Kết quả công tác phát triển du lịch Thanh Hóa năm 2024, bài học kinh nghiệm và phương hướng trong năm 2025

Với hướng đi đúng đắn, sự đầu tư hợp lý và khai thác tốt những tiềm năng sẵn có, du lịch tỉnh Thanh Hóa đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Thành nhà Hồ thu hút khách chuyên gia

Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác và phát triển du lịch. Nằm ở cực Bắc miền Trung của Tổ quốc, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng, đóng vai trò kết nối giữa vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình từ đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu, cảng hàng không kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của 3 vùng kinh tế là vùng núi trung du, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế, với 1 Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng quốc gia cấp đặc biệt; có tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội, với 102km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương; các vườn quốc gia, khu bảo tồn nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; thắng cảnh Hàm Rồng - sông Mã, suối cá thần Cẩm Lương… Thanh Hóa còn có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, các làng nghề truyền thống và ẩm thực đặc trưng, hấp dẫn. Vì vậy, Thanh Hóa có đủ điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm du lịch bốn mùa mang đậm sắc thái địa phương như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch biển - đảo, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao mạo hiểm…

Du khách trải nghiệm tuyến trekking núi Pù Xèo (Thường Xuân)

Trong năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn trước những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh của mỗi điểm đến ngày càng gay gắt, song với hướng đi sáng tạo, đúng đắn, sự đầu tư hợp lý trên cơ sở khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch tỉnh Thanh Hóa đã và đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đăng ký gần 153.000 tỷ đồng, trong đó, có nhiều tập đoàn kinh tế lớn với kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như Vingroup, Sungroup, Flamingo, BRG, T&T… đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi đẳng cấp, quy mô lớn tại Thanh Hóa như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường, Dự án quảng trường biển trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En, Quần thể nghỉ dưỡng nước khoáng Quảng Yên, Khu du lịch sinh thái Tân Dân…

Công viên Sunworld

 

Trong năm 2024, du lịch Thanh Hóa đã chính thức đưa vào khai thác, vận hành thêm các sản phẩm, dịch vụ mới như: quảng trường biển, công viên nước tại thành phố Sầm Sơn; phố đi bộ và không gian văn hóa tại thành phố Thanh Hóa; tổ hợp các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật đường phố tại Flamingo Hải Tiến; tour đảo Mê, các trò chơi cảm giác mạnh tại thị xã Nghi Sơn; tour ra đảo Nẹ, dù lượn (tại khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa); các tour trekking băng rừng tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa... Các sản phẩm du lịch mới bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa thương hiệu, hình ảnh của du lịch Thanh Hóa. Bên cạnh đó, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực tổ chức thành công 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu, có quy mô, chất lượng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch được tổ chức trải dài trong năm đã góp phần hiện thực hóa thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - hương sắc bốn mùa”, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch khi đến với Thanh Hóa.

Cùng với việc không ngừng làm mới sản phẩm, dịch vụ hiện có và bổ sung các sản phẩm dịch vụ mới, tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt, mạnh mẽ trong việc duy trì và giữ vững môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, văn minh, thân thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự kỳ vọng và tin tưởng của khách du lịch. Nhờ đó, năm 2024, ngành Du lịch Thanh Hóa ước đón được 15.300.000 lượt khách, tăng 22,5% so với năm 2023, đạt vượt 110,9% kế hoạch năm 2024 (trong đó, khách quốc tế ước đạt 719.000 lượt khách); tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2023, đạt 104,4% kế hoạch năm 2024 (trong đó, tổng thu từ khách du lịch quốc tế là 375.000.000 USD).

Famtrip Đông Nam Bộ tại Lam Kinh
 

Từ những kết quả đã đạt được như trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa, như sau:

Thứ nhất, xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng để từ đó tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, con người để thúc đẩy dịch vụ du lịch và các lĩnh vực liên quan cùng phát triển.

Thứ hai, tạo sự đồng thuận, chủ động vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể, tổ chức trong chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch.

Thứ ba, chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tập trung thu hút đầu tư các khu du lịch, vui chơi giải trí; nghiên cứu hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mang dấu ấn riêng với quan điểm khai thác tối đa yếu tố văn hóa trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch.

Bước sang năm 2025, năm cuối thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, ngành Du lịch Thanh Hóa tiếp tục triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ:

Một là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và sớm đưa vào vận hành, khai thác các dự án lớn về du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hai là, phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng khả năng cạnh tranh, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới chất lượng cao; nâng cao chất lượng dịch vụ, văn hóa ứng xử trong kinh doanh du lịch.

Ba là, tiếp tục đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức các chương trình kích cầu du lịch; liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước.

Bốn là, chú trọng phát triển nhân lực du lịch góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. 

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quyết tâm xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn.

Sầm Sơn hè 2024
 

 

SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"

;