Hội nghị Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh - Nhiều vấn đề nóng được quan tâm

Sau khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu phía Nam, ngày 26/9/2022, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội), Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông điều hành Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chủ trì Hội nghị - Hội thảo

Phát biểu Khai mạc Hội nghị- Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc triển khai Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2022 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Để việc thực thi Luật Điện ảnh đạt hiệu quả, Bộ VHTTDL đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mong các đơn vị quản lý, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh góp ý hoàn thiện. Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị- Hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh cũng như đã lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Bộ VHTTDL đánh giá rất cao khi các ý kiến đã thẳng thắn đóng góp vào nhiều vấn đề được quan tâm. Đây là một Nghị định có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực phân phối, sản xuất, phát hành và phổ biến phim, nhập khẩu phim… Vì vậy, Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh trình bày báo cáo tóm tắt một số nội dung mới, cơ bản của Luật Điện ảnh. Báo cáo nêu bật các khái niệm mới và bổ sung một số thuật ngữ; Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Những điểm mới quan trọng về sản xuất phim; Chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam; Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim; Luật đã quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định thêm về các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng; Về lưu chiểu, lưu trữ phim; Về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Ông Lê Thanh Liêm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP: “Nghị định quy định hai nội dung chính gồm các hành vi được xác định xử phạt và chế tài xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo tính khả thi, hợp lý nhất. Qua rà soát, Nghị định 38 hiện hành chỉ xử phạt 43 hành vi, căn cứ theo Luật Điện ảnh cũ. Theo dự thảo mới căn cứ theo Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì có tới 60 hành vi có thể vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước về điện ảnh. Dự thảo Nghị định mới cũng đã rà soát các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, đảm bảo tính khả thi, hợp lý nhất”. 

Ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Theo đó, dự thảo quy định cụ thể 16 vấn đề được điều chỉnh với mục đích xây dựng Nghị định mang tính thực thi cao, phù hợp với thực tế của điện ảnh Việt Nam và thông lệ quốc tế. 

Tỷ lệ chiếu phim Việt Nam là một trong những nội dung được nhiều ý kiến quan tâm. Bà Virginia B. Foote - Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ cho rẳng: “Việc tiếp tục đòi hỏi 30% tỉ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam đối với các đài truyền hình đặt ra một rào cản tiếp cận thị trường và về lâu dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển và tính bền vững cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh hiện đại và cạnh tranh trong nước. Tỷ lệ thời lượng phát sóng cơ bản hạn chế quyền tiếp cận của các bộ phim nước ngoài. Điều này cũng cản trở sự phát triển của một môi trường công nghiệp điện ảnh mở và định hướng thị trường, điều cần thiết cho quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, điều này sẽ khiến các nhà làm phim trong nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất phim quốc tế”. 

Cảnh phim Mùa hoa tìm lại

Ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đóng góp nhiều ý kiến bám sát thực tế: “Quy định thời lượng phát sóng phim truyện VN đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình cần xem xét lại ở một số khía cạnh và làm rõ tỷ lệ này áp dụng với các kênh truyền hình quảng bá gồm 5 loại hình theo quy định của Luật Điện ảnh hay áp dụng đối với tổng thời lượng phim truyện... Trên thực tế, tỷ lệ này rất khó khả thi với các đài truyền hình trong nước, đặc biệt những Đài có quy mô vừa và nhỏ. Khó khăn trong việc mua bản quyền sẽ buộc các kênh truyền hình trong nước đầu tư sản xuất phim để đảm bảo tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí đầu tư để sản xuất phim cũng ngày càng tăng cao và cao hơn nhiều so với chi phí mua bản quyền phim. Việc vi phạm bản quyền phim trên nền tảng Internet trở nên rất nghiêm trọng và gây thiệt hại rất lớn cho những đơn vị đầu tư sản xuất phim. Đài truyền hình VN đề xuất quy định tỷ lệ phát sóng phim VN là 10% thay vì 30%”

Xung quanh việc thành lập Quỹ hỗ trợ Phát triển Điện ảnh, có nhiều ý kiến đóng góp rất thiết thực. Ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng: “Quy định tỷ lệ phần trăm nộp vào Quỹ nêu tại khoản 3 điều 21 của dự thảo là chưa rõ cơ sở thực tiễn. Việc này cần phải có đánh giá tác động đến các đối tượng chịu sự tác động của quy định và làm rõ hơn trước khi đưa vào Dự thảo. Nên bỏ quy định trích 0,05 % tiền thuê bao của truyền hình trả tiền, doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình bởi quy định này là không hợp lý và là “phí chồng phí”. Cần quy định các đơn vị sở hữu kênh, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, các đơn vị cung cấp nội dung xuyên biên giới cam kết trích một tỷ lệ phần trăm doanh thu nhất định để đầu tư sản xuất phim Việt Nam”.

