thèm tình cảm, nhất là tình cảm ruột rà, Hoàng Tích Chỉ rất đồng cảm với bạn. Ông nhất định khuyên bạn nên đi tìm gặp chị, và chị em họ đã gặp nhau trong mừng tủi sau bao ngày xa cách, để rồi ít lâu sau người chị mất… Ông tâm sự: “Có lẽ từ chuyện này mà Hải Ninh hiểu tôi hơn”. 

Bởi vậy mà đi đâu họ cũng có nhau, “ngày đi cùng bộ đội vào Sài Gòn, Hải Ninh “dắt” tôi đi theo, làm được phim Thành phố lúc rạng đông. Rồi sau đó tìm được chất liệu cho phim Mối tình đầu, chúng tôi bàn bạc rồi chia nhau viết kịch bản. Hai anh dở hơi ngồi xây lưng với nhau, quay mặt vào tường viết, viết xong một đoạn lại đọc cho nhau nghe. Cứ thế mỗi người một đoạn.” - Hoàng Tích Chỉ kể lại - “Thân nhau thế mà rồi cũng đến lúc ly thân, khi cả hai cùng chán nhau, như đôi vợ chồng già, đến một lúc nào đó không ở với nhau được nữa và cũng có thể do khi ấy cả hai đều đã cạn vốn. Câu chuyện mà tôi nhớ mãi là khi Hải Ninh rủ tôi đi gặp nhà văn Nguyễn Đình Thi, rồi thuyết phục ông viết lời bình cho phim Thành phố lúc rạng đông. Nhưng Nguyễn Đình Thi lại từ chối khéo rằng, đã có anh Chỉ đây, tôi không nhận được đâu. Ra đến cổng, Hải Ninh lại bảo đến nhà Nguyễn Văn Bổng. Tưởng có chuyện gì, hóa ra lại tiếp tục mời Nguyễn Văn Bổng viết lời bình. Vốn là người nóng tính, ông Bổng xua thẳng cổ chúng tôi ra khỏi nhà với lời từ chối. Đến nước này, Hải Ninh mới bảo tôi rằng, thôi ông viết đi vậy! Lúc ấy mình nghĩ thật chua xót cho thứ nhà văn hạng 2 như mình. Nhưng xét cho cùng, ngẫm lại vẫn thấy Hải Ninh đúng. Ngày ấy mà Nguyễn Đình Thi nhận lời viết lời bình, Thành phố lúc rạng đông chắc chắn sẽ có một diện mạo khác ”. 

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nhận giải thưởng Hồ Chí Minh

Sau này, Hoàng Tích Chỉ còn thử sức mình trong nghề đạo diễn, ông làm cả phim truyện và phim tài liệu. Ông cũng là một trong những người làm điện ảnh đầu tiên làm phim truyền hình nhiều tập. Từ tiểu thuyêt Phố của Chu Lai, ông và nhà biên kịch Đoàn Lê đã chuyển thành 8 tập phim truyền hình Người Hà Nội. Khi phát sóng trên VTV3, bộ phim đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong khán giả. Hoàng Tích Chỉ còn là hội viên Hội Nhà văn VN với gần chục cuốn tiểu thuyết. 

Đa năng trong nhiều lĩnh vực nhưng theo Hoàng Tích Chỉ, nghề chính của ông vẫn là viết kịch bản. Nắm bắt rất nhanh hiên thực ngồn ngộn của cuộc sống để rồi trải lòng mình trên trang giấy, ghi lại những khoảnh khắc đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc mình, ông tự hào mình là “trai thời loạn” được sinh ra trong buổi đất nước có nhiều biến động, người công dân - nghệ sĩ trong ông thấy rằng mình phải có trách nhiệm phản ánh đúng những gì đã diễn ra trong lịch sử của dân tộc trong thời đại của mình. Có lẽ chỉ có một lý do khiến cho ông có thể làm được những việc như vậy là sự say nghề. 

Trong lần gặp nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cách đây hơn mười năm, tôi vẫn ám ảnh về tâm sự của ông trong nỗi mặc cảm từ tấm bé. Là con út của người vợ ba, mồ côi mẹ từ nhỏ, năm lên tám tuổi thì cha mất, cậu bé Chỉ ngày ấy mang trong mình nỗi mặc cảm “con thêm vợ lẽ”, lại thêm nỗi mồ côi, cảnh nhà sa sút. Dù sau này lớn lên, trở thành người “trai thời loạn” từng vào sinh ra tử, mặc cảm ấy vẫn âm thầm tận đáy lòng ông. Nhưng giờ thì tôi tin rằng, Hoàng Tích Chỉ hẳn đã cởi bỏ khỏi lòng mình mặc cảm, khi một lần nữa, ông ghi thêm tên mình vào bảng vàng thành tích của đại gia đình danh giá của mình với những người anh cùng cha khác mẹ mà tên tuổi nổi danh đất Bắc một thời như họa sĩ Hoàng Tích Chù (Giải thưởng Hồ Chí Minh), nhà cách tân ngôn ngữ báo chí đầu tiên ở Việt Nam Hoàng Tích Chu, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, bác sĩ Hoàng Tích Tộ...

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;