Để hoạt hình Việt Nam cất cánh

Dành hẳn một tọa đàm để nói về thực trạng và tương lai của hoạt hình Việt Nam cũng như cơ hội cho hoạt hình Việt Nam bước ra thế giới, đã đến lúc loại hình này được coi trọng hay chỉ là trả lại giá trị như nó vốn thế?

Phim hoạt hình Con Rồng cháu Tiên

Tọa đàm Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của các nhà văn hóa, các cấp quản lý, các nghệ sĩ đã và đang hoạt động trong lĩnh vực này. 

Những năm gần đây, hoạt hình Việt Nam ghi nhận sự tham gia và phát triển vượt bậc của các công ty tư nhân. Bên cạnh Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, có rất nhiều công ty tham gia sản xuất phim hoạt hình với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào. Họ không chỉ có phương thức kinh doanh linh hoạt với việc mở rộng thị trường mà còn có những trao đổi, hợp tác thường xuyên với các hãng, công ty nước ngoài cùng hoạt động trong mảng hoạt hình.

Theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam: “Điểm khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để thu hút người xem xếp hàng mua vé tại rạp. Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường trong nước và quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam. Trong khi trên thực tế, để gọi được tên nhà làm phim hoạt hình Việt Nam hiện nay là rất khó”.

Việc nhìn nhận, đánh giá thực lực của ngành hoạt hình Việt Nam, đánh giá điều gì cần gìn giữ, điều gì cần mở rộng, làm sao để lôi kéo các công ty phim hoạt hình cùng tham gia công nghiệp hoạt hình, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa… là cấp thiết. Bởi như cách nhìn nhận phổ biến trên thế giới, nếu điện ảnh là nghệ thuật thứ 7 thì phim hoạt hình được công nhận là nghệ thuật thứ 8. Thực tế, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã có những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng và thu hút hàng tỷ lượt người xem.

PGS,TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cũng cho hay: “Trong khoảng 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của các phim hoạt hình nói chung khá tốt, đóng góp vào doanh thu đối với thị trường điện ảnh. Trong báo cáo của CGV, doanh thu phim hoạt hình chiếm 2 - 15% tổng doanh thu phim phim chiếu rạp. Ở Nhật Bản, phim hoạt hình và sản phẩm liên quan đóng góp 5 - 6% GDP, nhìn vào đó có thể thấy đây là loại hình có nhiều tiềm năng và chúng ta có quyền mơ ước”.

Phim hoạt hình Đại chiến Bạch Đằng

Phim hoạt hình với sự kết hợp giữa đồ họa, mỹ thuật và công nghệ có khả năng lan tỏa rất hiệu quả những thông điệp nhân văn từ cuộc sống qua đó khai thác những giá trị văn hóa. Nhiều nhà làm phim mong muốn phim hoạt hình đi sâu khai thác bản sắc văn hóa, tạo ra nét riêng của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa dân tộc, xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia.

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - cũng chia sẻ những băn khoăn về việc xây dựng thương hiệu phim hoạt hình Việt Nam. Ông thẳng thắn: “Điều đáng mừng là nhiều hãng phim Việt Nam, nhiều đạo diễn trẻ có ý tưởng làm phim rất hay, có nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng chúng ta cần có nguồn lực mới mong có được những bộ phim gây tiếng vang. Tuy phim hoạt hình có ngôn ngữ nghệ thuật rất mạnh nhưng thử đặt vấn đề, nếu Tễu là nhân vật của múa rối Việt Nam được thế giới biết đến thì hoạt hình Việt Nam đã có nhân vật đặc trưng chưa? Xây dựng được nhân vật điển hình cho hoạt hình Việt Nam chính là xây dựng thương hiệu Việt Nam. Đã đến lúc hoạt hình không chỉ phục vụ công chúng nhỏ tuổi mà phải tham dự các liên hoan phim lớn của thế giới, được công chúng thế giới biết đến”.

Thừa nhận hiện có nhiều đơn vị tư nhân sản xuất phim hoạt hình và giúp cho thể loại này được đổi mới, đa dạng về nội dung, tiếp cận nhiều đề tài trong cuộc sống… nhưng giảng viên Phan Quân Dũng - Trường Đại học Văn Lang lại cho rằng, hoạt hình Việt Nam hiện vẫn đang phát triển cục bộ, không có đầu tầu dẫn dắt.

