Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022: Thành công ở nhiều góc độ

Đến hẹn lại lên, cứ 3 năm một lần, các nghệ sĩ chuyên nghiệp làng chèo lại tụ hội, gặp nhau tại Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Đây là dịp những người làm nghề trổ hết tài năng, tâm huyết, trình diễn những tác phẩm sân khấu chèo chọn lọc, được chuẩn bị kỹ càng, dàn dựng công phu nhất để đem ra “trình làng”. Đây cũng là dịp những người làm chèo chuyên nghiệp học hỏi lẫn nhau, tạo nên một sức mạnh tập thể để gìn giữ, phát huy thế mạnh của nghệ thuật chèo. Liên hoan năm nay diễn ra từ ngày 12 - 28/10/2022 tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam, có 16 đơn vị nghệ thuật chèo tham gia với 27 vở, thi diễn trong suốt 14 ngày đêm.

Vở Tình sử ngàn năm (Nhà hát Chèo Quân đội)

Nội dung đề tài phong phú, đa dạng 

Có thể nói 27 vở diễn tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022, nghệ thuật sân khấu chèo đã chuyển tải được rất nhiều nội dung: từ đề tài lịch sử (Chuyện nhà Đinh, nhà Lý, Nhà Trần, nhà Lê) đến các chuyện về dân gian như Trạng Lợn, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, Ván cờ oan trái, Vang bóng một thời . . . đến những câu chuyện xúc động thời đại Hồ Chí Minh. Sự hy sinh của 10 cô gái Lam Hạ (Những vì sao không tắt) hay câu chuyện 60 anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong hy sinh ở Lưu Xá, Thái Nguyên (Lưu Xá - một thời hoa lửa ). Rồi những câu chuyện của hôm nay với bộn bề cuộc sống cũng được chèo hóa để đến với Liên hoan (Tình Mẹ, Biển cả và đất liền). Với thế mạnh của chèo là tính kỳ và huyền thoại hóa, dưới ngòi bút và dàn dựng của các tác giả, đạo diễn những câu chuyện của người xưa và của hôm nay được tái hiện bằng cả một niềm yêu kính, giàu chất thơ, đậm chất chèo. Một số nhà hát, đoàn nghệ thuật luôn “ưu tiên’’ danh nhân quê hương nên các vở tham gia Liên hoan mang đậm tính chất vùng miền rõ rệt. Nếu như Nhà hát Chèo Thái Bình mang đến Liên hoan câu chuyện về Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, một người con của Hưng Hà; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định xây dựng hình tượng Tổng Bí thư Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), người con của quê hương Xuân Trường, thì Nhà hát Chèo Ninh Bình khai thác “chuyện ngoài chính sử” với triều đại nhà Đinh; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh là câu chuyện xúc động về Đức ông Trần Quốc Tảng với Dấu thiêng Đông Hải; Nhà hát Chèo Hải Dương chọn đề tài về hai danh nhân của quê hương với Thần tướng Yết KiêuDuyên nợ cùng chèo, viết về nghệ nhân chèo Cả Tam, một trong những người đã xây dựng nền móng cho sân khấu chèo cách mạng. Nhà hát Chèo Hưng Yên mang đến Liên hoan một trong những ông trùm chèo đầu thế kỷ XX với vở Nguyễn Đình Nghị, Nhà hát Chèo Việt Nam thể hiện hình tượng Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm…

