Vở tuồng Nữ tướng Lê Chân - “Hùng thiêng sử Việt tô bằng máu”

Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dàn dựng thành công vở tuồng lịch sử Nữ tướng Lê Chân. Bên cạnh sự thành công khắc họa hình ảnh về một nữ tướng quật cường, tài ba, vở diễn còn mang đến cho khán giả thông điệp về tinh thần gìn giữ bản sắc phong hóa, hồn cốt của dân tộc Việt.

Một số cảnh trong vở tuồng Nữ tướng Lê Chân - Ảnh: Hiếu Shin

Nữ tướng Lê Chân được thực hiện bởi tác giả Lê Công Phượng, đạo diễn - NSƯT Lê Tuấn Cường, ê-kíp sáng tạo và các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam. Vở diễn khắc họa tinh thần yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm, ý chí quật cường của con dân đất Việt, trong đó có nữ tướng tài ba Lê Chân - người đã góp phần làm rạng danh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ ách đô hộ của triều đại phong kiến phương Bắc…

Theo tác giả kịch bản, thời điểm lịch sử trong vở diễn vào khoảng từ năm 36 đến năm 40 (sau công nguyên), đây chỉ là một “lát cắt” trong cuộc đời của nữ tướng. Thời điểm đó, nữ tướng khoảng 16-20 tuổi, cũng là thời kỳ bà chuẩn bị về hội quân cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa.

Đến với Nữ tướng Lê Chân, khán giả bị cuốn hút vào một câu chuyện lịch sử sinh động với những lớp diễn trữ tình và bạo liệt xen kẽ đầy hấp dẫn, đậm chất đặc trưng của nghệ thuật Tuồng. Ở đó, nổi bật với hai tuyến nhân vật đối lập. Đại diện cho chính nghĩa là dân tộc Việt, với những nhân vật tiêu biểu như Lê Đạo, Lê Chân, Hào Nam… Đối lập với các nhân vật chính nghĩa là giặc Hán, đại diện là Thái thú Tô Định và lũ tay sai của hắn như Đinh Gian, Lê Lận....

Câu chuyện bắt đầu từ bản chất hống hách, ngang ngược, tàn ác của Thái thú Tô Định, khi hắn thực hiện dã tâm vừa vơ vét tài nguyên, chiếm đoạt sắc đẹp và đồng thời đồng hóa nhân dân ta. Trong một lần kinh lý qua làng Vẻn xứ Đông Triều, gặp Lê Chân, thấy bà xinh đẹp, tài ba nên hắn đã đem lòng mê đắm và muốn đưa về làm thiếp. Để thực hiện ý đồ “Chiếm trọn cả phần hồn lẫn phần xác của Lê Chân” và cũng là để thực hiện âm mưu thu phục tầng lớp tinh hoa xứ Việt, hắn và đám thủ hạ đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn có thể... Tuy vậy, với tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí quật cường của một bậc túc nho thanh tao, ông đồ Lê Đạo đã không chịu gả con gái mình là Lê Chân cho giặc. Bi kịch của cuộc đời Lê Chân cũng trầm luân từ đó. Nước mất, cố nhiên nhà cũng tan, Lê Chân người thiếu nữ đang còn ở lứa tuổi trăng tròn, đã phải chịu muôn trùng đau khổ: cha và cả Lê gia đều bị giặc vu oan giết hại. Hào Nam hy sinh khi đánh giặc, mối tình trong sáng của Lê chân với Hào Nam cũng chịu cảnh biệt ly.... Tuy vậy nhưng với phẩm chất cao quý của một liệt nữ xứ Việt, và ý thức tiếp nối dòng chảy của tinh thần yêu nước, những giá trị truyền thống trân quý vốn có của dân tộc từ cuốn sử thư Lạc Hồng mà cha trao lại, Lê Chân đã xuống vùng An Dương sông Cấm quy tụ dân chúng, khai lập điền trang, tuyển binh, rèn luyện… để rồi sau này theo về với Nữ Vương làm nữ tướng tiên phong cầm quân giết giặc… 

