Sự thành công của một số chương trình nghệ thuật biểu diễn và MV ca nhạc gần đây khi khéo léo đưa chất liệu nghệ thuật dân gian, truyền thống vào nghệ thuật đương đại, đã mở ra những hướng đi đầy khích lệ trong việc xây dựng công nghiệp văn hóa và quảng bá văn hóa dân tộc ra quốc tế. Đồng thời, cũng đặt ra những vấn đề mới trong nhận thức cũng như yêu cầu đổi mới phương thức sáng tác, biểu diễn, quảng bá nghệ thuật.
Các chương trình nghệ thuật biểu diễn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tháng 4-2025 tại Hà Nội - Ảnh: Liên Hương
Âm hưởng truyền thống trỗi dậy trong dòng chảy nghệ thuật đương đại
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam vốn là một di sản văn hóa vô giá, sở hữu sự đa dạng phong phú về thể loại, nội dung và hình thức, sử dụng ngôn ngữ, âm nhạc, múa và diễn xuất sân khấu để diễn tả những tư tưởng, thuần phong mỹ tục, tâm tư, tình cảm của người Việt, được chính người Việt Nam sáng tạo, thực hành và duy trì qua bao thế hệ. Không chỉ làm giàu đời sống tinh thần của người dân, nghệ thuật biểu diễn truyền thống còn trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách quốc tế tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam.
Trong dòng chảy mạnh mẽ của toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đang chứng kiến một sự chuyển mình đầy hứng khởi. Các chương trình nghệ thuật đương đại ngày càng chú trọng khai thác và kết hợp một cách sáng tạo những giá trị dân gian truyền thống, mang đến một luồng gió mới tới đông đảo công chúng. Sự giao thoa độc đáo này, tuy đặt ra không ít thách thức trong việc bảo tồn bản sắc, nhưng đồng thời mở ra những chân trời đầy tiềm năng để làm phong phú thêm diện mạo nghệ thuật nước nhà. Xu hướng này đặc biệt rõ nét trong âm nhạc, múa, sân khấu và nhiều loại hình biểu diễn khác, không chỉ thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và khán giả mà còn kiến tạo một cầu nối ý nghĩa giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào và sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn văn hóa Việt Nam trong lòng công chúng.
Minh chứng sống động cho sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, đặc biệt là giới trẻ, đối với sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại chính là thành công vang dội của MV Bắc Bling do nữ ca sĩ Hòa Minzy thể hiện, với sự góp mặt đặc biệt của NSƯT Xuân Hinh và nghệ sĩ trẻ Tuấn Cry, dưới sự sản xuất của Masew. Tính đến ngày 29-3-2025, Bắc Bling đã trở thành sản phẩm âm nhạc đầu tiên của năm 2025 chính thức cán mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube chỉ sau gần một tháng ra mắt. Không chỉ thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín trong nước như Music Video Trending YouTube Việt Nam, iTunes Việt Nam, Apple Music Việt Nam và Làn Sóng Xanh, Bắc Bling còn vươn tầm quốc tế khi xuất sắc giành vị trí quán quân trên YouTube Charts Thế giới ở cả hạng mục MV và Ca khúc ra mắt ấn tượng nhất, đồng thời giữ vị trí á quân trên bảng xếp hạng MV phổ biến nhất toàn cầu vào ngày 9-3-2025. Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh, đã ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về lượng khách du lịch đến Bắc Ninh sau khi MV ra mắt. Đáng chú ý, tài khoản TikTok của Thủ tướng Singapore cũng đã sử dụng nhạc nền Bắc Bling trong video về chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3-2025, thu hút hàng triệu lượt xem. Những con số ấn tượng và khả năng lan tỏa rộng khắp của Bắc Bling nói riêng và nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn khác nói chung đã khẳng định sức hút mạnh mẽ của sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc hiện đại và hơi thở văn hóa truyền thống đối với khán giả đương đại.
Nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn khác gần đây cũng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của yếu tố truyền thống trong nghệ thuật đương đại. Bằng phong cách mới lạ, tiết mục Trống cơm trong Anh trai vượt ngàn chông gai đã thổi một làn gió tươi mới vào giai điệu dân gian quen thuộc, tạo nên một phiên bản mà theo NSND Tự Long, có khả năng kết nối và cuốn hút mọi lứa tuổi, từ thế hệ 6X, 7X, 8X đến Gen Z. Các chương trình xiếc kết hợp cải lương như Cây gậy thần, Thượng Thiên Thánh Mẫu lồng ghép câu chuyện và phong cách cải lương vào ngôn ngữ xiếc, thu hút khán giả bằng sự độc đáo, mới lạ. Vở chèo Thị Mầu xuyên không mang hơi thở đương đại vào tích chèo cổ, tiếp cận khán giả trẻ bằng cách kể chuyện đầy mới mẻ. Chương trình múa rối Khúc đồng dao đưa các ca khúc đồng dao của nhiều vùng miền lên sân khấu rối nước và rối cạn, được thể hiện theo phong cách mới đầy sáng tạo. Ballet Đông Hồ vẽ lại các bức tranh dân gian Đông Hồ bằng ngôn ngữ cơ thể của các nghệ sĩ ballet, mang đến một góc nhìn nghệ thuật mới. Gần đây, chương trình Dấu thiêng Hà Nội của Nhà hát Tuồng Việt Nam ghi dấu ấn khi thu hút được 4.359 lượt truy cập mua vé trên mọi nền tảng với hơn 1.000 khán giả (hầu hết là khán giả trẻ) tham dự. Sự thành công của những sản phẩm này đặt ra câu hỏi: điều gì đã tạo nên sức hút mãnh liệt của nghệ thuật dân gian trong lòng khán giả hiện đại? Phải chăng, giữa nhịp sống hối hả và sự bùng nổ của văn hóa ngoại lai, khán giả đang tìm kiếm một điểm tựa tinh thần, một sự kết nối sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc? Hay chính sự sáng tạo, độc đáo trong cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã thổi một làn gió mới, khơi dậy niềm tự hào và sự say mê trong lòng công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ?
Trong bối cảnh hiện nay, nghệ thuật truyền thống cũng đang đối mặt với nguy cơ mai một và sự xói mòn bản sắc do tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việc đổi mới phương thức trình diễn một cách sáng tạo trở nên vô cùng cấp thiết để thu hút sự quan tâm và tình yêu của khán giả đương đại. Chính vì vậy, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế do Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 6-3-2025, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định rằng, giá trị của nghệ thuật truyền thống cần được nuôi dưỡng và phát huy mạnh mẽ trong thời đại ngày nay thông qua sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Đây chính là phương thức, là con đường để những giá trị văn hóa mang sức mạnh nội sinh thấm sâu vào quá trình phát triển và hiện đại hóa đất nước, đồng hành cùng chính trị, kinh tế, xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho quốc gia và dân tộc.
Góc nhìn đa chiều về sự đổi mới của nghệ thuật truyền thống hiện nay
Việc đổi mới phương pháp trình diễn nghệ thuật truyền thống để thu hút khán giả đương đại đã khơi dậy nhiều tranh luận trong giới nghệ sĩ và những người yêu mến di sản văn hóa. Một trong những trường hợp tiêu biểu là MV Bắc Bling của Hòa Minzy, đã vấp phải những ý kiến lo ngại về sự pha trộn có thể làm phai nhạt bản sắc truyền thống. NSƯT Quý Tráng, người từng dẫn dắt Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho rằng: “Quan họ cần đổi mới để hòa nhập với nhịp sống hiện đại, nhưng phải giữ gìn bản sắc cốt lõi đã ăn sâu vào tâm hồn người dân Bắc Ninh” (1). Ông lo ngại rằng việc kết hợp quan họ với các thể loại như rock, rap hay vũ đạo đương đại nếu không tiết chế sẽ làm phai nhạt đi vẻ đẹp truyền thống của vùng đất này. Trong khi đó, nhà viết kịch Thượng Luyến cho rằng việc ghi hình tại không gian linh thiêng là “lệch chuẩn”, thiếu tôn trọng văn hóa tâm linh. Cùng chung mối lo lắng sâu sắc về tương lai của nghệ thuật truyền thống trả lời báo chí, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống Bùi Trọng Hiền nhấn mạnh thực trạng đáng buồn về việc chỉ còn lưu giữ được một số ít vở chèo cổ và hàng trăm vở tuồng cổ đã biến mất. Ông cho rằng việc bảo tồn và phát huy di sản cần dựa trên sự hiểu biết sâu sắc đâu là truyền thống đích thực, đâu là sự cải biên, để tránh rơi vào cái bẫy của “ngụy bản sắc”.