Từ những tác giả trẻ thuần chèo 

Điều đáng mừng là tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 xuất hiện một loạt các tác giả trẻ lần đầu có vở diễn tham gia Liên hoan, trong đó phải kể đến tác giả Mai Văn Sinh. Sinh năm 1980, từng là sinh viên chuyên nghành Biên kịch kịch hát dân tộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Được các thầy là TS, Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn (chèo); TS, Nhà viết kịch Xuân Yến (Tuồng) dìu dắt, Mai Văn Sinh còn được thầy Quang Vinh (chủ nhiệm khoa Sân khấu ) yêu mến dạy thêm cải lương . . . Cuối cùng Sinh tốt nghiệp với một vở kịch hát rất thơ. Ra trường cũng có vài nơi muốn nhận nhưng xa, xin ở gần thì khó. Gần 20 năm Sinh long đong lận đận, lấy vợ, sinh con và mưu sinh. Nghề viết thì thi thoảng có viết lẻ tẻ vài bài, viết giúp chỗ này chỗ kia ca cảnh, hoạt cảnh, nhưng không còn viết vở nữa. Thật tình cờ, NSND Minh Thu, sau vài lần nhờ Sinh viết bài lẻ, đã nhận ra tài năng và trình độ biên kịch kịch hát sân khấu của Sinh. Chị đã đứng ra “bảo lãnh” và dìu dắt Sinh (vừa viết kịch bản, vừa chuyển thể) một lúc 4 vở chèo: Trung Trinh liệt nữ (Nhà hát Chèo Hà Nội - huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022 vừa qua). Tại Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022, Mai Văn Sinh có 3 vở tham gia, 2 vở với tư cách là chuyển thể (Những vì sao không tắtKhóc giữa trời xanh - Trung tâm Văn hóa Hà Nam) và Vang bóng một thời - Đoàn Chèo Hải Phòng. Cả ba vở đều đạt huy chương, một huy chương Đồng và 2 huy chương Vàng. Các vở diễn do Mai Văn Sinh đứng tên tác giả kịch bản chèo hay chuyển thể đều được bạn nghề đánh giá cao. Đặc biệt là cái gật đầu đầy yêu thương của thầy giáo, TS Trần Đình Ngôn.

Vở Mật chỉ giữa hoàng cung (Nhà hát Chèo Quân đội)- Ảnh: Huy Quang

Người thứ hai lần đầu xuất hiện có vở diễn tại Liên hoan Chèo lần này là Nguyễn Đức Minh. Nguyễn Đức Minh là “con nhà chèo”, bố là nhạc công khá nổi tiếng của Nhà hát Chèo Thái Bình, nhưng anh lại không theo nghiệp chèo. Nguyễn Đức Minh theo học kỹ thuật tại Trung Quốc và hiện là giảng viên của trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội. Duyên chèo, nghiệp chèo đưa đẩy, Minh tập hát chèo, làm karaoke chèo, học lại kéo nhị (nghề của bố) rồi bắt đầu viết bài lẻ cho chèo. Tài lẻ của Nguyễn Đức Minh đã đưa anh đến với đạo diễn Lê Thanh Tùng. Lần đầu tiên ra mắt làng chèo chuyên nghiệp với vở diễn Bến đợi nhưng Nguyễn Đức Minh tỏ ra chững chạc, có nghề. Dù là chèo hiện đại nhưng lối văn đối thoại biền ngẫu, các câu hát được bắc cầu bằng thơ, những câu hát bắt vận với nhau khéo léo, đẹp về ca từ, được anh em bạn nghề đánh giá cao. Bên cạnh 2 tác giả “mới toanh” một số tác giả chèo còn rất trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề vẫn duy trì đà viết khá sung sức như: Nguyễn Sỹ Sang, Hồng Mặc Cát, Trần Hồng Vân, Lê Thế Song v v . . . Sự xuất hiện của các tác giả “thuần chèo “ đã giúp cho Liên hoan Chèo năm năm nay văn chương chữ nghĩa, làn hát, hát đối thoại đậm chất chèo.

