Khai thác giá trị văn hóa chợ phiên Si Ma Cai phục vụ phát triển du lịch địa phương

Chợ phiên là một nét văn hóa đặc sắc, gắn liền với đời sống của người dân ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Tại chợ phiên không chỉ là nơi diễn ra hoạt động mua bán hàng hóa, mà còn là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, xã hội quan trọng. Nó là nơi giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa, nơi giao lưu văn hóa giữa các tộc người, nơi bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, và còn là nơi gặp gỡ của tình yêu và là không gian để mọi người khoe tài sắc.

1. Hệ thống chợ phiên trên địa bàn huyện Si Ma Cai

Si Ma Cai là một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Lào Cai, nằm ở khu vực biên giới Việt – Trung. Si Ma Cai nổi tiếng với hệ thống các chợ phiên vùng cao. Toàn huyện có 5 chợ phiên được tổ chức trong tuần. Du khách có thể đến từng chợ phiên để tham quan, giao lưu, mua bán, tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của người vùng cao. Chợ Sín Chéng thuộc xã Sín Chéng họp vào thứ 4 hằng tuần; Chợ Cốc Cù thuộc xã Bản Mế họp vào thứ 5 hằng tuần; Chợ Lù Dì Sán thuộc xã Sán Chải họp vào thứ 6 hằng tuần; Chợ Cán Cấu thuộc xã Cán Cấu họp vào thứ 7 hằng tuần; chợ trung tâm huyện Si Ma Cai thuộc xã Si Ma Cai họp vào Chủ nhật hằng tuần. Các chợ phiên Si Ma Cai, không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là điểm đến hấp dẫn, nơi khách du lịch có thể tìm hiểu đời sống, phong tục và nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến chợ Cán Cấu, chợ Sín Chéng và chợ trung tâm thị trấn Si Ma Cai.

Vào các ngày chợ phiên, từ tờ mờ sáng, bà con các dân tộc Mông, Hoa, Giáy, Tày, Nùng,… ở khắp các nẻo đường, ngõ núi đã tấp nập đổ về tụ họp chợ phiên. Người cưỡi ngựa, người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy... Ai cũng mang theo mình những mặt hàng đặc trưng của thôn, bản để bán, trao đổi tại phiên chợ, như: thổ cẩm, nông sản, gia súc, gia cầm... Trong phiên chợ không chỉ có các mặt hàng của bà con địa phương mà còn có cả những mặt hàng điện tử, đồ gia dụng, vải vóc... được đem từ dưới xuôi lên. Tất cả đã tạo nên một không gian đặc trưng, đa dạng, phong phú.

Không gian chợ phiên tại Si Ma Cai được chia thành nhiều khu, khu bán thổ cẩm, khu bán hoa quả, nông sản, dụng cụ, vật nuôi phục vụ sản xuất, thuốc đông y, dược liệu, rượu, khu hàng ăn và khu chuyên mua, bán trâu do đồng bào vùng cao mang xuống trao đổi, mua bán tại chợ… Một trong những nét độc đáo tại các chợ phiên Si Ma Cai là khu vực bán các sản phẩm thủ công độc đáo của người dân địa phương. Trong đó, thổ cẩm là một trong những sản phẩm nổi bật của chợ phiên. Các món đồ thổ cẩm như váy, áo, túi xách, chăn, đệm được làm hoàn toàn thủ công, thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người phụ nữ Mông, Tày, Nùng… Những chiếc váy, áo thổ cẩm, những chiếc túi thổ cẩm xinh xắn với màu sắc sặc sỡ bắt mắt được bày bán la liệt... là mặt hàng tạo nên nét đặc trưng của chợ. Các sản phẩm thổ cẩm này không chỉ có giá trị sử dụng với người dân địa phương mà còn là những món quà lưu niệm đặc biệt phù hợp với khách du lịch.

Một góc truyền dạy kỹ thuật khâu thêu thổ cẩm của người Mông tại chợ Sín Chéng

Ngoài thổ cẩm, các món ăn đặc sản tại chợ phiên cũng là một điểm nhấn thu hút du khách. Những đặc sản của vùng cao như thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, bánh ngô, hay rượu cần, thắng cố… không chỉ mang lại hương vị đặc biệt mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc của các DTTS. Những câu chuyện văn hóa sâu sắc về sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, với đất đai và với tổ tiên.

