Bảo tồn lực lượng sáng tác cho sân khấu Tuồng - Đôi điều suy ngẫm

Cùng với một số loại hình sân khấu truyền thống khác, nghệ thuật Tuồng là một trong những di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Đó là con tim, khối óc của cha ông, tinh hoa văn hóa của đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn nghệ thuật Tuồng luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy vậy, những thực tế khó khăn của loại hình nghệ thuật độc đáo như: tình trạng thiếu hụt lực lượng nghệ sĩ, đặc biệt là lực lượng sáng tác lại luôn là vấn đề nan giải, đáng để chúng ta suy ngẫm.

Trong lĩnh vực sân khấu nói chung, lực lượng sáng tác hay còn gọi là tác giả giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là chủ thể sáng tạo thứ nhất của một tác phẩm sân khấu. Từ yếu tố đầu tiên là kịch bản, qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn và sự thể hiện của diễn viên, cùng với các lực lượng phụ trợ khác mà tác phẩm sân khấu mới được hình thành.

Tuồng là loại hình sân khấu kịch hát bác học. Đặc điểm của kịch bản Tuồng là: nội dung tư tưởng lớn; câu chuyện thường là những sự việc mang tầm quốc gia, dân tộc; cốt truyện hấp dẫn, có tính xung đột cao, bố cục chặt chẽ; văn phong súc tích, uyên bác... Vậy nên để viết được kịch bản cho loại hình nghệ thuật này, đòi hỏi người sáng tác phải có một nền tảng kiến thức vững về văn chương, nắm chắc về thủ pháp viết kịch, cũng như hiểu sâu sắc những đặc trưng nghệ thuật của loại hình nghệ thuật sân khấu Tuồng. Các yếu tố này hòa quyện với nhau và là nhân tố không thể thiếu đối với người cầm bút. Tất cả ngự trong con tim và khối óc của tác giả để rồi chỉ cần xúc cảm đủ chín, sẽ bật ra thành những kịch bản sân khấu tròn trịa, đẹp đẽ cả về nội dung và hình thức.

Viết kịch bản nói chung, nguyên liệu chính để tác giả sử dụng chính là ngôn từ. Với kịch bản sân khấu Tuồng, lối hành văn được sử dụng chủ yếu là các thể văn cổ như: biền ngẫu, đối, thơ Đường, thơ Lục bát,... Bởi vậy, chất liệu ngôn từ được dùng trong sân khấu Tuồng đòi hỏi phải có những giá trị mang tính đặc thù như: tính sân khấu, tính văn chương. Trong đó, tính sân khấu của ngôn từ nghĩa là: ngôn từ mang tính diễn xuất - tức là để nhân vật đối đáp, thể hiện hành động, diễn biến nội tâm, bộc lộ cảm xúc: hỉ, nộ, ái, ố trước những tình huống kịch… Tính văn chương tức là vẻ đẹp toàn mỹ về cả nội dung lẫn hình thức của ngôn từ. Ví như mấy câu hát sau trong vở tuồng Trầm hương các của Đào Tấn:

Trụ Vương:                            Chư khanh!

                                              Truyền di tàn phụng
                                              Xa trải đường hoa
                                             Ngõ từ chốn Triều ca
                                            Kíp trông chừng bửu điện

                        Nam:          Bửu điện xa rồng trực chỉ
                                          Cảnh thái bình sơn thủy thanh cao


Bá quan:    Khách:             Xuân thảo phi phi thừa kiếm bội
                                            Lư yên tế tế trú sinh mao
                                           (Cỏ biếc là là luồn dải kiếm
                                            Hương trầm nhẹ nhẹ quấn cờ mao)

Trụ Vương:     Nam:        Gió hương thổi lọt hoàng bào
                                          Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng

Khung cảnh mùa xuân hiện lên một cách toàn vẹn và lộng lẫy với ngàn hoa trải lối, cỏ non mơn mởn trải dài như thảm lụa, hương trầm luồn dải kiếm,… và nhất là hình ảnh phong lưu, đa tình của nhân vật Trụ Vương qua câu hát nam: Gió hương thổi lọt hoàng bào/ Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng. Đây là thủ pháp vẽ mây nảy trăng - một thủ pháp nghệ thuật độc đáo thường thấy trong các tác phẩm Đường thi. Thử hỏi còn cách miêu tả nào có thể lột tả được phong thái hào hoa, phong nhã, đa tình của nhân vật Trụ Vương hay hơn việc dùng một bức tranh ngôn từ tuyệt mỹ đến thế? Đó chính là ưu việt của ngòi bút mà văn chương đã đạt đến độ trác tuyệt như hậu tổ Tuồng Đào Tấn!

Trong khuôn khổTuần lễ Festival Huế 2022, tuồng cổ lần đầu tiên được biểu diễn dưới đường phố