Đến những đạo diễn "người làng chèo" 

Nếu như ở các Liên hoan, hội diễn trước đây, 50-70% các vở chèo là do các đạo diễn lừng danh tên tuổi của kịch nói đạo diễn thì năm nay, Liên hoan Chèo vui mừng bởi sự xuất hiện đông đảo của các đạo diễn “người làng chèo “. Họ vốn là những nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ lừng danh, yêu say chèo, quyết làm nghề. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn không quên chèo, 4 vở diễn do chị đạo diễn đều là những vở diễn có chất lượng cao, có những mảng miếng rất chèo, thể hiện vai trò đạo diễn rất rõ ràng, tư tưởng của vở khúc triết, mạch lạc, đường nét sân khấu chỉn chu. Có thể kể ra đây thêm một loạt các đạo diễn vốn là những nghệ sĩ, diễn viên lừng danh của làng chèo như: NSND Thanh Ngoan, các NSƯT: Lê Tuấn Cường, Lê Thanh Tùng, Đoàn Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam ), NSƯT Lê Tuấn, NSƯT Trần Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội); NSND Trương Hải Thọ (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa), NSƯT Nguyễn Quang Thập (Ninh Bình), NS Đỗ Duy Thông (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định)... Mặc dù còn một số điều đáng bàn, nhưng chỉ điểm tên vậy cũng đã cho thấy sự lớn mạnh, vững vàng trong đội ngũ đạo diễn của nghệ thuật sân khấu chèo đương đại.

Vở Những vì sao không tắt (Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam) - Ảnh: Tuấn Minh

Nghệ sĩ - Diễn viên: Trung tâm của liên hoan 

Có thể khẳng định, tiếp nối các thế hệ nghệ sĩ đi trước, các nghệ sĩ của các đoàn, các nhà hát chèo, các đoàn nghệ thuật hiện nay đông đảo về số lượng, được nâng cao về chất lượng và lửa nghề luôn bùng cháy. Có một điều không thể phủ nhận, các nghệ sĩ chèo hôm nay may mắn hơn nhiều các bậc tiền bối vì họ được sống trong thời đại mới, thời đại 4.0. Nhiều người nghĩ chèo là “âm lịch”, công nghệ 4.0 thì có tác dụng gì. Xin thưa, vô cùng to lớn. Ấy là các nghệ sĩ hôm nay có thể lên mạng nghe lại những bài hát chèo hay nhất, những giọng hát chèo đẹp nhất để học. Có thể gọi Zalo, Face book cho thầy cô, dù thầy cô đang ở đâu, để học hỏi những kiến thức cơ bản, thậm chí có thể học vai diễn từ xa... Nổi bật lên trong Liên hoan lần này là các nghệ sĩ trẻ. Họ được các cô, bác anh chị đi trước chăm chút, gửi gắm và thậm chí cả nhường vai để hy vọng vào một đội ngũ kế cận của chèo. Tôi đã xem và tôi đã thấy những giọng hát, vai diễn đáng yêu của Liên hoan chèo lần này như: Thục Hiền (Nhà hát Chèo Việt Nam), Lê Trọng Khởi, Lê Vân, Bùi Dũng (Nhà hát Chèo Thái Bình), Thanh Huấn, Hồng Sen (Nhà hát Chèo Quân đội), Xuân La (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), Mạnh Thắng (Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam), Quang Dương, Hồng Thắm, Trúc Mai (Nhà hát Chèo Hà Nội) v v . . . Nhìn vào đội ngũ diễn viên hôm nay khán giả có thể tin rằng nghệ thuật chèo sẽ được gìn giữ, phát huy một cách tốt nhất.

Những thành phần không thể thiếu 

Âm nhạc là thành phần vô cùng quan trọng, nó quyết định thành hay bại cho một vở diễn, chính vì vậy các đoàn nghệ thuật chưa mấy tin tưởng vào những nhạc sĩ mới. Hầu hết các nhạc sĩ viết nhạc các vở diễn năm nay là những người đã từng cầm chịch ở liên hoan trước và nhiều cuộc thi trước nữa. Cá biệt có nhạc sĩ viết nhạc cho hàng chục vở diễn của Liên hoan. Nhưng quả thật, xem, nghe nhạc của các nhạc sĩ ở liên hoan này thấy vui vì âm nhạc không còn chỉ mang tính minh họa cho cảnh diễn, vở diễn nữa, mà âm nhạc gián tiếp, trực tiếp tham gia vào xung đột, tạo cao trào hay sự gay cấn cho các tình huống của kịch. Đặc biệt âm nhạc diễn tả được những cảnh huống lớn như bom rơi đạn nổ, vó ngựa sa trường, hồn ma vọng về, hay cả một đầm sen thơm ngát...

