Vở cải lương Huyền thoại gò Rồng ấp - Giàu tính hấp dẫn và mới lạ

Vở cải lương Huyền thoại gò Rồng ấp đã hấp dẫn được người xem bởi cách thể hiện khá mới lạ, giàu sáng tạo về sự ra đời còn nhiều bí ẩn của Lý Công Uẩn, vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý, cũng là vị hoàng đế quyết đoán dời đô từ Hoa Lư ra Đại La- Thăng Long, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử Việt nam. Kịch bản văn học của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ cũng đã từng được đạo diễn TS, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng cho Sân khấu Lệ Ngọc, nay cũng chính anh dựng cho Đoàn Cải lương thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Huyền thoại gò Rồng ấp mở đầu với khung cảnh rực rỡ như trong huyền tích với hình ảnh đôi rồng uốn lượn, vờn múa trong vũ điệu sản sinh… trên chiếc gò có ngôi chùa Tiêu do sư Vạn Hạnh trụ trì. Câu chuyện trở nên gay cấn khi Phạm Thị Ngà - người con gái quét lá, lấy nước cho ngôi chùa bỗng có thai sau một đêm đi dự lễ hội phồn thực trở về, ngủ quên trước cửa chùa, mở ra nghi vấn không lời giải đáp suốt hàng thiên niên kỷ trong lịch sử Việt Nam. Cùng với sự kiện đó, các nhà sư được nghe thiền sư La Quý An tiên đoán: Tương lai gò Rồng ấp sẽ là nơi phát mệnh đế vương mà vừa khéo, mộ cha mẹ của Phạm Thị Ngà được chôn trên gò. Theo suy luận, rất có thể đứa con do bà Phạm Thị Ngà sinh ra sẽ trở thành bậc đế vương có tài kinh bang tế thế. Sư Vạn Hạnh nhận rõ được nhiệm vụ của mình chính là phải bảo vệ cho sinh mệnh vừa được hình thành. Tin về lời sấm truyền này lan ra, gây nên những xáo trộn không nhỏ và có những kẻ âm mưu thay đổi vận mệnh dòng họ nhờ việc táng mả vào gò đất này đồng thời ra sức hãm hại chân mệnh thiên tử… Tuyến nhân vật phụ của vở diễn rất hấp dẫn do tận dụng được chất đối ngược với sư Vạn Hạnh và bà Phạm Thị Ngà bởi sự trắng trợn vô sỉ của gia đình phú hộ giàu có mà tham lam, thô bỉ, tục tĩu, không màng tới luân thường đạo lý, gây cảm xúc vừa hận vừa bực mình cho khán giả. Tiếng cười nhạo vì thế luôn vang lên trên khán phòng.

Trong chính sử sự ra đời của Lý Công Uẩn là một trong những câu chuyện mờ mịt bởi sự vùi lấp của thời gian, bởi nhuốm màu sắc huyền tích về sự khai sinh của những đấng bậc anh hùng dân tộc. Đưa khán giả trở về với thời kỳ cách đây hàng thiên niên kỷ, thời kỳ của triều đại phong kiến còn non trẻ, của nền văn minh lúa nước với nhiều lễ hội giàu tính phồn thực như lễ hội Tinh tinh phọc… đạo diễn đã có những mảng miếng rất lạ, giàu tính kỳ, hấp dẫn người xem. Trang phục, lễ nghi, phong tục thời kỳ xa xưa cùng những giáo lý của Phật giáo, một trong những quốc giáo thời kỳ này khiến người xem ngạc nhiên, yêu thích, có thêm những kiến thức sử học nhất định.

