Sự chuyển biến vị thế và hoạt động báo chí, xuất bản của phụ nữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX

Tóm tắt: Vào đầu thế kỷ XX, chính sách cai trị và khai thác thuộc địa của Pháp tại Nam Bộ, cùng với những ảnh hưởng của tư tưởng, phong trào xã hội trên thế giới có tác động đến chuyển biến đời sống con người. Với chính sách giáo dục của Pháp, sự ra đời của báo chí quốc ngữ, đặc biệt là dòng báo chí phụ nữ ở Nam Bộ đã đem đến cho phụ nữ vị thế mới trong hoạt động báo chí và địa vị trong xã hội. Dựa vào nguồn báo chí Nữ Giới Chung, Phụ Nữ Tân Văn, bài viết lập luận và phân tích những biến đổi về vị thế, hoạt động báo chí của phụ nữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Kết quả nghiên cứu cung cấp những hiểu biết mới về giai đoạn chuyển giao văn hóa ở Nam Bộ, góp phần tạo dựng bức tranh mới về phụ nữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX và khẳng định vai trò của phụ nữ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Từ khóa: phụ nữ Nam Bộ, đầu thế kỷ XX, vị thế, hoạt động báo chí, xuất bản.

Abstract: At the beginning of the 20th century, French colonial rule and exploitation policies in Southern Vietnam, alongside global ideological and social movements, significantly impacted social structures and opportunities. Under the French education policy and the emergence of the national-language press, particularly the women’s press in Southern Vietnam, women gained a more prominent position in journalism and society. Based on sources from Nu Gioi Chung and Phu nu Tan Van newspapers, this article argues and analyzes the changes in the status and journalistic activities of Southern Vietnamese women in the early 20th century. The research findings provide new insights into the cultural transition period in Southern Vietnam, contributing to a more comprehensive understanding of Southern Vietnamese women in the early 20th century and reaffirming their role in today’s globalized context.

Keywords: Southern women, early 20th century, position, press activities, publishing.

Đầu TK XX, chính sách cai trị và khai thác thuộc địa của Pháp tại Nam Bộ, cùng với sự du nhập tư tưởng phương Tây, chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào cải cách xã hội của Trung Quốc, Nhật Bản diễn ra trên thế giới, đã tác động đến những chuyển biến của đời sống con người Nam Bộ trên các bình diện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Đặc biệt, chính sách giáo dục của Pháp đối với nữ giới, sự ra đời của truyền thông hiện đại và dòng báo chí phụ nữ mang đến cho phụ nữ vị thế và những tương tác xã hội rất mới mẻ, khác biệt so với các thế hệ phụ nữ trong lịch sử nước nhà. Dựa vào nguồn tư liệu tổng hợp, báo chí quốc ngữ (Nữ Giới Chung, Phụ Nữ Tân Văn), bài viết lập luận và phân tích những biến đổi về vị thế và sự tham gia hoạt động báo chí, xuất bản của phụ nữ Nam Bộ đầu TK XX.

