Nguồn lực phát triển du lịch mạo hiểm gắn với bảo tồn văn hóa của cư dân bản địa khu vực Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong 5 vườn quốc gia lớn nhất của Việt Nam, có nhiều nguồn lực để khai thác phát triển các loại hình du lịch. Thông qua việc nghiên cứu nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa, cũng như khảo sát thực trạng phát triển du lịch của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tác giả đưa ra một số thảo luận và đề xuất nhằm sử dụng những nguồn lực này trong phát triển du lịch một cách hiệu quả nhất.

VQG Bidoup - Núi Bà có nhiều tiềm năng khai thác du lịch trải nghiệm - Ảnh: bidoupnuiba.gov.vn

1. Nguồn lực phát triển du lịch của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Để phát triển du lịch của một địa phương, một vùng hay một quốc gia thì yếu tố đầu tiên tạo tiền đề là tài nguyên du lịch, tài nguyên ở đây chính là nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa, bên cạnh đó là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách tiếp cận nguồn lực tự nhiên, văn hóa dễ dàng và thuận tiện hơn.

Nguồn lực tự nhiên của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc địa giới hành chính của huyện Lạc Dương, một phần của huyện Đam Rông và thành phố Đà Lạt, có tọa độ địa lý 12000’00” đến 12052’00” vĩ độ Bắc; 108017’00” đến 108 độ 42’00” kinh độ Đông. Phía Bắc giáp Vườn quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) và Công ty lâm nghiệp Khánh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Phía Nam giáp Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim. Phía Đông giáp Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận). Phía Tây giáp Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và Ban quản lý rừng phòng hộ Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng).

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trên địa hình vùng núi trung bình và núi cao của cao nguyên Đà Lạt, thuộc phần cuối dãy núi Trường Sơn Nam trên khu vực có độ biến động từ 650m tới 2.287m với mức độ cao trung bình từ 1.500m-1.800m. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có địa hình chia cắt phức tạp với nhiều đỉnh núi cao. Địa hình thấp dần theo hướng Nam - Bắc và nghiêng theo hướng Đông Tây. Toàn bộ địa hình gồm nhiều đỉnh núi cao, thấp, nhấp nhô, có khu vực bị chia cắt mạnh, nhưng cũng có khu vực hình bát úp liền kề nhau. Khu vực thấp nhất là thung lũng Đắk Loe nằm về phía Tây Bắc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và điểm có độ cao thấp nhất là 650m tại ngã ba Đắk Loe với sông Krông Nô.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nhưng do yếu tố vị trí địa lý và địa hình chi phối nên có khí hậu mang tính chất á nhiệt đới với nền nhiệt độ trung bình khoảng 180C. Một năm khí hậu của vùng được chia thành hai mùa, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Trong đó, tháng 4 và tháng 11 là tháng chuyển tiếp giữa hai mùa.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một điểm du lịch lý tưởng thu hút đông đảo du khách địa phương và những lữ khách phương xa yêu thiên nhiên, thích khám phá khi có dịp đến đây, với nhiều địa danh nổi tiếng như: đỉnh núi Bidoup (có độ cao 2.287m, là một trong 10 đỉnh núi cao nhất của nước ta và là đỉnh núi cao nhất của cao nguyên LangBiang có rừng nguyên sinh bao bọc), đỉnh núi Bà (núi LangBiang, cao 2.167m, gắn liền với truyền thuyết về tình yêu bất diệt của chàng K’Lang và nàng Biang), hồ Đankia - Suối Vàng (là hai hồ nước nhân tạo nối liền nhau và có diện tích 141km2 bao bọc bởi hệ thống đồi bát úp với những rừng thông ba lá tự nhiên), khu rừng thông đầu nguồn sông Đa Nhim, hệ thống thác Đạ Long, sông K’rông Nô, khu rừng thông hai lá dẹt đại cổ thụ, khu rừng nguyên sinh núi Hòn Giao…