Chợ Cán Cấu và Sín Chéng của Si Ma Cai nổi tiếng trong khu vực Tây Bắc, là nơi diễn ra những cuộc mua bán các loại gia súc, gia cầm, chim chóc. Đặc biệt là mua bán trâu, bò. Mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ các thôn, bản xa xôi của huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Hà Giang được mang đến để mua bán đã tạo nên một cảnh tượng độc đáo. Khu vực bán trâu của chợ Cán Cấu và Sín Chéng không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn được những thương lái từ các tỉnh lân cận vùng miền khác nhau tụ tập về chợ để giao dịch, mua bán trâu. Tiếng móng trâu lốc cốc trên mặt đất, cộng với tiếng chuông leng keng trên cổ trâu tạo thành một bản nhạc đặc trưng của miền sơn cước, làm cho chợ phiên trở nên sống động và hấp dẫn hơn.

Điều đặc biệt đối với người dân địa phương, họ không chỉ mang trâu ra chợ bán mà còn là mang trâu đi “triển lãm”, khoe thành quả chăn nuôi của gia đình. Vì thế, vào phiên chợ, các gia đình thường lùa cả đàn trâu xuống chợ. Khi mua bán, nếu trâu được bán với giá hợp lý thì họ bán, còn nếu không được giá thì họ không bán và cũng chẳng phiền lòng. Hết buổi chợ người dân lại vui vẻ đuổi đàn trâu về nhà, đợi phiên chợ khác lại dắt trâu xuống tụ họp.

Cũng như các chợ phiên vùng đồng bào DTTS khác, các chợ phiên Si Ma Cai, người dân không chỉ đến chợ để mua, bán, trao đổi hàng hóa mà họ còn đến chợ để giao lưu, gặp bạn bè; hỏi thăm sức khỏe, cách làm ăn. Đôi khi, tại chợ phiên còn bắt gặp những cảnh hẹn hò của các chàng trai, cô gái tìm đến với chợ để trao duyên, hẹn hò, để khoe sắc trong những bộ váy xòe rực rỡ sắc màu, để trổ tài múa khèn, đánh quay và tìm hiểu đối phương, để kết thành vợ chồng.

Ngày nay, các chợ phiên Si Ma Cai không chỉ là một điểm giao thương mà còn là một điểm đến du lịch nổi bật - là nơi thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Người dân địa phương tham gia vào các hoạt động đón tiếp du khách, cung cấp các dịch vụ như hướng dẫn tham quan, bán đặc sản và tổ chức các lớp học nấu ăn, dệt thổ cẩm. Điều này không chỉ giúp du khách có một trải nghiệm đầy đủ về văn hóa, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Do đó, du khách đến chợ không chỉ để mua sắm mà còn để tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương, hòa mình vào không khí nhộn nhịp, sôi động của phiên chợ và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống.

2. Khai thác di sản văn hóa chợ phiên huyện Si Ma Cai phục vụ phát triển du lịch

Các chợ phiên của huyện Si Ma Cai là những di sản văn hóa đặc sắc. Trong bối cảnh phát triển du lịch hiện nay, chợ phiên trở thành một sản phẩm du lịch tiềm năng, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo về văn hóa, ẩm thực và đời sống cộng đồng.

Điểm mạnh

Bản sắc văn hóa đặc sắc: Hệ thống chợ phiên tại huyện Si Ma Cai là một không gian văn hóa sống động, mang đậm bản sắc của các dân tộc địa phương. Du khách đến với chợ phiên không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn được trải nghiệm và khám phá các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, trang phục truyền thống, âm nhạc và ẩm thực đặc sắc. Những sản phẩm thủ công như thổ cẩm, đồ gỗ, rượu cần, hay các món ăn đặc sản như xôi ngũ sắc, thịt trâu gác bếp có thể trở thành những yếu tố hấp dẫn trong việc xây dựng sản phẩm du lịch.

Sự độc đáo và mới mẻ: Hệ thống chợ phiên Si Ma Cai mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo, đặc biệt là những người lần đầu đến thăm vùng miền núi cao. Chợ phiên là sự kết hợp hoàn hảo giữa hoạt động thương mại và không gian văn hóa, giúp du khách cảm nhận được nhịp sống của các cộng đồng DTTS, đặc biệt là sự hòa quyện giữa cuộc sống hiện đại và những giá trị truyền thống.

Tiềm năng du lịch cộng đồng: Chợ phiên Si Ma Cai gắn liền với du lịch cộng đồng, nơi cộng đồng dân tộc tham gia trực tiếp vào việc phát triển và bảo vệ các giá trị văn hóa. Du khách không chỉ đến tham quan mà còn có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, chế biến ẩm thực, học hỏi về thủ công mỹ nghệ, góp phần tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương.

