Bài toán kinh tế và nghệ thuật

Với vốn đầu tư khủng, nhiều êkip sản xuất phim đã phải tính tới các phương án khác nhau sao cho nhanh thu hồi vốn, có lãi và tái sản xuất. Trong bài toán đó, một phiên bản phim có thể được “chế biến” từ phim truyền hình sang điện ảnh và ngược lại. Ngoài hai xu hướng trên, gần đây, các web drama cũng được tính như một kênh để các êkip nhanh thu hồi vốn.

Phim Em và Trịnh

Trong điện ảnh - truyền hình thế giới có không ít bộ phim truyền hình được làm lại từ phim truyện điện ảnh hoặc ngược lại, một bộ phim điện ảnh được khai thác, triển khai thành nhiều tập phim truyền hình. Ngoài lý do kinh tế, chính sức hút từ câu chuyện với các lớp lang, hệ thống nhân vật phong phú, nhiều tầng nấc gắn với các sự kiện, biến cố đã khiến các nghệ sĩ tìm thấy niềm cảm hứng cũng như mong muốn được thể hiện bộ phim với các thể loại khác nhau nhằm chuyển tải được ý đồ sáng tạo của mình. Lấy ví dụ phim Hàn gần đây, đã có tới 3 bộ phim được chuyển thể từ phim điện ảnh sang phim truyền hình là The Crowned Clown (Chàng hề thế thân) - phiên bản truyền hình của tác phẩm điện ảnh Masquerade (Hoàng đế giả mạo). The Beauty Inside là bộ phim truyền hình được làm lại từ tác phẩm điện ảnh cùng tên trong đó phiên bản truyền hình được đánh giá cao hơn do diễn viên có nhiều đất diễn dù nhân vật chính được hoán đổi từ nam sang nữ ở hai bản điện ảnh và truyền hình. Bộ phim Cheese in the Trap lại là phim điện ảnh được làm từ phim truyền hình trong đó vai nam chính đóng ở cả hai bản là phim điện ảnh và phim truyền hình. Trong phim này, phiên bản điện ảnh được đánh giá cao hơn khi đất diễn dành cho nam chính được sắp xếp hợp lý hơn cũng như các tình tiết được cô đọng và hợp lý hơn. 

Học theo các nền phim ảnh thế giới, nhiều nhà sản xuất phim Việt hiện có nhiều sự hoán đổi trên cùng một chất liệu. Có một vài êkip sản xuất, dự án ban đầu là các web-drama (dạng phim truyền hình dài tập nhưng được làm để phát trên youtobe, các nền tảng có thu phí) nhưng sau đó lại cắt gọt, dựng thành phim điện ảnh để chiếu rạp . Ngược lại, một số phim điện ảnh lại được dựng lại thành phim truyền hình hoặc các web - drama để phát trên các nền tảng trực tuyến.

Một trong những ví dụ gần đây là bộ phim chiếu rạp Mưu kế thượng lưu (đạo diễn Trần Bửu Lộc). Sau khi thất bại tại phòng vé, phim quay trở lại với khán giả bằng câu chuyện đầy đủ thông qua phiên bản series dài 7 tập có tên Trà xanh đấu siêu lừa với lời giới thiệu: “Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức phiên bản đầy đủ, logic hơn so với phiên bản điện ảnh, những suy nghĩ và tính cách của nhân vật trong phim được thể hiện rõ ràng hơn”. 

Nói về bộ phim này, êkip sản xuất cho biết: Ban đầu bộ phim Mưu kế thượng lưu được nhà làm phim sản xuất với  mục đích chính là phim dài tập phát sóng trên mạng. Nhưng sau đó, vì muốn tạo ra một định dạng khác để chiếu rạp nhằm có thêm doanh thu nên êkip  đã cắt gọt, dựng trước thành bản điện ảnh để chiếu rạp. Sau khi thất bại, bộ phim được dựng lại một lần nữa với đầy đủ những thước phim đã quay, thành sản phẩm dài tập Trà xanh đấu siêu lừa chiếu trên nền tảng trực tuyến có thu phí. Việc cắt gọt từ 300 phút của bản phim gốc dài tập thành một bản phim chiếu rạp 90 phút khiến cho bộ phim có chất lượng kém, gây hụt hẫng vì kịch bản rời rạc, diễn biến tâm lý các nhân vật bất ổn, thiếu lozic. Tương tự, phim Qua bển làm chi của đạo diễn Nguyễn Trung Cang cũng bị khán giả đánh giá thấp. Đây cũng là phim được cắt từ phim dài tập thành phim điện ảnh chiếu rạp. Phiên bản Qua bển làm chi có kịch bản đơn giản, các tình tiết cũ kỹ với mô típ chuyện cưới trước yêu sau đã quá quen thuộc. Việc tập trung vào lời thoại thay vì phát triển tình huống khiến nhịp phim bị chậm, mang bóng dáng của một phim truyền hình hơn là điện ảnh.

