Phát triển du lịch cộng đồng ở Ninh Bình từ nguồn tài nguyên di sản văn hóa

Bài viết đi vào nhận diện nguồn tài nguyên di sản văn hóa Ninh Bình và vai trò của nó trong phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) thời gian qua, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển loại hình du lịch này trong thời gian tới.

Danh thắng Tràng An - Ảnh: Nguyên Trường

1. Khái quát về tài nguyên di sản văn hóa Ninh Bình

Nằm ở điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng, cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch. Ninh Bình có đa dạng địa hình, bao gồm vùng đồi núi, sông hồ, đồng bằng và vùng ven biển. Ninh Bình được tạo hóa ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Ninh Bình còn có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc. Vốn là vùng đất cổ, nơi người Việt cổ cư trú từ cách đây hơn ba vạn năm, trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, vùng đất này trở thành nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người Kinh và người Mường. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vùng đất và con người nơi đây luôn để lại những dấu ấn và có những đóng góp to lớn. Đặc biệt, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, đặt nền móng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước phong kiến Việt Nam. Mặc dù kinh đô chỉ tồn tại 42 năm, nhưng đã ảnh hưởng, góp phần tạo nên tính cách con người Ninh Bình. Người Ninh Bình không chỉ anh dũng, quả cảm trong chiến đấu, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động mà còn rất hào hoa, phong nhã, phong lưu và rất tinh tế trong ứng xử như một sự thừa hưởng tính cách của tầng lớp quý tộc phong kiến. Đây không chỉ là bản sắc riêng có của người dân mà còn là những phẩm chất quý báu, là nguồn vốn văn hóa để người dân tham gia vào quá trình xây dựng vào bảo vệ quê hương, nhất là phát triển kinh tế du lịch trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay.

Ninh Bình hiện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam như Cố đô Hoa Lư, dấu ấn của Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm… cùng nhiều di vật, bảo vật quốc gia.

Ngoài các công trình di sản văn hóa vật thể, Ninh Bình còn sở hữu 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, bao gồm: 2 di sản về tiếng nói, chữ viết cổ; 24 di sản ngữ văn dân gian; 91 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 46 di sản tập quán xã hội; 106 lễ hội truyền thống; 39 làng nghề thủ công; 24 di sản tri thức dân gian.

Như vậy, với bề dày về lịch sử, Ninh Bình tự hào với kho tàng di sản văn hóa vô giá, gồm 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và hàng ngàn di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển của du lịch Ninh Bình, góp phần tạo động lực quan trọng, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và trung tâm du lịch của cả nước.

2. Thực trạng phát triển DLCĐ ở Ninh Bình trong thời gian qua

Thực trạng xây dựng chính sách phát triển DLCĐ

Xuất hiện từ những năm 2005, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn là địa phương đầu tiên trong tỉnh kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà dân khi khách đến tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long. Từ thành công của xã Gia Vân, mô hình du lịch này đã được nhân rộng ra nhiều địa bàn khác. Tính đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 265 cơ sở lưu trú homestay, chiếm 37,5% tổng số cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với 1.935 phòng nghỉ, chiếm 21,3% tổng số phòng nghỉ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, thu hút 838 lao động địa phương tham gia. Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay hoạt động hiệu quả cao, đặc biệt tại các xã: Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Hòa, Trường Yên (huyện Hoa Lư); xã Gia Sinh, Gia Vân, Gia Hòa (huyện Gia Viễn); xã Sơn Hà, Cúc Phương (huyện Nho Quan) (1)…

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của DLCĐ trong việc bảo tồn di sản và tạo nguồn sinh kế cho người dân địa phương, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo ban hành nhiều chính sách về phát triển du lịch, trong đó có DLCĐ. Các chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư khai thác loại hình du lịch nói chung DLCĐ nói riêng. Nhiều mô hình kinh doanh lưu trú homestay và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, DLCĐ... đi vào hoạt động hiệu quả, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được quan tâm, văn minh du lịch được đảm bảo, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, bảo tồn phát huy giá trị di sản đã có những chuyển biến rõ nét… (2).