Theo David Marr ghi nhận: khoảng thập niên 1920, “Phụ nữ và Xã hội” trở thành tiêu điểm nội dung của báo chí và sách in. David Marr trong Những tranh luận về nữ quyền ở Việt Nam những năm 1920 (The 1920s women’s rights debates in Vietnam) (1976), cho rằng, các thảo luận đa dạng về vấn đề phụ nữ những năm 1920 là chỉ dấu cho thấy sự thay đổi địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong những năm thuộc địa này tiếp xúc mạnh mẽ với văn hóa văn minh Âu Tây. David Marr được đánh giá là một trong những tác giả tiên phong nghiên cứu vấn đề phụ nữ theo hướng tiếp cận lịch sử hiện đại, cùng với các tác giả như Huê Tâm Ho Tai (1992, Daughters of Vietnam - Thiếu nữ Việt Nam), McHale Shawn (1995, Vietnam dabates over women’s place in society 1918-1934 - Những tranh luận Việt Nam về địa vị của đàn bà trong xã hội 1918-1934), Đặng Thị Vân Chi (2008, Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước 1945). Theo Bùi Trân Phượng: “Từ những năm cuối thập niên 1910 ở miền Nam - Thông qua những tờ báo như Lục Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm - và nhứt là trong ba thập kỷ tiếp theo, các luồng thông tin và tri thức do báo chí chuyển tải đã bổ sung cho giáo dục nhà trường để thổi bùng sinh khí mới trong đời sống văn học, tạo thuận lợi cho việc phát triển chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa nữ quyền” (1). Và việc phân tích thông qua nhiều lĩnh vực khác như văn học, sân khấu hay những trường hợp phụ nữ cụ thể cho thấy có thể “khẳng định sự trỗi dậy mạnh mẽ của cá thể nữ trong những năm từ 1918 đến 1945” (2). Từ những quan tâm của các tác giả trong và ngoài nước về vấn đề phụ nữ trong bối cảnh chuyển giao cho thấy, vấn đề phụ nữ là những chủ điểm cần thiết cho những nghiên cứu văn hóa giai đoạn đầu TK XX.

1. Bối cảnh phong trào xã hội mới

Đầu TK XX, các tư tưởng của thế giới góp phần tác động đến các phong trào đổi mới trong nước; có trên 10 tên tờ báo gắn liền với chữ “mới” như: Sóng mới, Ngày mới, Tin mới, Dân mới, Văn mới, Hà Nội Tân Văn, Sài Gòn mới, Đời mới, Việt Nam mới, Tân thời, Gió mới. “Mới” ở đây là phạm trù mang tính khái quát cả góc độ tư tưởng đến tình cảm, cá nhân và cộng đồng. Ở Nam Bộ, ý thức về cái “mới” của con người vùng đất này với tư cách là chủ thể văn hóa thể hiện như một khát vọng, xu hướng thời đại. Với tinh thần chủ nghĩa dân tộc, cái “mới” được ý thức, tạo lập và thực hành trên đa bình diện. Từ phong trào xã hội (Minh Tân) đến sự ra đời của lớp người được đào tạo theo chương trình giáo dục mới Pháp - Việt (tân học), có lối sống mới (tân thời); hằng ngày tiếp thu những thông tin từ truyền thông mới (báo chí), các tờ báo mong muốn phản ánh những điều mới thể hiện rõ qua cách đặt tên tờ báo như: Tân Thế Kỷ, Lục Tỉnh Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn… đến sự ra đời của một thể thơ không đặt nặng niêm luật so với thơ truyền thống gọi là “Thơ Mới”. Hay sự cách tân một loại hình sân khấu kết hợp giữa sân khấu truyền thống và kịch phương Tây được mang tên Cải lương (gánh hát Cải lương đầu tiên là Tân Thinh).

Năm 1906, Phan Châu Trinh cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng phát động phong trào Duy Tân với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Ở Nam Kỳ, đầu TK XX, Trần Chánh Chiếu phát động phong trào Minh Tân, thành lập Hội Minh Tân với mục đích phát triển công thương nghiệp, mở trường học, vận động thực hiện nếp sống mới, đánh đuổi thực dân Pháp, thành lập chế độ quân chủ lập hiến. Phong trào Minh Tân diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, gắn với hai tờ báo Nông Cổ Mín ĐàmLục Tỉnh Tân Văn.