Về nguồn lực văn hóa của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trên địa bàn 6 xã và thị trấn của huyện Lạc Dương là: Xã Lát, Đưng K’Nớ, Đạ Sar, Đạ Chais, Đạ Nhim, thị trấn Lạc Dương và một phần xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, một phần Phường 7 của thành phố Đà Lạt. Tuy nhiên, phần diện tích Vườn nằm xa khu dân cư (xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) và nằm trong khu quy hoạch khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng (Phường 7, thành phố Đà Lạt). Dân số trong vùng khoảng 28.530 người (năm 2020). Ngoài các tộc người thiểu số bản địa tại chỗ như Cơ ho, Mnông, trong vùng đệm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà còn có một số tộc người khác di cư tự do đến vùng đất này như: người Kinh, Tày, Thái, Nùng, Mường, Dao. Với tập quán canh tác nông nghiệp dựa vào tự nhiên, việc sống quần cư đã tạo nên những buôn làng ít chịu tác động của xã hội bên ngoài. Một số buôn làng còn gìn giữ được các nét văn hóa truyền thống, điều này mang đến cơ hội cho phát triển du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa tộc người địa phương tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Các nguồn lực văn hóa vật thể phục vụ phát triển du lịch: núi Lang Biang là danh thắng quốc gia gắn liền với truyền thuyết chàng K’Lang và nàng Biang; núi Bidoup là đỉnh núi cao nhất của Việt Nam về phía Nam; Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang. Nơi đây được ghi nhận là một trong những vùng có cảnh quan đa dạng sinh học có giá trị toàn cầu…

Các nguồn lực văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch: trang phục, ẩm thực, đời sống tâm linh và tín ngưỡng, tri thức dân gian, kho tàng văn học dân gian… của các dân tộc sinh sống ở đây.       

2. Thực trạng phát triển du lịch của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Công tác tổ chức và quản lý hoạt động du lịch

UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 23-2-2011 về việc thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường trực thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có chức năng quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường trong phạm vi Vườn. Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định về quy hoạch phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia đến năm 2020 và từ thời điểm này, hoạt động du lịch của Vườn dần được định hình, mở rộng và phát triển. Đây là cơ sở cho việc tổ chức hoạt động du lịch được tập trung chuyên sâu hơn. Ngày 22-1-2024, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 140/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch cấp tỉnh Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Theo đó, Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là đơn vị trực tiếp quản lý, có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của luật có liên quan trong quá trình tổ chức quản lý, khai thác kinh doanh du lịch tại điểm du lịch này.

Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch

Về cơ sở hạ tầng du lịch

 Du khách tới Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà bằng đường hàng không thông qua sân bay Liên Khương, hệ thống tuyến đường bộ từ thành phố Đà Lạt đi thành phố Nha Trang và thành phố Buôn Mê Thuật (quốc lộ 27C và quốc lộ 722). Hệ thống điện lưới quốc gia đã kết nối tới Vườn và một số trạm kiểm lâm, các hoạt động lưu trú tại nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống tại nhà hàng đều có hệ thống điện lưới quốc gia. Nước sinh hoạt được xây dựng hệ thống cấp, thoát nước tự chảy, lấy nguồn nước thiên nhiên qua hệ thống lọc tại Trung tâm hành chính dịch vụ, có công suất 200m3/ ngày đêm. Hệ thống thông tin liên lạc, mạng lưới viễn thông cơ bản được phủ sóng đến khu dịch vụ hành chính và hầu hết các trạm kiểm lâm trong Vườn. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải tại các khu nhà nghỉ, nhà hàng, văn phòng làm việc được thu gom, lọc lắng tại các bể tự hoại trước khi thải ra môi trường. Dọc các tuyến đường và bãi cắm trại du lịch không sắp xếp các thùng chứa rác mà khuyến khích, nhắc nhở khách mang về trên các hành trình với phương châm “đi để lại dấu chân và lưu lại những bức hình, không để lại rác và tài nguyên sinh thái khác”.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch

Trung tâm du khách và diễn giải môi trường rừng được xây dựng tại khu hành chính dịch vụ của Vườn là nơi đón tiếp du khách, diễn giải môi trường. Du khách tới tham quan được nhân viên của trung tâm và cộng đồng địa phương giới thiệu về sự liên kết, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên, sự hình thành rừng và vai trò của rừng đối với đời sống con người, những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng thiểu số địa phương. Du khách được diễn giải viên giúp tìm hiểu về hoạt động, công tác bảo tồn của Vườn.

Sản phẩm du lịch đang khai thác

Hiện nay, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đang tổ chức các hoạt động như: du lịch tham quan, trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa (tuyến Thiên Thai, tuyến dệt thổ cẩm, tuyến LangBiang, tuyến Bidoup, tuyến đa dạng sinh học Hòn Giao, tuyến Đưng Iar Giêng); du lịch hội thảo kết hợp tham quan trải nghiệm (Trung tâm du khách, tuyến đa dạng sinh học); tham quan học tập, nghiên cứu (tuyến đa dạng sinh học Hòn Giao, tuyến Thiên Thai, tuyến LangBiang, Trung tâm du khách); du lịch cộng đồng (tuyến Đưng Iar Giêng, Trung tâm du khách, tuyến dệt thổ cẩm)...