Với sự sắp xếp, bố cục khéo léo của ê-kíp sáng tạo, hai tuyến đối lập, cùng các nhân vật chính, phụ xuất hiện đan xen trong vở diễn một cách hợp lý, logic đã làm nổi bật lên hình tượng nữ tướng tài ba, xinh đẹp Lê Chân. Bên cạnh đó, với chi tiết cuốn sử thư được xuất hiện từ trong dân gian và do một tên lính tìm được trong đình chùa khi bọn chúng đến đập phá. Cuốn sử thư trong vở diễn là đại diện cho lịch sử, văn hóa, hồn cốt của dân tộc… Thông qua hình ảnh cuốn sử thư, tác giả kịch bản muốn nhấn mạnh về vai trò và vị trí của lịch sử, cũng như những giá trị tinh hoa của phong hóa (phong tục, tập quán, văn hóa) truyền thống đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Ngàn đời nay, tinh thần gìn giữ những giá trị tinh hoa ấy của đất nước đã được cha ông trân quý và trao truyền qua từng thế hệ. Tác giả Lê Công Phượng cho biết: “Tinh thần của vở diễn được bắt nguồn từ cuốn sử thư - đó là tinh hoa của dân tộc được Lê Đạo dùng máu, sinh mạng để bảo vệ, giữ gìn và trao truyền lại cho Lê Chân tiếp nối và phát huy thành sức mạnh đánh giặc, giữ nước. Vậy chúng ta, những con người hiện đại hôm nay cần phải làm thêm những điều gì để ghi nhớ lịch sử dân tộc, giữ gìn bản sắc phong hóa Việt Nam và phát huy những giá trị trân quý ấy góp phần rèn luyện, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân và đóng góp cho sự triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập”. 

Một số cảnh trong vở tuồng Nữ tướng Lê Chân - Ảnh: Hiếu Shin

Là một đạo diễn được biết đến đã thành công trong các vở diễn chèo, đây là lần đầu tiên Lê Tuấn Cường thử sức trong loại hình mới - thể loại tuồng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm đạo diễn, anh đã làm nổi bật những đặc trưng về nghệ thuật Tuồng trong vở diễn. Đồng thời, với tiết tấu nhanh, kết nối khéo léo giữa các lớp, màn diễn, khán giả đã bị cuốn hút theo dòng chảy cảm xúc của các nhân vật trong Nữ tướng Lê Chân. Đạo diễn cho biết: “Tôi và tác giả Lê Công Phượng đã nhiều lần trao đổi để bố cục vở diễn sao cho chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi lắng nghe ý kiến của các NSND Văn Thủy, Ánh Dương, Ngọc Quý… Cố gắng khai thác triệt để những đặc trưng cơ bản, tính mỹ học của tuồng khi là tính bi hùng, lúc lắng xuống để làm toát lên tinh thần của vở diễn, cũng như hình tượng nữ tướng Lê Chân”.

Cùng với ê-kíp sáng tạo, góp sức thành công cho vở diễn Nữ tướng Lê Chân là dàn nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Tuồng Việt Nam, đó là NSƯT Lộc Huyền vai Lê Chân, nghệ sĩ Mạnh Linh vai Lê Đạo, nghệ sĩ Ngọc Cường vai Thái thú Tô Định, Tuấn Hiệp (Hào Nam) và các diễn viên Quỳnh Liên, Ngọc Quân…. 

Vở tuồng Nữ tướng Lê Chân đã được dàn dựng thành công, đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem. Qua đó, là lời nhắc nhở đối với giới trẻ về tầm quan trọng của sự trân quý lịch sử dân tộc, giữ gìn bản sắc phong hóa của cha ông và ý thức nguồn cội, về lòng biết ơn đối với tiền hiền đã có công trong đấu tranh, bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.

NGỌC BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;