Phim Mưu kế thượng lưu

Phim kinh dị Thất Sơn tâm linh của đạo diễn Lê Bình Giang (ban đầu do Hàm Trần đạo diễn) sau khi ra rạp cũng dựng thành bản trực tuyến dài 5 tập có tên Thiên linh cái: Chuyện chưa kể. Trước đây, phim Nhà có năm nàng tiên của đạo diễn Trần Ngọc Giàu sau khi chiếu rạp cũng dựng thêm phiên bản truyền hình với độ dài 5 tập. Mến gái miền Tây là một trong những phim Việt ra mắt khán giả vào cuối tháng 3, được xem như ngoại truyện của phim chiếu mạng Ghe bẹo ghẹo ai từng được Võ Đăng Khoa ra mắt trên YouTube năm 2019. Có nhiều lý do để các nhà sản xuất chọn chất liệu cũ để làm mới, khai thác thêm, thay vì xây dựng một nội dung mới hoàn toàn. Nhưng rõ ràng, cả Mến gái miền Tây lẫn Pháp sư mù của Huỳnh Lập phát triển từ phim chiếu mạng Ai chết giơ tay khi chiếu rạp đều không được đánh giá cao bởi câu chuyện lỏng lẻo, các chi tiết, hành động, lời thoại… gây hụt hẫng, khó hiểu.

Nói về việc phim Việt rộ lên trào lưu hô biến phim chiếu rạp thành phim truyền hình, các web drama chiếu trên nền tảng mạng, có ý kiến nhận định: “Trong bối cảnh sôi động của thị trường phim chiếu mạng hiện nay, đã có một số nhà sản xuất chọn cách nhanh thu hồi vốn, tìm kiếm thêm lợi nhuận bằng việc cùng một cốt truyện, kịch bản, quay chung một dàn diễn viên, bối cảnh… rồi tận dụng tung ra đến 2 phim. Xu hướng này dễ dẫn đến chất lượng của bộ phim cắt gọt sẽ không cao, kéo theo mặt bằng chung điện ảnh Việt ngày một tệ hơn khi êkip thiếu đi sự sáng tạo, đầu tư thích đáng cho từng sản phẩm riêng. Sự thành công hiếm hoi của một vài bộ phim như Bố già, Chị Mười Ba… không đơn giản là sự cắt gọt, dựng lại để tận thu mà từng êkip đã có sự đầu tư, nâng cấp thêm về kịch bản, về câu chuyện, tình tiết và các cảnh quay mới.

Diễn viên - nhà sản xuất Thu Trang chia sẻ: “Là nhà sản xuất phim, tôi luôn ủng hộ những bộ phim tốt, những bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng về kinh phí, về bối cảnh quay, về tâm lý nhân vật… Vì thế, dù làm phim theo kiểu nào - từ bản điện ảnh hô biến sang webdrama hay từ series dài tập thành phim chiếu rạp - mà thành phẩm ra là một bộ phim dở thì tôi hoàn toàn không ủng hộ. Tôi cũng thấy lạ với cái gọi là “chiến lược” của một số nhà phát hành hiện nay bởi sự đầu tư, chăm chút sáng tạo cho các kiểu phim là quá khác nhau. Với kiểu làm tận thu, nếu có thành công cũng chỉ là may mắn và số ít. Về lâu dài bất cứ một sự chuyển đổi nào cũng đòi hỏi có những sự đầu tư, sáng tạo thích đáng cả về nội dung lẫn phương thức thể hiện.

Trong khi trào lưu hô biến từ web drama thành phim chiếu rạp và ngược lại thì việc êkip sản xuất phim Trịnh Công Sơn tận dụng chất liệu sẵn có dựng thành hai bản phim Trịnh Công SơnEm và Trịnh đã gây lên những tranh cãi khi không có nhiều sự khác biệt giữa hai bộ phim. Sau một hai tuần trụ rạp thì chính êkip đã xin rút lại một bộ phim khi cách phát hành song song hai bộ phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là phản ứng ngược. Với thực trạng đó có thể thấy sự khó khăn chung của thị trường đang khiến nhiều êkip phải tính đến các phương án khác nhau nhằm thu hồi vốn cho một bộ phim. Tuy nhiên, để thành công vẫn cần các êkip có sự đầu tư, sáng tạo để mỗi phiên bản có một sức sống độc lập riêng chứ không chỉ là những sự chắp vá nhằm tận thu.

HOA TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;