Ông Phan Quân Dũng phân tích: “Chúng ta thiếu sự chuyên nghiệp khi làm phim. Ví dụ từ khâu viết kịch bản phân cảnh, rồi đến dựng phim, quay phim, âm thanh, ánh sáng… phải có sự đồng bộ. Bên cạnh đó, đội ngũ các nhà làm phim của chúng ta chuyên môn giỏi, nhưng thuần túy quan tâm nghề nghiệp, không quan tâm đến chính sách, cứ có phim thì làm, không có phim thì thôi”. Từ phân tích, nhận định đó, ông đề xuất: “Chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển hoạt hình Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển văn hóa. Phải có người đầu tàu, có tài, có tâm, có tầm để dẫn dắt hoạt hình Việt Nam phát triển. Phải có chính sách, nguồn lực kinh tế và vinh quang cho người sáng tạo thì mới giúp thúc đẩy hoạt hình Việt Nam phát triển”.

Hiện nhiều bộ phim hoạt hình do các nhà làm phim đến từ các công ty tư nhân sản xuất. Họ với nguồn nhân lực được đào tạo từ nhiều nguồn, kể cả các sinh viên từng học tập, tu nghiệp tại nước ngoài về, luôn tự tin về năng lực sản xuất và tin tưởng vào những cơ hội hợp tác quốc tế của hoạt hình Việt Nam. Tuy nhiên, đôi khi họ cảm thấy “đơn độc” trên hành trình đưa phim ra thế giới và mong có được sự hỗ trợ tốt hơn về mặt chính sách từ Nhà nước.

Đánh giá về năng lực sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam, những nhà làm phim trẻ tỏ ra khá lạc quan. Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Sconnect - anh Tạ Mạnh Hoàng - cho biết, có thể nhìn thấy ở Việt Nam có những lợi thế rất lớn như có nguồn lực dồi dào, người Việt Nam có khả năng thẩm mỹ tốt và khi vận dụng tốt về nguồn lực thì ngành phim hoạt hình sẽ rất phát triển.

Phim hoạt hình Dưới bóng cây

Hiện tại, công ty Sconnect hiện có gần 1.000 nhân sự, mục tiêu tiếp theo mà công ty hướng tới là dùng đến 3.000 nhân sự, cùng những đòn bẩy về công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển, và đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Người sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio, chị Quỳnh Như khẳng định trình độ, kỹ năng của họa sĩ hoạt hình Việt Nam không thua kém thế giới khi phân tích: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm ra các bộ phim chiếu rạp 90 phút nếu muốn. Có thể mọi người chưa nhìn thấy được tiềm năng từ phim hoạt hình nhưng lâu nay, chúng tôi là đồng sản xuất với các đơn vị lớn như Disney, Warner Bross… và nhận thấy họa sĩ của chúng ta giỏi không thua kém thế giới. Rất nhiều khách hàng khen ngợi sự sáng tạo của họa sĩ Việt Nam. Vì vậy, phải khẳng định rằng nguồn lực của chúng ta rất dồi dào và có thể tiến xa hơn nữa ra nước ngoài”.

Anh Nguyễn Hoàng Anh - CEO của Freaky Motion - đồng ý rằng, năng lực chung của người Việt Nam là rất giỏi, không thua kém bất kì một nước nào, thậm chí chúng ta còn có những ưu điểm nổi bật hơn đó là sự chăm chỉ, nỗ lực.

Điều mà những nhà làm phim trẻ ở những đơn vị tư nhân mong muốn là sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kết nối, tạo điều kiện và những chính sách về thuế. Như chia sẻ của anh Tạ Mạnh Hoàng, khi tham dự những sự kiện quốc tế, anh nhận thấy các nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện ảnh của họ rất phát triển vì có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và được chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chức các sự kiện và đưa các doanh nghiệp ra toàn thế giới.

CEO của Freaky Motion thì cho rằng: “Chìa khóa quan trọng nhất để thành công là vẫn là văn hóa, cách hành xử và sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp và các hiệp hội điện ảnh”.

Có thể cần đến thời gian và sự vào cuộc thêm nữa của các cấp ngành nhưng để không còn đơn độc trên con đường phát triển, lan tỏa hình ảnh, khẳng định vị trí của hoạt hình Việt Nam ra thế giới, theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay hỗ trợ, dẫn dắt có tầm nhìn tổng thể, dài hơi.

THU HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;