Tìm về nguồn cội

Sau đại dịch, không chỉ điện ảnh trong nước mà điện ảnh khu vực, điện ảnh thế giới đều có sự trầm lắng bởi nhiều lý do. Làm thế nào để tồn tại và phát triển sau đại dịch là câu hỏi mà mỗi nền điện ảnh, mỗi hãng sản xuất và từng cá nhân nghệ sĩ phải trăn trở.

 Phim Số đỏ

Sau gần 3 năm trầm lắng, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề phải đối mặt với sự thay đổi trong đó có điện ảnh. Những tác động của đại dịch covid lên toàn cầu đã đặt thế giới trước những thay đổi. Nhiều giá trị được nhìn nhận lại, những ưu tiên cấp thiết được xác lập mới. Trong guồng quay đó, giải trí trong đó có phim ảnh dường như không còn ở vị trí cao khi so với trước khi diễn ra đại dịch. Những nỗi lo về sinh kế, bệnh tật, những bất trắc khiến tâm trí con người phải đặt lại các thứ tự ưu tiên trong cuộc đời. Nói như vậy, không có nghĩa văn hóa nghệ thuật, trong đó có phim ảnh không còn mạnh mẽ. Vấn đề là phải thay đổi cách tiếp cận, cách lựa chọn đề tài, chủ đề sao cho phù hợp với tình hình mới. Những câu chuyện quá rùng rợn hay lâm li bi đát với những khúc mắc rằng rịt về tình cảm, câu chuyện không còn thu hút được khán giả khi nỗi lo của từng cá nhân đã quá lớn. Họ cần một sự xoa dịu, chữa lành, hướng tới những điều tích cực hơn là chìm đắm trong những nỗi đau, nỗi lo mà nhân vật trên phim ảnh mang lại. Thêm vào đó, xu hướng thắt chặt chi tiêu, giải trí tại gia khiến cho phim chiếu rạp càng đối mặt thêm các thách thức. Làm thế nào để kéo khán giả tới rạp khi nỗi ám ảnh về dịch bệnh vẫn còn đó? Làm sao để câu chuyện trên phim khiến người xem chịu chấp nhận bỏ tiền khi trong họ là ngổn ngang hàng trăm nỗi lo về sinh kế, lạm phát?

Đã có hẳn một xu hướng điện ảnh chữa lành được nhen nhóm khi các nhà sản xuất, các nghệ sĩ tự hạn chế bớt những đề tài bi thương, những bi kịch, ân oán kéo dài hết năm này qua tháng khác. Hàng loạt câu chuyện nhẹ nhàng hướng tới cuộc sống đời thường, tới sự sẻ chia, nhân ái được các nghệ sĩ chọn làm chủ đề khắc họa trong những bộ phim mới. Xu hướng đó đang lan dần sang các nền điện ảnh để mang tới một không khí mới cho phim ảnh.

Phim Quỳnh Hoa nhất dạ

Với điện ảnh Việt Nam, một số dự án đang triển khai cũng cố gắng tìm kiếm một hướng đi mới. Không còn đổ xô vào những phim hài, phim hành động hay phim tâm lý, giật gân, một số dự án đang tìm về những giá trị văn hóa dân tộc, những câu chuyện, bộ phim đã từng được khán giả yêu thích để làm lại, làm mới.

Trong số các dự án đang ở giai đoạn tiền kỳ, Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thu hút nhiều chú ý. Theo đạo diễn đây là dự án ấp ủ trong 5 năm, ngay cả trước khi diễn ra đại dịch. Phiên bản điện ảnh sẽ kế thừa và phát triển trên nền tảng vững chắc của tiểu thuyết nguyên tác và bản phim truyền hình. Đạo diễn mong muốn một lần nữa tái hiện câu chuyện hào hùng của quê hương trên màn ảnh rộng, đưa khán giả đi qua vùng đất Nam kỳ lục tỉnh, nơi ghi dấu cuộc phiêu lưu kỳ thú của một cậu bé trên đường đi tìm cha, để rồi hòa mình vào dòng chảy cách mạng những năm tháng đó.

Ngoài đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với Đất rừng Phương Nam, chất liệu văn hóa truyền thống cũng được nhiều đơn vị sản xuất tìm kiếm và phát triển. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành V Pictures, cho biết, đơn vị không chỉ đầu tư mà còn trực tiếp sản xuất các bộ phim đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Một số dự án đã được lên kế hoạch sản xuất, gồm: Huyền thoại bánh Tết, Nghe vẻ nghe ve, Người viết thư tay, Hoàng hậu cuối cùng… Người đẹp Tây Đô, dự án được chuyển thể từ phim truyền hình đình đám cùng tên cũng được công ty lên phương án để đưa vào sản xuất. Hiện tại, V Pictures đang trong quá trình sản xuất Chị chị em em 2: Đệ nhất mỹ nữ xoay quanh nhân vật cô Ba Trà - một mỹ nhân nổi tiếng thập niên 20-30 của thế kỷ trước và 9 giờ bão lửa - phim đầu tiên của Việt Nam về đề tài thảm họa cháy nổ. 