Cuộc vận động Minh Tân thể hiện tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, chống thực dân; phản ánh kêu gọi tinh thần thực hành nếp sống mới, tư tưởng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, kinh tế Nam Kỳ đã tiến bộ, hạn chế bị lệ thuộc vào ngoại bang, khẳng định vị trí, vai trò của tư sản Nam Kỳ nói riêng, tư sản Việt Nam nói chung. Khuyến khích và lan tỏa tinh thần tự chủ thương nghiệp. Về xã hội: vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới như từ bỏ rượu chè, cờ bạc và các hủ tục mê tín, ma chay, cưới hỏi; xây dựng lối sống lành mạnh, tiến bộ như cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, từ bỏ tục nhuộm răng… Về giáo dục: đề cao việc học và sử dụng chữ quốc ngữ, chủ trương bỏ bút lông, sử dụng bút sắt, đề cao vấn đề thực nghiệp, chống lối học từ chương, khoa cử… Nguyễn Chánh Sắt chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm là những người tiên phong đặt ra vấn đề nữ quyền ở Nam Bộ với các bài như: Nữ giới chung (số 1-1917), Nam quý nữ tiện (số 2-1917), Nữ tử phụ quyền (số 3-1917).

Có thể thấy, Nam Bộ đầu TK XX chủ nghĩa dân tộc gắn với xu hướng “mới” bao trùm lên khắp các bình diện văn hóa - xã hội. Phong trào Minh Tân dùng báo chí làm phương tiện cho cuộc vận động, quảng bá tư tưởng. Phong trào Duy Tân và cuộc vận động Minh Tân không giành được thắng lợi như mục đích ban đầu. Nhưng những đóng góp của Phan Châu Trinh, Trần Chánh Chiếu đối với phong trào giải phóng dân tộc đầu TK XX rất to lớn.

2. Hệ thống giáo dục mới: Chương trình đào tạo Pháp - Việt

Từ thời nhà Nguyễn, Sài Gòn - Gia Định vốn được xem là một trung tâm giáo dục của cả vùng đất phía Nam, sau kinh đô Huế. Trường thi Gia Định được mở năm 1813 và tồn tại đến năm 1858, tổng cộng mở được 18 khoa thi Hương, dành cho thí sinh từ Bình Thuận trở vào cho đến Hà Tiên. Cuối TK XIX, đầu TK XX, bên cạnh các chương trình khai thác thuộc địa, Pháp chú ý đến việc thay đổi hệ thống giáo dục. Pháp mở trường học và từng bước thay đổi dần nội dung giáo dục từ các trường làng, trường huyện, tỉnh như đưa tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và toán vào dạy trong nhà trường. Pháp nhanh chóng đào tạo lớp người cộng tác với Pháp và giúp chính quyền thực dân những vùng chiếm đóng ở Nam Kỳ.

 Ở Sài Gòn trường dành cho nữ sinh đầu tiên là trường Áo Tím khai giảng ngày 19-9-1915. Năm học đầu tiên có 42 nữ sinh chủ yếu ở khu vực thành phố, cũng có một số nữ sinh đến từ các tỉnh lân cận. Năm 1917, quy chế chung về giáo dục Đông Dương - còn gọi là Học chính Tổng Quy được ban hành, đã quy định bên cạnh việc mở các trường tiểu học ở các xã cho nam sinh thì tại các tỉnh cũng có thể mở ít nhất một trường công cho nữ sinh. Trong trường hợp chưa có trường riêng cho nữ sinh, thì nam sinh, nữ sinh có thể học chung một trường, nhưng phải tổ chức dạy riêng cho nữ sinh. Chỉ các tỉnh lỵ lớn mới có trường sơ học hay tiểu học dành riêng cho nữ sinh. Trường Cao đẳng tiểu học chỉ có ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, còn bậc trung học (Tú tài bản xứ) thì không có trường riêng cho nữ sinh.

 Có thể nói, định chế trường học theo như mô hình mà chúng ta biết ngày nay chỉ thực sự ra đời khi Pháp chủ trương xây dựng một chế độ thuộc địa lâu dài ở Việt Nam mà đầu tiên là ở Nam Bộ. Từ năm 1900, mỗi quận ở trung tâm Sài Gòn (lúc đó có 5 quận) đã có hai trường Tiểu học (hệ ba năm) theo chương trình Pháp - Việt một dành cho nam sinh và một cho nữ sinh. Số lượng nữ sinh này tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số, nhưng thực sự là thay đổi đáng kể trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung. Chương trình giáo dục theo lối học mới và việc sử dụng tiếng Pháp trong nhà trường đã hình thành ở Việt Nam một tầng lớp phụ nữ mới chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp khá đậm nét và vì thế xã hội gọi dưới tên gọi là “tân nữ lưu” “cô gái mới”. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ có cơ hội đến trường học tập một cách chính thức.