Với thế mạnh của Cải lương, phát huy sự sáng tạo của hình thức sân khấu kịch hát không quá bị gò bó bởi luật lệ, khuôn mẫu, đạo diễn và ê kip đưa tới một đêm diễn thăng hoa bởi những ước lệ hợp lý trong mô tả không gian thời gian, động tác mỹ lệ và sự hài hước ở các tuyến phụ. Tiếng cười xen lẫn sự xuýt xoa khi thán phục lời ca, giọng hát rất đẹp của dàn diễn viên có sự chuyên nghiệp, nhuần nhị trong diễn xuất. Họ thể hiện bản sắc của cải lương trong khi sử dụng những mảng miếng của chèo và sự chân thực khi vào vai của kịch. Người chuyển thể, tác giả Hoàng Song Việt dường như đem những hiểu biết, tình cảm của mình dành cho các nghệ sĩ cải lương Bắc để đưa tới những ca từ rất đẹp, phù hợp với tính cách, hoàn cảnh nhân vật và đặc biệt là phù hợp với chất giọng của các diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam. Cũng vì thế, dù vở diễn chưa thuyết phục được Hội đồng giám khảo của Liên hoan Cải lương Toàn quốc vừa qua tại Long An vì những sáng tạo có phần quá mới mẻ của ê kip sáng tạo, nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát đã có những huy chương vàng bạc lấp lánh mà tiêu biểu là huy chương vàng cho Minh Nguyệt (vai Thị Ngà), Quang Khải (vai Thiền sư Vạn Hạnh) và các huy chương bạc của các nghệ sĩ Xuân Thông, Dương Hằng, Ngọc Linh.

Từng dàn dựng kịch bản này cho sân khấu kịch, nay mang sang hình thức cải lương nên đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên đã làm mới lại chính mình để tạo ra những cảm xúc và ấn tượng mới mẻ. Bản dựng cho sân khấu cải lương đã được anh khai thác triệt để những giá trị của sân khấu truyền thống và cả những giá trị của nghệ thuật đương đại trong cách dàn dựng và diễn xuất. Tiếp thu, cập nhật cái mới, đổi mới tư duy sáng tạo luôn là điểm sáng cho những tác phẩm sân khấu gần đây của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, đặc biệt là của chàng đạo diễn yêu cái mới. 

Tác giả kịch bản vở Huyền thoại gò Rồng ấp, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương hài lòng với bản diễn này. Ông cho biết, mình rất hài lòng với cả hai bản diễn kịch nói và cải lương do đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng. 1 kịch bản văn học được dàn dựng ở hai thể loại sân khấu là kịch nói và cải lương nhưng đều thể hiện được nội dung tư tưởng và ý đồ của tác giả như thông điệp tư tưởng, yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh... Đồng thời mỗi bản diễn đều có sức hấp dẫn riêng bởi ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình. 

Các nghệ thuật phụ trợ như âm nhạc, ánh sáng và đặc biệt là thiết kế mỹ thuật đã góp phần không nhỏ cho sự biến ảo của sân khấu thêm linh hoạt trong thay đổi không gian, thời gian. Dùng cái tối giản để mở ra không gian tưởng tượng, dùng sự gợi ý để làm đầy hơn cảm xúc, cùng với nghệ thuật biểu diễn đã dẫn lối cho tư duy liên tưởng của khán giả, vở diễn đem lại những xúc cảm thẩm mỹ rất tốt, thấm được tư tưởng của tác phẩm: Cõi trời đất nước Nam là chốn địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh anh để hun đúc và sản sinh ra những con người anh hùng và chân lý cái ác, cái xấu xa phải lùi bước trước cái chân, cái thiện, lòng nhân ái của con người luôn được khẳng định một cách chắc chắn.

Tuy còn vài băn khoăn như sự lấn lướt thời lượng, sức thu hút của tuyến nhân vật phụ so với tuyến chính, ánh sáng đôi lúc còn trục trặc… nhưng vở diễn đã thực sự đem lại cảm xúc tích cực, tính thẩm mỹ nghệ thuật cho khán giả. Sự ủng hộ của khán giả đã cổ vũ rất nhiều cho các nghệ sĩ thăng hoa trong đêm diễn. Thêm một tác phẩm sân khấu hấp dẫn, mới mẻ ra đời, cũng là thêm một món ăn tinh thần đặc sắc cho công chúng, ghi thêm dấu ấn về sự đóng góp của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;