Một số dự án lớn khai thác trên nền văn học cũng đang lên kế hoạch sản xuất như: Số đỏ, Vinaman, Thằng Bờm… Dường như có hẳn một xu hướng tìm về với văn hóa, với những giá trị đã được đúc kết, khẳng định và làm mới theo ngôn ngữ điện ảnh hiện đại. Chất liệu văn hóa các dân tộc thiểu số cũng được chú ý khi dự án phim kinh dị Tết ở làng địa ngục (đạo diễn Trần Hữu Tấn) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên hứa hẹn “gieo nỗi sợ và sự kinh hoàng thông qua các chi tiết đậm chất văn hóa dân gian và tâm linh miền cao”. Móng vuốt (đạo diễn Lê Thanh Sơn) cũng là một thể nghiệm khá mới mẻ về cuộc đấu tranh sinh tồn có một không hai giữa người và ác thú.

 Phim Chị chị em em 2: Đệ nhất mỹ nữ

Điện ảnh với đặc điểm là mang lại sự mới mẻ và mỗi dự án ít nhiều đều có yếu tố mạo hiểm khi đầu tư khiến các hãng, công ty sản xuất phải cân nhắc, lựa chọn trong thời gian này. Ngay cả việc dựa vào một tác phẩm đã từng ăn khách trước đó như Người đẹp Tây Đô cũng có những khó khăn riêng khi chuyển sang phiên bản điện ảnh. Thuận lợi của dự án là nhiều khán giả đã biết đến bản truyền hình của bộ phim này nên công tác quảng bá dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sự thành công đã in dấu, định hình trong đầu khán giả, nên nếu phiên bản điện ảnh làm không tốt sẽ gây ra phản ứng trái chiều. Người mẫu, diễn viên Thanh Hằng, người đồng thời đảm nhận hai vai trò diễn viên kiêm nhà sản xuất Quỳnh Hoa nhất dạ cũng khẳng định, việc thực hiện dự án phim cổ trang đối với cô là một quyết định táo bạo, nhiều khó khăn nhưng cô vẫn muốn thử sức. 

Điểm đáng mừng là sự quyết tâm của nhà sản xuất khi đầu tư rất lớn ngay từ khâu tiền kỳ: phát triển kịch bản, khảo sát bối cảnh, chuẩn bị phục trang… Theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, trăn trở đầu tiên của anh là làm sao để tạo sự khác biệt so với những phim cùng đề tài. Phim được lên ý tưởng từ năm 2015, trải qua nhiều lần chỉnh sửa mới hoàn thành kịch bản. Mục tiêu của anh là thực hiện một bộ phim sinh tồn trẻ trung, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo tinh thần nhân văn. 

Ngoài yếu tố kịch bản, khâu tuyển chọn diễn viên được nhiều ê kíp đầu tư kỹ lưỡng. Phải trải qua 3 vòng tuyển chọn trực tiếp, nhà sản xuất Đất rừng phương Nam mới chọn được 8 ứng viên cho 3 vai An - Cò - Xinh. Sau đó, họ sẽ bước sang các vòng đào tạo chính thức với đầy đủ các kỹ năng từ cơ bản: tiếp cận kịch bản phim, cách cảm thụ nhân vật, nắm bắt tâm lý, diễn xuất trước ống kính máy quay... cho đến các kỹ năng chuyên sâu và chuyên môn phục vụ cho vai diễn: cưỡi trâu, bắt rắn, bắn ná, chèo thuyền... Sau khi chọn được dàn diễn viên, đạo diễn yêu cầu họ chuyển về nhà chung để cùng sinh hoạt, tập luyện như những người bạn và người đồng nghiệp thân thiết nhất, nhằm tạo sợi dây kết nối thật nhất có thể. 

Đỗ Duy Nam vào vai Bờm - phiên bản mới của phim Thằng Bờm

Tương tự, ê kíp Quỳnh Hoa nhất dạ cũng tổ chức nhiều vòng casting. Các diễn viên được lựa chọn sau đó sẽ bước vào một giai đoạn luyện tập dài hơi để có được những kỹ năng tốt nhất trước khi chính thức ghi hình. Là dự án cổ trang, Quỳnh Hoa nhất dạ cũng có sự đầu tư lớn cho trang phục, trong đó riêng bộ phượng bào của nhân vật chính cần tới 6 tháng với hơn 1.000 giờ để hoàn thành. 

Có thể thấy nỗ lực, sự quyết tâm của các êkip đang bắt đầu lại từ những thứ nhỏ nhất. Nó cũng cho thấy sự khám phá, tìm tòi của nhiều êkip khi phải tìm kiếm một lối đi khác biệt mới mong dự án thành công và ghi dấu ấn sau những trầm lắng, bất ổn của đại dịch. Và tìm về nguồn cội, tìm về văn hóa truyền thống đang là một trong những lựa chọn của các êkip.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;