Việc giáo dục cho phụ nữ được các nhà báo tiên phong của Nam Bộ lúc bấy giờ quan tâm như Trương Vĩnh Ký, Lương Khắc Ninh (Tự Dủ Thúc), Nguyễn Chánh Sắt. Trong tờ Nông Cổ Mín Đàm, số 3-1917, Nguyễn Chánh Sắt viết: “Đờn bà con gái không đặng tự do vẫn đã lâu đời rồi, hiện nay là thế kỷ thứ 20, công lý tiệm minh, nữ quyền lược chấn, việc cưới gả cũng đã gần được tự do, song cái tục quen để cho đờn bà lo bề trị nội cũng còn hoài, chưa hề buông đặng. Đồng bào ta hãy xét cứu lấy coi, vả chăng đờn bà con gái nước nào cũng vậy, tuy là phận liễu bồ nhược chất mặc dầu, so sánh việc thông minh tài lực, thì nào có kém chi trai. Nếu có giáo dục phổ thông, thì các cổ làm chi lại không đặng”.

3. Phương tiện truyền thông mới: Phụ nữ tham gia hoạt động báo chí, xuất bản

Nhà xã hội học Mỹ Daniel Lerner, trong bài đăng trên tạp chí Behavioral Science cho rằng, hệ thống truyền thông đại chúng được nhắc đến đầu tiên đó là báo chí, in ấn và xuất bản, gắn với một số đặc điểm như: do những tổ chức chuyên nghiệp đảm trách, đưa thông tin ra công chúng phổ biến rộng rãi, nội dung, thông điệp mang tính tường thuật chứ không phải ra lệnh. Daniel Lerner cho rằng, hệ thống truyền thông chính là chỉ dấu, đồng thời là tác nhân của sự thay đổi trong toàn bộ hệ thống xã hội. Nói cách khác, truyền thông đại chúng trở thành một trong những động lực của sự phát triển xã hội (3).

Không phải những tác phẩm văn chương mà báo chí mới chính là phương tiện đầu tiên phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Trước khi Pháp xâm lược Việt Nam chưa hề có báo chí. Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ ra đời ngày 15-4-1865, đánh dấu sự mở đầu của lịch sử báo chí Việt Nam. Sau đó, lần lượt xuất hiện: Nhật Trình Nam Kỳ (1883), Bảo Hộ Nam Dân (1888), Thông Loại Khóa Trình (1888), Đại Nam Đồng Văn Nhật báo (1892), Phan Yên báo (1898), Nông Cổ Mín Đàm (1901)…

Sự thay đổi của nhiều định chế xã hội khác đã dẫn đến một sự thay đổi hết sức quan trọng trong mối quan hệ giới, đó là vị thế người phụ nữ trong gia đình, quan hệ nam nữ và quan hệ xã hội. Từ năm 1918, lần đầu tiên tại Nam Bộ, Việt Nam mới xuất hiện tờ báo dành riêng cho phụ nữ, đó là tờ Nữ Giới Chung do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - con gái của Nguyễn Đình Chiểu - làm chủ bút. Tuy nhiên, tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng thì đình bản. Đến năm 1929, tuần báo Phụ Nữ Tân Văn xuất bản tại Sài Gòn, tiếp tục và khởi đầu cho giai đoạn phát triển của dòng báo phụ nữ; Phụ Nữ Thời Đàm (Hà Nội,1933), Phụ Nữ Tân Tiến (Huế, 1932), Đàn Bà Mới, (Sài Gòn, 1934)…