Tuy nhiên, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên là đại biểu chuyên trách của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã đưa ra một góc nhìn đầy khích lệ. Ông nhận định: “Chính sự dũng cảm đổi mới trong cách kể chuyện và thể hiện là chìa khóa giúp những chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai, MV Bắc Bling, hay nhiều sản phẩm nghệ thuật tương tự chạm đến trái tim khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ” (2). Theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, những sản phẩm này không đơn thuần là giải trí mà còn là sự hòa quyện tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, giữa chiều sâu văn hóa dân tộc và ngôn ngữ nghệ thuật mang đậm hơi thở thời đại. Đây là một hướng đi mới mẻ, không hề xa rời cội nguồn mà ngược lại, “bước ra từ lòng truyền thống để kể lại những câu chuyện của người trẻ bằng chính ngôn ngữ của họ - sôi động, đa tầng, phức hợp nhưng vẫn đầy chất thơ, chất tình” (3). Chính vì lẽ đó, khán giả trẻ ủng hộ những chương trình này không chỉ bởi sự bắt trend hay hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, mà sâu xa hơn, vì các chương trình này mang lại cảm giác gần gũi, đồng điệu với cảm xúc và khát khao thể hiện bản sắc cá nhân trong một thế giới không ngừng biến đổi. Trong từng bước nhảy, giai điệu và hình ảnh rực rỡ, khán giả trẻ nhìn thấy chính mình - vừa là người Việt Nam, vừa là công dân toàn cầu, trân trọng cội rễ và đồng thời hướng tới tương lai. PGS,TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Đây chính là chìa khóa thành công: sự giao hòa khéo léo giữa bản sắc văn hóa và nhịp đập đương đại, giữa chiều sâu truyền thống và tinh thần đổi mới. Khi nghệ thuật biết lắng nghe hơi thở của thời đại mà không đánh mất bản sắc, tự khắc nó sẽ tìm được con đường đến trái tim khán giả, dù họ thuộc thế hệ nào” (4).
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ nhạc sĩ Giáng Son - người đánh giá cao sự sáng tạo của êkíp Bắc Bling khi kết hợp khéo léo chất liệu dân gian với màu sắc âm nhạc đương đại, tạo nên sự hấp dẫn và gần gũi với giới trẻ, đồng thời thành công trong việc quảng bá văn hóa Bắc Ninh đến với một lượng lớn khán giả. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhìn nhận đây là một tín hiệu đáng mừng, cho rằng những sản phẩm âm nhạc thể hiện tình yêu quê hương, đất nước thường dễ dàng chạm đến trái tim người nghe và đóng góp vào việc lan tỏa các giá trị truyền thống đến thế hệ trẻ. Ông nhấn mạnh rằng xu hướng này cho thấy một sự chuyển dịch quan trọng trong cách tiếp cận văn hóa truyền thống: thay vì chỉ bảo tồn như những “hiện vật bảo tàng”, các nghệ sĩ trẻ đang tiên phong trong việc tái diễn giải, làm mới và phát triển những giá trị văn hóa dân gian trong bối cảnh đương đại.