Thực trạng công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch

Ngay từ năm 1995, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch. Đến năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch các khu du lịch sinh thái gắn với phát triển DLCĐ như: khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Vân Long, điểm du lịch động Thiên Hà… Nhờ công tác quy hoạch này mà đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 18 khu điểm du lịch được đầu tư hoàn thiện và đi vào phục vụ du khách. Trong đó, 13 khu, điểm du lịch sinh thái và các hoạt động du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân; 9 khu, điểm du lịch có vận chuyển khách đường thủy nội địa bằng thuyền chèo tay với hơn 3.000 thuyền có sức chở từ 4-12 khách. Ngoài ra, tại một số khu, điểm du lịch còn khai thác loại hình xe trâu, xe bò… phục vụ khách tham quan đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào các dịch vụ du lịch (3).

Bên cạnh công tác xây dựng quy hoạch, tỉnh Ninh Bình tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng như: xây dựng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ 1A, 12B dẫn vào động Thiên Hà, khu sinh thái Vân Long…; nạo vét tuyến giao thông đường thủy Bích Động - hang Bụt và Thạch Bích - Thung Nắng, Tràng An; xây dựng bãi đỗ xe, bến thuyền, khu vệ sinh công cộng, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc... Ngoài ra, các huyện Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn đều đầu tư xây dựng, nâng cấp, kết nối các khu, điểm du lịch, làm đẹp cảnh quan, chỉnh trang môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp, các điểm dừng chân, kết hợp với các điểm trưng bày, bán sản phẩm và tư vấn hỗ trợ du khách cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.

Thực trạng xây dựng và phát triển các mô hình DLCĐ       

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 300 hộ dân trực tiếp cung cấp cơ sở lưu trú homestay cùng rất nhiều hộ cá thể khác tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ DLCĐ thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Hoa Lư.

Mô hình DLCĐ tại huyện Gia Viễn

Năm 2005, loại hình DLCĐ xuất hiện đầu tiên ở xã Gia Vân gắn với nhu cầu lưu trú của du khách khi đến tham quan khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Năm 2018, khu bảo tồn này được công nhận là “Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế” - khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam. Từ tiềm năng, thế mạnh của khu Ramsar, chính quyền địa phương đã điều chỉnh lại tuyến du lịch các di tích lịch sử văn hóa gắn với khu sinh thái Vân Long… thành một cụm di tích liên hoàn, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển DLCĐ nhằm tạo sinh kế gắn với bảo tồn di sản và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong thời gian qua, huyện Gia Viễn đã có nhiều chính sách phát triển DLCĐ dựa trên lợi thế về di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và nghệ thuật ẩm thực đặc sắc của địa phương. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ được quan tâm, các câu lạc bộ nghệ thuật ra đời gắn với định hướng DLCĐ và phát triển kinh tế. Người dân đã biết khai thác truyền thống văn hóa, tận dụng các phương tiện thô sơ như xe trâu, xe bò, thuyền nan, vừa vận chuyển du khách vừa “kể chuyện” cho du khách mỗi khi đến các địa danh. Đến các điểm DLCĐ, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nhà nông, tham gia vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân như cấy lúa, trồng trọt, chăn nuôi… hay tham gia các lễ hội cộng đồng, thưởng thức chương trình nghệ thuật (hát chèo, múa vũ điệu cờ lau, kéo trống)…

Từ thành công của mô hình du lịch ở xã Gia Vân, đến nay, loại hình du lịch này được nhân rộng trên địa bàn huyện, thu hút 23 hộ tham gia và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm huyện Gia Viễn thu hút trên 2 triệu lượt khách tới thăm, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Mô hình DLCĐ tại huyện Hoa Lư

Là địa phương có giá trị đặc biệt về di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, huyện Hoa Lư được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi các địa danh nổi tiếng như khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham… Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Trong những năm qua, huyện Hoa Lư đã xây dựng chính sách quản lý, phát triển du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú trọng phát triển DLCĐ. Nhờ các giải pháp hỗ trợ, đào tạo tập huấn cho người dân cùng chương trình xúc tiến du lịch, người dân một số xã thuộc huyện Hoa Lư đã mạnh dạn tham gia vào mô hình kinh doanh dịch vụ này. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 100 hộ tham gia kinh doanh homestay và đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng phòng nghỉ phục vụ du khách, tạo việc làm cho lao động của địa phương. Bên cạnh việc cung ứng dịch vụ ăn nghỉ và hoạt động trải nghiệm, người dân còn kết hợp bán các sản phẩm làm quà; khai thác chất liệu văn hóa bản địa từ các lớp hát chèo, hát văn, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật và biến các giá trị di sản văn hóa địa phương thành sản phẩm văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch, nhất là trong các dịp lễ hội. Nhờ đó, mỗi năm, huyện Hoa Lư thu hút gần 2,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 1.700 tỷ đồng.