Tờ Nữ Giới Chung ra đời vào tháng 2-1918, là báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam. Tuy chỉ hoạt động trong vòng 10 tháng, nhưng đã đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức mới mẻ. Là tờ báo đầu tiên nêu vấn đề nữ quyền thành vấn đề nam nữ bình đẳng. Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - chủ bút tờ Nữ Giới Chung viết ngay trên số báo đầu tiên: “Thuở xưa tài nữ nước ta như bà Đoàn Thị Điểm, bà Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, bà Diệu Liên công chúa, là đương thời khoa cử nhất sĩ nhì nông. Ngày nay ngọn sóng Âu tràn qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia, trông người mà ngẫm đến ta… Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam tử thì việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng mà tình trong thế ngoài cũng phải ráng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”. Mục đích và tôn chỉ hoạt động của Nữ Giới Chung rất tiến bộ: bảo tồn những giá trị truyền thống, giúp cho người phụ nữ khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội mới.

Phụ Nữ Tân Văn là tờ báo phụ nữ thứ hai tại Nam Bộ có nhiều ảnh hưởng quan trọng về văn hóa, xã hội trong cả nước. Tờ báo cổ động cho phụ nữ đi học, làm việc, tham gia hoạt động xã hội, tổ chức “đấu xảo nữ công”, hội chợ phụ nữ, thể thao phụ nữ, tổ chức những bữa cơm bình dân, Hội Dục Anh để giúp đỡ những người nghèo. Từ khi Phụ Nữ Tân Văn xuất bản, nhiều tờ báo khác cũng lần lượt mở trang phụ nữ và đề cập đến những vấn đề của nữ giới. Phụ Nữ Tân Văn trong 6 năm hoạt động đã xuất bản được 273 số và 2 số báo Xuân 1932, 1933. Phụ Nữ Tân Văn là một tuần báo, số 1 ra mắt tại Sài Gòn vào thứ năm ngày 2-5-1929, và đình bản ngày 20-12-1935. Phụ Nữ Tân Văn được mệnh danh là tờ báo đấu tranh cho nữ quyền. Ngay từ số đầu tiên, Phụ Nữ Tân Văn đã đăng bài xã luận Chương trình của bổn báo nhằm làm rõ tôn chỉ, mục đích của mình: “Thế thì ngày hôm nay đây, tức là ngày chị em ta từ trong trướng gấm phòng thêu, đánh trống phất cờ ra để phấn đấu cho đoàn thể mình và phấn đấu cho cả quốc gia xã hội vậy”.

Nhà phê bình văn học Thiếu Sơn trong bài viết Nữ sĩ Việt Nam đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 225 ngày 23-11-1933 cho rằng: “Nữ Lưu Thơ Quán in ra trước sau được 39 quyển, bị cấm một phần ba, chủ nhơn bị hầu Bồi thẩm bốn lần, ra tòa hai bận, suýt chút bị giam”. Và ông ca ngợi bà bằng những dòng viết: “một người thiếu phụ mà có tâm huyết chí khí như Bạch Vân nữ sĩ, vẫn đáng cho ta lưu ý và cảm phục. Huống cái tâm huyết, chí khí đó lại ở vào một người có tư tưởng văn tài, thì lại càng quý giá vô cùng”. Phan Thị Bạch Vân là tác giả nữ đầu tiên biết kết hợp hoạt động thương mại và hoạt động truyền bá văn hóa, văn học một cách tài tình và hiệu quả. Khác hẳn với những thư quán cùng thời, Nữ Lưu Thơ Quán có mục đích và tôn chỉ rõ ràng:

“Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao.

Trước tác, sưu tập, dịch thuật và lãnh xuất bản những cảo văn thật có giá trị về chánh trị, lịch sử, truyện ký, tiểu thuyết, phụ nữ vấn đề, nữ công, văn học, khoa học, thương mãi, thiệt nghiệp.