Đề tài của loại hình sân khấu Tuồng đa phần là đề tài lịch sử, những câu chuyện gắn với người xưa tích cũ... Vậy nên để viết được kịch bản Tuồng, ngoài vốn kiến thức về sân khấu, văn học, triết học, mỹ học, đòi hỏi người viết còn phải có vốn hiểu biết nhất định về lịch sử, văn hóa, phong tục… Nếu không được trang bị tốt những kiến thức này, người viết sẽ bị mắc những lỗi sai tối thiểu về sử dụng ngôn ngữ ví như: cách xưng hô, việc sử dụng từ ngữ trong giao tiếp của các nhân vật lịch sử không phù hợp với thời đại, hoàn cảnh lịch sử… Hay ví như việc để nhân vật viện dẫn lời nói của cổ nhân vào tình huống kịch để phục vụ cho ý đồ giao tiếp nào đó? Cụ thể đối với câu: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách/ Sắc bất ba đào dị lịch nhân. Đây là hai vế đối nổi tiếng có từ thế kỷ thứ XVI gắn liền với tích về hai thầy trò Đàm Thận Huy và Nguyễn Giản Thanh. Nếu không nắm chắc về nguồn gốc của câu đối này và chú ý đến mặt niên đại của nó mà để cho một nhân vật kịch lịch sử nào đó sống từ khoảng thế kỷ thứ XIV trở về trước vận dụng làm phương tiện giao tiếp trong các tình huống kịch thì sẽ là điều vô cùng bất cẩn. Khi mắc phải những lỗi như vậy, người viết vô hình chung sẽ làm mất đi tính chân thực của nhân vật lịch sử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lột tả phẩm chất, tính cách, con người của nhân vật. Từ đó tạo nên những hạt sạn không đáng có trong tác phẩm, đánh mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có của nghệ thuật sân khấu, tạo ấn tượng xấu trong con mắt thưởng thức nghệ thuật của khán giả, làm giảm hiệu ứng cảm xúc thẩm mỹ trong lòng khán giả. Và như vậy, người sáng tác sẽ khó có thể viết được những kịch bản Tuồng về đề tài lịch sử đạt đến độ chân thực, hấp dẫn và có giá trị cao về mặt nghệ thuật. 

Chính vì những đòi hỏi khắt khe về nền tảng kiến thức văn học, sân khấu, triết học, lịch sử, văn hóa,… như trên nên thực tế chứng minh, từ xưa những tác gia viết tuồng thường là những bậc túc nho uyên bác như: Đào Duy Từ, Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh. Tiếp đến là các nhân sĩ, trí thức như: Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký, Văn Trọng Hùng, Kim Hùng, Nguyễn Sỹ chức, Xuân Yến,… Phải chăng, đây chính là nguyên nhân cốt yếu làm cho sân khấu Tuồng kén người làm sáng tác, tạo nên tình trạng khan hiếm lực lượng sáng tác kịch bản cho sân khấu Tuồng như hiện nay? 

Bên cạnh rào cản về yếu tố chuyên môn - không những mang tính đặc thù mà còn đòi hỏi yêu cầu rất cao, nguồn nhân lực ngoài xã hội theo đuổi công việc sáng tác kịch bản Tuồng còn chịu tác động từ các yếu tố khó khăn chung của nghề như: mức độ đầu tư cho hoạt động sân khấu chưa đúng mức và khoa học; chế độ chính sách của Nhà nước với đời sống của nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch…) còn thấp và nhiều hạn chế; thực trạng giới thiệu, quảng bá nghệ thuật truyền thống chưa tốt; tình trạng thưa vắng khán giả…

Vở tuồng Trung thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Việc hiểu được tính đặc thù về mặt chuyên môn cũng như những khó khăn của công việc sáng tác kịch bản Tuồng như trên cũng phần nào giúp chúng ta có thể tìm ra được những hướng đi đúng trong việc bảo tồn lực lượng sáng tác của loại hình sân khấu độc đáo này, qua đó góp phần bảo tồn tốt hơn di sản văn hóa truyền thống Tuồng của cha ông để lại. Thiết nghĩ, để có thể thực hiện tốt công tác “bảo tồn lực lượng sáng tác kịch bản” cho nghệ thuật Tuồng, chúng ta cần nên thực hiện tốt, đồng bộ một số giải pháp như sau: Có sự đầu tư tương xứng, đúng mức, khoa học, đồng bộ cho việc bảo tồn và phát triển các loại hình sân khấu dân tộc, trong đó có Tuồng; Gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn, phát huy và phát triển Tuồng với các hoạt động kinh tế xã hội; Có chế độ chính sách (lương, nhuận bút, bồi dưỡng) hợp lý, phù hợp mặt bằng chung của đời sống xã hội để các nghệ sĩ yên tâm làm nghề. Đặc biệt là giải pháp về mặt đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động sáng tác kịch bản Tuồng phải đảm bảo vượt qua được những đặc tính đặc thù của lĩnh vực này. Ví như: xây dựng đề án về việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực sáng tác; các cơ sở đào tạo cần có hệ thống giáo trình phù hợp, đáp ứng cung cấp đầy đủ các kiến thức về mặt: văn học, sân khấu, triết học, lịch sử, văn hóa… cho học viên; tạo điều kiện cho lực lượng sáng tác trẻ có điều kiện tham gia ekip dựng vở để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tế; tổ chức những cuộc thi, hội diễn dành cho các tác phẩm của lực lượng sáng tạo trẻ.  

Thiết nghĩ hiện nay, việc bảo tồn lực lượng sáng tác cho sân khấu truyền thống nói chung và đặc biệt là nghệ thuật Tuồng đã và đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cũng như với mỗi chúng ta - những người yêu, đam mê việc giữ gìn vốn văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại. Qua những cuộc Hội thảo, tọa đàm rất sôi nổi, nghiêm túc, khoa học và đầy tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm như vậy, chúng ta hy vọng rằng, các nhà quản lý, cơ quan hữu quan sẽ có được nguồn tư liệu tham khảo để tìm ra được những hướng đi đúng cho công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung và Tuồng nói riêng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc: “Phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

LÊ CÔNG PHƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;