Mô hình DLCĐ tại huyện Nho Quan

Nho Quan là huyện miền núi, nơi có đồng bào dân tộc Mường tập trung đông nhất và là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Nho Quan cũng tập trung nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, hang động Vân Trình, khu du lịch hang Bụt, khu du lịch tâm linh Phủ Đồi Ngang, vườn quốc gia Cúc Phương... Để phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mường, đồng thời tạo sinh kế cho người dân, huyện Nho Quan đã khuyến khích đồng bào xây dựng mô hình DLCĐ. Hiện nay, ở các xã: Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, một số hộ dân tộc Mường đã biết khai thác các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như hát đúm, hát giao duyên, biểu diễn cồng chiêng kết hợp ẩm thực truyền thống cùng các hình thức lưu trú homestay theo dạng nhà sàn, ki-ốt câu cá ở các tuyến hồ... để phục vụ du khách. Từ việc chỉ có vài hộ gia đình đơn lẻ làm homestay, đến nay Nho Quan đã có trên 20 hộ dân tham gia kinh doanh du lịch. Để thu hút khách, hằng năm, huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc, thu hút được khoảng 30.000 du khách (4). Năm 2022, các khu, điểm du lịch đã đón 120.822 lượt khách (tăng 79.572 lượt so với năm 2021), doanh thu ước đạt 14,1 tỷ đồng (tăng 9,9 tỷ đồng so với năm 2021), vượt so với kế hoạch đề ra (5).

Thực trạng khai thác nguồn tài nguyên di sản văn hóa để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và DLCĐ nói riêng

Ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực, đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đều hằng năm, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lượng khách và doanh thu từ du lịch bị ảnh hưởng từ năm 2020 và bắt đầu hồi phục trở lại từ năm 2022, cụ thể: giai đoạn 2017-2019, lượng khách tăng trưởng bình quân là 5,45%/ năm; doanh thu du lịch 28,2%/ năm. Năm 2019, Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% lần so với năm 2018. Tuy nhiên, năm 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lượng khách du lịch giảm mạnh. Năm 2022, đại dịch COVID-19 trên thế giới và ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát. Năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình đón 3,7 triệu lượt khách, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu ước đạt 3,469 tỷ đồng, tăng gấn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (6).

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có xu hướng chuyển đổi từ du lịch đại trà sang du lịch di sản, du lịch sinh thái, mở rộng mô hình DLCĐ gắn với Quần thể danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư. Trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục ra mắt nhiều tour du lịch trải nghiệm gắn với chủ đề “Tìm về cội nguồn” như: tour số 1 với chủ đề “Theo dấn chân lịch sử của Vua Đinh Tiên Hoàng” tại các điểm di tích đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng - lăng Phát tích, chùa Kỳ Lân - động Hoa Lư (Thung Lau); tour số 2 với chủ đề “Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn” tại các điểm di tích đền Đức Thánh Nguyễn xã Gia Thắng, Gia Tiến. Ngoài ra, còn có sản phẩm du lịch “Bái Đính về đêm”, tham quan động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cúc Phương về đêm; tour “Khám phá văn minh người Việt cổ” hoặc tour khai thác tuyến đường hành hương kết nối cố đô Hoa Lư - chùa Bái Đính - chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)...

Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình DLCĐ. Nhiều điểm du lịch đã thu hút được doanh nghiệp và người dân tham gia, thị trường khách du lịch ngày càng mở rộng, lượng khách không ngừng gia tăng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, DLCĐ ở Ninh Bình còn có những hạn chế: hoạt động DLCĐ có quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa các hộ dân với nhau. Hầu hết các hộ kinh doanh homestay theo quy mô gia đình, nguồn vốn ít, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ còn thấp. Hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, nhận thức về quy định Nhà nước trong đầu tư, kinh doanh còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Sản phẩm du lịch cung cấp cho khách chưa phong phú, mới tập trung vào dịch vụ ăn, nghỉ, tham quan. Chưa có sản phẩm thực sự thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng, chưa thu hút được lượng khách có khả năng chi trả cao; chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động DLCĐ chưa cao. Một bộ phận cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch còn thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử phục vụ khách du lịch, đặc biệt trình độ ngoại ngữ còn hạn chế; vấn đề thách thức trong giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế vẫn còn tồn tại. Tình trạng mâu thuẫn lợi ích giữa các chủ thể tham gia khai thác dịch vụ du lịch vẫn diễn ra; ngân sách nhà nước đầu tư phát triển DLCĐ còn hạn chế (7).