Những sách nhảm nhí thuộc về ái tình dâm phong, hoặc tả theo những lối quái dị trái hẳn với thể thống nước nhà, thì bao giờ cũng cự tuyệt.

Cái mục đích của Nữ Lưu Thơ Quán là lo làm sao cho đường đức dục, trí dục của chị em được mau tấn tới thế đồ, mà hưởng lấy cái hạnh phúc chung ở buổi tối tăm, mau kíp đến cái địa vị quý đẹp chị em phải có mà chưa có được…” (4).

Ra đời không bao lâu, Nữ Lưu Thơ Quán cho xuất bản một loạt tác phẩm của các giả nữ như: Gương Nữ Kiệt của Phan Thị Bạch Vân, Kim Tú Cầu, Hồng phấn tương tri của Đạm Phương nữ sử, Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài của Hoàng Thị Tuyết Hoa, Một đời mấy thân của Nguyễn Thị Đan Tâm, Băng tâm ngọc chất của Huỳnh Anh Thị… Bên cạnh tiểu thuyết, Nữ Lưu Thơ Quán còn ấn hành sách lịch sử như Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, Mỹ quốc cách mạng sử…; sách khoa học, chính trị như Học thuyết lược khảo…; sách dành cho phụ nữ như Sản dục giám, Tân nữ học sinh, Phụ nữ tân giáo khoa, Nữ công thường thức

Việc công khai truyền bá tư tưởng “thương nước thương dân, lo cho hậu vận nước nhà, ham mến quốc văn, bảo tồn quốc túy” (5) đã dẫn đến hậu quả một số tác phẩm của Nữ Lưu Thơ Quán bị cấm lưu hành như: Gương nữ kiệt, Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài, Băng tâm ngọc chất… Thư quán cũng bị đóng cửa sau đó ít lâu. Ngày 10-2-1930, Phan Thị Bạch Vân bị thực dân pháp giải ra tòa “về tội phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng” (6).

Phụ Nữ Tân Văn giới thiệu chân dung những người phụ nữ mới và có đóng góp đối với lĩnh vực in ấn, xuất bản, khuyến khích các chị em phụ nữ noi theo gương bà Thạnh Thị Mậu trên Phụ Nữ Tân Văn.

“Bà họ Thạnh này, tức là vợ ông Nguyễn Kim Đính, ở Sài Gòn và Gia Định này có nhiều người biết, người ta quen gọi là bà Hội đồng Đính. Song tôi chắc người ta chỉ biết bà vì hiện nay bà làm chủ một cái nhà in ở đường Reims mà thôi, chớ không mấy ai biết trải hai ba chục năm nay, bà đã từng làm một nữ tướng ở trong trường kinh doanh thương nghiệp rồi.

Công việc kinh doanh của bà họ Thạnh từ mấy cần xé cau khô hai chục năm trước, cho đến cái nhà in khá lớn ở đường Reims bây giờ, hình như nói với chị em ta rằng: Phải, tôi là đàn bà lớp xưa, nhưng chỉ xưa về học thuật kim thời, về sự điểm trang lòe loẹt mà thôi, chớ cái tư tưởng mưu sanh tự lập, thì xưa cũng như nay, chị em ráng kéo nhau lo kinh doanh chức nghiệp như tôi, thì vấn đề giải phóng nữ quyền sẽ chóng giải quyết hơn” (7).

Nhìn chung, Nữ Giới Chung tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trí thức của các thế hệ tiếp nối hoạt động xuất bản báo, viết báo. Từ 1929, Phụ Nữ Tân Văn xuất bản, với sự xuất hiện của các nhà báo nữ phản ánh xã hội Việt Nam hình thành tầng lớp “tân nữ lưu”, họ tham gia viết văn, làm báo. Các cây bút nữ tích cực kêu gọi tinh thần nữ quyền, quảng bá các hoạt động xã hội của phụ nữ, tham gia truyền thông báo chí, xuất bản đầu TK XX.