Bà Virginia B. Foote - Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ bày tỏ: “Điều 21 về Quỹ Hỗ trợ Phát triển Điện ảnh: Chúng tôi đề nghị tập trung vào nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và bộ kỹ năng ở Việt Nam. Ví dụ, gánh nặng hành chính khi thu 3% từ doanh thu bán vé xem phim nhập khẩu tại rạp, 1% từ phí thuê bao phim OTT, 0,05% từ phí thuê bao truyền hình trả tiền, 0,5% từ doanh thu quảng cáo chương trình truyền hình và 5% từ hậu kiểm phí, sẽ rất lớn. Các quỹ này về cơ bản nên được coi là một khoản thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp và phim được phổ biến ở Việt Nam, cuối cùng làm tăng gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp thay vì cung cấp hỗ trợ cần thiết cho sự phát triển của ngành. Hơn nữa, khoản thuế bổ sung này sẽ được chuyển tiếp cho người tiêu dùng, những người mà lợi ích và khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”.

Một nội dung khác cũng được nhiều ý kiến thảo luận là quy định về phân loại và phổ biến phim trên không gian mạng. Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN chỉ ra một số điểm bất cập trong điều luật về phổ biến phim trên không gian mạng. Dẫn Điều 12, ông Thành góp ý ban soạn thảo cân nhắc điều kiện muốn thực hiện việc phổ biến trên không gian mạng thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hoạt động phổ biến phim có phát sinh thuế ở Việt Nam. Đại diện Bộ Tư pháp chỉ ra điều kiện phổ biến phim trên không gian mạng còn chung chung, nhất là ở quy định “thành viên đủ năng lực phân loại phim”. 

Bà Virginia B. Foote - Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ nhận định: “Khoản 2, Điều 15 của Nghị định quy định khoảng thời gian rất ngắn để doanh nghiệp có đủ thời gian xem xét yêu cầu gỡ bỏ và gửi đơn khiếu nại. Yêu cầu gỡ phim thường được xử lý ở cấp độ toàn cầu để đảm bảo người dùng có khả năng tiếp cận nội dung nhất quán trên tất cả các thị trường. Bên cạnh đó, việc chênh lệch múi giờ giữa bên quản trị và bên gửi yêu cầu gỡ bỏ khiến việc xem xét và đưa ra kết luận về yêu cầu gỡ bỏ trong vòng 24 giờ là khó khả thi”.

Nhiều ý kiến đại biểu góp ý vào những vấn đề như quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị. Ông Lê Hồng Chương - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam băn khoăn về cách đặt hàng phim. “Chúng ta xây dựng công nghiệp điện ảnh - nghĩa là tạo ra sản phẩm văn hóa đưa ra thị trường. Nhìn vào số lượng phim và doanh thu có thể thấy điện ảnh phát triển khá tốt, nhưng cách đầu tư của Nhà nước và định hướng điện ảnh cần xem lại cho phù hợp. Không có chuyện Nhà nước đầu tư 100%, bởi các nhà sản xuất sẽ không quan tâm phát hành ra rạp. Giữa sản xuất và phát hành phim đặt hàng hiện nay đang rời nhau, sản xuất không quan tâm đến lợi nhuận phát hành phim”.

Cảnh phim Phố trong làng

 Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch BHD đề xuất cần có chính sách khuyến khích chiếu phim Việt, quy định giờ chiếu đẹp để tăng doanh thu hoặc chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ sản xuất phim. Đặc biệt phim VN giới thiệu được các danh lam thắng cảnh của VN, vé vào các danh lam thắng cảnh để quay phim cũng đề nghị được miễn hoặc giảm. Các doanh nghiệp chiếu phim xin được hoạt động kinh doanh giải trí về đêm để các doanh nghiệp có thêm thời lượng kinh doanh để có thể tối đa hóa lợi nhuận.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận tất cả những ý kiến của các đại biểu đều sát với thực tế, trao đổi về những thực tiễn đã và đang diễn ra, những mong muốn tiếp theo để làm sao giải quyết các thủ tục hành chính, tăng cường các hiệu quả trên thực tế và quy định rõ ràng rành mạch hơn để dễ hiểu, dễ thực hiện hơn sau này. “Nhiều điều khoản khác nhau cũng đã được các đại biểu cho ý kiến, phản hồi các thông tin để chúng tôi sẽ phản hồi, tiếp thu và chỉnh sửa sao cho phù hợp với thực tiễn. Một khó khăn là trong thời gian ngắn chúng ta chưa thể đánh giá được những tác động của chính sách đối với các đối tượng bị tác động, chúng tôi sẽ xem xét các ý kiến. Cần có thêm những căn cứ về mặt pháp lý, thêm những đánh giá trên thực tế cũng như những hướng giải quyết, học tập kinh nghiệm của quốc tế để xây dựng luật sao cho thật hiệu quả. Sau Hội nghị- Hội thảo tại Hà Nội, Bộ sẽ đăng tải dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin của Bộ trong 20 ngày để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp. Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến và có những điều chỉnh phù hợp Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ”.

LÊ MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

;