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển DLCĐ ở Ninh Bình trong thời gian tới

Một là, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các chủ thể (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân) về vị trí, vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch nói chung và DLCĐ ở Ninh Bình nói riêng nhằm giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương.

Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên vào những sản phẩm DLCĐ, mang bản sắc riêng của Ninh Bình, có tính liên kết theo vùng, theo cụm du lịch trọng điểm phù hợp với nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, qua đó thu hút và giữ chân du khách đến thăm quan, trải nghiệm và tiêu dùng dịch vụ du lịch ở Ninh Bình lâu hơn.

Ba là, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nói chung và DLCĐ trong giai đoạn 2023-2030 nói riêng nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm du lịch homestay, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao. Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình cần phối hợp với Sở Du lịch hoàn thiện chính sách và Đề án hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nhất là DLCĐ trên địa bàn như ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp và hỗ trợ tài chính, chuyên môn, kỹ năng, quảng bá thu hút khách đối với người dân tham gia đầu tư phát triển loại hình du lịch này.

Bốn là, tiếp tục làm sâu sắc hơn và đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm DLCĐ đặc trưng gắn với lợi thế di sản văn hóa của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh. Phải làm sao cho các di sản sống lại và kết nối thành chuỗi liên kết sản phẩm với nhau thông qua vai trò của các chủ thể văn hóa, trong đó người dân chính là người nắm giữ linh hồn di sản, người cung cấp dịch vụ du lịch và là người thụ hưởng những lợi ích từ DLCĐ mang lại.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy phát triển DLCĐ ở Ninh Bình như một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân và bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Sáu là, tiếp tục rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, có chính sách huy động xã hội hóa mọi nguồn lực cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý dữ liệu, kết nối thông tin quảng bá đến các trang web chung của thành phố và các bộ ngành liên quan, đồng thời giúp du khách dễ dàng tra cứu tìm hiểu thông tin về các điểm đến, dịch vụ, lưu trú, ẩm thực, sự kiện, lễ hội... của Ninh Bình.

Bảy là, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, triển khai các chương trình kích cầu du lịch ở các tỉnh thành và các thị trường trọng điểm quốc tế. Tập trung vào thị trường khách hàng mục tiêu, chủ yếu là khách châu Âu, đối tượng quan tâm, yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm cộng đồng.

Tám là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia làm công tác du lịch. Định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh dịch vụ DLCĐ.

Chín là, tham khảo một số mô hình DLCĐ và du lịch di sản trên thế giới có những điểm tương đồng với Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm làm du lịch cho tỉnh Ninh Bình.

Kết luận

Trong thời gian qua, ngành Du lịch Ninh Bình đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là Đề án phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045, trong đó tiếp tục nhấn mạnh việc cần thiết phải mở rộng, đi vào chiều sâu phát triển DLCĐ, coi đây như một giải pháp hữu hiệu trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo sinh kế cho người dân và phát triển bền vững ở địa phương. Như vậy, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu hình ảnh điểm đến Ninh Bình “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn” như mục tiêu của tỉnh đề ra, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của cả cộng đồng, chính quyền, doanh nghiệp và các bên liên quan, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể, người trực tiếp cung cấp dịch vụ, người giữ gìn, bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và là người thụ hưởng chính thành quả từ du lịch mang lại.

____________________

1, 2, 3, 7. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Báo cáo tình hình phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, 2022, tr.1, 1, 1, 6.

4. Ngọc Hương, Xuân Hoa, Hòa cùng dân tộc Mường, baophapluat.vn, 27-8-2023.

5. Ngô San, Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Nho Quan thành vùng kinh tế năng động, vccinews.vn, 16-7-2023.

6. Sở Du lịch Ninh Bình, Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, tr.7.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Du lịch số 09/2017/QH14.

2. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045.

3. Ủy ban Dân tộc, Mô hình du lịch cộng đồng, hướng dẫn cho các hộ dân các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, trang bị một số kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch cộng đồng, 2023, tr.4.

TS NGÔ ÁNH HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;