Hiện trạng các tuyến, điểm và chương trình du lịch

Tham quan Trung tâm du khách: vị trí tọa lạc tại khu hành chính của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cách thành phố Đà Lạt 35km là nơi đón tiếp và diễn giải môi trường cho du khách khi tới tham quan. Bên cạnh đó, du khách được tham gia các hoạt động văn hóa cùng cư dân địa phương và tham gia sinh hoạt lửa trại tập thể cũng như lưu trú qua đêm tại khu nhà nghỉ của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Tuyến thác Thiên Thai được xuất phát từ Trung tâm du khách với cự ly 3,5km và 8km, tuyến này phù hợp với nhóm khách lần đầu đi bộ trong rừng và ở các nhóm tuổi từ 6 tới trên 30 tuổi (cấp độ 1/5 trong phân cấp tiêu chuẩn của thế giới). Du khách tham gia tuyến này được xem các loài chim, các loài cây quý hiếm, các câu chuyện và truyền thuyết về thác Thiên Thai, về kinh nghiệm sống dựa vào rừng của người bản địa.

Tuyến tham quan học tập núi Hòn Giao cách Trung tâm du khách 25km với cự ly đi bộ khác nhau (1,8km, 5km, 10km) đây là tuyến phù hợp cho đối tượng là học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu khoa học.

Tuyến chinh phục đỉnh Bidoup có độ dài 28km là cung đường cần sự dẻo dai, sức khỏe tốt, kiên trì. Đây là đỉnh núi cao nhất về phía Nam của Việt Nam, với độ cao 2.287m, du khách được trải nghiệm đa dạng sinh học, khu rừng đỗ quyên, phong lan, đặc biệt là cây pơ mu trên 1.300 năm, du khách được tham gia cắm trại ở độ cao 1.900m với các dịch vụ ẩm thực và thời gian tham gia tuyến này là 2 ngày 1 đêm.

Tuyến chinh phục đỉnh LangBiang là đỉnh núi cao nhất của thành phố Đà Lạt, có chiều dài 9km, thời gian di chuyển 6 giờ đi bộ, tới đây du khách ngắm toàn cảnh thành phố Đà Lạt, được nghe chuyện tình chàng K’Lang và nàng Biang.

Các công ty du lịch khai thác các tuyến du lịch của Vườn đều phải thực hiện các cam kết về việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, du khách tham gia các tuyến du lịch phải ký bản cam kết khi tham gia các tuyến du lịch do Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý.

3. Đề xuất giải pháp

Từ thực tiễn nghiên cứu nguồn lực cho phát triển du lịch của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tác giả nhận thấy hiện nay nguồn lực cho phát triển du lịch khá phong phú, đa dạng bao gồm cả nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa, tuy nhiên cho đến nay Vườn quốc gia chưa khai thác hết nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch. Điều này một phần là do nhu cầu của du khách khi tới du lịch tại Vườn, tiếp đến là chiến lược phát triển du lịch chưa chú trọng nhiều vào nguồn lực văn hóa mà thường chú trọng khai thác nguồn lực tự nhiên sẵn có. Ngoài ra, nguồn khách tới Vườn thường do các công ty lữ hành khai thác và kết hợp với Vườn tổ chức các chương trình du lịch. Khâu xúc tiến quảng bá hoạt động du lịch của Vườn còn nhiều hạn chế như: trang web của Vườn, của Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường chưa có nhiều thông tin về hoạt động du lịch của Vườn, điều này làm hạn chế việc tiếp cận trực tiếp của du khách tới các hoạt động du lịch của Vườn. Công tác xúc tiến, quảng bá của Vườn về hoạt động du lịch hầu như không có, nhân lực hoạt động tại Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường phần lớn có trình độ chuyên môn về ngành Lâm nghiệp, đây là một lợi thế về hoạt động sinh thái rừng, nhưng bị hạn chế về hoạt động lĩnh vực du lịch (hiện nay Trung tâm có 1 cử nhân đại học ngành Du lịch, 2 cử nhân ngành tiếng Anh, còn lại là cử nhân ngành Lâm nghiệp) điều này có tác động không nhỏ tới hoạt động du lịch của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Từ những thực tiễn này, tác giả đưa ra một số đề xuất:

Thứ nhất, tiếp tục phát triển các tuyến du lịch gắn với việc khai thác các nguồn lực tự nhiên của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà như hiện nay đang có. Tuy nhiên, cần xây dựng quy trình tổ chức chung cho các tuyến của loại hình này, đầu tư nâng cấp và xây dựng nội dung số trên trang web của Trung tâm và kết nối với trang web của Vườn quốc gia, trang web của Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng, của các đơn vị liên quan đến hoạt động du lịch của tỉnh Lâm Đồng, của vùng Tây Nguyên và các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh.