Điểm yếu

Hạ tầng du lịch hạn chế: Một trong những vấn đề lớn nhất khi khai thác chợ phiên Si Ma Cai để phát triển du lịch là hạ tầng du lịch tại các khu vực này còn yếu kém. Đường xá không thuận tiện, thiếu các cơ sở lưu trú chất lượng, các dịch vụ hỗ trợ du lịch còn thiếu và yếu như hướng dẫn viên, thông tin du lịch. Điều này có thể khiến du khách gặp khó khăn trong việc tiếp cận và trải nghiệm các dịch vụ tại chợ phiên.

Hạn chế trong quản lý và quy hoạch du lịch: hiện nay một số chợ phiên trên địa bàn huyện Si Ma Cai vẫn chưa có một quy hoạch và quản lý du lịch chặt chẽ. Việc khai thác du lịch đôi khi thiếu tính chuyên nghiệp, dẫn đến những bất cập trong việc tổ chức và cung cấp dịch vụ. Hệ thống vệ sinh, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông đôi khi không được chú trọng đúng mức, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.

Sự chậm thích nghi của cộng đồng địa phương: Mặc dù chợ phiên Si Ma Cai gắn liền với cộng đồng, nhưng không phải tất cả người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS đều có sự chuẩn bị và sẵn sàng cho việc phát triển du lịch. Nhiều người dân thiếu kỹ năng giao tiếp với du khách, thiếu hiểu biết về dịch vụ du lịch, dẫn đến những khó khăn trong việc tạo ra một môi trường thân thiện và chuyên nghiệp cho du khách.

Biểu diễn văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch tại chợ Sín Chéng

Cơ hội

Tăng cường quảng bá và tiếp thị trên nền tảng số: Việc khai thác các giá trị văn hóa của chợ phiên của Si Ma Cai trong phát triển du lịch có thể được tăng cường thông qua những chiến dịch quảng bá mạnh mẽ. Chợ phiên có thể trở thành một điểm nhấn trong các tour du lịch miền núi, giúp thu hút không chỉ du khách nội địa mà còn quốc tế. Việc kết hợp với các nền tảng số, ứng dụng công nghệ để giới thiệu hình ảnh và sản phẩm của chợ phiên sẽ là một cơ hội lớn để mở rộng thị trường khách du lịch.

Sự tăng trưởng của du lịch nông thôn: Trong xu thế phát triển du lịch bền vững hiện nay, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa đang ngày càng được chú trọng. Chợ phiên Si Ma Cai là một loại sản phẩm du lịch lý tưởng cho loại hình du lịch này. Sự quan tâm đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và tìm hiểu các giá trị văn hóa đang tạo ra cơ hội lớn cho việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với chợ phiên.

Hợp tác quốc tế và hỗ trợ từ chính quyền: Các tổ chức quốc tế và chính phủ đang thúc đẩy những chương trình phát triển du lịch bền vững, trong đó có các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn văn hóa (trong đó chợ phiên là một di sản văn hóa quan trọng). Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế hoặc sự hỗ trợ từ các dự án phát triển du lịch có thể giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ tại chợ phiên.

Chủ chương, chính sách bảo tồn văn hóa gn với phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước: Ngày 14-10-2021, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Quyết định đề cập tới khá nhiều lĩnh vực trong đời sống đồng bào các DTTS, trong đó, dự án 6 đã làm rõ các nội dung cấp thiết, cần thực hiện để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Chủ chương, chính sách bảo tồn văn hóa gn với phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai: Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11-12-2020 về “Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025” của Tỉnh ủy đã định hướng các nội dung phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng tới việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Chủ chương, chính sách bảo tồn văn hóa gn với phát triển du lịch của huyện Si Ma Cai: Ngày 31-7-2020, Huyện ủy Si Ma Cai đã ban hành đề án số 07-ĐA/HU về “Bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, nhiệm kỳ 2020-2025”, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Thách thức

Tác động tiêu cực của du lịch mất kiểm soát: Mặc dù du lịch có thể đem lại nguồn thu nhập lớn, nhưng nếu không được quản lý chặt chẽ, du lịch có thể gây ra tác động tiêu cực đối với văn hóa và môi trường tại các chợ phiên Si Ma Cai. Việc du khách đến quá đông, kéo theo sự phát triển hạ tầng không kiểm soát có thể làm mất đi bản sắc văn hóa, thay đổi hình thức chợ phiên truyền thống. Điều này có thể dẫn đến sự thương mại hóa quá mức và làm mất đi giá trị cốt lõi của chợ phiên.

