• Văn hóa > Du lịch

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường hợp các di tích Biệt động Sài Gòn)

Bài viết nhằm nhìn lại các di tích Biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam được kiến tạo trở thành dạng sản phẩm du lịch đặc thù. Thông qua đó, các tác giả đưa ra hiện trạng khai thác các di tích Biệt động Sài Gòn trong hoạt động du lịch hiện nay. Để có thêm ý kiến đánh giá, các tác giả tiến hành phỏng vấn, lấy ý kiến của một số bên liên quan như nhà tổ chức tour, hướng dẫn viên du lịch. Phân tích các ý kiến để thấy được những ưu điểm của việc khai thác các di tích Biệt động Sài Gòn trong hoạt đông du lịch cũng như những nhược điểm cần khắc phục, nâng cấp để tour Biệt động Sài Gòn thêm hấp dẫn và phục vụ nhiều du khách trong tương lai khi đến TP.HCM.

Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn)

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), tỉnh đã chú trọng đầu tư vào du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Sự phát triển này cần sự ủng hộ và nhận thức đúng đắn từ cộng đồng địa phương về vai trò của mình. Người dân cần tăng cường tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi từ đó. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn sâu cư dân; điều tra xã hội học, sau đó xử lý dữ liệu... Bài viết tập trung phân tích rõ thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch tại huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Tăng cường đào tạo nhân lực du lịch phục vụ tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái cho phát triển du lịch bền vững

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động từ đầu tháng 9-2022, là cơ hội cho sự phát triển du lịch của các địa phương khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh như Vân Đồn, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái... Bên cạnh những cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có du lịch, cũng kèm theo không ít thách thức cho các địa phương trên tuyến đường cao tốc này. Một trong những khó khăn đó là vấn đề nhân lực. Vì vậy, để có thể khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung cho công tác đào tạo nhân lực du lịch, hướng tới sự phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn.

Chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

Trước bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, phát triển du lịch dựa trên nền tảng công nghệ số đã và đang là xu hướng tất yếu, đặt ra yêu cầu đổi mới đối với ngành Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch ở Hà Nội nói riêng. Thông qua nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Hà Nội hiện nay, bài viết bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Hà Nội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Nâng cao năng lực của người dân địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa)

Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa), đồng bào Thái, Mường là lực lượng lao động chính tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng (DLCĐ). Tuy nhiên, năng lực làm du lịch của người dân Pù Luông còn nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ... Để nhân tố này thực sự trở thành nguồn lực trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở Pù Luông, cần phải có định hướng mang tính chiến lược. Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, điền dã, quan sát tham dự để phân tích về thực trạng năng lực của người dân địa phương ở Pù Luông, trên cơ sở đó, đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp.

Giá trị văn hóa ở điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch sáng tạo

TP.HCM được xem là vùng đất mang những giá trị văn hóa đặc sắc trong tiến trình giao lưu và tiếp biến văn hóa tộc người ở Việt Nam với các nền văn hóa phương Tây. Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch TP.HCM với chương trình “Mỗi quận, huyện ít nhất có một sản phẩm du lịch đặc trưng”, nhiều giá trị văn hóa địa phương được phát huy tại các tuyến điểm du lịch để phục vụ nhu cầu du lịch đa dạng cho du khách. Từ nguồn tư liệu sơ cấp và thứ cấp, bài viết tổng hợp, phân tích những giá trị văn hóa đặc trưng của các điểm đến du lịch TP.HCM trong phát triển du lịch sáng tạo để du khách trải nghiệm du lịch. Từ đó, đưa ra định hướng khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch sáng tạo nhằm hướng tới phát triển du lịch bền vững ở TP.HCM.