Không chỉ trong âm nhạc, nỗ lực đổi mới còn thể hiện rõ nét trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có những thành công nổi bật trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại vào nghệ thuật xiếc, tiêu biểu như các chương trình Cây gậy thần, Thượng Thiên Thánh Mẫu (xiếc kết hợp cải lương), Thiên thần lên núi (xiếc kết hợp rock)... NSND Tống Toàn Thắng chỉ ra rằng, trên thế giới, điển hình như ở Trung Quốc, kinh kịch và hí kịch đã áp dụng thành công phương pháp này. Các kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện của nghệ sĩ xiếc được lồng ghép một cách nghệ thuật vào câu chuyện, trở thành phương tiện hiệu quả để truyền tải nội dung một cách hấp dẫn và mang tính giải trí cao hơn. Nhấn mạnh về sự kết hợp giữa xiếc với cải lương, NSND Tống Toàn Thắng giải thích: “Khi kết hợp với cải lương, chúng tôi vẫn trân trọng giữ gìn những câu đổ, câu lý đặc trưng của loại hình nghệ thuật cải lương, đồng thời giản lược bớt lời thoại để tăng nhịp điệu và tính giải trí cho chương trình. Chúng tôi không hề có ý định phá vỡ giá trị của cải lương mà ngược lại, mong muốn đưa cải lương đến gần hơn với khán giả đương đại. Chúng tôi đang cố gắng bảo tồn những giá trị cốt lõi, đồng thời không ngừng tìm tòi, sáng tạo để hướng tới xu hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nghệ thuật” (5).
Đầu năm 2025, ca sĩ Ngọc Khuê ra mắt album Dạo chơi với những bản phối và cách xử lý mới, kết hợp âm nhạc dân tộc với hiphop, rap, jazz, mang đến trải nghiệm âm thanh độc đáo từ studio đến thiên nhiên... Trước sự chuyển mình của nghệ thuật biểu diễn truyền thống và đương đại, ca sĩ Ngọc Khuê nhận định: “Đây là những nỗ lực sáng tạo đáng khích lệ khi các nghệ sĩ trẻ lựa chọn kết hợp yếu tố dân gian với hơi thở đương đại, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp văn hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định bản sắc riêng giữa một thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh. Mỗi dự án nghệ thuật như vậy, dù chưa thực sự chạm đến sự hoàn hảo, vẫn là một bước thử nghiệm dũng cảm. Khi nghệ thuật dân gian không chỉ nằm yên trong bảo tàng hay sách vở, mà được mở khóa bằng âm thanh điện tử, hình ảnh thị giác hiện đại, hay cách kể chuyện mới lạ, thì đó là dấu hiệu tích cực. Nó cho thấy lớp trẻ đang không ngừng tìm kiếm, khám phá, và đặt câu hỏi về truyền thống theo cách của riêng mình. Tất nhiên, mọi sáng tạo đều cần thời gian để chín muồi. Công nghiệp văn hóa muốn phát triển, cần có cả sự liều lĩnh lẫn nền tảng bản sắc. Nếu nghệ sĩ giữ được cái tâm trong sáng và sự học hỏi nghiêm túc, thì dù thử nghiệm đến đâu, nghệ thuật dân gian vẫn sẽ sống mãi - không chỉ ở hiện tại, mà còn trong tương lai, và vươn ra thế giới” (6).
Để đánh giá một cách khách quan xu hướng đưa chất liệu dân gian truyền thống vào nghệ thuật biểu diễn đương đại, trước hết cần hiểu rõ khái niệm truyền thống. Truyền thống không phải là một thực thể tĩnh tại mà là một dòng chảy liên tục, luôn được bổ sung và phát triển dựa trên những giá trị cốt lõi ban đầu. Nó cần được khuấy động bằng sức sáng tạo để tiếp tục sống và lan tỏa, thay vì trở thành một kỷ niệm đóng khung trong viện bảo tàng. Việc làm mới và kết nối truyền thống với nhịp sống hiện tại chính là chìa khóa để giúp truyền thống sống mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Điều này được thể hiện rõ nét trong xu hướng kết hợp hòa quyện giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại. Việc đưa chất liệu dân gian vào các loại hình biểu diễn hiện đại không chỉ tôn vinh bản sắc văn hóa mà còn giúp nghệ thuật truyền thống vượt ra khỏi những giới hạn cũ. So sánh với xu hướng quốc tế, việc kết hợp dân gian với các thể loại hiện đại giúp chúng có sức sống bền bỉ và lan tỏa rộng rãi, đặc biệt thu hút giới trẻ. Việc một sản phẩm nghệ thuật tạo được sự chú ý lớn và khơi gợi sự tò mò về văn hóa truyền thống chính là một hình thức bảo tồn hiệu quả. Sự sáng tạo trong cách tiếp cận, kết hợp yếu tố cũ và mới, cùng việc quảng bá văn hóa địa phương một cách độc đáo được đánh giá cao, cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong việc tái diễn giải và phát triển các giá trị văn hóa dân gian trong bối cảnh đương đại, xuất phát từ nhu cầu tự thân và ý thức về vai trò kiến tạo văn hóa dân tộc của các nghệ sĩ trẻ.