Thứ hai, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường có quy mô và hiện đại phù hợp với trung tâm hoạt động về hai chức năng du lịch và giáo dục môi trường, từ đó đầu tư chuyên sâu về hai bộ phận chức năng chính này. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ tổ chức du lịch và chuyên môn về lĩnh vực du lịch cho nguồn nhân lực hiện có và đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về lĩnh vực du lịch, khách sạn và nhà hàng (hiện nay ngoài tổ chức tour tuyến, Trung tâm hiện đang vận hành một cơ sở nhà hàng và một tổ hợp lưu trú trong phân khu hành chính);

Thứ ba, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cần đầu tư xây dựng và xúc tiến quảng bá các tuyến gắn với văn hóa cư dân bản địa trên các cổng thông tin và thành lập một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ chuyên môn nghiên cứu về văn hóa cư dân bản địa, xây dựng những nguồn lực văn hóa trở thành sản phẩm du lịch cho Vườn quốc gia; nghiên cứu xây dựng bảo tàng sống về văn hóa cư dân bản địa vừa là bảo tồn giá trị văn hóa vừa là nguồn lực phát triển du lịch văn hóa của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Thứ tư, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cần thiết kế các chương trình tour chuyên nghiệp, xây dựng những sản phẩm tour du lịch trọn gói và xúc tiến sản phẩm du lịch tới thị trường du khách thay vì phụ thuộc nguồn khách từ các đơn vị lữ hành. Thiết kế những sản phẩm du lịch đặc thù về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tạo tiền đề cho việc khai thác tối đa nguồn lực văn hóa vào hoạt động du lịch.

Thứ năm, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cần chú trọng khai thác sản phẩm văn hóa bên cạnh nguồn lực tự nhiên vừa đảm bảo hoạt động du lịch bền vững, vừa góp phần cải thiện đời sống của cư dân bản địa, vừa bảo tồn và phát triển nguồn lực văn hóa một cách bền vững và tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù của Vườn quốc gia và là nhân tố cho các vườn quốc gia khác tham khảo và nhân rộng hoạt động du lịch.

________________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, 2017.

2. Bộ VHTTDL, Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL ngày 3-8-2016 phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 2018.

3. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, 2017.

4. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, 2018.

5. Nguyễn Nhiên Hương, Nguồn lực cho phát triển du lịch ở tỉnh Thanh Hóa, Luận án Tiến sĩ Việt Nam học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.

6. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Du lịch, 19-6-2017.

7. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10-4-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, 2008.

8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1738/QĐ-TTg ngày 30-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh các phân khu chức năng Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, 2009.

9. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2013.

10. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2013.

11. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1240/QĐ-TTg ngày 19-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng, 2014.

12. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30-10-2014 về phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030, 2014.

13. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 18-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 2018.

14. UBND tỉnh Lâm Đồng, Quyết định số 1164/QĐ-UBND ngày 3-6-2016 về việc thành lập Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng, 2016.

15. UBND tỉnh Lâm Đồng, Văn bản số 4865/UBND-VX2 ngày 6-8-2019 về việc đồng ý chủ trương cho Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia, 2019.

16. UBND tỉnh Lâm Đồng, Văn bản số 495/UBND-VX2 ngày 22-1-2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, 2020.

17. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà giai đoạn 2021 - 2030, 2022.

18. bidoupnuiba.gov.vn.

19. Danh sách các dân tộc Việt Nam, chinhphu.vn, 17-3-2024.

20. Khải Hoàn - Đình Tuấn, UNESCO công nhận Langbiang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhandan.vn, 10-6-2015.

21. Trao Bằng công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN, monre.gov.vn, 13-11-2019.

22. Chu Quốc Hùng, Đồng công nhận Điểm du lịch “Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà”, chinhsachcuocsong.vnanet.vn, 23-1-2024.

Ths DƯƠNG VĂN CHĂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;