4. Kết luận

Ở Nam Bộ những thập niên đầu TK XX, chương trình khai thác thuộc địa của Pháp và những tiếp xúc văn hóa Đông - Tây tác động đến những chuyển biến đời sống văn hóa, xã hội con người vùng đất này. Trong đó, những chuyển biến vị thế và hoạt động báo chí, xuất bản của phụ nữ Nam Bộ là một trong những chuyển giao quan trọng có ý nghĩa lịch sử văn hóa. Cùng với phong trào Minh Tân và các phòng trào cách tân khác mang xu hướng thời đại, chính sách đổi mới giáo dục, sự ra đời của truyền thông - báo chí, xuất bản, đặc biệt là dòng báo chí phụ nữ… chung sức tạo dựng vị thế mới cho phụ nữ, từ đó chủ động tham gia, tương tác xã hội. Có thể nói, chính giáo dục và truyền thông là hai bình diện quan trọng mang đến cuộc cách mạng “vị thế” của phụ nữ Nam Bộ. Nếu như giáo dục mang đến tri thức, nhận thức mới thì truyền thông là nền tảng vừa bổ sung kiến thức, vừa là môi trường thực hành truyền thông, tương tác xã hội của phụ nữ đầu TK XX.

_________________________

1, 2. Bùi Trân Phượng, Việt Nam 1918-1945, giới và hiện đại: sự trỗi dậy những nhận thức và trải nghiệm mới, Tạp chí Thời đại mới, Paris, số 18, tháng 3-2010.

3. Daniel Lerner, Communications system and social system: Statistical exploration in history and policy (Hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống xã hội: Một cuộc thăm dò thống kê trong lịch sử và chính sách), Behavioral Science, số 2, tháng 10-1957, tr.266-275.

4. Tôn chỉ của Nữ Lưu Thơ Quán Gò Công của Phan Thị Bạch Vân in trong trang đầu tiểu thuyết Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sử, Nxb Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.

5. Hoàng Thị Tuyết Hoa, Nữ anh tài (cuốn 1), Nxb Bảo Tồn, Sài Gòn, 1929.

6. Mục Gần đây trong nước có những việc gì trong Tạp chí Phụ Nữ Tân Văn, số 39, ngày 13-2-1930, tr.25.

7. V.A, Chị em không nhờ chồng, Tạp chí Phụ Nữ Tân Văn, số 228, 2-10-1933.

Tài liệu tham khảo

1. Benedict Anderson, Cộng đồng tưởng tượng: Nguồn gốc và sự lan truyền chủ nghĩa dân tộc (Imgined communities: Reflections on the origin and spread of Nationalism), (Lưu Ngọc An dịch), Hiểu Việt Nam và Viện Nhân học văn hóa, Lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2018.

2. Đặng Thị Vân Chi, Một vài nét về báo chí Việt Nam thời thuộc địa (1865-1945), chuyencuachi.blogspot.com, 2-2-2016.

3. Hoai Hương Aubert - Nguyen và Michel Espagne (chủ biên), Việt Nam một lịch sử chuyển giao văn hóa, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2018.

4. Marr David G., Vietnam tradition on trial 1925-1945 (Truyền thống Việt Nam qua thử thách 1925-1945), Nxb Đại học California Berkerley, California, 1995.

5. Mc Hale, Shawn Frederick., Print, Power, and the transformation of Vietnamese culture 1920-1945 (In ấn, quyền lực, và sự biến đổi của văn hóa Việt Nam 1920-1945), Đại học Cornell, 1995.

6. Đạm Phương nữ sử, Kim Tú Cầu, Nxb Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.

7. Bùi Đức Tịnh, Giáo dục tại thành phố từ trước đến sau ngày hoàn toàn giải phóng, in trong Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập II), Trần Văn Giàu (chủ biên), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 1988, tr.423-427.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 23-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 14-4-2025; Ngày duyệt đăng: 25-4-2025.

Tha NGUYỄN THỊ TRÚC BẠCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025

;