Các họa sĩ tham gia Liên hoan lần này cũng đã có những sáng tạo đặc biệt. Không gian sân khấu thoáng, bục, bệ, kệ . . . ít hơn . Mỗi một cảnh chí hay đạo cụ được bày ra sân khấu đều phải phát huy nhiều tác dụng. Chẳng hạn như vở Dấu thiêng Đông Hải, họa sĩ - NSƯT Nguyễn Đạt Tăng đã tách chữ Trần bằng chữ Hán thành 3 phần. Chữ Trần ấy chiếm một vị trí khá lớn trên sân khấu, khi nhà Trần lục đục thì 3 phần của chữ Trần lung lay, nghiêng ngả, khi giặc Nguyên Mông sang xâm chiếm thì 3 phần chữ Trần tách rời nhau, khi chiến thắng thì 3 phần chữ Trần lại được ghép lại thể hiện hào khí Đông A rạng ngời trang sử nước nhà. Bên cạnh đó, hệ thống âm thanh, ánh sáng rất có nghề, vững vàng cũng đã góp phần làm nên thành công của các vở diễn. 

Rất đông khán giả đến xem và động viên các nghệ sĩ - Ảnh: Tuấn Minh

Một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của Liên hoan Chèo toàn quốc năm nay đó là khâu tổ chức. Đây là lần đầu tiên tỉnh Hà Nam đăng cai tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc nhưng mọi khâu đều chuẩn bị rất kỹ càng, các tình huống đều được đặt ra để xử lý kịp thời. Ban Tổ chức sắp xếp nơi ăn, chốn ở và đi lại thuận tiện. Chỗ để xe, ghế ngồi đều được sắp xếp khoa học, hợp lý. 

Có thể nói Liên hoan Chèo 2022 đã thành công tốt đẹp. Những vở diễn hay, giọng hát ngọt…sẽ còn đọng mãi trong lòng bạn nghề và công chúng yêu chèo Hà Nam. Sau Liên hoan là cả một chặng đường phía trước biết mấy gian nan, nhưng chúng tôi tin lãnh đạo và nghệ sĩ các đoàn, các nhà hát sẽ cùng góp sức chung tay giữ gìn nghiệp tổ thành công.

 

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 41 cá nhân, Huy chương Bạc cho 66 cá nhân, Huy chương Đồng cho 9 cá nhân. 

Trao 1 giải Xuất sắc, 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các vở diễn. Trong đó, vở diễn xuất sắc nhất được trao cho vở Đất liền và biển cả của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương vàng được trao cho các vở: Linh từ Quốc mẫu - Nhà hát Chèo Hà Nội; Vang bóng một thời (Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân) - Đoàn Chèo Hải Phòng; Khóc giữa trời xanh - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; Nguyễn Đình Nghị - Nhà hát Chèo Hưng Yên; Mật chỉ giữa hoàng cung - Nhà hát Chèo Quân đội; Thiên duyên huyền tích -  Nhà hát Chèo Thái Bình. 

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo gồm: tác giả, Nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương với vở Đất liền và biển cả - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Đạo diễn, NSƯT Hoài Thu vở Linh từ Quốc mẫu - Nhà hát Chèo Hà Nội; nhạc sĩ Vũ Thiềng vở Đất liền và biển cả - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Biên đạo múa ThS Hoài Anh vở Vang bóng một thời - Đoàn Chèo Hải Phòng.

MAI VĂN LẠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;