Tính bền vững trong phát triển du lịch: Du lịch nếu không được phát triển bền vững sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, tài nguyên và các giá trị văn hóa. Việc duy trì các sản phẩm du lịch liên quan đến chợ phiên Si Ma Cai cần đảm bảo sự cân đối giữa phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái. Việc xâm lấn quá mức vào đời sống địa phương có thể làm giảm chất lượng trải nghiệm du lịch và ảnh hưởng đến cộng đồng.

Thiếu sự đổi mới và sáng tạo: Nếu các sản phẩm du lịch liên quan đến chợ phiên Si Ma Cai không được đổi mới và sáng tạo, chúng có thể trở nên nhàm chán và thiếu sức hút đối với du khách. Việc lặp lại các sản phẩm du lịch cũ mà không có sự thay đổi, sáng tạo sẽ khiến du khách không còn hứng thú quay lại.

Các hoạt động biểu diễn, truyền dạy văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch tại chợ Sín Chéng

3. Định hướng khai thác các giá trị văn hóa của chợ phiên Si Ma Cai

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của chợ phiên

Chợ phiên Si Ma Cai không chỉ là không gian thương mại mà còn là biểu tượng của đời sống văn hóa cộng đồng các DTTS tại địa phương. Do đó, một trong những định hướng quan trọng trong việc khai thác chợ phiên là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Điều này bao gồm việc duy trì các hoạt động, phong tục, nghi lễ, trang phục và ẩm thực đặc trưng của các DTTS địa phương trong không gian chợ phiên.

Muốn bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của chợ phiên Si Ma Cai cần giữ vững vai trò là nơi giao lưu văn hóa, không chỉ dành cho du khách mà còn tạo cơ hội cho người dân nới đây bảo vệ và chia sẻ những phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc địa phương.

Phát triển du lịch bền vững

Khai thác chợ phiên Si Ma Cai phải gắn liền với sự phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa. Điều này có nghĩa là phải chú trọng đến việc duy trì sự cân đối giữa việc phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa của chợ phiên. Phát triển du lịch cộng đồng bền vững là hướng đi phù hợp sẽ tạo ra một mô hình du lịch không chỉ giúp du khách tiếp cận với các giá trị văn hóa mà còn mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho cộng đồng địa phương mà không làm mất đi bản sắc văn hóa.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương

Để phát triển du lịch tại các chợ phiên Si Ma Cai, sự tham gia chủ động của cộng đồng DTTS sinh sống trên địa bàn là yếu tố rất quan trọng. Cộng đồng địa phương cần đóng vai trò chính trong việc tổ chức và quản lý hoạt động du lịch. Việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho người dân về các kỹ năng du lịch, giao tiếp với du khách, và bảo vệ môi trường sẽ tạo ra một mô hình du lịch tự nhiên và hiệu quả.

4. Một số giải pháp khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa của chợ phiên Si Ma Cai phục vụ phát triển du lịch

Nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch

Cải thiện cơ sở hạ tầng: Để thu hút du khách, cần đầu tư vào hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông và các dịch vụ du lịch cơ bản như chỗ ở, nhà hàng và các điểm tham quan. Việc xây dựng các tuyến đường giao thông thuận tiện, kết nối chợ phiên với các điểm du lịch nổi tiếng sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận hệ thống chợ phiên trên địa bàn huyện Si Ma Cai.

Xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Cần xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch tại các chợ phiên như trung tâm thông tin du lịch, các điểm dừng chân, khu vực vệ sinh, nhà nghỉ và các dịch vụ hỗ trợ khác. Điều này không chỉ làm tăng chất lượng trải nghiệm mà còn giúp du khách cảm thấy thoải mái và an tâm khi tham gia các hoạt động du lịch.

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng

Tạo ra các tour du lịch hòa quyện với văn hóa chợ phiên: Các tour du lịch có thể kết hợp tham quan các chợ phiên với việc trải nghiệm những hoạt động văn hóa, như tham gia vào các nghi lễ tôn giáo, học hỏi cách làm nghề thủ công, hoặc tham gia những lớp học chế biến món ăn đặc sản. Điều này sẽ giúp du khách không chỉ tham quan mà còn cảm nhận sâu sắc về đời sống và văn hóa địa phương.