MV Bắc Bling là một minh chứng điển hình. Sự thành công và sức lan tỏa của nó, cùng với khả năng khơi gợi sự tò mò về văn hóa truyền thống Bắc Ninh, cho thấy đây là một hình thức bảo tồn hiệu quả. Sự sáng tạo trong cách tiếp cận, kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, cùng với quảng bá văn hóa địa phương độc đáo, đánh dấu sự chuyển dịch tích cực trong việc tái diễn giải và phát triển các giá trị văn hóa dân gian bởi các nghệ sĩ trẻ, xuất phát từ nhu cầu tự thân và ý thức về vai trò kiến tạo văn hóa dân tộc. Chỉ cần lắng nghe phần lời, chúng ta có thể thấy rõ ca khúc không hề làm mất đi giá trị truyền thống của dân tộc nói chung và đặc biệt là truyền thống văn hóa của vùng đất Bắc Ninh. Điều này được thể hiện qua việc sử dụng những câu ca dao quen thuộc như: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” hay “Ăn một miếng trầu/ Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta”. Bên cạnh đó, ca khúc còn gợi nhắc đến truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc qua câu hát “Đua thuyền rẽ sóng trên sông Như Nguyệt/ Bao sử sách địa linh nhân kiệt”. Đặc biệt, lời bài hát mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Bắc Ninh thông qua các biểu tượng văn hóa tiêu biểu như nón quai thao, miếng trầu, sân đình Hội Lim, áo the, khăn xếp, đền Bà Chúa Kho... Kết hợp với đó là tiết điệu của một số điệu nhảy phương Tây mang tính chất sôi động, đã đưa MV đến gần hơn tới khán giả trẻ. Cần phải nhận thức được rằng, không một loại hình nghệ thuật nào, không một hình tượng nghệ thuật nào hoàn toàn tương ứng với tính chân thực của cuộc sống, do vậy nghệ thuật nói chung và nghệ thuật âm nhạc nói riêng luôn mang tính ước lệ. Tính ước lệ, tạo cho người nghe bước vào miền cảm xúc rộng mở về một vấn đề hay miền quê nào đó, và MV Bắc Bling không phải trường hợp ngoại lệ.
Xu hướng kết hợp nghệ thuật truyền thống và đương đại, với những nỗ lực tìm tòi, làm mới của nhiều nghệ sĩ, đã cho thấy một dòng chảy đầy tiềm năng trong nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Dù vẫn còn những tranh luận và ý kiến trái chiều, sự sáng tạo và tinh thần đổi mới của các nghệ sĩ, đặc biệt các nghệ sĩ trẻ đang thổi một luồng gió mới vào di sản văn hóa dân tộc, giúp chúng tiếp cận được với khán giả đương đại một cách tự nhiên và hấp dẫn hơn. Việc trân trọng những giá trị cốt lõi của truyền thống, đồng thời mạnh dạn thử nghiệm những hình thức biểu đạt hiện đại, không chỉ góp phần bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa mà còn mở ra những chân trời mới cho sự phát triển phong phú và bền vững của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa.
(Còn nữa)
_________________________
1. Nông Hồng Diệu, Bắc Bling vẫn có những điểm trừ, tienphong.vn, 9-3-2025.
2, 3, 4. Phỏng vấn ngày 11-4-2025.
5. Phỏng vấn ngày 2-4-2025.
6. Phỏng vấn ngày 8-4-2025.
Tài liệu tham khảo
1. Thiên Điểu, MV Bắc Bling hot trend là nghệ thuật truyền thống ‘hồi sinh’?, tuoitre.vn, 7-3-2025.
2. Thái An, Lan tỏa văn hóa dân tộc bằng âm nhạc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 601, tháng 3-2025, tr.34-35.
TS NGUYỄN LIÊN HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025