Nâng cao hiệu quả hoạt động học tập phục vụ cộng đồng trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam

Học tập phục vụ cộng đồng (HTPVCĐ) được triển khai rộng rãi trong hoạt động đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp có nhiều hoạt động trong chương trình đào tạo hoặc ngoại khóa tương đồng với hoạt động HTPVCĐ mang lại hiệu quả tốt trong việc thu hút sự tham gia của người học, tạo hiệu ứng tích cực cho cộng đồng và làm cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch (NNLDL) trở nên có chất lượng. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các tài liệu liên quan đến HTPVCĐ và dựa trên thực tiễn tổ chức, triển khai hoạt động này tại một số trường đại học, bài viết trình bày cơ sở lý luận, phân tích vai trò của HTPVCĐ đối với các bên tham gia. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả trình bày một số đề xuất phát huy hiệu quả HTPVCĐ trong quá trình đào tạo NNLDL nhằm đáp ứng yêu cầu không ngừng đổi mới, phát triển của ngành Du lịch nước nhà.

Từ “buôn văn hóa tiêu biểu” đến “buôn du lịch cộng đồng”: Tiềm năng, cơ hội và thách thức đặt ra cho Akŏ Dhông (Đắk Lắk)

Buôn Akŏ Dhông từ lâu đã được biết đến như một điểm sáng văn hóa, một không gian di sản đặc sắc của tỉnh Đắk Lắk và của vùng Tây Nguyên. Không hề ngẫu nhiên mà Akŏ Dhông là buôn đầu tiên của Đắk Lắk được tỉnh công nhận là buôn du lịch cộng đồng (DLCĐ). Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt mới trên hành trình chuyển đổi của Akŏ Dhông: từ một “buôn văn hóa tiêu biểu” trở thành “buôn du lịch cộng đồng”. Bài viết này tập trung phân tích các tiềm năng, cơ hội và thách thức đặt ra cho buôn Akŏ Dhong, đồng thời, cũng đưa ra một vài hàm ý chính sách nhằm giúp Ako Dhông phát triển DLCĐ theo hướng bền vững.

Phát triển du lịch đêm tại thành phố Nha Trang từ góc nhìn của khách du lịch nội địa

Du lịch đêm được ghi nhận từ những năm cuối thập niên 70 của TK XX, ý tưởng về một thành phố hoạt động 24 giờ đã được hình thành tại khu vực châu Âu, từ đó phát triển và lan rộng trên thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm đến vấn đề này và tạo điều kiện cho một số địa phương có tiềm năng phù hợp phát triển kinh tế, trong đó có thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vấn đề nghiên cứu phát triển du lịch đêm tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thông qua góc nhìn của khách du lịch nội địa sẽ giúp địa phương, trung tâm của tỉnh Khánh Hòa có được sản phẩm du lịch đêm phù hợp với nhiều khách du lịch có tiềm năng cũng như sự phong phú, đa dạng về các sản phẩm du lịch cho nhiều đối tượng du khách khác nhau.

Phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội, một nghiên cứu từ quan điểm của du khách

Bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch đêm (PTDLĐ) tại phố cổ Hà Nội, nhìn từ quan điểm của du khách. Kết quả nghiên cứu chỉ ra: đặc điểm truyền thống (ĐĐTT), điều kiện nhân lực (ĐKNL), cạnh tranh giá cả (CTGC) và khí hậu thuận lợi (KHTL) là các nhân tố có tác động chính đến sự phát triển du lịch đêm tại phố cổ Hà Nội. Bên cạnh đó, bài viết cũng đưa ra một vài giải pháp giúp PTDLĐ tại phố cổ Hà Nội.

Bản sắc văn hóa tộc người góp phần phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Là huyện có nhiều khó khăn, thế nhưng Đà Bắc lại sở hữu và hội tụ những điều kiện về lịch sử, văn hóa độc đáo, đặc sắc. Điều kiện tự nhiên rừng nguyên sinh, vùng hồ, non nước hữu tình, núi non kỳ vĩ là tiềm năng riêng có để phát triển các loại hình du lịch. Trong những năm gần đây, huyện đã có nhiều giải pháp cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với khai thác tiềm năng thiên nhiên, bản sắc văn hóa, hướng tới xóa đói giảm nghèo, cải thiện phát triển bền vững đời sống nhân dân.