Phát triển các sản phẩm đặc sản từ chợ phiên: Các đặc sản của chợ phiên như thổ cẩm, rượu cần, các món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc, thịt trâu gác bếp có thể trở thành sản phẩm du lịch mang tính biểu tượng. Việc kết hợp với các làng nghề địa phương để tạo ra các sản phẩm thủ công chất lượng sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho du khách khi họ mua sắm tại chợ phiên.

Tăng cường quảng bá và tiếp thị du lịch chợ phiên Si Ma Cai

Quảng bá qua các kênh truyền thông: Sử dụng các kênh truyền thông hiện đại như mạng xã hội, website, và các nền tảng trực tuyến để quảng bá về các giá trị văn hóa của chợ phiên Si Ma Cai. Việc chia sẻ hình ảnh, video về những hoạt động tại các chợ phiên, cũng như những câu chuyện thú vị về cộng đồng và văn hóa dân tộc để thu hút sự chú ý của du khách.

Phát triển thương hiệu du lịch: Xây dựng thương hiệu du lịch cho các chợ phiên gắn liền với bản sắc riêng của từng cộng đồng dân tộc. Chẳng hạn, mỗi chợ phiên có thể có một hình ảnh riêng biệt, một câu chuyện văn hóa đặc trưng, nhằm tạo sự khác biệt và hấp dẫn đối với du khách. Việc tạo dựng thương hiệu mạnh sẽ giúp các chợ phiên trở thành điểm đến nổi bật trong các tour du lịch địa phương.

Đào tạo và nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương

Đào tạo nhân lực du lịch: Việc đào tạo cộng đồng địa phương về các kỹ năng phục vụ du lịch như giao tiếp với du khách, hướng dẫn du lịch, bảo vệ môi trường và quản lý các hoạt động du lịch tại các chợ phiên Si Ma Cai, giúp cho người dân địa phương phải được trang bị các kỹ năng này để có thể tổ chức và điều hành các hoạt động du lịch một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng: Cộng đồng địa phương các dân tộc Si Ma Cai cần nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch. Cần tổ chức các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về việc bảo tồn văn hóa và môi trường trong quá trình phát triển du lịch tại chợ phiên.

Quản lý du lịch bền vững và điều tiết sự tăng trưởng

Quản lý lượng du khách tại các chợ phiên: Một trong những thách thức lớn khi khai thác chợ phiên là kiểm soát lượng du khách tham gia, tránh tình trạng quá tải và bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa. Việc điều tiết số lượng khách tham quan và phân bổ thời gian hợp lý cho từng nhóm du khách sẽ giúp bảo vệ không gian văn hóa của chợ phiên.

Chú trọng đến bảo vệ môi trường: Để bảo vệ cảnh quan và không gian sinh hoạt của cộng đồng tại các chợ phiên, cần có các biện pháp quản lý môi trường, bao gồm việc duy trì vệ sinh, bảo tồn thiên nhiên và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách bền vững. Các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ giúp du khách có một trải nghiệm tốt hơn và đồng thời bảo vệ các giá trị tự nhiên vốn có.

Chợ phiên là một sản phẩm văn hóa độc đáo, mang trong mình những giá trị truyền thống sâu sắc của các cộng đồng dân tộc. Việc khai thác giá trị văn hóa của chợ phiên để phục vụ phát triển du lịch là một hướng đi đầy tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện đại. Việc làm này không chỉ giúp du khách có những trải nghiệm thú vị mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác cần bảo vệ và duy trì bản sắc văn hóa của chợ phiên, tránh tình trạng khai thác quá mức, làm mất đi những giá trị gốc rễ của chợ phiên.

Để việc khai thác đạt hiệu quả cao và bền vững, cần phải có sự đầu tư bài bản về hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch chợ phiên gắn liền với các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư du lịch để xây dựng những sản phẩm du lịch bền vững, đảm bảo lợi ích cho cả du khách và cộng đồng; đồng thời cần nâng cao năng lực cộng đồng trong việc quản lý và phục vụ du khách, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương các dân tộc ở Si Ma Cai phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

HOÀNG VĂN DƯƠNG - LÝ XUÂN THÀNH - ĐẶNG THỊ OANH

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai

 

____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Huyện Ủy Si Ma Cai, Đề án số 07-ĐA/HU, ngày 31-7-2020 về “Bảo tồn phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, nhiệm kỳ 2020-2025”.

2. Trần Hữu Sơn, Mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch di sản, Kỷ yếu Hội thảo Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, 11-2024.

3. Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai, Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 11-12-2020 về “Phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025”.

4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

5. Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển huyện Si Ma Cai, ngày 15-4-2020, simacai.laocai.gov.vn.

;